Marco van Basten: Từ sai lầm của Fiorentina đến cuộc chiến với Arrigo Sacchi

Van Basten

Marco van Basten đã làm cho AC Milan của Chủ tịch Silvio Berlusconi trở nên vĩ đại. Tuy nhiên, ít người biết rằng anh từng có cơ hội đến Italia chơi bóng sớm hơn, nếu không có màn quay xe của Fiorentina.

Tuyệt vời, tàn khốc, đầy ấn tượng và ngoạn mục. Đó là một vài tính từ xứng đáng dành cho Van Basten. Với 125 bàn thắng sau 201 lần ra sân, trong đó có 90 bàn sau 147 lần góp mặt ở Serie A, “Thiên nga vùng Ultrecht” là một trong những nhà vô địch vĩ đại nhất từng làm nên lịch sử cho Grande Milan.

Với Rossoneri, Van Basten giành được gần như mọi danh hiệu: 3 Scudetti, 2 Supercoppa Italiana, 2 Siêu cúp châu Âu, 2 Cúp Liên lục địa. Ở cấp độ cá nhân, anh sở hữu 2 danh hiệu Vua phá lưới Serie A, 1 lần giành Vua phá lưới cúp C1 châu Âu, 3 lần được vinh danh ở giải thưởng Quả bóng vàng. Cũng trong khoảng thời gian khoác áo Rossoneri, anh cùng tuyển Hà Lan vô địch EURO 1988. Trước đó, tuổi trẻ của Van Basten gắn liền với màu áo Ajax Amsterdam. Tại đây, anh giành được 3 UEFA Cup Winner’s Cup, 3 Eredivisie, 3 KNVB Cup, 4 danh hiệu Vua phá lưới Eredivisie, 1 Chiếc giày vàng châu Âu.

Không ai biết được Van Basten sẽ còn giành được bao nhiêu danh hiệu nếu mắt cá chân phải không bị đau, buộc anh phải giải nghệ sớm ở tuổi 30, vào ngày 17/8/1995, sau 2 mùa giải cố gắng trở lại sân cỏ trong vô vọng. Và cũng rất có thể những danh hiệu ấy sẽ không đến nếu anh bắt đầu chơi bóng ở Italia trong một màu áo khác: Fiorentina.

Fiorentina
Thỏa thuận nháp giữa Fiorentina và Van Basten. Ảnh: Goal.

Thỏa thuận của Van Basten với Fiorentina

Tháng 4/1986, Van Basten đã ký thỏa thuận ưu tiên gia nhập Fiorentina. Claudio Nassi, người giữ chức vụ Tổng giám đốc đội bóng vùng Toscana vào thời điểm ấy, đã rất mến mộ tài năng của tiền đạo người Hà Lan. Quá trình thương lượng với Ajax Amsterdam nhanh chóng đi đến sự thống nhất. Bức ảnh chụp Nassi và Van Basten được in đen trắng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, được treo trong phòng làm việc của cựu quan chức La Viola.

Theo thỏa thuận, Van Basten sẽ cập bến Comunale với giá 6 tỷ lire. Số tiền này được trả trong vòng 3 năm. Ngoài ra, Fiorentina cũng buộc phải chiêu mộ Wim Kieft của Ajax Amsterdam với giá 1,6 tỷ lire để làm bạn với “Thiên nga vùng Ultrecht”. Tổng giá trị của 2 thương vụ này là 7,6 tỷ lire. Tại Fiorentina, Van Basten nhận mức lương 600 triệu lire trong 3 năm hợp đồng cùng một căn hộ ở trung tâm thành phố và một chiếc ô tô do La Viola thuê. Ý tưởng của ban lãnh đạo đội bóng áo tím là xây dựng một hàng công rất mạnh, xoay quanh chàng tiền đạo trẻ Roberto Baggio (người đã bình phục chấn thương đầu gối), Van Basten và Ramon Diaz. Cả ba đều rất tuyệt vời, đây chính là hàng công trong mơ của người hâm mộ Fiorentina.

