Một đội bóng giành được Scudetto đầu tiên trong lịch sử dù 2 năm trước còn chơi ở Serie B, và sau đó tan rã theo cách không thể đau buồn hơn. Đó là câu chuyện của Lazio trong những năm 1970.
Roma, ngày 12 tháng 5 năm 1974. Ngay từ khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, một làn hơi nóng đã đè nặng lên cả thủ đô. Hàng loạt điểm bỏ phiếu rải rác khắp các khu phố đã sẵn sàng, chờ đợi những công dân đầu tiên đi bầu cử. Ngày hôm ấy, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, nhằm kêu gọi người dân bày tỏ ý kiến liên quan đến việc bãi bỏ luật Fortuna – Baslini (luật ly hôn cấp tốc). 59% số phiếu bầu không đồng ý xóa bỏ điều luật này và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo xem đây là một thất bại lịch sử.
Trong khi đó, đối với các laziali, vẫn còn một sự kiện đặc biệt khác. Vào buổi chiều, đội bóng mà họ yêu mến có cơ hội giành Scudetto đầu tiên trong lịch sử. Chỉ cần đánh bại Foggia, Lazio sẽ trở thành nhà vô địch. Sự chờ đợi khiến con tim của họ như bị bóp nghẹt. Khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi trận đấu bắt đầu, cả sân Olimpico không còn chỗ trống. Hàng nghìn người không có vé hò hét bên ngoài sân, tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt.
Khát vọng của “biệt đội đại bàng”
Câu chuyện bắt đầu từ 3 năm trước. Cuối mùa giải 1970/71, Lazio nhận vé xuống chơi ở Serie B. Trước những con mắt hoài nghi về tương lai của Bianconcelesti, Chủ tịch Umberto Lenzini và Giám đốc thể thao Antonio Sbardella có một quyết định làm tất cả phải ngạc nhiên: giao đội bóng cho HLV Tommaso Maestrelli, người cũng vừa khiến Foggia phải chia tay Serie A.
Ban lãnh đạo Lazio vẫn chưa thể quên việc đội bóng của mình bị Foggia vùi dập 2-5 tại sân Zaccaria vào ngày 13/12/1970. Foggia cũng chơi tốt trong phần lớn thời gian của mùa giải và chỉ sa sút ở cuối giai đoạn lượt về. Ngài Lenzini có lý do để đặt niềm tin vào vị thuyền trưởng người Pisa. Song phần đông các laziali thì không. Họ cho rằng việc HLV Juan Carlos Lorenzo từ chức đã đẩy thượng tầng vào cơn hoảng loạn, không thể tìm được cái tên đẳng cấp để thay thế.

Maestrelli đáp lại sự hoài nghi ấy bằng thái độ điềm tĩnh, ít nói. Đứng giữa phòng thay đồ có dấu hiệu nổi loạn và mất đoàn kết, ông ngay lập tức tìm ra được người giữ linh hồn cảm xúc cho toàn đội: trung phong Giorgio Chinaglia. Lazio chỉ cần một năm để quay trở lại Serie A. Họ đứng thứ hai trên bảng xếp hạng Serie B, chỉ sau Ternana. Với 21 lần sút tung mành lưới đối phương, Chinaglia trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất đội. Tầm ảnh hưởng của Maestrelli cũng ngày càng lớn. Một học trò của ông kể lại: “Tùy từng trường hợp, Maestrelli phải đảm nhiệm vai trò chuyên gia tâm lý, người cha, hoặc người bạn của các cầu thủ. Ông ấy có thể làm tất cả những điều này”.
Để phục vụ cho mùa giải 1972/73, Maestrelli thuyết phục Lenzini và Sbardella chiêu mộ Luciano Re Cecconi, cậu học trò cũ của ông ở Foggia. Renzo Garlaschelli được đưa về từ Como, Felice Pulici chuyển đến từ Novara, Mario Frustalupi cũng rời Inter Milan để gia nhập “biệt đội đại bàng”. Chỉ ít giờ trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa, họ kịp thuyết phục người hàng xóm AS Roma nhượng lại hậu vệ Sergio Pedro Petrelli. Ở chiều ngược lại, Giuseppe Massa là cái tên đáng chú ý nhất phải chia tay sân Olimpico.
