Ngày 29/5/1985, sân vận động Heysel diễn ra trận chung kết cúp C1 châu Âu giữa Juventus và Liverpool. Song trước giờ bóng lăn, một thảm kịch xảy ra khiến mọi diễn biến của trận đấu bị lu mờ.
“32 người Italia, 4 người Bỉ, 2 người Pháp, 1 người Bắc Ireland tử nạn. Và hơn 600 người khác bị thương. Mọi chuyện ở sân Heysel như kết thúc. Tiếng la hét cuồng nhiệt, gam màu rực rỡ không còn, thay vào đó là sự im lặng đáng sợ. Bây giờ là 9h40 tối, và việc 2 đội vào sân thi đấu là điều phi lý đến mức tầm thường”, Anthony Cartwright và Gian Luca Favetto viết trong cuốn sách “Il giorno perduto”.
Mùa giải 1984/85 sắp kết thúc. Nhiều người bắt đầu mong chờ trận chung kết cúp C1 châu Âu, dự kiến diễn ra vào thứ tư, ngày 29/5/1985. Trong đó, các juventini tỏ ra sốt sắng hơn cả. Tại Serie A, họ đứng thứ 6, chứng kiến Hellas Verona của Osvaldo Bagnoli viết câu chuyện cổ tích với danh hiệu Scudetto. Ở Coppa Italia, “Lão phu nhân” phải dừng bước từ vòng tứ kết, sau khi để thua AC Milan với tỷ số chung cuộc 0-1. Để tránh rơi vào cảnh trắng tay, Juventus buộc phải tập trung toàn lực vào đấu trường châu Âu. Trên đường tiến vào trận đấu cuối cùng, đội quân của Giovanni Trapattoni vượt qua đối thủ mạnh Bordeaux ở bán kết. Bây giờ, họ đang có cơ hội lớn để mang về phòng truyền thống danh hiệu C1 đầu tiên trong lịch sử.
Đối thủ của Juventus trong trận chung kết là Liverpool, nhà đương kim vô địch giải đấu. HLV Joe Fagan muốn lặp lại thành công như ở mùa giải trước. Họ dễ dàng vùi dập Panathinaikos với tổng tỷ số 5-0 ở bán kết và tràn đầy hưng phấn khi chạm trán đại diện của Serie A. Cũng giống như Juventus, Liverpool quyết tâm bảo vệ ngôi vương. Chỉ có như vậy mới giúp họ quên đi một mùa giải thất bại trên mọi đấu trường, đặc biệt là trước đại kình địch Everton tại First Division (tiền thân của Premier League).

Sự hời hợt trên đất Bỉ
Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) lựa chọn sân vận động Heysel ở Brussels (Bỉ) là nơi diễn ra trận chung kết. Trước đó, sân vận động này từng là địa điểm tổ chức trận chung kết cúp C1 châu Âu vào năm 1958, 1966, 1974 và vòng chung kết EURO 1972. Vậy nên, UEFA tin rằng ban tổ chức sân và Liên đoàn bóng đá Bỉ sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ngay từ đầu, quyết định này gây tranh cãi lớn. Cơ sở vật chất ở Heysel đã xuống cấp, hoàn toàn không đủ khả năng đăng cai một sự kiện tầm cỡ châu lục.
Lời cảnh báo về Heysel được đưa ra từ sau EURO 1972, nhưng các bên liên quan vẫn tỏ ra dửng dưng. Nơi đây thiếu các dịch vụ hậu cần như y tế, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong thập niên 1970, Heysel được cải tạo lần đầu, song chính khu vực cải tạo ấy lại bị đổ nát và thiếu lối thoát hiểm. Công tác chăm sóc mặt cỏ và bảo dưỡng các khán đài cũng rất kém. Những bức tường ngăn cách các khu vực ngày càng tồi tàn, mong manh và nhiều lần bị sập. Hệ thống thoát nước trong nhà vệ sinh không đảm bảo, làm cho các bức tường bị ẩm mốc, dần bị ăn mòn và mất khả năng chống chịu.
Sức hút của trận chung kết cúp C1 là điều dễ dàng dự đoán. Song ban tổ chức lại bị động trong việc phân phối vé. Nhiều tuần trước khi trận đấu diễn ra, người hâm mộ bắt đầu chiến dịch săn vé. Trên giấy tờ, Heysel có thể đón tối đa 60.000 khán giả, nhưng có tới 400.000 người muốn đến sân cổ vũ cho đội bóng của mình. Như đã nói, các juventini sốt sắng hơn cả, bởi họ rất muốn chứng kiến “Lão phu nhân” lần đầu đăng quang ở đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Việc phân chia khu vực cho người hâm mộ cũng rất bất cập. Những người yêu mến Juventus sẽ ngồi ở khán đài M, N, O, thuộc phía đông nam của sân vận động. Trong khi đó, khán đài X và Y ở phía đối diện thuộc về CĐV Liverpool. Khán đài Z được UEFA lựa chọn là chỗ ngồi dành cho người hâm mộ trung lập, tức là những người mua vé từ một đơn vị khác, không thuộc cơ quan phân phối vé của 2 đội bóng. Trên thực tế, phần lớn số vé ở khán đài này được mua bởi các juventini. Điều đáng nói, khán đài Z chỉ được ngăn cách với khán đài Y bằng 2 tấm lưới kim loại không quá cao và thực sự rất nguy hiểm nếu xảy ra hỗn chiến.
Ít ngày trước trận chung kết, ban lãnh đạo Liverpool và Juventus cùng bày tỏ sự quan ngại về việc phân chia khu vực như vậy. Tuy nhiên, ban tổ chức trận đấu tin rằng họ có thể thuyết phục các CĐV giữ thái độ ôn hòa và không có chuyện các juventini chiếm ưu thế ở khán đài Z.

Thảm họa Heysel bắt đầu
Người hâm mộ Liverpool đồ dồn về Brussels từ sáng sớm, đông hơn gấp nhiều lần so với số lượng vé bán ra. Họ sử dụng rượu, tạo nên những cuộc ẩu đả và một vụ cướp trong cửa hàng trang sức. Khi những cánh cổng sân vận động mở vào buổi chiều, người hâm mộ bóng đá ở Bỉ và các nước khác mới đến sân, ngồi ở khán đài Z cùng cha mẹ và con cái của họ. Phần lớn trong số này đều ủng hộ Juventus. Trong khi đó, ở khán đài X và Y, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường rằng số người có mặt lớn hơn sức chứa của khu vực này rất nhiều, đồng nghĩa với việc nhiều người không có vé nhưng vẫn được vào sân.
Các biện pháp kiểm soát ở lối vào thiếu chặt chẽ và hời hợt. Có khoảng 6.000 CĐV đến từ Anh trốn vé vào sân, bao gồm nhóm Ultra của Chelsea, các thành viên tổ chức tân Quốc xã Combat 18 và đảng Mặt trận Quốc gia. Tất cả những tổ chức này đều nổi tiếng về bạo lực. Một số người còn xâm nhập vào khán đài X và Y bằng cách tạo lỗ trên bức tường sân Heysel để leo lên.
Claudio Pozzi, một trong những người sống sót sau ngày hôm đó, kể lại: “Ngày 29/5/1985, tôi 30 tuổi và những ký ức sẽ không thể xóa nhòa. Chúng tôi đến sân bằng xe buýt từ Busto Arsizio cùng hội Amici della Juventus. Vài ngày trước, chúng tôi không còn hy vọng đến sân bởi họ nói rằng toàn bộ số vé đã được bán hết. Nhưng sau đó, họ cho biết một số chỗ trên khán đài Z còn đang bỏ trống và chúng tôi có thể ngồi ở đó. Sau 15 tiếng di chuyển, chúng tôi đến gần sân Heysel vào khoảng 4 giờ chiều. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là nhiều nhóm người Anh nằm trên bãi cỏ trong tình trạng say xỉn. Tuy nhiên, cảm xúc về trận đấu khiến tôi không quan tâm đến điều này. Tôi chỉ muốn chứng kiến Juventus vô địch”.
Pozzi tiếp tục: “Tôi nhớ cấu trúc sân Heysel khi ấy. Nó gây ấn tượng xấu với tôi vì quá cũ kỹ, không phù hợp để tổ chức trận chung kết cúp C1. Bạn bước qua những cánh cửa lớn dẫn đến cầu thang, sau đó lên khu vực cao nhất của khán đài rồi đi xuống vài bước để đến vị trí của mình. Tôi đi cùng với 4 người bạn, chúng tôi đứng cạnh nhau. Đồng hồ chỉ sang 6h00 tối. Đó là hình ảnh bình thường cuối cùng mà tôi còn giữ trong ký ức của mình. Mọi chuyện vẫn diễn ra giống như nhiều trận đấu khác”.
Thảm kịch bắt đầu xảy đến khi chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa là trận đấu bắt đầu. Pozzi hồi tưởng: “Sân vận động chật kín người. Từ khán đài của tôi, chúng tôi thấy những khán đài dành riêng cho người hâm mộ Liverpool đầy những kẻ côn đồ ngông cuồng. Họ bắt đầu hô hào khẩu hiệu chống lại người Italia. Khán đài X và Y dường như quá chật chội để đón tiếp một trong những đám đông cuồng nhiệt nhất thế giới. Sau đó, một nhóm đặc vụ xuất hiện ở khán đài Z nhằm đối phó với những phần tử quá khích. Song tôi thấy họ giống cảnh sát giao thông hơn là cảnh sát chống bạo động”.

Phần đông người hâm mộ Liverpool nổi tiếng về việc bạo loạn. Họ càng muốn lao vào đánh nhau nếu nhìn thấy những người Italia. Vụ xô xát xảy ra ở trận chung kết cúp C1 tại Olimpico trước đó một năm giữa Liverpool và AS Roma vẫn còn in đậm trong ký ức của họ. Vì vậy, khi thấy người Italia, phần đông người hâm mộ The Kop sợ bị tấn công, trong khi một số khác lại muốn trả thù. Ngay lập tức, họ tràn qua khán đài Z, buông lời đe dọa và tận dụng lợi thế về quân số để đuổi các CĐV trung lập ra khỏi vị trí của mình.
Sau đợt tấn công đầu tiên, mành lưới ngăn cách giữa 2 khán đài vẫn bình thường. Nhưng ở đợt thứ hai và thứ ba, hàng rào ấy bị phá vỡ. Nhóm người hâm mộ Liverpool tràn qua khán đài Z. Chỉ có 5 cảnh sát cố gắng dùng dây để bảo vệ hàng rào. Tất nhiên, với số lượng ít hơn hàng nghìn lần, họ bất lực nhìn cảnh tượng hỗn loạn xảy ra. Pozzi kể tiếp: “Chúng tôi ở cách khoảng 50m và bị quăng nhiều cái chai về phía mình. Một trong những cái chai ấy bay trúng vào mặt người đứng phía sau chúng tôi và vỡ tung. Anh ta la hét đau đớn. Chúng tôi quay lại, thấy máu đã dính đầy mặt anh ta. Đến lúc này, tôi cảm nhận được điều tồi tệ sắp xảy ra”.
Trong cơn hoảng loạn, người hâm mộ ở khán đài Z tìm kiếm lối thoát hiểm nhưng bất thành. Cánh cổng ở phía trên bị khóa, trong khi những người cố gắng tràn xuống sân liền bị đội ngũ sĩ quan đánh đập. Tất cả dần tuyệt vọng, chỉ biết chạy về góc xa khán đài Y nhất. Họ ép nhau sát vào bức tường ngăn cách. Một số người tìm thấy một lỗ hổng, liền nhảy qua và trốn thoát. Trong khi đó, những người khác dẫm đạp lên nhau, ép sát vào nhau. Các CĐV Liverpool tiếp tục tấn công, đuổi theo những người mặc áo đấu Juventus.
Bi kịch đã đến. Bức tường không chịu được áp lực và đổ sập. Nhiều người cố gắng chạy xuống bậc cầu thang, tránh bức tường càng xa càng tốt nhưng không kịp. Họ bị đè bẹp, hoặc bị người khác dẫm đạp lên trong nỗi kinh hoàng.
Pozzi chia sẻ: “Đám đông bắt đầu xô đẩy. Các CĐV Anh nhảy qua lưới, qua cả hàng rào được cảnh sát dựng lên. Họ xâm nhập vào khán đài Z và tìm các juventini. Hàng nghìn người bỏ chạy về phía chúng tôi, khiến áp lực càng lớn hơn. Trong nháy mắt, tôi lạc mất 3 thành viên trong nhóm của mình và chỉ còn ở bên một cậu bạn. Chúng tôi thấy mình ở gần bức tường chết tiệt đó. Với rất nhiều nỗ lực, tôi trèo lên trên thành rồi nhảy xuống từ độ cao khoảng 5m. Tôi thậm chí không biết mình vừa quyết định nhảy hay có ai đó tác động. Bạn của tôi cũng nhảy nhưng bị thương ở chân. May mắn là không có gì nghiêm trọng so với hàng trăm CĐV khác đang gặp nạn”.
Nửa giờ sau, một tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm Bỉ đến sân Heysel. Thảm họa vừa trôi qua, biến sân vận động thành chiến trường. Sau khi buộc tội CĐV Liverpool, cảnh sát ra lệnh bảo vệ người hâm mộ quá khích của Juventus. Một số juventini sống sót sau thảm họa cố gắng tiếp cận đám đông cuồng nhiệt người Anh để trả thù. Về phần mình, ban tổ chức sân Heysel tỏ ra bị động. Việc không có đơn vị chăm sóc đặc biệt trên sân khiến khiến những người bị thương không được hỗ trợ kịp thời. Tổng cộng 39 người thiệt mạng trong thảm kịch, bao gồm 32 người Italia. Ngoài ra, khoảng 600 người bị thương theo mức độ khác nhau.

Quyết định khó hiểu tại Heysel
Ban tổ chức giải đấu và cả Liên đoàn bóng đá châu Âu không nắm rõ tình hình về những gì vừa xảy ra. Họ hiểu rằng một điều tồi tệ vừa xuất hiện, nhưng vẫn không biết chính xác là gì. Vậy nên, họ không đồng ý hoãn hoặc hủy trận đấu. Tiếng còi khai cuộc đến trễ hơn 85 phút so với kế hoạch dự kiến. Họ sợ người hâm mộ Juventus có thể tấn công CĐV Liverpool và thảm kịch sẽ còn tồi tệ hơn. Tuy nhiên, họ tin rằng cách tốt nhất để xua tan nỗi sợ là để trận chung kết nhanh chóng bắt đầu.
Chủ tịch Giampietro Bonperti của Juventus hồi tưởng khi trả lời tờ La Stampa: “Juventus không muốn thi đấu, Liverpool cũng vậy. UEFA và nhà chức trách Bỉ phải làm điều gì đó cho chúng tôi. Nhưng họ sợ việc hủy trận đấu sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Năm 1985, điện thoại di động chưa ra đời. Những người ở phía bên kia sân vận động không thể cảm nhận rõ mức độ nghiêm trọng của thảm kịch. Ban tổ chức cho rằng việc hủy trận chung kết sẽ gây ảnh hưởng xấu nếu chuyện tương tự xảy ra trong tương lai. Vì vậy, họ tìm đến chúng tôi để thuyết phục. Quyết định ấy khiến Heysel không còn là địa ngục nữa, mà là tận thế”.
Ông kể tiếp: “Bạn hãy tưởng tượng ra sự hoang mang, hỗn loạn. Xung quanh chỉ có tiếng còi báo động, tiếng la hét đau lòng. Chúng tôi cố gắng bằng mọi cách không để hung tin truyền vào phòng thay đồ. Vì lý do này, tôi phải ngăn cản Edoardo Agnelli, con trai luật sư Gianni Agnelli, tiếp tục nói chuyện với các cầu thủ. Edoardo đã đi khắp sân, quan sát mọi diễn biến của thảm kịch. Tôi kéo Edoardo vào căn phòng lớn, yêu cầu cậu ta không được phép bước ra ngoài. Sau đó, tôi đi tìm kiếm vợ của mình. Cô ấy đang ở trên khán đài cùng con trai Giampaolo và cả hai đang đi tìm Alexander, người đang mắc kẹt ở khu vực đáng nguyền rủa đó. Tôi cũng dặn Michel Platini rằng phải chiến đấu hết mình, mang cúp về cho Juventus”.
Trận đấu vẫn diễn ra, bất chấp nỗi đau quá lớn. HLV Francesco Morini của Juventus nhớ lại: “Chủ tịch Boniperti nói rõ ràng với quan chức UEFA: ‘Được rồi, nếu các ông muốn, chúng tôi sẽ ra sân. Nhưng kết quả của trận đấu có được tính hay không?’. Phía đại diện Liverpool tỏ ra đồng tình: ‘Nếu chúng tôi chơi, kết quả phải được công nhận’. UEFA không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải tán thành ý kiến của 2 đội bóng”.
Antonio Cabrini, Marco Tardelli và Sergio Brio đi đến các khán đài để nói chuyện với người hâm mộ. Đội trưởng Gaetano Scirea của Juventus và thủ quân Phil Neal của Liverpool cùng đọc một tuyên bố: “Trận đấu sẽ diễn ra, cảnh sát sẽ tổ chức sơ tán, đảm bảo an toàn khi mọi người rời sân vận động. Tất cả hãy bình tĩnh, không đáp trả các hành động khiêu khích. Hãy thưởng thức bóng đá vì chính bạn”.
Các đài truyền hình trên thế giới đưa ra quyết định khác nhau. Đài ZDF của Đức từ chối tường thuật trận đấu, trong khi đài ORF của Áo cắt ngang buổi bình luận và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: “Điều chúng tôi sẽ phát sóng không phải là một sự kiện thể thao, mà là một cuộc biểu tình nhằm tránh xảy ra những vụ thảm sát tiếp theo”.

Tại Italia, bình luận viên Bruno Pizzul rơi vào tình thế khó xử trên kênh Rai 2. Hình ảnh trên sân bị che mờ mà ông không rõ lý do tại sao. Ban đầu, Pizzul cho rằng tất cả xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật. Tuy nhiên ngay sau đó, hình ảnh của thảm kịch xuất hiện trên kênh TG1. Bản thân ông cũng vừa nhận được thông báo về tình hình ở Heysel. Không còn cách nào khác, Pizzul đành mở lời với khán giả: “Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng rất tiếc khi một số người đã qua đời trên sân vận động, nhưng tôi không biết quốc tịch của họ”.
Thông tin liên tục được truyền về Italia. Người dân đất nước ven bờ Địa Trung Hải ngày càng hiểu rõ tình hình nghiêm trọng ở Heysel. Trận đấu vẫn diễn ra và Pizzul tiếp tục bình luận. Nhưng trước khi tiếng còi khai cuộc vang lên, ông thông báo: “Các khán giả thân mến. Trận đấu này sẽ được bình luận với giọng trung lập, vô vị và vô cảm nhất có thể”.
Sự hỗn loạn chưa kết thúc. Những người sống sót sau thảm họa cố gắng tiếp cận khu vực báo chí để tìm cách liên lạc với gia đình của họ ở Italia. Nhiều năm sau, một bình luận viên kể lại: “Đó là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất đối với tôi. Tôi phải đối mặt với nó khi một vài chàng trai ở khán đài Z tiến đến gần. Họ yêu cầu tôi cho phép họ nói với mẹ của mình thông qua micro rằng họ vẫn còn sống. Tôi bị đẩy vào tình thế khó xử, nhưng cuối cùng, tôi quyết định không làm như vậy. Tôi nghĩ đến hàng ngàn bà mẹ khác ở Italia, những người không nghe thấy tiếng của con mình và cảm thấy sợ hãi”.
Đặt mua áo đấu mùa 2022/23 của Juventus tại đây
Trận đấu bắt đầu trong bầu không khí lặng lẽ đến không ngờ. Khán đài Z trống rỗng, trông giống như một chiến trường. Trong hiệp một, Stefano Tacconi giúp Juventus giữ sạch lưới bằng những pha cản phá ấn tượng sau cú dứt điểm của John Wark và Jonnie Whelan. “Lão phu nhân” lùi sâu, chờ đợi cơ hội phản công. Sang hiệp hai, tình hình thay đổi khi Juventus dồn lên, thi đấu táo bạo hơn.
Tình huống quyết định của trận đấu đến ở phút 56. Michel Platini tổ chức phản công bằng đường chuyền dài cho Zbigniew Boniek. Tiền đạo người Ba Lan chạy thật nhanh về phía khung thành Liverpool và bị Gary Gillespie phạm lỗi. Điểm va chạm nằm ngoài vòng cấm, nhưng trọng tài Andre Daina không quan sát kỹ và chỉ tay vào chấm phạt đền. Từ khoảng cách 11m, Platini dễ dàng đánh bại Bruce Grobbelaar, đưa đại diện của Serie A vượt lên dẫn trước. Tiền vệ người Pháp ăn mừng như chưa hề có chuyện gì xảy ra và thực tế là ông không hề biết về tình hình tồi tệ ở khán đài Z.
Đội quân của Trapattoni giữ vững tỷ số đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Juventus trở thành tân vương ở châu Âu. Nhưng đó không phải là điều được các juventini có mặt tại sân Heysel mong chờ nhất. Điều họ muốn vào thời điểm ấy là làm sao về đến nhà an toàn. May mắn thay, không có thêm sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Màn ăn mừng gây tranh cãi
Sau khi trận đấu kết thúc, các cầu thủ và ban huấn luyện Juventus chạy vào sân, ôm nhau ăn mừng điên cuồng. Chiếc cúp được một quan chức thuộc Liên đoàn bóng đá Bỉ chuyển đến thủ quân Scirea. Toàn đội chạy đến các khán đài, chia vui cùng người hâm mộ. Cũng phải thôi, bởi đây là lần đầu tiên họ vô địch cúp C1 châu Âu. Nhưng màn ăn mừng của họ khiến nhiều người tức giận, bởi chiếc cúp ấy nhuốm máu của nhiều CĐV không may qua đời trước khi được chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc.
Sau này, các thành viên Juventus phải lên tiếng thanh minh. Boniek xác nhận rằng ông từ chối nhận huy chương có được tại Heysel. Hậu vệ Cabrini giải thích: “Chúng tôi vào sân với ý thức phải chơi một trận bóng thực sự. Tôi không biết rằng đó là buổi tối mà chiếc cúp vô địch không nên được trao”. Tiền vệ Tardelli chia sẻ: “Chúng tôi không thể từ chối thi đấu, nhưng lẽ ra toàn đội cũng không nên ăn mừng. Tôi thành thật xin lỗi người hâm mộ”.
Chỉ vào đêm muộn, khi sân Heysel hoàn toàn trống rỗng, nhiều người mới biết rõ về một thảm họa. Thông tin về các nạn nhân không may qua đời cũng được xác nhận. Cậu bé 10 tuổi Andrea Casula đến Brussels từ Sardinia cùng cha là Giovanni để lần đầu tiên tận mắt chứng kiến đội bóng yêu thích thứ hai của mình (sau Cagliari) thi đấu. Một bác sĩ trẻ đến từ Arezzo tên là Roberto Lorentini quay lại giúp đỡ một đứa trẻ bị thương và sau đó mất mạng khi bị đám đông đạp lên người. Giuseppina Conti, 16 tuổi, đang đi học và tự thưởng cho mình chuyến đi đến Brussels sau khi hoàn thành bài thi mới nhất.
Còn rất nhiều người khác, mỗi người có một câu chuyện riêng, một gia đình đang chờ đợi họ trở về. Không ai có thể ngờ rằng mình sẽ chết chỉ vì muốn xem một trận bóng đá. Để những ký ức không bị lãng quên, Hiệp hội người thân của các nạn nhân tại Heysel ra đời.

Nỗ lực xoa dịu nỗi đau
Sau sự kiện xảy ra vào ngày 29/5/1985, nhóm 25 tên côn đồ bị đưa ra xét xử. Chủ tịch Albert Roosens của Liên đoàn bóng đá Bỉ và 2 quan chức chịu trách nhiệm về trật tự công cộng tối hôm đó cũng phải hầu tòa. Khi phiên tòa kết thúc, 14 người trong số họ được ân xá. UEFA, Nhà nước và Liên đoàn bóng đá Bỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Ban đầu, trách nhiệm về vụ thảm sát chỉ được quy cho nhóm CĐV Liverpool. Song nhờ sự kiên trì của Otello Lorentini, cha của một trong những nạn nhân, UEFA cũng bị kết án vì sự vô trách nhiệm của mình. Tổng thư ký Hans Bangerter phải thụ án tù 3 tháng nhưng được ân xá. Tuy nhiên, khoản tiền bồi thường dành cho mỗi gia đình nạn nhân thấp hơn nhiều so với cam kết trước tòa. Theo báo cáo của saladellamemoriaheysel.it, mỗi trường hợp chỉ được nhận số tiền rơi vào khoảng 14 đến 400 triệu lire.
Sau thảm họa Heysel, UEFA cũng quyết định loại các đội bóng Anh ra khỏi đấu trường châu Âu trong 5 năm (riêng với Liverpool là 6 năm). Án phạt này được đưa ra theo yêu cầu của Chính phủ Anh, dưới sự điều hành của Thủ tướng Margaret Thatcher. Juventus phải thi đấu 2 trận trong sân vận động không có khán giả. Liên đoàn bóng đá Bỉ bị cấm đăng cai tổ chức các trận chung kết tầm quốc tế trong 10 năm. Cũng trong năm 1985, Công ước châu Âu về bạo lực và gây rối trật tự trong các sự kiện thể thao được đưa ra. Nhưng phải sau thảm kịch Hillsborough tại Sheffield vào năm 1989, các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt ở sân vận động mới được đưa ra.
Không lâu sau vụ thảm sát, tại Piazza Crimea, bên trong trụ sở hành chính của Juventus, kiến trúc sư Daniele Grassi tạo ra một đài tưởng niệm dành cho những người thiệt mạng tại Heysel. Một văn bia được viết bởi nhà báo Giovanni Arpino cũng được đặt ở khu vực này. Năm 2000, vòng chung kết EURO được tổ chức ở Bỉ và Hà Lan. Trước trận đấu giữa tuyển Italia và tuyển Bỉ vào ngày 14/6, một tấm bảng ghi tên 39 nạn nhân ở Heysel được dựng lên. Đội trưởng Paolo Maldini, tiền vệ Antonio Conte của Azzurri và hậu vệ Lorenzo Staelens của đội chủ nhà cùng nhau đặt một bó hoa tại đây.

Tại Champions League 2004/05, Liverpool chạm trán Juventus tại Anfield. Phil Neal, Michel Platini và Ian Rush cùng cầm một tấm bảng in dòng chữ “Liverpool – Juventus trong ký ức và tình bạn”. Vào năm 2012, Chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus đưa một vật kỷ niệm thảm họa Heysel vào bảo tàng J-Museum của CLB. Trên tòa nhà Mole Antonellina, dòng chữ “+39 RISPETTO” luôn xuất hiện vào ngày 29/5 hằng năm. Từ năm 2020, một nhóm người hâm mộ Torino cũng trưng biểu ngữ tương tự trên ngọn đồi Superga, nơi thế hệ Grande Torino yên nghỉ sau thảm họa hàng không vào năm 1949. Cũng tại Turin, một quảng trường dành cho người đi bộ ở quân Aurora được đặt theo tên các nạn nhân Heysel vào năm 2018. Các hoạt động tưởng niệm cũng được tổ chức thường xuyên tại châu Âu.
Cùng với thời gian, nỗi đau dần được nguôi ngoai. Vâng, chỉ được nguôi ngoai thôi. Trong ký ức của nhiều người, những gì xảy ra tại Heysel vẫn còn ám ảnh. Ngày 29/5/1985 được xem là ngày bóng đá mất tích, với bữa tiệc bị biến thành thảm kịch.
(Lược dịch từ bài “La strage dell’Heysel: Juventus-Liverpool e la tragedia in cui morirono 39 tifosi” trên tờ Goal).