Thế nhưng, một biến cố lớn đã xảy ra, khiến giấc mơ ấy tan thành mây khói. Quyền ưu tiên mua Van Basten của Fiorentina có thời hạn đến ngày 1/7/1986. Trước đó không lâu, Chủ tịch Ranieri Pontello muốn Nassi trở thành người kế nhiệm vị trí của ông. Nassi đã suy nghĩ về điều đó nhưng cuối cùng lại nói không. Piercesare Baretti trở thành tân Chủ tịch Fiorentina. Nassi không còn nằm trong kế hoạch của nhân vật quyền lực mới nhậm chức nên quyết định rời CLB. Kể từ đây, cơ hội để người hâm mộ Fiorentina nhìn thấy “Thiên nga vùng Ultrecht” xuất hiện ở xứ Toscana cũng không còn.

Nhiều năm sau, Nassi kể lại thương vụ này trong một buổi trả lời phỏng vấn: “Mọi chuyện đã xong, tôi vẫn còn giữ hợp đồng bằng văn bản để chứng minh. Nhờ Pontello, chúng tôi có một đội hình sẵn sàng tranh chấp Scudetto và UEFA Cup. Nhưng sau đó, tôi rời đi và quyền ưu tiên mua Van Basten không được kích hoạt”.

Van Basten
Van Basten đến trải qua khoảng thời gian hạnh phúc cùng AC Milan. Ảnh: Getty Images.

Mối duyên giữa Van Basten và AC Milan bắt đầu

Một năm sau, đến lượt AC Milan ngỏ lời với Ajax Amsterdam để có được Van Basten. Đội chủ sân San Siro chấp nhận bỏ ra 1,75 tỷ lire để thuyết phục phía đối tác nhượng lại tiền đạo người Hà Lan. Ở tuổi 23, Van Basten có sự khởi đầu như mơ tại Rossoneri. Ngay trong ngày ra mắt Serie A, anh đã dứt điểm tung lưới Pisa. Như chúng ta đã biết, Van Basten giành được vô số danh hiệu cùng đội bóng áo sọc đỏ đen. Tuy nhiên, những cơn đau ở mắt cá chân cũng bắt đầu hành hạ anh. Và theo thời gian, mối quan hệ của anh với HLV Arrigo Sacchi bắt đầu rạn nứt.

Van Basten kể lại trong cuốn tự truyện Fragile của mình: “Nếu một ngày nào đó, tôi cảm thấy cơ thể ổn hơn một chút, tôi có thể hoàn thành mọi bài tập theo đúng giới hạn đề ra. Song trên thực tế, tôi chưa bao giờ đạt được điều này 100%. HLV Sacchi dần hiểu rằng mắt cá chân khiến lối chơi của tôi bị hạn chế. Vậy nên, ông ấy thích sử dụng Ruud Gullit và Pietro Paolo Virdis ở vị trí tiền đạo. Theo lý giải của Sacchi, ông ấy muốn xây dựng lối chơi ‘trấn áp khu vực’. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó không khác gì việc dùng tiền đạo để phòng ngự từ xa. Gullit cũng không cảm thấy hài lòng, thậm chí là rất khó chịu”.

Đặt mua tự truyện của Marco van Basten tại đây

“Tôi đã quen với phương pháp huấn luyện của Johan Cruyff. Thế giới đã chỉ ra rằng không có HLV nào đủ trình để so với ông ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Sacchi bất tài. Tôi và ông ấy không thể làm việc ăn ý chỉ vì giữa chúng tôi có sự khác nhau về quan điểm bóng đá, đặc biệt là về vấn đề chiến thuật. Ở Ajax Amsterdam, chúng tôi chơi theo sơ đồ 4-3-3. Hàng tiền đạo 3 người giúp tôi chạm đến đỉnh cao. Còn ở AC Milan, Sacchi sử dụng sơ đồ 4-4-2, với chỉ 2 tiền đạo và một hệ thống phòng ngự chắc chắn. Sacchi tự tin tuyên bố rằng đó là hệ thống tấn công mang tính cách mạng và đặt tên cho ý tưởng của mình là ‘trấn áp khu vực’”.