Đội hình Lazio dần hoàn thiện, mang đến cho người hâm mộ khoảng thời gian 2 năm khó quên. Trong phòng thay đồ, sự ích kỷ, cái tôi cá nhân dần biến mất, đưa tất cả cùng hướng về mục tiêu chung đó là thành công của Lazio. Màn trình diễn trên sân cỏ thể hiện rõ sự kết hợp giữa đẳng cấp của từng cầu thủ và tinh thần đoàn kết của toàn đội. Biancocelesti thu về nhiều kết quả tích cực dù lối chơi của họ vẫn còn nét hoang dã, không toan tính thực dụng. Người tạo nên tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thành công của Lazio chính là Maestrelli. Như cậu học trò đã nói, Maestrelli là chuyên gia tâm lý, người cha và người bạn tâm tình của các cầu thủ.
Bên cạnh thành tích ở các giải đấu, Lazio trong những năm ấy còn tạo nên vô số giai thoại ở phía hậu trường. Toàn đội từng được trang bị 44 khẩu súng lục Magnum, khẩu Colt-45 và cả súng tiểu liên M-16. Petrelli là người làm nên những khẩu súng ấy. Hậu vệ cánh 29 tuổi đam mê vũ khí mãnh liệt và truyền lại cho đồng đội. Vì vậy, Lazio ngày càng trở nên đáng sợ, sẵn sàng dùng vũ lực để đối mặt với sự phiền toái. Vào đêm trước trận Derby della Capitale năm 1973, đám đông romanisti cố gắng gây ồn ào bên ngoài khách sạn Americana, làm mất giấc ngủ của các cầu thủ Lazio. Ngay lập tức, những phát súng được Petrelli và các đồng đội bắn ra từ cửa sổ. Tất nhiên, họ chỉ nhắm vào cây cối, đèn đường…

Thói quen sử dụng vũ khí cũng mang đến cho Lazio nhiều rắc rối. Một phi công hãng Alitalia từng từ chối cất cánh từ sân bay Orio al Serio sau khi thấy các cầu thủ sở hữu khẩu Santabarbara. Đại bản doanh Tor di Quinto của “biệt đội đại bàng” từng được xem là kho vũ khí và bị điều tra vì sở hữu “những tên phát xít nguy hiểm”. Tình hình chính trị ở Italia trong những năm ấy rất căng thẳng, hàng loạt cuộc đảo chính xuất hiện gắn liền với chủ nghĩa tân phát xít. Phần đông cầu thủ Lazio đều ít quan tâm và thiếu hiểu biết về chính trị. Song việc thường xuyên ra đường với một khẩu súng khiến họ không thể thoát khỏi ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh.
Để xua tan sự đáng sợ trong mắt người hâm mộ, Chinaglia và các đồng đội cố gắng thể hiện sự hiền lành, yêu bóng đá. Hàng tháng, mỗi người đều đóng góp 50.000 lire để giúp những nhân viên thu nhập thấp như người phụ trách kho hàng, người làm vườn, người giặt đồ… có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Maestrelli mang hình mẫu của một người đàn ông luôn hướng về gia đình và dùng hơi ấm tình thương để cảm hóa những cá tính lớn. Xét về lĩnh vực này, nhà cầm quân người Pisa thực sự là bậc thầy.
Trên sân cỏ, Lazio thi đấu với tinh thần khát khao chiến thắng ngay từ khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Ngày 21/1/1973, “biệt đội đại bàng” đè bẹp Napoli hùng mạnh đến 3-0 nhờ những pha dứt điểm của Pierpaolo Manservisi, Franco Nanni và Giorgio Chinaglia. Một tuần sau, tại San Siro, họ vượt lên dẫn trước Inter Milan 1-0 nhờ quả phạt đền của Chinaglia. Đáng tiếc, Lazio không thể giữ được trọn vẹn 2 điểm khi để Roberto Boninsegna gỡ hòa ở phút 60. Trong cả hai trận Derby della Capitale, Lazio đều giành chiến thắng. Ngày 12/11/1972, pha dứt điểm của Nanni mang về chiến thắng tối thiểu cho Biancocelesti. Đến ngày 11/3/1973, Renzo Garlaschelli và Sergio Santarini giúp đội bóng của mình vùi dập đối thủ cùng thành phố 2 bàn không gỡ.
Trong mùa giải 1972/73 đó, Maestrelli mang đến cho Lazio lối chơi hài hòa, mang bản sắc riêng. Nhiều người cho rằng Biancocelesti sao chép công thức từ Hà Lan, nền bóng đá vĩ đại nhất thời bấy giờ. Bí quyết của Maestrelli nằm ở việc các cầu thủ di chuyển liên tục và hoán đổi vai trò. Vào một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, chính cựu thuyền trưởng Foggia mô tả ngắn gọn về lối chơi của Lazio: “Đội bóng này có động lực của Giuseppe Wilson, sự quyết liệt của Luigi Martini, hơi thở của Luciano Re Cecconi, kỹ thuật của Mario Frustalupi và trên hết là khát khao chiến thắng của Giorgio Chinaglia”.
Sức mạnh của Lazio không chỉ nằm ở lối chơi, mà còn ở sự gắn kết, bảo vệ lẫn nhau. Ngày 11/3/1973, trận Derby della Capitale diễn ra trong bối cảnh. Các cầu thủ Biancocelesti thường xuyên phải nhận những lời lẽ đe dọa từ người hâm mộ AS Roma. Bên cạnh đó, họ còn trở thành nạn nhân của những pha vào bóng ác ý bên phía đại kình địch cùng thành phố. Quá tức giận, Chinaglia ngay lập tức lao đến, bảo vệ đồng đội của mình và định dùng nắm đấm để nói chuyện với cầu thủ đối phương. Chinaglia đại diện cho sức mạnh của Lazio. Suốt trận đấu, anh nỗ lực đến mức kiệt sức và ngất xỉu. Trên đường rời sân Olimpico, xe buýt của đội bóng phải dừng ở một số cửa hàng tiện lợi để mọi người xuống mua bánh cho anh.
Lazio quyết chiến với Juventus, AC Milan vì danh hiệu Scudetto cho đến vòng đấu cuối cùng. Khi ấy, Rossoneri đang dẫn đầu bảng, còn Juventus và Lazio xếp ngay phía sau với 1 điểm ít hơn. Dù nắm trong tay quyền tự quyết, đội bóng áo sọc đỏ đen lại tự bắn vào chân mình với thất bại 3-5 trên sân của Hellas Verona. Tận dụng cơ hội, Juventus lội ngược dòng, giành chiến thắng 2-1 trước AS Roma trên sân Olimpico. Nếu Lazio vượt qua Napoli tại San Paolo, Scudetto sẽ cần thêm một trận play-off để tìm ra chủ nhân. Đáng tiếc, điều ấy không xảy ra. Bàn thắng ở phút 89 của Giuseppe Damiani giúp Napoli trả sòng phẳng món nợ ở lượt đi, đồng thời chấm dứt giấc mơ viết nên câu chuyện cổ tích của thầy trò ông Maestrelli.

Sự đoàn kết kỳ lạ của Lazio
Việc đứng thứ ba trên bảng xếp hạng ngay trong mùa giải đầu tiên trở lại Serie A giúp các laziali tràn đầy tự tin về một ngày đội bóng của mình giành Scudetto. Song vào mùa hè, tham vọng của họ bị dội một gáo nước lạnh. Chủ tịch Lentini cho rằng tập thể Lazio đã sẵn sàng cạnh tranh danh hiệu vào không đầu tư nhiều vào việc mua sắm. Thay vào đó, “biệt đội đại bàng” chỉ có thêm một cái tên mới là Vincenzo D’Amico, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB.
Trái ngược với sự đoàn kết ở mùa giải trước, nội bộ Lazio chia làm 2 nhóm tách biệt. Một nhóm do Wilson và Chinaglia đứng đầu, nhóm còn lại là của Martini và Re Cecconi. Hai nhóm sử dụng phòng thay đồ khác nhau, thường chỉ gặp nhau vào thứ 6 ở Tor di Quinto để chuẩn bị cho trận đấu vào cuối tuần. Những buổi tập ấy thường kết thúc vào lúc 9h00 tối. Tor di Quinto không có dàn đèn, buộc họ phải sử dụng đèn pha từ ô tô. Vì sự cạnh tranh giữa hai nhóm, không ai muốn ra về trước. Các cầu thủ cũng thường dùng nắm đấm để nói chuyện trước khi rời sân tập.
Ban lãnh đạo và HLV Maestrelli sẽ tìm cách loại bỏ những cá tính lớn gây mất đoàn kết ấy? Không. Trái lại, họ lợi dụng sự đố kỵ, ghen ghét của hai bên để yêu cầu các tất cả nỗ lực nhiều hơn và chấp nhận sự hy sinh. Bước vào trận đấu, họ tạo nên “tinh thần đồng đội” không thể ngờ. Dù chỉ là giao hữu, các cầu thủ quyết tâm mang về chiến thắng cho Lazio, đồng thời khẳng định sức mạnh với nhóm đối lập.
Pulici trở thành một trong những thủ môn xuất sắc nhất giải, bên cạnh Dino Zoff, Enrico Albertosi và Luciano Castellini. Petrelli và Facco thay nhau đảm nhiệm vai trò hậu vệ phải. Hành lang đối diện trở thành nơi bất khả xâm phạm của Martini, người lên công về thủ nhịp nhàng, sẵn sàng tung ra những pha truy cản chính xác và sở hữu khả năng tạt bóng đầy nguy hiểm. Vị trí trung vệ thuộc về Oddi và đội trưởng Wilson. Cả hai đều thi đấu với độ tập trung rất cao, hiếm khi để cầu thủ đối phương vượt qua trong vòng cấm. Wilson còn được giao nhiệm vụ thực hiện những pha sút phạt. Với tấm băng thủ quân trên tay, anh có tầm ảnh hưởng lớn trong phòng thay đồ và trở thành đồng minh không thể tách rời của Chinaglia.
Hàng tiền vệ được tạo nên bởi thể lực của “người 7 phổi” Re Cecconi, sự năng động của “pistone” Nanni và sự chỉ huy của “đạo diễn” Frustalupi. Bộ ba này làm rất tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong những pha chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Trên hàng công, hai cánh được giao cho Garlaschelli và Manservisi, bộ đôi sở hữu tốc độ đi kèm với sự thông minh, trở thành đối tác lý tưởng cho bất kỳ trung phong nào. Khi Maestrelli cần sự tươi mới, đôi chân ma thuật của D’Amico sẽ được lựa chọn. Mảnh ghép còn lại trong đội hình thuộc về “máy ném bom” Chinaglia. Với thân hình cao lớn, khả năng dứt điểm tốt bằng đầu và cả hai chân, Chinaglia có thể hoạt động độc lập, gieo ác mộng cho mọi hàng thủ.
Những mảnh ghép ấy tạo nên một tập thể mạnh mẽ. Nhưng ít ai biết rằng nhiều người trong số họ từng không muốn gắn bó với sự nghiệp bóng đá. Có người từng tập luyện nhảy dù, chờ đợi cơ hội để dấn thân vào nghề phi công lái máy bay. Có ngừi từng tham gia các kỳ thi đại học, nuôi ước mơ trở thành luật sư. Và có người thường vùi mình vào cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ở vũ trường. Chinaglia là một trong những cái tên thuộc nhóm cuối cùng. Buổi tối, anh thường lái chiếc Jaguar của mình đi qua mọi con đường ở thủ đô.

Để tạo nên sự gắn kết giữa những cá tính lớn ấy, Lazio cần đến “hiệp ước sắt”. Họ có thể tự do thể hiện mình, nhưng phải tuân thủ một số quy tắc do Maestrelli tạo ra. Vị thuyền trưởng người Pisa vẫn quản lý phòng thay đồ bằng lòng nhân đạo sâu sắc, sự ứng biến, khả năng thấu hiểu cảm xúc của các cầu thủ và tinh thần kỷ luật. Khi Lazio thi đấu không tốt, Maestrelli sẽ nhốt toàn đội trong phòng để nói chuyện. Nếu cảm thấy phương án này không hiệu quả, ông sẽ gọi thủ lĩnh của hai phe đối lập, Chinaglia và Martini, vào phòng làm việc. Ông nhìn chằm chằm vào mắt họ trong vài giây, tâm sự với họ về mọi chuyện, bao gồm cả những vấn đề cá nhân, nhằm giúp hai bên thấu hiểu nhau hơn.
Phương án này như một thứ bùa chú, giúp căng thẳng giảm xuống, đưa mọi thứ trở lại bình thường. Gianni Rivera, huyền thoại của AC Milan, từng dành lời khen cho Maestrelli: “Mọi người đều biết rằng ông ấy được đánh giá cao ở khả năng quản lý con người chứ không phải tư duy chiến thuật. Nhưng hãy cẩn thận, ông ấy là HLV toàn diện”.
Bước vào mùa giải 1973/74, Lazio được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trên đường đua Scudetto. Có rất nhiều trở ngại mà thầy trò Maestrelli cần phải vượt qua: Juventus của Zoff, Capello, Causio và Bettega; Torino của Claudio Sala, Graziani và Pulici; AC Milan của Rivera, Benetti và Chiarugi; Inter Milan của Facchetti, Boninsegna và Mazzola. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Napoli của Vinicio, đội bóng sở hữu lối chơi đầy quyến rũ nhưng không kém phần quyết liệt.
Lazio khởi đầu với chiến thắng vang dội 3-1 trước Vicenza. Hành trình của “biệt đội đại bàng” được đánh dấu bằng hàng loạt chiến thắng danh giá. Ở hai trận Derby della Capitale, họ đều lội ngược dòng và vượt qua đại kình địch AS Roma với tỷ số 2-1. Trong đó, trận lượt về diễn ra rất căng thẳng. Trước cuộc chạm trán tại Olimpico, AS Roma bị đội đầu bảng Lazio bỏ xa đến 11 điểm và chỉ hơn nhóm xuống hạng vỏn vẹn vài điểm. Vì vậy, các romanisti cố gắng khiến tâm lý của Chinaglia trở nên bất ổn bằng những lời lẽ xúc phạm.
Họ phần nào đã thành công với kế hoạch của mình, khi Lazio thi đấu tệ hại trong hiệp một. Nhưng chỉ trong vòng 5 phút đầu hiệp hai, mọi chuyện dần thay đổi. Lazio ghi liền 2 bàn thắng. Chinaglia là tác giả của pha dứt điểm đưa “biệt đội đại bàng” vượt lên dẫn trước. Sau khi ghi bàn, anh chạy đến khu vực Curva Sud của các romanisti quá khích, dùng ngón tay chỉ về phía họ, như muốn buông lời thách thức. Khoảnh khắc ấy giúp tiền đạo người Carrara trở thành biểu tượng của Lazio, cái tên được các laziali nhớ về mỗi khi bước vào trận Derby della Capitale.
Đội quân của Maestrelli giữ ngôi đầu bảng ngay sau vòng 10, bất chấp sự bám đuổi gắt gao từ Juventus. Cuộc chạm trán trực tiếp giữa hai đội vào ngày 17/2/1974 tại sân Olimpico từng được các laziali kỳ vọng sẽ là thời điểm để họ tiến xa hơn trong cuộc đua Scudetto. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Trước đó một tuần, Lazio bị Sampdoria đánh bại 0-1 tại Genova, còn Juventus vùi dập Napoli đến 4-1. Kết quả này giúp khoảng cách giữa hai đội chỉ còn là 2 điểm. Lazio vẫn dẫn đầu với 25 điểm, trong khi đội bóng thành Turin xếp ngay phía sau với 23 điểm. May mắn cho các laziali. Tại Olimpico, Chinaglia và các đồng đội vẫn giữ vững tinh thần, giành chiến thắng 3-1, qua đó nới rộng cách biệt với kẻ bám đuổi lên thành 4 điểm.
Ngày 17/3/1974, Lazio nhận để thua Inter Milan 1-3 tại sân San Siro. Song với cách biệt quá an toàn, họ ngôi đầu bảng vẫn thuộc về “biệt đội đại bàng”. Đến ngày 14/4/1974, Lazio bước vào trận đấu được xem là bước ngoặt của cả mùa giải. Cuộc đối đầu diễn ra tại sân Olimpico và thầy trò HLV Maestrelli phải tiếp đón Hellas Verona. Nếu giành chiến thắng, Biancocelesti sẽ tiến một bước dài đến ngôi vương. Lịch thi đấu của họ trong phần còn lại của mùa giải tương đối nhẹ nhàng, với đối thủ khó nhằn duy nhất là Torino.
Bất ngờ xảy ra ở thủ đô. Cuối hiệp một, Hellas Verona bất ngờ vượt lên dẫn trước 2-1 nhờ nguồn cảm hứng từ Gianfranco Zigoni. Lazio thi đấu mờ nhạt, không ai nhận ra hình ảnh của đội bóng đang đứng đầu bảng xếp hạng. Trong giờ nghỉ, bầu không khí im lặng bao trùm phòng thay đồ. HLV Maestrelli chỉ nói những lời mà ông cho rằng đủ để xốc lại tinh thần của các học trò, rồi để họ vào sân ngay lập tức. Sau khi bước ra từ đường hầm, các cầu thủ Lazio giống như 11 khẩu súng nhắm vào khung thành đối phương. Kết quả chung cuộc, Garlaschelli, Nanni và Chinaglia ghi liền 3 bàn, giúp đội chủ nhà giành chiến thắng 4-2.
Lazio có 38 điểm, Juventus có 35 điểm. Ở 2 vòng đấu tiếp theo, mỗi đội giành thêm 2 điểm nữa. Điều này giúp “biệt đội đại bàng” tràn đầy tự tin khi bước vào vòng đấu áp chót trong buổi chiều ngày 12/5/1974 định mệnh.

Thời khắc ăn mừng của Lazio
4h55 chiều 12/5/1974, mọi ngả đường đều dẫn về sân Olimpico tại thủ đô Roma, nơi Lazio tiếp đón Foggia. Hơn 80.000 người hâm mộ có mặt trên khán đài, ôm lấy nhau, hát vang bài ca truyền thống trong vòng tay ấm áp. Dưới sân, sau phần nghi lễ chào sân, Chinaglia tự khích lệ bản thân bằng cách hét lớn: “Đi thôi Giorgio, đi đi thôi!”. 22 cầu thủ vào vị trí của mình, trọng tài Francesco Panzino thổi hồi còi và trận đấu bắt đầu.
Mọi chuyện không hề dễ dàng với Lazio. Hiệp một khép lại mà không có bàn thắng nào được ghi. Các vị khách đến từ Apulia đang vẫy vùng để thoát khỏi khu vực xuống hạng, thi đấu tử thủ trước đội đầu bảng. Họ sẵn sàng đá rắn để ngăn chặn những đợt tấn công từ Biancocelesti. Cùng thời điểm ấy, Juventus đang dẫn trước Fiorentina 1-0 nhờ bàn thắng của Pietro Anastasi. Khoảng cách giữa hai đội bóng đứng đầu bảng được rút ngắn xuống còn 2 điểm. Trong phòng thay đồ của Lazio, bầu không khí yên tĩnh đến mức bạn có thể nghe thấy tiếng ruồi bay. Các cầu thủ nín thở chờ đợi lời chỉ đạo từ HLV Maestrelli.
Vị thuyền trưởng người Pisa bước vào phòng, nở nụ cười điềm tĩnh và không nói lời nào. Re Cecconi phá tan sự yên lặng bằng câu hỏi: “Thưa thầy, chúng ta cần bao nhiêu điểm nữa để có Scudetto?”. Maestrelli trả lời bằng giọng hào sảng: “2 điểm nữa, các cậu. Thêm 2 điểm nữa và danh hiệu này thuộc về các cậu”. Sau thông điệp từ người thầy đáng kính, các cầu thủ Lazio nhìn nhau. Họ không cần thêm bất kỳ thông điệp nào khác. Trên đường trở lại sân vận động, họ đi thật chậm. Từng khung hình về những chiến thắng ở mùa giải này lướt qua tâm trí của họ. Không còn điều gì ngăn cản Lazio chạm vào Scudetto, điều mà họ luôn khao khát.
Bất lợi đến với Lazio. Phút 53, Martini bị ngã, gãy xương đòn và buộc phải rời sân bằng cáng, nhường vị trí cho Polentes. Song điều đó không làm sự quyết tâm của Lazio suy giảm. Điều gì phải đến cũng đã đến. Phút 14, sau đường chuyền của Garlaschelli, bóng chạm tay một cầu thủ Foggia trong vòng cấm đội khách và Biancocelesti được hưởng phạt đền. Khoảnh khắc của định mệnh. Chinaglia nhặt bóng, cẩn thận đặt lên chấm penalty. Sau vài bước chạy đà, anh tung ra cú sút, hạ gục thủ môn Raffaele Trentini, mở tỷ số trận đấu.
Thời gian dần trôi về những phút cuối, kết quả vẫn được giữ nguyên. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, bầu không khí tại Olimpico trở nên cuồng nhiệt. Các cầu thủ và ban huấn luyện ùa vào sân, cùng ăn mừng Scudetto đầu tiên trong lịch sử CLB. Trên khán đài, các laziali cuồng nhiệt cùng nhau hò hét, giăng hàng nghìn biểu ngữ và phất lá cờ màu xanh trắng truyền thống. Sau đó, họ ùa vào sân, ôm các thần tượng của mình, từ các cầu thủ, HLV Maestrelli, trợ lý Bob Lovati, và cả Chủ tịch Lenzini.

Vào buổi tối, tất cả cùng nhau mở tiệc tại quán bar Jackie O’, ăn mừng cho đến sáng. Ngoại trừ Maestrelli, tất cả mọi người cùng nhau tận hưởng thành công giống như những người anh em trong gia đình. Phía trước họ vẫn còn trận đấu với Bologna. Nhưng vào 5h45 chiều ngày 12/5/1974, cuộc chinh phục Scudetto của họ đã kết thúc.
Đoạn kết buồn vô hạn
Sang mùa giải 1974/75, Lazio không còn sức mạnh và động lực để khẳng định đẳng cấp của nhà đương kim vô địch. Họ cán đích ở vị trí thứ tư, sau Juventus, Napoli và “gã hàng xóm” AS Roma. Nhưng đó chưa phải là bi kịch lớn nhất. Ngày 30/3/1975, sau khi trận Bologna – Lazio kết thúc, HLV Maestrelli bất ngờ cảm thấy không khỏe. Ông liền đến bệnh viện, làm các xét nghiệm cần thiết và nhận được kết quả sốc: bệnh ung thư. Một cuộc chiến đang chờ đợi Maestrelli, khiến ông phải rời xa toàn đội một thời gian để tiến hành điều trị. Trợ lý Giulio Corsini thay nhà cầm quân người Pisa dẫn dắt Lazio.
Tình hình sức khỏe của Maestrelli dần chuyển biến tích cực, nhưng thành tích của Lazio thì không. Đội bóng thủ đô rơi vào cuộc đua trụ hạng. Trước tình thế cấp bách, các cầu thủ thuyết phục Chủ tịch Lenzini đưa Maestrelli trở lại Tor di Quinto. Mùa xuân năm 1976, người thầy đáng kính nhận lời dẫn dắt Lazio thêm lần nữa, giúp đội bóng thân yêu cán đích ở vị trí thứ 13. Tháng 4 năm ấy, Chinaglia muốn chuyển đến New York Cosmos theo tiếng gọi của cô vợ Connie và hai con. Song anh vẫn còn đắn đo bởi “biệt đội đại bàng” đang gặp khó khăn. Biết được câu chuyện của Chinaglia, Maestrelli thuyết phục cậu học trò rời Italia và chuyển đến Mỹ sống cùng gia đình.
Sang mùa thu, tình trạng của Maestrelli lại trở nên xấu đi. Ngày 28/11/1976, ông nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Bốn ngày sau, ông đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 54. Tất cả cầu thủ Lazio và cả thế giới bóng đá bày tỏ sự tiếc thương dành cho người đàn ông hiền lành, kiệm lời, luôn cố gắng mang đến sự bình yên, nhân văn trong môi trường làm việc có quá nhiều sự cuồng loạn.
Bi kịch của Lazio chưa dừng lại. Ngày 18/1/1977, Re Cecconi và người đồng đội Pietro Ghedin bước vào một cửa hàng bán đồ trang sức. Người chủ cửa hàng vốn là đối tượng được nhiều tên cướp nhắm đến trong quá khứ. Re Cecconi vô tình nói một câu khiến ông chủ tưởng rằng mình sắp bị cướp. Ngay lập tức, ông rút súng bắn vào người tiền vệ 29 tuổi, khiến anh tử vong tại chỗ. Sau cuộc điều tra, cảnh sát xác nhận người chủ cửa hàng chỉ cố gắng bảo vệ bản thân và tuyên trắng án. Song điều đó không thể giúp Re Cecconi trở về với Lazio.

Vài năm sau, thêm một nỗi đau đến với các laziali. Đội trưởng Wilson, Chinaglia và cầu thủ trẻ Lionello Manfredonia dính vào cuộc điều tra vì hành vi cá cược bất hợp pháp. Án phạt được đưa ra, cả ba bị cấm thi đấu bóng đá suốt đời. Đế chế Lazio từng giành Scudetto 1973/74 chính thức suy tàn. Sang mùa giải 1979/80, “biệt đội đại bàng” phải nói lời chia tay Serie A, bắt đầu một giai đoạn đen tối trong lịch sử.
Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Lazio lần đầu bước lên bục vinh quang. Với các laziali, ký ức về thời kỳ huy hoàng ấy không bao giờ bị lãng quên. Trái tim của họ luôn có chỗ cho tập thể gồm những chàng trai mạnh mẽ, kiên cường, luôn chơi bóng vì danh dự và tình bạn, sẵn sàng lao vào đối thủ như những tay súng lãng mạn. Tất cả cùng chiến đấu với tinh thần mọi người vì một người, một người vì mọi người, giống như các nhân vật chính trong phim của Sam Peckinpah. Cho đến bây giờ, ngay cả khi từng giành Scudetto ở mùa giải 1999/2000, Lazio vẫn chưa có thêm ký ức nào đẹp hơn thế…
(Lược dịch từ bài “La Lazio di Maestrelli: un mucchio selvaggio” trên tờ Rivista Contrasti).