Alen Boksic: Sự nghiệp đánh dấu bởi những điều tiếc nuối

Boksic

Nhờ kỹ thuật cá nhân và nguồn năng lượng dồi dào, Alen Boksic rất giỏi trong việc tạo ra cơ hội ghi bàn cho bản thân cũng như các đồng đội. Nhưng trong khâu dứt điểm, anh lại không được đánh giá cao.

“Trong 95% của một tình huống xử lý, Boksic là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Vấn đề của anh ấy nằm ở 5% cuối cùng…”.

Alessandro Nesta từng mô tả như vậy về người đồng đội cũ của mình ở Lazio. Alen Boksic cao 1m87, nặng 80kg, sở hữu sức mạnh theo bản năng cùng khả năng bùng nổ không thể ngăn cản. Anh có thể khiến các hậu vệ đối phương bị kiệt sức bằng những pha tăng tốc và càn lướt. Gian Piero Ventrone, HLV đội điền kinh Juventus, từng nhận xét rằng tiền đạo người Croatia là vận động viên thứ 400 bị đánh cắp khỏi đường chạy.

Trong mắt mọi người, Boksic là một trung phong chất lượng, có xu hướng hủy diệt mọi vật cản trên đường dẫn đến khung thành. Tuy vậy, anh lại có điểm yếu quá lớn, đó là sự thiếu quyết đoán trong những pha dứt điểm. Với một tiền đạo, điều này vô cùng quan trọng.

Người yêu hòa bình sâu sắc

Boksic cất tiếng khóc chào đời ở Makarska, trên bờ biển Dalmatian, vào ngày 21/1/1970. Anh chập chững bước vào sự nghiệp bóng đá ở lò đào tạo địa phương HNK Zmaj. Sau đó, anh gia nhập đội trẻ CLB Hajduk Split. Bằng sự tiến bộ vượt bậc, Boksic được hít thởi bầu không khí tại giải VĐQG Nam Tư khi mới 17 tuổi, bên cạnh những người đồng đội nổi tiếng trong tương lai như Robert Jarni, Igor Stimac và Slaven Bilic. Theo thời gian, anh tự khẳng định bản thân là một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất, được yêu thích nhất ở đội bóng có biệt danh “Torcida”.

Boksic
Boksic trong màu áo Hajduk Split.

Chia sẻ với tờ Goal, chuyên gia bóng đá Nam Tư nổi tiếng Danilo Crepaldi kể lại: “Trong thời gian khoác áo Hajduk Split, có 2 trận đấu giúp bạn hiểu được tính cách của Boksic. Đó là 2 trận chung kết Cúp Quốc gia Nam Tư, nơi Hajduk Split thắng 1 và thua 1. Đối thủ của Hajduk ở cả hai trận đấu ấy đều là Red Star Belgrade”.

“Trận đầu tiên diễn ra đúng một tuần sau sự kiện bi thảm ngày 13/05/1990 tại sân vận động Maksimir. Cuộc bạo động giữa người hâm mộ Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến giữa người Croatia và người Serbia. Trận đấu giữa Hajduk Split và Red Star Belgrade diễn ra trên sân JNA của Partizan Belgrade, trong bối cảnh sự căng thẳng bị đẩy lên rất cao và những lo ngại về cuộc bạo loạn tương tự ở sân Maksimir vẫn thường trực. Trên sân, đông đảo chiến sĩ cảnh sát và quân đội xuất hiện, bên cạnh những chiếc xe bọc thép. May mắn thay, không có cuộc bạo động thứ hai xảy ra. Thay vào đó, điều bất ngờ đã xuất hiện. Red Star Belgrade chào đón người hâm mộ Hajduk Split bằng sự thân thiện hiếm thấy. Thậm chí họ còn cung cấp bánh mỳ và đồ uống miễn phí, đồng thời giúp những người yêu mến đội khách trở về quê nhà dễ dàng hơn. Trên sân, hai đội cũng thi đấu cởi mở, chiến thắng 1-0 và cúp vô địch thuộc về Red Star Belgrade. Khi trận đấu kết thúc, Boksic dành lời tán dương cho đối thủ của mình: ‘Red Star Belgrade xứng đáng giành chiến thắng. Sự tiếp đón tuyệt vời của họ cũng làm xoa dịu tình hình rất nóng hiện nay’”.