“Tại AC Milan, Sacchi trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn và có mối quan hệ tuyệt vời với nhiều nhà báo. Tất cả cho phép ông ấy quảng bá lối chơi của mình giống như điều gì đó mới mẻ, đi ngược lại xu hướng bóng đá Italia. Tất cả tờ báo đều dành lời ca tụng cho hệ thống được Sacchi xây dựng. Họ nói rằng hệ thống này mang tính cách mạng, chưa từng xuất hiện ở Italia. Điều đó làm cho tôi khó chịu. Tôi không cảm thấy có bất kỳ tính cách mạng nào và lối chơi ấy cũng không hề trấn áp được đối thủ. Sơ đồ của Sacchi chỉ giúp chúng tôi giành chiến thắng bằng cách phòng ngự. Nhưng tất nhiên, khi đội đã thắng thì HLV luôn đúng”.

AC Milan
Van Basten và Sacchi chưa bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp. Ảnh: Getty Images.

“Về đời sống cá nhân, giữa tôi và Sacchi cũng có khoảng cách. Ông ấy hay gọi tôi là kẻ ủ rũ, thường xâu các hành động của tôi thành một chuỗi. Sacchi cũng cho rằng tôi rất khó hiểu và không bao giờ đoán được tôi đang nghĩ gì. Còn đối với tôi, Sacchi chưa đủ thẳng thắn. Ông ấy luôn quá mềm mỏng với các cầu thủ được xem là ngôi sao của đội. Ví dụ, khi tôi tập luyện quá chậm, Sacchi lại buông lời nhắc nhở gay gắt với các cầu thủ trẻ: ‘Nào, thôi nào, tiếp tục đi chứ!’. Trên thực tế, ông ấy đang giận tôi. Tôi thích được nói chuyện thẳng thắn với hơn là một lời nhắc nhở gián tiếp như vậy”.

“Với Sacchi, bạn có thể mong đợi sự tử tế, lịch sự. Nhưng trên hết, bạn phải tuân thủ những bài giảng chiến thuật và kế hoạch trận đấu. Chưa lần nào chúng tôi được chơi một trận đấu tự do mà không phải thảo luận quá nhiều về những giải pháp chiến thuật. Đôi khi, tôi chỉ muốn chơi bóng một cách đơn giản. Cầu thủ bóng đá nào cũng muốn bản thân không được nghĩ quá nhiều khi bước vào sân. Trong khi đó, Sacchi lại yêu cầu chúng tôi dồn toàn tâm toàn sức để nghe theo chỉ đạo của ông ấy. Sacchi dường như bị ám ảnh bởi lối chơi của mình. Ông ấy nghĩ về nó vào mọi thời điểm trong tuần, không có bất kỳ ngoại lệ nào dù cho màn đêm đã buông xuống. Khi chúng tôi ngủ trong khách sạn trước một trận đấu, ai ngủ cạnh phòng của Sacchi đều sẽ bị đánh thức bởi những tiếng hét ‘Việt vị! Việt vị!’ và nhiều cụm từ tương tự. Lần nào chuyện đó cũng xảy ra”.

Van Basten
HLV Capello đến và giúp Van Basten trải qua khoảng thời gian thăng hoa nhất sự nghiệp.

Giọt nước cuối cùng cũng làm tràn ly. Mối quan hệ giữa Sacchi và Van Basten trở nên tồi tệ ở mùa giải 1990/91, mùa giải thứ 4 mà họ làm việc cùng nhau. Khi mọi chuyện không thể hàn gắn, một trong hai người phải ra đi. Và người đó chính là Sacchi.

“Mùa xuân năm 1991, khi Sacchi bắt đầu đưa ra lời giải thích khác về sơ đồ chiến thuật và vai trò mà ông ấy sẽ giao cho tôi, quả bom đã sẵn sàng phát nổ. Tôi hoàn toàn phát chán với những gì đang diễn ra. Người massage cho tôi cũng đã chứng kiến cuộc đối đầu đó. Khi Sacchi đang thao thao bất tuyệt, tôi ngắt lời và nói với ông ấy: ‘Thưa HLV, tôi muốn làm rõ một điều. Ông cứ nói rằng chúng tôi là người chiến thắng vì toàn đội đã tuân thủ chiến thuật của ông. Song tôi lại nghĩ khác. Chúng tôi có thể giành được tất cả những danh hiệu đó ngay cả khi ông không có mặt’. Ngay lập tức, bầu không khí trở nên yên lặng đến đáng sợ”.

