Cuối thập niên 1980, khi nói về sợi dây liên kết giữa bóng đá và chính trị, Zvonimir Boban sẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên, như một biểu tượng của mối quan hệ này.
Boban có một sự nghiệp vô cùng thành công ở cấp độ CLB, với 4 Scudetto, 1 Champions League. Ngoài ra, ông còn cùng đội tuyển Croatia tạo nên chiến tích lẫy lừng, với việc đứng hạng ba ở World Cup 1998. Tuy nhiên, đối với nhiều người, Boban còn là một biểu tượng không chỉ trong lĩnh vực bóng đá, mà còn ở chính trường.
Vào những năm tháng ấy, Boban tích cực đấu tranh vì chủ nghĩa dân tộc tự do của người Croatia, được xem là người khởi xướng cuộc chiến giành độc lập ở quốc gia vùng Balkan này. Thật hoang đường nếu nghĩ rằng một cầu thủ bóng đá chi phối đời sống chính trị, một tay tạo ra xung đột. Song, hành động của Boban trong cuộc bạo loạn giữa người hâm mộ Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade tại sân Maksimir vào tháng 5/1990 đã góp phần kích nổ sự thù địch ở Liên bang Nam Tư, đồng thời khiến số người theo chủ nghĩa dân tộc ở Croatia ngày càng tăng.

Bối cảnh lịch sử
Để nói về Boban và sự kích động chiến tranh, điều đầu tiên cần lưu ý đó là bối cảnh lịch sử, chính trị, cùng những tình tiết đặc biệt tạo nên bầu không khí nóng như lửa đốt trước cuộc tiếp đón Red Star Belgrade của Dinamo Zagreb.
Liên bang Nam Tư theo đường lối xã hội chủ nghĩa, được thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai, do 6 nước Cộng hòa là Bosnia-Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia liên kết lại. Ngoài ra, trong lòng Serbia còn có 2 tỉnh tự trị là Kosovo và Vojvodina. Tất cả chung sống khá ôn hòa, dưới sự điều hành của cựu Tổng thống Josip Broz Tito. Vị nguyên thủ này được xem là biểu tượng cuối cùng của sự thống nhất. Các chính sách của ông luôn hướng đến sự hòa bình, no ấm của các quốc gia thành viên.
Năm 1980, Tổng thống Tito qua đời. Liên bang Nam Tư rơi vào tình trạng khủng hoảng với hàng loạt cuộc xung đột sắc tộc xảy ra trong hơn một thập kỷ. Khi sự tồn vong của Nam Tư đứng trước ngã ba đường, bóng đá trở thành phương tiện để người Croatia thể hiện chủ nghĩa dân tộc. Đối với nhiều người hâm mộ môn thể thao vua, sân vận động trở thành đấu trường để họ trút bỏ sự căng thẳng về chính trị và xã hội. Bầu không khí nóng bỏng của chính trị, những lá cờ, biểu ngữ, bài hát về tình yêu dân tộc bao trùm trên các khán đài.
Trận đấu giữa Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade vào ngày 13/5/1990 cũng không ngoại lệ. Đây được xem là một trong số ít các trận đấu bóng đá làm thay đổi thế giới. Phần đông người hâm mộ Dinamo Zagreb có tinh thần dân tộc nhiệt thành và đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc đấu tranh bạo lực để giành độc lập. Nhiều người thuộc “Bad Blue Boys” (tên gọi của nhóm CĐV Zagreb) gia nhập quân đội Croatia, giống như cách nhóm Red Star Ultras đến từ Belgrade tạo thành lực lượng vũ trang Serbia.
Vì vậy, trong trận đấu giữa Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade ngày hôm ấy, các khán đài chật kín những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Bầu không khí thù địch căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Những gì xảy ra tại sân Maksimir được nhiều người xem là minh chứng tàn bạo nhất về việc chính trị can thiệp vào bóng đá ở châu Âu.
Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây
Bạo lực khiến trận đấu bị hủy bỏ chỉ sau 10 phút bóng lăn. Hàng ngàn người hâm mộ chạy thẳng xuống sân. Thủ quân Boban khi ấy mới 21 tuổi, nhìn thấy một sĩ quan đang cố gắng ngăn chặn người Croatia tấn công các CĐV của Red Star Belgrade. Trong tiềm thức vốn sục sôi lòng tự hào dân tộc, tiền vệ này ngay lập tức chạy đến, dùng đầu gối phải đạp thẳng vào mặt viên sĩ quan.
Cuộc xô xát diễn ra trong hơn một giờ, sân Maksimir như bị thiêu rụi bởi những cảnh tượng kinh hoàng, rúng động thế giới bóng đá. Một trong những âm thanh gây ám ảnh trong ngày hôm đó chính là tiếng thét của Boban: “Cảnh sát ở đâu? Tên cảnh sát đẫm máu đang ở đâu?”. Cựu tiền vệ người Croatia muốn nói về việc lực lượng cảnh sát không hành động để bảo vệ người Croatia, khiến một trận đấu bóng đá tuyệt vời bị hủy bỏ cùng vết nhơ không bao giờ gột rửa được.
Sau này, trong bộ phim tài liệu “The Last Yugoslav Football Team” của đạo diễn Vuk Janic, Boban kể lại với giọng điệu đầy căm phẫn: “Những kẻ côn đồ đến từ Belgrade đã phá hủy sân vận động của chúng tôi. Cảnh sát vào thời điểm đó chỉ phục vụ cho thể chế của người Serbia và không có bất kỳ sự ngăn chặn bạo lực nào cả”.
Cú đạp của Boban in đậm trong ký ức của người dân Croatia. Nó thể hiện lòng dũng cảm và sự tận hiến của một người yêu quê hương xứ sở của mình, vượt xa hình ảnh thường thấy của các cầu thủ bóng đá. Boban trở thành anh hùng dân tộc, một nhân vật huyền thoại pha chút lãng mạn trong thế giới bóng đá, người sử dụng tầm ảnh hưởng của tấm băng thủ quân Dinamo Zagreb để chiến đấu vì quê hương Croatia.
“Tôi ở đây, sẵn sàng đánh đổi mạng sống, sự nghiệp và mọi danh vọng chỉ vì một lý tưởng duy nhất: sự tồn tại của Croatia”, Boban nói sau khi tung cú đá về phía viên cảnh sát.

Kỷ nguyên của Boban ở AC Milan
Cựu tiền vệ Dinamo Zagreb có thể đánh mất tất cả, bị bỏ tù sau buổi chiều tại Maksimir. May mắn thay, ông vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp cầu thủ của mình. Không những vậy, Boban còn để lại tiếng vang lớn, trở thành một huyền thoại không chỉ với người dân Croatia. Các tuyển trạch viên của bóng đá châu Âu dần chú ý đến bộ óc sáng tạo và sự đa năng của Boban. Hàng loạt đội bóng lớn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người hùng của Dinamo Zagreb. Điều gì đến cũng phải đến. Năm 1991, ban lãnh đạo AC Milan chấp nhận bỏ ra 8 triệu bảng để đưa Boban về sân San Siro.
Đó là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của tiền vệ sinh ra tại Imotski. Sau khi gia nhập AC Milan, Boban được gửi đến Bari theo dạng cho mượn để làm quen với môi trường Serie A và cuộc sống ở Italia. Cuối mùa giải 1991/92, Bari xuống hạng. Tuy nhiên, Boban vẫn thể hiện được giá trị của mình trong suốt quãng thời gian chơi bóng ở vùng biển Adriatico. Màn trình diễn của ông đủ để gây ấn tượng với HLV Fabio Capello. Boban trở lại AC Milan và được sát cánh cùng những ngôi sao tại San Siro như Ruud Gullit, Roberto Donadoni, Demetrio Albertini.
Đặt mua áo đấu của AC Milan qua các mùa giải tại đây
Tài năng của Boban không thể so sánh với nhiều cái tên khác nơi hàng tiền vệ của AC Milan. Song điều đó không làm cựu thủ quân Dinamo Zagreb cảm thấy thất vọng. Ông ngày càng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, trở thành một bánh răng quan trọng trong cỗ máy chiến thắng do Fabio Capello tạo ra. Boban, một mẫu tiền vệ box-to-box vào thời điểm đó, có một vị trí bất khả xâm phạm ở khu vực giữa sân, bên cạnh Demetrio Albertini. Khả năng thu hồi bóng của Boban góp phần tạo nên sức mạnh cho hàng phòng ngự của Rossoneri, giúp đội bóng áo sọc đỏ đen thẳng tiến tới trận chung kết Champions League 1993/94 với Barcelona của Johan Cruyff.
Đại diện đến từ xứ Catalonia khi ấy sở hữu một đội hình trong mơ, sẵn sàng hủy diệt mọi đối thủ. Thế nhưng, lối chơi kiểm soát bóng khoa học của AC Milan đã tạo nên một trong những bất ngờ lớn nhất ở Champions League. Đội quân của Fabio Capello đè bẹp Barcelona với tỷ số 4-0 sau màn trình diễn vô cùng tự tin và đẳng cấp. Boban đá cặp với Dejan Savicevic ở giữa sân. Bộ đôi chiến binh vùng Balkan giúp AC Milan kiểm soát bóng ngay từ những phút đầu tiên. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên ở Athens, Rossoneri mang về phòng truyền thống chiếc cúp bạc Champions League thứ 5 trong lịch sử.
Đối với Boban, buổi tối hôm ấy có rất nhiều cảm xúc. Bốn năm sau cuộc bạo động ở Maksimir, chàng thủ quân Dinamo Zagreb ngày nào tiếp tục để lại dấu ấn, khiến người Croatia không thể ngủ được vì hạnh phúc. Chính trị và bóng đá luôn tồn tại trong suốt cuộc đời của Boban. Tuy nhiên, theo thời gian, ông biết phải làm thế nào để những vấn đề đang tồn tại ở quê nhà không làm ảnh hưởng đến sự nghiệp cầu thủ của mình. Cũng như các đồng đội ở AC Milan, Boban không muốn đắm chìm trong men say chiến thắng ở Athens. Rossoneri tiếp tục giúp bóng đá Italia duy trì vị thế ở đấu trường châu Âu. Trở về quê nhà, đội bóng áo sọc đỏ đen tiếp tục thu về danh hiệu Scudetto ở mùa giải 1995/96.
Boban dần trở thành một cầu thủ dày dặn kinh nghiệm ở San Siro và có trách nhiệm ngày càng lớn. Tầm ảnh hưởng của ông giúp AC Milan vô địch Serie A 1998/99. Boban thể hiện những phẩm chất khác biệt so với các đồng đội: đề cao lối chơi giàu sức mạnh, sự hiếu chiến, không được phép lơ đãng dù chỉ một tích tắc. Con người của Boban tồn tại lối chơi giàu kỹ thuật mềm mại của người nghệ sĩ và trái tim cứng rắn, mạnh mẽ của một chú sư tử.

Kỳ tích World Cup 1998
Với thành công vang dội trong màu áo AC Milan, Boban trở thành niềm tự hào của người dân Croatia. Tuy nhiên, khi trở về khoác áo đội tuyển quốc gia, ông phải trải qua rất nhiều thăng trầm. Sau cú kungfu vào cảnh sát tại Maksimir, Boban bị Liên đoàn bóng đá Nam Tư treo giò 6 tháng. Điều đó khiến ông bỏ lỡ mùa hè World Cup 1990 ở Italia.
Phải đến 8 năm sau, Boban mới để lại dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp quốc tế. Khi ấy, bóng đá Croatia sở hữu một thế hệ cầu thủ tài năng với những cái tên như Davor Suker, Slaven Bilic, Igos Stimac, Dario Simic, Robert Prosinecki, Aljosa Asanovic. Boban chính là người đeo băng thủ quân, dẫn dắt đội tuyển vùng Balkan trên hành trình tham dự vòng chung kết World Cup 1998 tại Pháp.
Tuyển Croatia được truyền cảm hứng bởi người đội trưởng, vượt qua vòng bảng có sự xuất hiện của tuyển Argentina, Nhật Bản và Jamaica. Sau đó, họ tiếp tục đánh bại Romania và Đức để thẳng tiến vào bán kết. Cuối cùng, tuyển Croatia không thể giành chiến thắng trước đội chủ nhà Pháp và mang tấm huy chương đồng ở ngày hội bóng đá thế giới trở về quê hương. Giấc mơ vô địch World Cup của Boban không trở thành hiện thực nhưng người đội trưởng 29 tuổi vẫn cảm thấy hài lòng. Không nhiều cầu thủ trở thành người hùng dân tộc và tạo nên chiến tích lẫy lừng như Boban. Đến cuối thập niên 1990, ông có 4 lần vô địch Serie A, được nâng cao danh hiệu Champions League và dẫn dắt một đội tuyển còn non giành hạng ba ở World Cup.
Ở tuổi ngoài 30, Boban bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Tầm ảnh hưởng của Boban ở San Siro kết thúc khi AC Milan chiêu mộ thành công Manuel Rui Costa từ Fiorentina. Sau 9 mùa giải khoác áo Rossoneri, ông chuyển sang Celta Vigo theo dạng cho mượn. Trên đất Tây Ban Nha, Boban không để lại dấu ấn vào và chỉ có 4 lần ra sân. Cuối mùa giải 2001/02, ông tuyên bố giải nghệ.
Sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, Boban tìm thử thách ở những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Ông được biết đến nhiều hơn ở lĩnh vực văn chương và hoàn thành chương trình học lịch sử của mình ở Đại học Zagreb. Năm 2004, ông tốt nghiệp Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn với luận án về Cơ đốc giáo trong đế chế La Mã.
Boban ham đọc sách, theo đuổi sự nghiệp chính trị xã hội. Điều đó giúp ông nổi bật hơn so với nhiều cầu thủ bóng đá khác. Ngoài ra, Boban còn thường xuyên viết bài cho tờ La Gazzetta dello Sport và trở thành một chuyên gia phân tích bóng đá cho Sky Italia. Ông nổi tiếng với tính cách bộc trực, nói chuyện thẳng thắn dựa trên những thông số kỹ thuật, bằng chứng rõ ràng. Những lời nhận định của ông đôi khi mang đến sự tranh cãi. Tuy nhiên, Boban không kiêng nể bất kỳ ai hay né tránh khi đề cập đến vấn đề nào đó.

Tính cách này gắn bó với cựu thủ quân Dinamo Zagreb trong suốt cuộc đời. Năm 2019, Boban rời khỏi cương vị Phó Tổng thư ký FIFA, nhận lời mời trở về AC Milan của Giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini, đảm nhận vị trí Giám đốc bóng đá của Rossoneri. Trong ngày chia tay người cộng sự của mình, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới Gianni Infantino cảm thấy rất tiếc nuối: “Tôi không thể dùng ngôn từ để cảm ơn Boban vì những gì anh ấy đã làm cho FIFA. Những sự chuyển biến tích cực của thế giới bóng đá trong 3 năm qua không thể đạt được nếu thiếu vắng anh ấy. Chúng tôi sẽ nhớ anh rất nhiều, Boban à!”
Tại San Siro, sau thời gian êm ấm ban đầu, Boban gặp rắc rối vì tính cách bộc trực của mình. Thượng tầng AC Milan xảy ra bất đồng về kế hoạch phát triển. Giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini cùng các trợ lý Boban và Frederic Massara muốn AC Milan có thêm những cầu thủ dày dặn kinh nghiệm, sớm quay trở lại thời hoàng kim. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Ivan Gazidis có ý định biến Rossoneri thành lò đào tạo trẻ, chiêu mộ những cầu thủ tuổi teen để rèn giũa rồi bán lại với giá cao. Cuối tháng 2/2020, khi biết tin Ivan Gazidis có ý định mới Ralf Rangnick về làm HLV kiêm Giám đốc kỹ thuật, Boban công khai chỉ trích vị CEO người Nam Phi trước truyền thông. Hệ quả, ông phải nhận đơn sa thải từ chính Gazidis.
Boban mạnh mẽ, bất khuất. Sau tất cả, ông vẫn là biểu tượng của tinh thần dân tộc Croatia và là người hùng của AC Milan. Với một sự nghiệp xuất sắc, Boban xứng đáng có tên trong danh sách những cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại.
(Lược dịch từ bài “Zvonimir Boban and the kick that started a war” trên trang thesefootballtimes.co)