Gần một năm sau, vào ngày 8/5/1991, Boksic chơi trận chung kết Cúp Quốc gia Nam Tư lần thứ hai liên tiếp. Một lần nữa, anh gặp lại Red Star Belgrade và trận đấu cũng diễn ra trên sân JNA. Nhưng lần này, kết quả đã khác: Hajduk Split thắng 1-0. Tuy nhiên, điều được nhắc đến nhiều hơn đó là Stimac và Sinisa Mihajlovic bị đuổi khỏi sân. Trước đó, một cuộc giao tranh đã xảy ra ở Vukovar, những người Croatia bị thảm sát cùng 20 người lính Serbia. Mihajlovic là người Vukovar và bị Stimac gây hấn bằng một câu nói đậm mùi thù địch: ‘Tôi hy vọng các chàng trai của chúng tôi ở Vukovar sẽ giết cả gia đình cậu’. Mihajlovic liền sôi máu và cả hai bị đuổi thẳng vào phòng thay đồ. Trận đấu trở nên căng thẳng, mọi chuyện chỉ được giải quyết sau khi Boksic ghi bàn, mang chiếc cúp về cho Hajduk Split”.

Tháng 9/1990, Boksic góp mặt trong trận đấu giữa Hajduk Split và Partizan Belgrade. Trận đấu này được nhắc đến rất nhiều vì đây là lần đầu tiên lá cờ Nam Tư được hạ xuống và lá cờ Croatia được treo lên bởi những người hâm mộ cuồng nhiệt của “Torcida”. Khi Partizan đang dẫn trước 2-0, màn đọ sức buộc phải kết thúc do các CĐV người Croatia tràn xuống sân. Boksic có tinh thần dân tộc rất cao, anh không muốn một cuộc chiến chia rẽ đất nước xảy ra. Chứng kiến những hình ảnh ấy, anh liền đưa ra lời kêu gọi trước truyền thông: “Không thể nào. Đã đến lúc phải dừng lại ngay. Nếu không, đất nước của chúng ta sẽ tan rã”.

Thảm kịch trước mắt cũng khiến Boksic suy ngẫm về tương lai của mình. Chiến tranh Nam Tư xảy ra, anh không còn muốn thi đấu ở quê hương nữa. Mùa hè năm 1991, anh nhận lời mời chuyển đến Olympique Marseille của Chủ tịch Bernard Tapie.

Marseille
Các cầu thủ Marseille ăn mừng sau khi vô địch Champions League 1992/93. Ảnh: Getty Images.

Boksic cùng Marseille làm nên lịch sử

HLV Franz Beckenbauer rời Marseille vào cuối tháng 12/1990, nhưng vẫn còn gắn bó với đội bóng cũ. Để giúp Marseille chuẩn bị cho trận chung kết European Cup 1990/91 với Red Star Belgrade ở sân San Nicola (Bari), đã xem lại toàn bộ băng hình trận đấu cuối cùng của Cúp Quốc gia Nam Tư. Mục đích của Beckenbauer là phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng cái tên trong đội hình Red Star Belgrade. Tuy nhiên, người được ông để mắt nhiều nhất lại là Boksic – tiền đạo của Hajduk Split. “Hoàng đế” yêu chàng trai 21 tuổi đến điên cuồng và ngay lập tức hối thúc Chủ tịch Tapie chiêu mộ cầu thủ này.

Boksic nhanh chóng được đưa về sân Velodrome. Song mùa giải đầu tiên của anh trên đất Pháp đáng chìm vào quên lãng. Ở Marseille khi ấy, bộ ba Abedi Pele, Jean-Pierre Papin và Chris Waddle đang phối hợp rất ăn ý, vậy nên ban lãnh đạo không muốn dùng Boksic để bổ sung hay thay thế bất kỳ mảnh ghép nào. Tiền đạo người Croatia được gửi đến Caen theo dạng cho mượn. Nhưng ở Normandy, anh cũng không tìm thấy tia sáng, khi chỉ được ra sân vỏn vẹn 1 trận ở French Division I (tiền thân của Ligue I).

Bằng tất cả niềm kiêu hãnh, Boksic quyết tâm bám trụ ở Marseille trong mùa giải 1992/93. Cơ hội đã đến với cựu tiền đạo Hajduk Split khi Papin và Waddle đều đã rời sân Velodrome. Boksic nhanh chóng kết hợp với tân binh Rudi Voller tạo thành song sát mới trên hàng công của đội bóng thành phố cảng, mang về rất nhiều bàn thắng cùng lối chơi mạnh mẽ tuyệt vời.

Với 23 lần dứt điểm tung lưới đối thủ, Boksic giúp Marseille dẫn đầu bảng xếp hạng French Division I. Bản thân anh cũng giành danh hiệu “Vua phá lưới” ở giải VĐQG Pháp. Đến ngày 26/05/1993, Boksic được tận hưởng niềm hạnh phúc lớn nhất: Marseille đánh bại AC Milan vĩ đại của HLV Fabio Capello 1-0 trong trận chung kết Champions League tại Munich để trở thành nhà vô địch đầu tiên của giải đấu này. Trên hành trình đến vinh quang châu Âu, Boksic ghi 5 bàn, chỉ kém “Vua phá lưới” Romario 1 bàn. Pha lập công đẹp mắt nhất của anh là cú đánh đầu chìm đưa bóng vào lưới Dinamo Bucharest trong trận lượt về vòng 1/8. Vào cuối năm, Boksic nằm trong nhóm ứng cử viên danh hiệu Quả bóng vàng. Anh về đích thứ 4, sau Roberto Baggio, Dennis Bergkamp và Eric Cantona.

Lazio
Boksic cùng Gascoigne ở Lazio. Ảnh: Getty Images.

Đến Italia sau scandal chấn động

Mối duyên giữa Marseille và Boksic không kéo dài được bao lâu. Những tháng cuối năm 1993, scandal dàn xếp tỷ số của đội bóng thành phố cảng nước Pháp bị phanh phui, với “kẻ chủ mưu” chính là Chủ tịch Tapie. Cụ thể, Tapie đã trả cho Valenciennes 250 nghìn franc để yêu cầu đội bóng tỉnh lẻ đá nương chân trong màn đối đầu trực tiếp giữa hai đội. Điều này nhằm giúp Marseille đủ điểm vô địch French Division I, đồng thời có nền tảng thể lực tốt trước trận tranh cúp châu Âu với AC Milan.

Jean-Jacques Eydelie, tân binh của Marseille, có mối quan hệ thân thiết với các cầu thủ Valenciennes và trực tiếp làm cầu nối giữa hai bên. Năm 2006, trong cuốn tự truyện của mình, Eydelie tiết lộ Chủ tịch Tapie đã gọi điện cho mình và căn dặn: “Hãy bảo đồng đội cũ của cậu đừng cư xử một cách ngu ngốc và phá hoại giấc mơ của Marseille tại Munich. Cậu hiểu rồi chứ?”

Sau khi mọi chuyện bị phát hiện, Marseille bị tước danh hiệu French Division I mùa 1992/93, đồng thời bị cấm tham dự cúp châu Âu mùa tiếp theo. Chưa dừng lại, Tòa án còn ra phán quyết giáng đội chủ sân Velodrome xuống French Division II ở mùa giải 1994/95.

Các đối tác ngay lập tức quay lưng với Marseille, khiến đội bóng đứng trước nguy cơ phá sản. Để tránh viễn cảnh tồi tệ xảy ra, Marseille buộc phải bán những cầu thủ giỏi nhất trong đội hình, bao gồm cả Boksic. Tại Italia, Chủ tịch Sergio Cragnotti và HLV Zdenek Zeman bị cuốn hút bởi màn trình diễn của tiền đạo người Croatia. Khi cơ hội đến, Cragnotti liền chi 15 tỷ lire để đưa Boksic về Lazio. Theo kế hoạch, Boksic sẽ đến thủ đô Italia vào tháng 1/1994. Nhưng tình thế cấp bách ở Marseille làm cho thương vụ này được hoàn tất sớm hơn 2 tháng.

Bản thân Boksic rất hào hứng với việc tham gia vào dự án của HLV Zeman. Do đó, anh đồng ý gia nhập Lazio mà không có một chút do dự. Trong phần còn lại của mùa giải đầu tiên, anh ra sân 21 trận và chỉ ghi được 4 bàn thắng. Tuy nhiên, không ai đánh giá thấp màn trình diễn của tiền đạo người Croatia. Trong sơ đồ của Zeman, Boksic được giao nhiệm vụ dùng thể lực, tốc độ để tạo khoảng trống cho Giuseppe Signori và anh đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, những bàn thắng của anh đều có ý nghĩa rất quan trọng đến kết quả trận đấu.

Ngày 12/12/1993, Boksic mang đến màn trình diễn siêu hạng, giúp Lazio hạ gục Juventus của HLV Giovanni Trapattoni tại sân Olimpico. Bằng nguồn năng lượng dồi dào, tiền đạo 23 tuổi khiến hàng thủ của “Lão phu nhân” phải làm việc mệt mỏi. Ngoài ra, chính anh là tác giả của bàn thắng nâng tỷ số lên thành 2-1, mở ra chiến thắng cho Lazio. Về cuối trận, Paul Gascoigne ghi thêm một bàn nữa, giúp “Biệt đội đại bàng” ấn định thắng lợi 3-1.

​Boksic gắn bó với Lazio trong 3 năm, dứt điểm tung lưới đối thủ 21 lần, bao gồm 19 lần ở Serie A và 2 lần ở  Coppa Italia. Mùa giải 1994/95 là quãng thời gian tươi đẹp nhất của anh tại sân Olimpico. Lazio đứng thứ hai tại Serie A, chỉ sau Juventus. Bản thân Boksic ghi tổng cộng 11 bàn trên mọi đấu trường. Từ những màn trình diễn ấn tượng, Boksic được người hâm mộ Lazio đặt biệt danh “Người ngoài hành tinh”. Tiếc thay, sau đó, sự yên bình giữa Boksic và Lazio đã bị phá vỡ, bởi mâu thuẫn không thể hàn gắn với HLV Zeman. Chuyên gia Crepaldi kể lại:

“Boksic tranh cãi với Zeman vì anh ấy không đồng ý với phương pháp huấn luyện của chiến lược gia người Cộng hòa Séc. Anh cho rằng những phương pháp ấy không phù hợp với thể lực và sức khỏe của mình”.

Sang mùa giải thứ ba, Boksic ra sân 26 trận nhưng chỉ ghi được 4 bàn thắng. Sự hạn chế lớn nhất ở Boksic dần được bộc lộ. Vì chỉ quen với việc di chuyển để tạo khoảng trống cho đồng đội, Boksic đánh mất bản năng săn bàn. Anh vẫn làm tốt nhiệm vụ phá vỡ hàng phòng ngự đối phương, nhưng lại tỏ ra lưỡng lự, thiếu quyết đoán mỗi khi có cơ hội dứt điểm.

Boksic
Boksic chưa bao giờ quên nỗi ám ảnh ở trận chung kết Champions League 1996/97. Ảnh: Getty Images.

Hè năm 1996, Boksic được “giải cứu”. Từ số tiền thưởng từ chức vô địch Champions League, ban lãnh đạo Juventus quyết định chi 25 tỷ lire để đưa tiền đạo người Croatia về sân Delle Alpi. Trong màu áo Bianconeri, Boksic chơi ở vị trí trung phong và được kỳ vọng sẽ trở thành “Vua dội bom”. Song sự kỳ vọng ấy không kéo dài được bao lâu. Boksic đã tạo ra nhiều khoảnh khắc bùng nổ, khiến các Juventini như muốn nhảy khỏi ghế. Tuy nhiên, khi đối mặt với khung thành đối thủ, anh thường bỏ phí những cơ hội mà bản thân đã vất vả kiếm được.

Việc chạy quá nhiều dần khiến đôi chân của Boksic bị mỏi và thể lực giảm sút. HLV Marcello Lippi quyết định luân phiên sử dụng anh với cầu thủ trẻ Christian Vieri để đá cặp với Alessandro Del Piero. Trong mùa giải duy nhất ở Juventus, Boksic ghi 7 bàn sau 33 lần ra sân. Dấu ấn của cựu tiền đạo Marseille không nằm ở Serie A, mà ở Champions League. Anh sút tung lưới Manchester United và Fenerbahce ở vòng bảng, rồi tiếp tục lập cú đúp màn vùi dập Rapid Wien 5-0 trên đường đưa Juventus tiến vào trận chung kết. Boksic có mặt ở Munich với khát khao bước lên đỉnh châu Âu, tái lập thành tích như khi còn khoác áo Marseille. Thế nhưng, điều đó không xảy ra, bởi Juventus bị Borussia Dortmund đánh bại với tỷ số 1-3. Boksic cùng Bianconeri giành được Scudetto, UEFA Super Cup, Intercontinental Cup. Tuy nhiên, anh vẫn luôn cảm thấy tiếc nuối bởi đã để vuột mất chiếc cúp Champions League.

“Nếu được chơi lại một trận đấu, tôi chắc chắn sẽ lựa chọn trận chung kết Champions League với Dortmund. Chúng tôi mạnh hơn họ rất nhiều, là ứng cử viên số một cho chức vô địch, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ cơ hội đăng quang”, Boksic hồi tưởng trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Màn tái hợp cùng Lazio

Cuộc phiêu lưu của Boksic cùng với Bianconeri kết thúc trong nỗi thất vọng ấy. Mùa hè năm 1997, anh trở lại Lazio sau khi Chủ tịch Cragnotti trả cho Juventus 25 tỷ tire. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi vấn đề sụn chêm, Boksic vẫn có đóng góp quan trọng, giúp đội bóng do Sven-Goran Eriksson dẫn dắt giành 1 Scudetto, 2 Coppa Italia, 2 Supercoppa Italiana, 1 UEFA Cup Winners’ Cup.

Mùa giải 1997/98, người hâm mộ được chứng kiến một Boksic hay nhất trong sự nghiệp. Tại Serie A, anh ghi 10 bàn thắng sau 26 lần ra sân. Ở đấu trường Coppa Italia, anh có thêm 5 lần điền tên mình lên bảng tỷ số. Một số pha xử lý của anh vẫn in đậm trong ký ức của các Laziali, như 2 bàn thắng ở trận Derby della Capitale, màn dẫn bóng từ giữa sân rồi lốp qua đầu thủ môn Sebastiano Rossi ở trận gặp AC Milan vào ngày 8/2/1998.

Là một ngôi sao ở Serie A, Boksic nghiễm nhiên có suất đá chính trong đội hình tuyển Croatia, kể từ khi quốc gia này giành độc lập vào tháng 6/1993. Boksic kết hợp với Davor Suker tạo thành bộ đôi hủy diệt nhưng kém may mắn ở các giải đấu lớn. Họ chỉ chơi cùng nhau ở trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày khai màn EURO 1996. Sau đó, Boksic bỏ lỡ phần còn lại của giải đấu vì vấn đề thể lực.

Boksic
Boksic không có duyên với tuyển Croatia ở những giải đấu lớn. Ảnh: Getty Images.

Đến World Cup 1998, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn với tiền đạo của Lazio. Ở vòng loại, anh là nhân vật chính với 4 bàn thắng cho tuyển Croatia, cùng hàng loạt pha bóng mãn nhãn bên cạnh đối tác Suker. Tuy nhiên, số phận một lần nữa không để anh được tỏa sáng. Ngày 26/4/1998, Boksic dính chấn thương sụn đầu gối phải nhưng không được phẫu thuật ngay lập tức. Điều đó khiến tiền đạo 28 tuổi mất cơ hội tham dự kỳ World Cup đầu tiên trong sự nghiệp và cùng tuyển Croatia làm nên lịch sử, với vị trí thứ ba chung cuộc.

“Điều tốt đẹp nhất trong giai đoạn đáng nguyền rủa này đó là tôi vẫn được ở lại Lazio. Những điều khác coi như vứt đi”, Boksic chia sẻ sau khi nhận tin mình không thể tham dự World Cup 1998.

Phải đến năm 2002, Boksic được hít thở bầu không khí World Cup. Thế nhưng, anh không thể giúp đội hình già nua của bóng đá Croatia tái lập thành tích như trước đó 4 năm. Đội tuyển áo ca rô bị loại do đứng thứ ba tại vòng bảng, sau Italia và Mexico. Đến ngày 12/10/2002, Boksic tuyên bố giã từ sự nghiệp quốc tế trong trận giao hữu với tuyển Bulgaria. Tổng cộng, anh ra sân 40 trận cho tuyển Croatia và ghi được 10 bàn thắng.

Sau chuỗi ngày tươi đẹp lại là quãng thời gian u tối. Cũng giống như ở giai đoạn đầu tiên khoác áo Lazio, Boksic mâu thuẫn với HLV và khiến phòng thay đồ trở nên căng thẳng. Lần này, mâu thuẫn bắt đầu đầy hy hữu.

Trước trận đấu cuối cùng của mùa giải 1999/2000, khi toàn đội đang khởi động, Boksic chạy đến và phàn nàn với HLV Eriksson: “Thầy ơi, áo của em hơi chật, quần của em cũng không vừa. Nhìn em không khác gì một con rối. Thầy hãy cho em bộ đồng phục cỡ lớn hơn”.

Chiến lược gia người Thụy Điển không quan tâm. Boksic tiếp tục phàn nàn. Cuối cùng, Eriksson mất kiên nhẫn và đuổi cậu học trò lên khán đài. Chuyên gia Crepaldi kể lại: “Lúc đó, Chủ tịch Cragnotti can thiệp và cố gắng hòa giải. Boksic được tham dự trận đấu nhưng phải ngồi dự bị. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, hai thầy trò tranh cãi gay gắt trong phòng thay đồ. Mối quan hệ của họ tan vỡ đầy khó hiểu. Cuối mùa giải, tiền đạo 30 tuổi bị bán cho Middlesbrough”.

Boksic chuyển đến Boro sau khi ghi 43 bàn trong 157 trận cho Lazio. Anh chơi bóng ở xứ sở sương mù thêm 3 mùa giải, ghi 22 bàn sau 73 lần ra sân. Ở tuổi 33, anh cảm thấy sự nghiệp bóng đá đã viên mãn và tuyên bố treo giày.

Boksic
Boksic trong ngày trở lại Marseille hồi tháng 5/2023. Ảnh: Getty Images.

Cuộc sống mới trên đảo Mariaska

Ban đầu, Boksic quyết định ở lại thế giới bóng đá. Đến năm 2012, anh nhận lời làm trợ lý cho HLV Stimac ở tuyển Croatia. Tuy nhiên, Boksic phải nhanh chóng rời đi khi chưa ngồi ấm chỗ. Tinh thần dân tộc và yêu hòa bình đã khiến anh bị xem là lập dị, không có mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ ai ở đội tuyển. Crepaldi tiết lộ:

“Boksic luôn mang tư tưởng chống lại Chính phủ Croatia, gồm những người mà anh ấy cho rằng có mối quan hệ mật thiết với Ustasha – phong trào dân tộc gắn liền với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Anh công khai lên án hành động của Josip Simunic, người đã chạy đến khu vực CĐV cuồng nhiệt sau chiến thắng 1-0 trên sân nhà trước Iceland ở vòng loại World Cup và hét lên “Vì quê hương!”, để đám đông đáp lại rằng “Sẵn sàng!”. Đó là câu khẩu hiệu trước giờ xung trận của Ustasha dưới sự chỉ huy của Ante Pavelic, người gây ra vụ thảm sát khủng khiếp. Khi FIFA vào cuộc, Boksic không bảo vệ cậu học trò. Thay vào đó, anh tiếp tục lên án mạnh mẽ và ủng hộ cơ quan quyền lực của bóng đá thế giới. Khi Liên đoàn bóng đá Croatia muốn kháng cáo, Boksic lại phản đối. Vì vậy, anh không được lòng mọi người. Boksic làm HLV ở tuyển thêm vài tháng nữa rồi quyết định rời khỏi thế giới bóng đá”.

Chia tay sân cỏ, Boksic đưa ra một quyết định táo bạo. Anh dùng phần lớn số tiền tiết kiệm khi còn là cầu thủ để mua hòn đảo Mariaska, nằm ngoài khơi quê hương Makarska của anh. Hiện nay, anh vẫn sống ở đó cùng gia đình, dành thời gian cho việc chèo thuyền và câu cá.

(Lược dịch từ bài “Alen Boksic, l’irresistibile ‘Alieno’ con una carriera segnata dai grandi rimpianti” trên trang Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Đặt mua tự truyện của Filippo Inzaghi tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane