Ngày 4/5/1949, trên đường trở về từ Lisbon, chiếc máy bay chở Grande Torino (thế hệ cầu thủ Torino vĩ đại) bị rơi trên đồi Superga. Tất cả 31 hành khách đều thiệt mạng.
Mùa hè năm 1948, Torino của Chủ tịch Ferruccio Novo cố gắng chuẩn bị thật kỹ để duy trì vị thế thống trị bóng đá Italia, vốn tồn tại từ nhiều năm trước. Chiến tranh thế giới thứ hai khiến Il Toro đánh mất 2 danh hiệu Scudetto, nhưng khi hòa bình quay trở lại, họ vô địch Serie A đến 3 lần và sở hữu thêm 1 chiếc cúp Coppa Italia. Các đội bóng khác tại Italia gần như không có cơ hội để xưng vương ở bất kỳ đấu trường nào. Valentino Mazzola và các đồng đội trở thành lực lượng nòng cốt ở tuyển quốc gia. Ngày 11/5/1947, trong trận đấu với Hungary, tuyển Italia ra sân với 10 cầu thủ Torino. Người duy nhất không phải đồng đội của họ ở cấp độ CLB là… thủ môn Lucidio Sentimenti, thuộc biên chế Juventus.
Tham vọng của Novo
Danh tiếng của Torino vượt ra khỏi biên giới Italia. Trước khi mùa giải mới bắt đầu, họ được mời tham gia chuyến du đấu dài ngày tại Brazil. Mọi thứ nằm trong kế hoạch của Chủ tịch Novo. Ông muốn xây dựng một đội hình đủ chiều sâu để tiếp tục cạnh tranh Scudetto, đồng thời tạo nên tiếng vang trên toàn thế giới.
Tất nhiên, tham vọng lớn của Chủ tịch Novo gặp không ít trở ngại. HLV Roberto Copernico chia tay Torino và nhận lời dẫn dắt tuyển Italia. Leslie Lievesley được liên hệ và cảm thấy hào hứng với việc chèo lái con tàu Il Toro. Song sau thời gian suy nghĩ, ngài Novo quyết định đặt niềm tin vào Ernest Egri Erbstein, người đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật của đội bóng thành Turin. Lievesley trở thành HLV, nhưng Erbstein có tầm ảnh hưởng trong phòng thay đồ lớn hơn.
Về mặt lực lượng, thủ môn Valerio Bacigalupo vẫn được giao nhiệm vụ trấn giữ khung thành. Vị trí hậu vệ phải thuộc về Aldo Ballarin. Trong khi đó, hành lang trái được trấn giữ bởi chàng trai trẻ Virgilio Maroso, người thường xuyên bị chấn thương cơ háng. Để thay thế, Pietro Operto được đưa về từ Casale và thỉnh thoảng Sauro Tomà được yêu cầu chơi lệch cánh. Giuseppe Grezar và Danilo Martelli tạo thành tấm khiên vững chắc trước mặt Bacigalupo. Mario Rigamonti làm nhiệm vụ dọn dẹp ngay phía trên hàng phòng ngự. Ezio Loik và Valentino Mazzola đóng đinh ở vị trí mezzala. Trên hàng công, Romeo Menti và Franco Ossola được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho trung phong 33 tuổi Guglielmo Gabetto.

Torino khởi đầu mùa giải bằng chiến thắng nhẹ nhàng 4-1 trước Pro Patria. Ở vòng 2, họ bất ngờ để thua Atalanta 3-2. Để khẳng định thất bại này chỉ là tai nạn, Il Toro giành liên tiếp 5 chiến thắng. Trong suốt giai đoạn lượt đi, họ chỉ để thua thêm 2 trận nữa. Ngày 6/1/1949, sau trận hòa 2-2 với Palermo, Torino chính thức trở thành nhà vô địch mùa đông. Họ giữ khoảng cách 3 điểm so với nhóm bám đuổi gồm Genoa, Inter Milan, Lucchese và Sampdoria. Lối chơi đẹp mắt giúp Torino ngày càng nhận được nhiều tình cảm của người hâm mộ. Mỗi khi Il Toro bị dẫn trước, khán đài sân Filadelfia lại vang lên những tiếng kèn rộn rã. Đội trưởng Mazzola xem đó là hiệu lệnh, bắt đầu thúc giục các đồng đội tiến lên, áp đảo đối thủ.
Sau vòng đấu 22 diễn ra vào ngày 23/1/1949, Torino tạo cách biệt lên tới 6 điểm với Sampdoria và Inter Milan. Song khi bước sang tháng 2, tận dụng việc đội bóng vùng Piemonte liên tục đánh rơi điểm số sau những trận hòa, Nerazzurri dần thu hẹp khoảng cách. Hai đội tiếp tục so kè quyết liệt cho đến cuộc chạm trán trực tiếp tại San Siro.
Theo kế hoạch ban đầu, trận đấu này diễn ra vào ngày 1/5/1949. Tuy nhiên, Torino xin phép Lega Calcio được tranh tài với Inter Milan sớm hơn một ngày, bởi sau đó họ phải bay sang Bồ Đào Nha để chơi trận giao hữu với Benfica. Vào thời điểm ấy, hệ thống cúp châu Âu hay Liên lục địa chưa hình thành, và những màn đọ sức xuyên biên giới rất được coi trọng. Vậy nên, lời thỉnh cầu từ phía Torino được Lega Calcio chấp thuận.
Ở San Siro, Il Toro ra sân mà không có Valentino Mazzola và Virgillio Maroso, khiến sức mạnh ít nhiều bị ảnh hưởng. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0, cách biệt 4 điểm được giữ nguyên. Serie A chỉ còn 4 vòng đấu nữa là hạ màn và Torino xem như đã nắm chắc Scudetto thứ 5 liên tiếp trong tay. Vì vậy, Chủ tịch Novo hào hứng cho phép các cầu thủ của mình lên đường sang Lisbon. Họ không thể ngờ rằng đó là trận đấu cuối cùng của thế hệ Grande Torino.
Từ Cagliari đến Lisbon: Số phận đưa Grande Torino về với Chúa
Mazzola luôn ủng hộ dự án đưa Torino vươn ra thế giới của ngài Novo, và dùng mối quan hệ của mình để tổ chức các trận giao hữu. Theo lịch, Torino sẽ gặp Cagliari tại sân vận động Via Pola vào ngày 4/5/1949. Khi ấy, đội bóng xứ đảo Sardinia đang chơi ở Serie C1 và không nổi tiếng như bây giờ. Vì vậy, trận đấu giữa hai đội thu hút sự chú ý rất lớn. Ngày 15/3/1949, tờ báo địa phương Sardegna Sport chạy dòng tiêu đề thể hiện sự khó tin: “Torino sẽ đến Cagliari vào ngày 4/5?”. Trả lời phỏng vấn với tờ Goal, nhà sử học thể thao Mario Fadda hoài nghi: “Ban lãnh đạo Cagliari mời được Torino đến Via Pola để chơi một trận giao hữu nhân dịp thánh Sant’Efisio trở lại thành phố. Tôi phải tìm hiểu kỹ về thông tin này”.
Sant’Efisio là vị thánh bảo hộ của Cagliari và khắp xứ đảo Sardinia, tử vì đạo dưới thời hoàng đế Diocletian vào ngày 15/1/303. Theo những lời kể được truyền lại ở Nora, trước khi chết, Sant’Efisio cầu xin sự bảo vệ của Chúa cho tất cả người dân Sardinia. Vì lý do này, ngài nhận được sự tôn kính trên khắp hòn đảo. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ngay cả những cuộc ném bom của Mỹ cũng không ngăn cản được việc các tín đồ tổ chức rước kiệu của Sant’Efisio.
Ngày 4/5/1949 rơi vào giữa tuần, và đó cũng là ngày kết thúc lễ hội ở Cagliari, với sự kiện quan trọng là rước linh hồn của Sant’Efisio trở về. Trong nửa đầu thế kỷ XX, các sự kiện thể thao thường tổ chức vào ngày cuối cùng của lễ hội. Các bên tự sắp xếp với nhau, không cần thông qua Lega Calcio hay Liên đoàn bóng đá Italia. Peppino Deiana, người quản lý Cagliari và là một nhà kinh doanh đồ da nổi tiếng, chủ động liên hệ với người bạn thân Valentino Mazzola. Ngoài ra, Giám đốc kỹ thuật Erbstein cũng luôn dành cho Cagliari tình cảm đặc biệt. Trong quá khứ, ông từng dẫn dắt đội bóng này đến ngôi vô địch Serie C1 ở mùa giải 1930/31.

Nói tóm lại, Cagliari và Torino giống như hai người bạn thân. Trong một ấn bản vào thời điểm ấy, tờ Goal mô tả: “Deiana, một người gốc Selargius, thường xuyên lui tới sân Filadelfia và được biết đến là bạn thân của nhiều cầu thủ Torino. Các thỏa thuận được thống nhất với ban lãnh đạo Il Toro từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Ngoài trận đấu này, Francesco Ferreira, một người bạn thân của Mazzola, cũng có ý định mời Torino đá giao hữu với Benfica ở Lisbon. Ferreira đang gặp khó khăn về tài chính và hai đội muốn đọ sức để quyên góp tiền giúp đỡ anh. Song các bên chưa ấn định thời điểm tổ chức”.
Tờ Goal tiếp tục: “Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một đội bóng lớn thi đấu giao hữu với một đội hạng thấp. Tháng 6/1947, Juventus có một trận giao hữu ở Sassari. Genoa từng đến đảo Sardinia để chơi bóng với những cầu thủ ít tên tuổi tại đây, trong khi Lazio cũng có màn đối đầu với Carbonia, đội bóng mới thăng hạng Serie C. Những trận giao hữu như vậy đã trở nên bình thường. Các đội bóng lớn đến thi đấu, mang đến kỷ niệm đẹp cho đối thủ của mình. Đổi lại, họ sẽ thu về một khoản tiền, đồng thời quảng bá hình ảnh, danh tiếng và tìm kiếm những người hâm mộ mới”.
Người dân Cagliari đang háo hức chờ đợi màn tiếp đón nhà đương kim vô địch Serie A. Nhưng rồi, điều bất ngờ đã xảy ra. Chủ tịch Novo và người đồng cấp bên phía Benfica chốt lịch du đấu trong tháng 5/1949. Khi ấy, cuộc cạnh tranh Scudetto đang diễn ra rất căng thẳng và Torino không được phép đá giao hữu quá nhiều. Họ chỉ được chọn 1 trong 2. Ferreira đang cần sự giúp đỡ nên cuộc đọ sức ở Lisbon có ý nghĩa lớn lao hơn. Ban lãnh đạo Il Toro cũng muốn dành sự ưu tiên cho những trận đấu xuyên quốc bởi họ sẽ thu về khoản tiền lớn. Cuối cùng, ngài Novo thống nhất với Deiana, trận đấu tại Sardinia được dời sang tháng 6/1949.
Tờ Goal kể lại: “Khi biết tin cuộc tiếp đón Torino bị hoãn, Deiana dựng một ngôi nhà nhỏ ở Selargius để làm nơi ở cho các vị khách. Đến mùa hè, ban lãnh đạo, đội ngũ huấn luyện và các cầu thủ Torino sẽ tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày ở đây. Ngoài việc thi đấu với Cagliari, họ sẽ được tham quan hòn đảo Sardinia và đi săn trong rừng”.
Ngày 3/5/1949, thầy trò HLV Lievesley sẽ thi đấu ở Lisbon. Một tờ báo địa phương cho biết: “Nhiều người truyền tai nhau rằng Ferreira sẽ giã từ sự nghiệp cầu thủ sau trận đấu. Tuy nhiên, anh ấy muốn chơi thêm ít nhất 5 năm nữa. Màn đối đầu với Torino nhằm mục đích chính là giúp Ferreira thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Các cầu thủ bóng đá khi ấy vẫn thường xuyên tổ chức các trận đấu nhằm giúp đỡ đồng nghiệp. Do hiếm khi được chứng kiến một CLB nước ngoài đến đá giao hữu, người hâm mộ đội chủ nhà sẵn sàng bỏ tiền mua vé bằng bất kỳ giá nào. Sau khi trừ khoản chi phí mời đội khách và các khoản tiền khác, toàn bộ doanh thu còn lại sẽ được dùng để ủng hộ cho người đang gặp khó khăn”.
Chuyến bay chở các thành viên Torino rời phi trường Malpensa và có mặt tại Lisbon vào ngày 1/5/1949. Thủ quân Mazzola dẫn dắt toàn đội dù vẫn còn bị sốt. Giám đốc Renato Casalbore của tờ Tuttosport, nhà báo Luigi Cavallero của tờ La Nuova Stampa và ký giả Renato Tosatti của tờ La Gazzetta del Popolo cũng có mặt trên chuyến bay này.
Ngược lại, một số nhân vật quan trọng không thể sang Bồ Đào Nha. Chủ tịch Novo bị viêm phổi nặng, tiếp tục điều trị ở bệnh viện. Hậu vệ Sauro Tomà cũng phải làm bạn với giường bệnh do chấn thương đầu gối. Sau sự can thiệp của Aldo Ballarin, thủ môn dự bị Renato Gandolfi buộc phải ở nhà, nhường suất cho Dino Ballarin. Một số cầu thủ ở đội trẻ như Pietro Biglino cũng không được điền tên vào danh sách đăng ký thi đấu. Trước giờ máy bay cất cánh, bình luận viên Nicolò Carosio cũng quyết định ở lại sau khi cảnh sát xác nhận con trai của ông và HLV Vittorio Pozzo đang mất tích.

Kế hoạch của Benfica diễn ra thành công. Hơn 40.000 khán giả có mặt ở sân Estadio Nacionál trong buổi chiều ngày 3/5/1949 để xem Torino thi đấu. Trận giao hữu kết thúc với thắng lợi thuộc về đội chủ nhà. Franco Ossola, người vừa biết tin vợ của mình đang mang thai đứa con thứ hai, mở tỷ số cho Il Toro bằng pha dứt điểm tuyệt vời. Nhưng đến phút 15, Benfica vượt lên dẫn trước 3-1 nhờ cú đúp của Alfredo Melao và một bàn thắng của Arsenio Duarte. Trước khi hiệp một khép lại, Emile Bongiorni rút ngắn cách biệt xuống còn 2-3. Thế trận hấp dẫn kéo sang hiệp hai. Rogerio ghi bàn thắng thứ 4 cho Benfica ở phút 85. Sau đó, Minds ấn định kết quả 3-4 từ chấm phạt đền.
Những người bỏ tiền mua vé vào xem trận đấu chắc chắn không cảm thấy thất vọng. Thủ quân Ferreira và các cầu thủ Torino cũng vậy. Sứ mệnh đã hoàn thành, bây giờ là thời điểm để thầy trò HLV Lievesley trở về Italia.
Bi kịch với Grande Torino
Mazzola và các đồng đội cảm thấy mệt mỏi sau trận đấu tại Estadio Nacionál. Thay vì lên máy bay ngay trong ngày 3/5/1949, họ quyết định dời lịch sang hôm sau. 9h40 sáng ngày 4/5/1949, chiếc FIAT G.212 có 3 động cơ của hãng Avio Lines, do phi công Pierluigi Meroni cầm lái, cất cánh từ sân bay Lisbon. Đến 13h00, máy bay hạ cánh tại sân bay Barcelona để tiếp nhiên liệu. Tại đây, các cầu thủ Torino gặp những người đồng nghiệp bên phía AC Milan. Đội bóng áo sọc đỏ đen đang trên đường đến thủ đô Tây Ban Nha để thi đấu giao hữu với Real Madrid. Trong số này có Riccardo Carappellese, người sau này sẽ khoác áo Il Toro. Như điềm báo, chính Carappellese tiết lộ cho tất cả biết rằng mình từng mơ thấy toàn bộ đội hình Torino gặp nạn.
FIAT G.212 khởi động lại vào lúc 14h50. Nhưng thay vì đáp xuống phi trường Malpensa ở Milan như kế hoạch ban đầu, ông Meroni lại lái trực tiếp đến sân bay Torino-Aeritalia. Ai là người đưa ra quyết định này? Đến nay, mọi chuyện vẫn còn là bí ẩn. Song có một số giả thuyết được đưa ra. Thứ nhất, chính các cầu thủ Torino, cụ thể là Mazzola, đã quá mệt mỏi và yêu cầu Meroni bay thẳng về Turin. Thứ hai, việc thay đổi lộ trình là vì lý do hải quan. Toàn đội đều mua đồ lưu niệm ở Lisbon. Tại thủ phủ vùng Piemonte, thủ tục kiểm tra hành lý nhẹ nhàng hơn ở Milan.
Chỉ cần nửa giờ nữa, toàn đội sẽ có mặt ở Torino-Aeritalia. Thế nhưng, vào lúc 16h55, ông Meroni bất ngờ nhận thông tin đáng lo ngại từ trình điều khiển của chiếc FIAT G.212. Thời tiết tại Turin rất xấu, với những đám mây dày và thấp bao phủ cả bầu trời, mưa to như trút nước, gió mạnh và giật, tầm nhìn 40m theo phương ngang rất kém. Đây không phải điều kiện lý tưởng để máy bay hạ cánh. Sau vài phút im lặng, Meroni phản hồi: “Độ cao 2.000m. QDM trên Pino Torinese, sau đó chúng tôi sẽ bay ngang đồi Superga”.

Pino Torinese nằm ở phía đông nam Turin, có một đài phát thanh VDF với công cụ tìm hướng VHF để cung cấp một QDM (tuyến đường từ trường được thực hiện để tiếp cận sóng vô tuyến hỗ trợ) theo yêu cầu. Vào thời điểm mà việc điều hướng vô tuyến không có các thiết bị công nghệ tiên tiến, thông thường các phi công sẽ chọn phương án an toàn khi đối mặt với thời tiết xấu, đó là chuyển hướng sang một sân bay an toàn hơn. Trong trường hợp này, ông Meroni có thể rẽ sang sân bay Malpensa hoặc Linate. Nhưng vị phi cơ trưởng không làm vậy.
17h02, trợ lý của Meroni nối liên lạc đến trạm liên lạc ở Turin lần cuối nhằm xác định góc tiếp cận đường băng. Sau khi xác định được vị trí ở Pino Torinese, Meroni sẽ quay đầu máy bay ngược lại khoảng 290 độ để đáp xuống sân bay Torino-Aeritalia. Nhưng thay vì hướng về khu vực đường băng, máy bay lại rẽ sang đồi Superga. Gió mạnh làm dịch chuyển góc tiếp cận. Máy đo độ cao cũng ngừng hoạt động từ khi toàn đoàn đang giữ khoảng cách 2000m so với mặt đất. Trên thực tế, vào lúc ấy, chiếc FIAT G.212 chỉ cách mặt đất 600m. Meroni lạc trong những đám mây dày, bất lực nhìn máy bay lao về phía Vương cung thánh đường với vận tốc 180km/h. Ông hoảng loạn, không có biết làm gì để níu kéo hy vọng sống đầy mong manh.
17h03, chiếc FIAT G.212 chở thế hệ Grande Torino đâm vào bờ kè của Vương cung thánh đường trên đồi Superga, bao phủ trong sương mù dày đặc. Đội cứu hộ của sân bay Torino-Aeritalia cố gắng nối liên lạc nhưng không nhận được tín hiệu. Vài phút sau, một đám cháy bùng lên. Thi thể cháy xém của 31 người ngồi trên máy bay bị văng ra giữa bãi cỏ và một số phòng của Vương cung thánh đường. Không một ai sống sót. Một số người nghe thấy tiếng nổ sau tai nạn, hét lên: “Nhìn kìa, chiếc máy bay vừa bị rơi!”.
Khi ngọn lửa dần tan biến, người đầu tiên chạy đến hiện trường thảm kịch là tuyên úy Don Tancredi Ricca của đồi Superga. Trước đó, ông ở trong phòng riêng để đọc kinh cầu nguyện và nhìn thấy cảnh tượng đau lòng. Những nhân chứng khác cũng có mặt, trong đó có Amilcare Rocco, người thợ nề sống cách Vương cung thánh đường chỉ vài mét. Họ cùng nhau tìm kiếm di vật của các nạn nhân. Một tấm ảnh chụp toàn đội hình Torino vào năm 1946 được tìm thấy. Don Ricca cũng phát hiện một chiếc áo đấu của Il Toro khâu biểu tượng Scudetto. Trong nỗi bàng hoàng, vị tuyên úy hét to: “Ôi không, đó là Torino!”.
Tin tức nhanh chóng được lan truyền, vượt qua cả biên giới Italia. 18 cầu thủ thuộc thế hệ Grande Torino thiệt mạng sau khi trở về từ Lisbon. Danh sách này bao gồm Valerio Bacigalupo, Aldo Ballarin, Dino Ballarin, Emile Bongiorni, Eusebio Castigliano, Rubens Fadini, Guglielmo Gabetto, Ruggero Grava, Giuseppe Grezar, Ezio Loik, Virgilio Maroso, Danilo Martelli, Valentino Mazzola, Romeo Menti, Pietro Operto, Franco Ossola, Mario Rigamenti và Julius Schubert. Giám đốc điều hành Arnaldo Agnisetta, Ủy viên hội đồng Ippolito Civalleri, Giám đốc kỹ thuật Egri Erbstein, HLV Leslie Lievesley, HLV thể lực Osvaldo Cortina, các nhà báo Renato Casalbore, Renato Tosatti, Luigi Cavallero, người tổ chức sự kiện Andrea Bonaiuti, phi cơ trưởng Pierluigi và 3 thành viên phi hành đoàn Celeste D’Inca, Cesare Biancardi, Antonio Pangrazi cũng trở thành nạn nhân.
Hàng trăm người cố gắng leo lên ngọn đồi để tham gia cứu hộ. Trong số này có cả Vittorio Pozzo, vị HLV từng đưa tuyển Italia 2 lần đến với ngôi vương World Cup. Nhiệm vụ của ông là nhận ra thi thể bị biến dạng và đầy vết bỏng của những người học trò cũ. Romeo Menti được tìm thấy đầu tiên, bởi tiền đạo này thường ghim biểu tượng Fiorentina trên áo khoác của mình. Bỗng từ phía sau, ai đó đặt tay lên vai Pozzo và nói: “Đó là các chàng trai của ông đấy”. Người vừa cất tiếng là John Hansen, tiền đạo người Đan Mạch đang khoác áo Juventus, người cũng chạy đến Superga để giúp đỡ đồng nghiệp của mình. Hansen khiến Pozzo giật mình, bàng hoàng và ngất xỉu.
Sau khi tỉnh dậy, Pozzo tiếp tục nhận diện từng nạn nhân. Mỗi khi cất tiếng đọc tên từng người, trái tim ông như có thêm một nhát dao đâm vào, nước liên tục rơi. Phải rất mạnh mẽ và bình tĩnh, ông mới nhận ra 2 gương mặt cuối cùng: Martelli và Maroso. Pozzo dùng phương pháp loại trừ, bởi cơ thể của 2 chàng trai trẻ hoàn toàn bị xé nát. Cựu thuyền trưởng tuyển Italia kể lại trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi nhận ra tất cả, từng người một. Tôi sắp xếp lại hành lý, kỷ vật của từng nạn nhân. Các cầu thủ đều ít nhiều bị biến dạng, nhiều người mất cả hai chân như những người lính trong chiến tranh. Lievesley là người duy nhất vẫn còn thi thể nguyên vẹn”.
Những ngày sau đó, không ai muốn tin vào cảnh tượng đau lòng đang xảy ra. Nhà báo Indro Montanelli viết trên tờ Corriere della Sera: “Những người hùng luôn bất tử trong mắt những ai tin vào họ. Các cậu bé tin rằng thế hệ Grande Torino vẫn còn sống và họ chỉ đang đi vắng”.
Ngày 5/5/1949, cả đất nước Italia thức dậy trong bầu không khí tang thương và nỗi đau không thể nguôi ngoai. Cả một đội bóng được xem là mạnh nhất từ trước đến nay đã bị đánh bại bởi số phận. Họ mất mạng trong thảm kịch hàng không ở Superga sau trận giao hữu ở Lisbon. Tất cả những gì còn đọng lại là 2 chữ “giá như”. Nhà sử học thể thao Fadda nhấn mạnh: “Nếu trận giao hữu ở Cagliari diễn ra vào ngày 4/5/1949 như dự kiến, các các thành viên Torino chắc chắn sẽ không có mặt ở Turin vào khoảng 5h00 chiều hôm đó. Họ sẽ trở lại vào ngày hôm sau, 5/5/1949, với điều kiện khí hậu hoàn toàn khác và không có bi kịch nào xảy ra. Thật không may, mọi thứ xảy ra như chúng ta đang thấy…”

Ngày 6/5/1949, lễ tang dành cho các nạn nhân được tổ chức ở Palazzo Madama. 31 chiếc quan tài được xếp thành hàng dài. Hơn 500.000 người có mặt tại lễ tang, bao gồm đại diện của tất cả CLB bóng đá ở Italia và một số đội bóng nước ngoài. Giulio Andreoti, Thủ tướng nước Cộng hòa Italia trong tương lai, đại diện cho Chính phủ đến tham dự, cùng với Chủ tịch Ottorino Barassi của Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC). Nhà báo Vittorio Veltroni nhận nhiệm vụ dẫn dắt hoạt động trong lễ tang.
Phía trước Torino vẫn còn 4 trận đấu nữa ở Serie A. Roberto Copernico trở thành HLV tạm quyền, dẫn dắt các cầu thủ thuộc đội Primavera tham dự. Hưởng ứng lời kêu gọi của FIGC, các đối thủ Genoa, Palermo, Sampdoria và Fiorentina cũng cử đội Primavera để đối đầu với Il Toro. Đội chủ sân Filadelfia dễ dàng giành trọn vẹn 8 điểm, kết thúc mùa giải với 60 điểm và danh hiệu Scudetto, hơn Inter Milan 5 điểm. Nhưng thành công ấy không thể làm vơi đi nỗi đau quá lớn.
Ngày 26/5/1949, trận giao hữu quốc tế được tổ chức tại sân Comuale di Torino. Một bên là River Plate vĩ đại của danh thủ Alfredo Di Stefano, bên kia là tập thể đại diện cho Torino, bao gồm 11 cầu thủ được mượn về từ các đội bóng ở Italia. Bull, Sentimenti IV, Manente, Furiassi, Annovazzi, Giovannini, Achilli, Nyers, Boniperti, Nordhal, Hansen, Pietro Ferraris, Lorenzi… tất cả đều khoác áo Il Toro. Toàn bộ số tiền thu về sẽ được quyên góp cho gia đình các nạn nhân của thảm kịch.
FIGC nỗ lực giúp Torino và cả tuyển quốc gia hồi sinh. Song nỗi ám ảnh vẫn tồn tại đến hơn một năm sau, khi tuyển Italia phải đến Brazil để dự vòng chung kết World Cup. Thay vì dùng máy bay, toàn đội quyết định đến Nam Mỹ bằng tàu thủy. Trải qua một hành trình dài mệt mỏi và thiếu vắng những trụ cột Grande Torino, không khó hiểu khi tuyển Italia sớm bị loại.
Ký ức về thế hệ Grande Torino vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tại ngọn đồi Superga, một bảng kỷ niệm in hình toàn đội Il Toro và các nạn nhân khác được dựng lên, để các tifosi có thể tưởng nhớ những người hùng trong lòng họ. Sân vận động Filadelfia được xây dựng lại theo hướng hiện đại để tổ chức các buổi tập của đội một và đội trẻ. Trong khi đó, sân bóng lớn nhất của thủ phủ vùng Piemonte được đổi tên thành “Olimpico Grande Torino” và là mái nhà của đội quân áo bã trầu.
(Lược dịch từ bài “La tragedia di Superga, il disastro aereo che si portò via il Grande Torino” trên tờ Goal).