“Sacchi nhìn tôi như thể tôi vừa đâm nhát dao vào tim ông ấy. Ông ấy rất sốc, liền rời khỏi phòng mà không nói một vời. Sau này, khi nghĩ lại, tôi cảm thấy lẽ ra mình phải cư xử khác đi, thể hiện bản thân theo cách khác. Sacchi không đáng bị tôi đâm như vậy. Nhưng mọi chuyện đã đi quá xa. Sacchi liền tìm gặp Chủ tịch Silvio Berlusconi, nói rằng điều kiện làm việc ở AC Milan không còn thoải mái như trước. Ông ấy yêu cầu Chủ tịch phải lựa chọn giữa tôi và ông ấy. Cuối cùng, ngài Berlusconi đã chọn tôi. Tôi muốn ở lại AC Milan, nơi tôi đang cảm thấy thoải mái và có thể chơi bên cạnh những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Chúng tôi cùng nhau giành chiến thắng liên tục, trong khoảng thời gian rất dài. Về băng ghế huấn luyện, Fabio Capello ngay lập tức đến để thay thế Sacchi”.

Van Basten
Ngày anh nói lời giã từ, ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng phải rơi nước mắt.

Dù tâm lý thi đấu bị ảnh hưởng, Van Basten vẫn có những màn trình diễn ở đẳng cấp cao nhất dưới sự dẫn dắt của Sacchi. Sau khi Capello tiếp quản di sản của “nhà tiên tri Fusignano”, anh tiếp tục cống hiến hết mình cho AC Milan, từ năm 1991 đến năm 1993. “Thiên nga vùng Ultrecht” nhớ lại:

“Thành thật mà nói, kỷ nguyên của Capello là khoảng thời gian thăng hoa nhất của tôi ở AC Milan. Tôi đứng đầu danh sách ghi bàn với 25 bàn thắng, thành tích mà chưa ai làm được trong suốt 26 năm trước đó. Nếu tôi nhớ không nhầm, tôi đã có khoảng 60 lần ra sân dưới thời Capello và chúng tôi gần như bất bại. Tôi chỉ thua ở trận thứ 56, cũng là trận chung kết Champions League với Marseille vào tháng 5/1993. Song khi ấy, tôi vừa trở lại sau nhiều tháng nghỉ thi đấu vì chấn thương mắt cá chân”.

Sau những năm tháng thành công, mắt cá chân của Van Basten bị tổn thương rất nặng, buộc anh phải trải qua khoảng thời gian dài đầy thử thách. Mọi chuyện kết thúc vào ngày 18/8/1995. Anh đến sân San Siro trong bộ trang phục mà mình vẫn mặc mỗi khi dự khán các trận đấu của AC Milan. Nhưng hôm ấy khác với những ngày trước đó, bởi tiền đạo người Hà Lan đã bước ra thảm cỏ xanh và vẫy tay chào tạm biệt người hâm mộ. Một khoảnh khắc gây xúc động với các Milanisti dù họ đang có mặt ở sân San Siro hay ngồi trước màn hình TV, ngay cả một người cá tính mạnh mẽ bậc nhất như HLV Capello cũng phải rơi lệ. “Chú thiên nga vùng Ultrecht” không còn nhảy múa nữa. Thế giới bóng đá gọi đó là “cái chết thể thao” của một trong những trung phong đẳng cấp nhất lịch sử.

“Cũng như 80.000 người hâm mộ, tôi phải chứng kiến thời khắc chia tay của chính mình. Cầu thủ bóng đá Marco van Basten không còn tồn tại. Tất cả mọi người đang nhìn thấy một cầu thủ không còn tồn tại và vỗ tay cho một bóng ma. Tôi chạy quanh sân và vỗ tay đáp lại, nhưng thực ra, tôi đã đi xa lắm rồi. Bóng đá là cuộc sống của tôi, và tôi đã chết vào lúc ấy. Vâng, tôi đã chết với tư cách là một cầu thủ bóng đá. Tôi ở đây, trở thành một vị khách trong đám tang của chính tôi”.

(Lược dịch từ bài “Marco Van Basten: il passaggio sfumato alla Fiorentina nel 1986 e gli scontri con Sacchi al Milan” trên trang Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Đặt mua tự truyện của Filippo Inzaghi tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane