Thiên thần và ác quỷ, thần tượng và gã nổi loạn, được nhiều người hâm mộ và cũng không ít kẻ mỉa mai… Cuộc đời cầu thủ của Paolo Di Canio luôn tồn tại 2 mặt sáng tối với ranh giới rõ ràng như thế. Ranh giới ấy được tạo nên bởi chính cá tính mạnh mẽ của anh.
Di Canio giống như một chiếc xe đua luôn ở tốc độ tối đa, không bao giờ giảm. Trên sân cỏ và trong cuộc sống, anh chưa bao giờ tỏ ra nửa vời, thiếu chính kiến hay chấp nhận thỏa hiệp. Dù tương lai có ra sao, anh luôn tiến về phía trước đầy quyết đoán. Nhìn về góc độ tích cực, Di Canio mang hình ảnh của một chiến binh thành Roma, không bao giờ biết cúi đầu, sẵn sàng lao vào cuộc chiến với bất kỳ đối thủ nào. Và tất nhiên, cá tính mạnh mẽ ấy cũng nhiều lần khiến anh tự làm hại mình.
Cũng như cuộc đời, sự nghiệp cầu thủ của Di Canio cũng có những đường nét rõ ràng. Mùa hè năm 1996 là bước ngoặt. Hành trình của Di Canio tại Serie A tạm dừng, để anh bắt đầu chuyến phiêu lưu mới bên ngoài biên giới Italia. Chuyến phiêu lưu ấy kéo dài 8 năm, giúp tiền đạo người Roma đi thẳng vào trái tim của phần đông người hâm mộ từ Scotland đến Anh. Ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp, anh trở về quê nhà và cống hiến cho Lazio. Dù trải qua nhiều thăng trầm, tình yêu của anh dành cho Biancocelesti vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Hai thế giới cùng tồn tại
Di Canio sinh ra và lớn lên ở Quarticciolo, là người con thứ tư trong gia đình gốc Roma. Thời thơ ấu của anh gắn liền “biệt đội đại bàng” Lazio. Tình yêu ấy thôi thúc Di Canio gia nhập lò đào tạo trẻ của Biancocelesti. Tại đây, anh được một số tổ chức giúp đỡ nên không cảm thấy quá nhớ nhà dù phải sống xa gia đình. Di Canio cũng dần từ bỏ niềm đam mê với Coca Cola và đồ ăn vặt, những thứ khiến anh được đặt biệt danh “Er Pallocca” (cậu bé mũm mĩm).
Năm 17 tuổi, Di Canio được đôn lên đội một của Lazio. Tuy nhiên, sự nghiệp cầu thủ của anh chỉ thực sự bắt đầu ở mùa giải 1986/87, trong màu áo Ternana tại Serie C2. Ở một giải đấu ít tính cạnh tranh, anh thỏa sức vẫy vùng, ra sân 27 trận và ghi được 2 bàn thắng trước khi trở về thủ đô. Di Canio gắn bó với Lazio thêm 3 mùa giải. Trong đó, dấu ấn đáng nhớ nhất là bàn thắng trong trận Derby della Capitale vào ngày 15/1/1989. Sau khi ghi bàn, anh chạy thẳng về khán đài Curva Sud, nơi có nhiều romanisti, và ăn mừng đầy phấn khích. Khoảnh khắc ấy cho thấy sự ngang tàng của chàng trai trẻ, gợi nhớ những gì Giorgio Chinaglia từng làm ở mùa giải 1973/74. Tất nhiên, các laziali cảm thấy vô cùng hả hê.
Song chỉ hơn 1 năm sau, mối quan hệ giữa Lazio và Di Canio kết thúc. Chủ tịch Gianmarco Calleri bán chàng trai trẻ của mình cho Juventus. Người hâm mộ “biệt đội đại bàng” tức giận, xem Di Canio là kẻ phản bội. Họ không hiểu sao một người yêu Lazio bằng cả trái tim lại từ chối tình cảm, niềm hạnh phúc cá nhân để chạy theo danh vọng như vậy.
Đặt mua áo đấu của Lazio mùa 2021/22 tại đây
Rời Lazio, Di Canio bắt đầu hành trình khoác áo những đội bóng lớn nhất Italia. Anh ở lại Juventus trong 3 năm và rời đi do mối quan hệ không tốt với HLV Giovanni Trapattoni. Bản thân Di Canio cảm thấy mình được ra sân quá ít ở 2 mùa giải đầu tiên. Sang mùa giải thứ ba, tiền đạo 24 tuổi được thi đấu đến 45 trận, nhưng thời lượng xuất hiện chỉ là 55 phút mỗi trận. Danh hiệu UEFA Cup 1992/93 không đủ để níu kéo Di Canio ở lại sân Delle Alpi. Anh đồng ý vào miền nam và gia nhập Napoli theo dạng cho mượn từ Juventus.
Tại sân San Paolo, Di Canio trở thành nhân vật chính trong một mùa giải tuyệt vời. Anh thi đấu 26 trận, ghi 5 bàn thắng và để lại hàng loạt màn trình diễn ấn tượng, góp công giúp đội quân của Marcello Lippi giành vé dự UEFA Cup. Trong đó, dấu ấn đáng nhớ nhất chính là cú sút tung lưới Foggia ở vòng cuối cùng. Đóng góp to lớn là thế, nhưng khi mùa giải hạ màn, ban lãnh đạo Napoli vẫn không chi tiền để mua đứt cựu tiền đạo Lazio.
Di Canio còn hợp đồng với Juventus nhưng không có ý định tiếp tục chơi bóng ở sân Delle Alpi. Biết được điều này, Chủ tịch Silvio Berlusconi chấp nhận chi 9 tỷ lire để đưa anh về AC Milan nhằm phục vụ kế hoạch của HLV Fabio Capello. Tại San Siro, Di Canio giữ mối quan hệ tốt với người hâm mộ và ban lãnh đạo. Song cũng giống như khi khoác áo Juventus, anh phải ra đi do mâu thuẫn với HLV trưởng.

Sự căng thẳng xảy đến vào mùa hè năm 1995. Di Canio luôn phàn nàn về việc chỉ được ra sân 793 phút ở mùa giải trước. Trong chuyến du đấu tại Indonesia, anh tranh cãi gay gắt với HLV Capello vì không được chơi bóng ngay cả ở trận giao hữu. Không giữ được bình tĩnh, chàng trai 25 tuổi suýt nữa dù nắm đấm để nói chuyện với người thầy của mình. Hành động của Di Canio là không thể chấp nhận. Bước vào mùa giải 1995/96, anh có mặt trên sân tổng cộng 1.034 phút, nhưng trung bình chưa đầy 30 phút mỗi trận. Biết tương lai của mình tại San Siro đang mờ mịt, anh quyết định đổi môi trường thi đấu và bay sang Scotland.
Tin được không? Di Canio nhận giải Fair Play
Celtic và một cuộc sống hoàn toàn mới đang chờ đợi Di Canio. Sự nghiệp của anh cũng thay đổi bất ngờ. Ngay trong mùa giải đầu tiên, tiền đạo người Roma chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ đội bóng áo sọc trắng xanh bằng những màn trình diễn ấn tượng. Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG Scotland hoàn toàn xứng đáng với anh. Nhờ niềm say mê với bóng đá và tinh thần thi đấu không bao giờ bỏ cuộc, Di Canio trở thành thần tượng thực sự ở Glasgow. Nhưng cá tính mạnh mẽ tiếp tục khiến anh gặp khó khăn. Di Canio cáo buộc ban lãnh đạo Celtic không muốn đầu tư để rút ngắn khoảng cách với đối thủ truyền kiếp Rangers. Cuối cùng, anh buộc phải rời đội bóng chỉ sau một mùa giải.
Điểm đến tiếp theo của Di Canio là Premier League, nơi Sheffield Wednesday vẫy gọi. “Er Pallocca” không mất nhiều thời gian để làm quen. Bóng đá Anh vốn ưa chuộng cầu thủ giàu thể lực, có tinh thần chiến binh và hoàn toàn phù hợp với Di Canio. Trong mùa giải 1997/98, anh ghi được 12 bàn thắng tại Premier League, con số không hề tệ.
Song đúng vào thời điểm đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn, rắc rối lại đến với cầu thủ 30 tuổi này thêm một lần nữa. Ngày 26/9/1998, Sheffield Wednesday chạm trán Arsenal trên sân Hillsborough. Cuối hiệp một, Di Canio chứng kiến Patrick Vieira cố tình gây hấn với đồng đội của mình. Anh lao vào, bị Martin Keown bên phía đối thủ can ngăn. Không giữ được bình tĩnh, Di Canio móc mắt trung vệ mang áo số 14 của Arsenal. Trọng tài Paul Alcock liền rút thẻ đỏ trực tiếp, truất quyền thi đấu của cả hai. Quá ức chế và không kiềm chế được, Di Canio đẩy vị vua áo đen ngã nhào. Hành động xấu xí ấy khiến anh bị treo giò 11 trận và nhận sự chỉ trích gay gắt của giới truyền thông.

Đến tháng 12/1999, West Ham thực hiện canh bạc khi đưa Di Canio về sân Upton Park, bất chấp sự công kích từ cánh báo chí. Tại London, cựu tiền đạo Juventus như được sống lại thời trai trẻ lần thứ hai. Anh nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm 2000 của đội bóng và giải thưởng… Fair Play vào năm 2001 do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trao tặng. Điều này nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng Di Canio hoàn toàn xứng đáng. Ngày 16/12/2000, ở trận gặp Everton, anh dùng tay ôm trọn trái bóng trong vòng cấm đối thủ dù đang đối mặt với khung thành mở toang và có thể ghi bàn. Tại sao? Anh nhận thấy thủ môn Paul Gerrard của Everton bị đau, cần sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Hành động ấy giúp Di Canio lấy lại tình cảm của người hâm mộ sau những gì đã làm với trọng tài Alcock. Tỷ số khi ấy là 1-1 và West Ham có thể giành chiến thắng nếu “lão tướng” 32 tuổi tìm cách dứt điểm. Nhưng không CĐV The Hammers nào trách Di Canio, mà ngược lại, họ dành cho anh một vị trí trang trọng trong trái tim của mình. Tình yêu của người hâm mộ làm cho Di Canio rất cảm động và không muốn chia xa. Vào Giáng sinh năm 2001, anh từ chối chuyển đến Manchester United dù được đích thân HLV Alex Ferguson mời gọi. Anh nhớ lại:
“Tôi nhận được một cuộc điện thoại vào giờ ăn trưa trong ngày Giáng sinh. Tôi nghe thấy ở đầu dây bên kia một giọng nói Scotland trầm trầm. ‘Ông là ai?’, tôi hỏi bằng tiếng Anh. ‘Tôi là Alex’, người gọi trả lời tôi. ‘Alex nào?’, tôi hỏi tiếp. ‘Alex Ferguson’, ông ấy nói chậm. Tôi đáp lại bằng hàng loạt câu chửi thề bằng tiếng Italia vì nghĩ rằng đó là trò đùa của một người bạn. Tôi không thể tin được ngài Ferguson gọi điện thoại cho mình vào lễ Giáng sinh. Ông ấy bình tĩnh, đẩy mọi chuyện trở nên nghiêm trọng bằng câu hỏi: ‘Cậu muốn đến đây với chúng tôi không?’. Tôi trả lời rằng mình không thể. Đó là vinh dự lớn nhưng tôi muốn kết thúc sự nghiệp của mình ở West Ham”.

Di Canio gắn bó với sân Upton Park cho đến hết mùa giải 2002/03. Ở tuổi 35, anh chuyển sang Charlton rồi quay trở lại Lazio, nơi hàng nghìn laziali đang chờ đợi trở về sau 14 năm. Vì tình yêu với “biệt đội đại bàng”, anh chấp nhận giảm phần lớn số tiền lương mà mình từng có tại Premier League. Ngày 6/1/2005, màn ăn mừng trước khán đài Curva Sud ở trận Derby della Capitale được tái hiện, khi Lazio đánh bại AS Roma 3-1.
Kết thúc mùa giải 2005/06, Di Canio rời Lazio vì mâu thuẫn với Chủ tịch Claudio Lotito. Anh gia nhập Cisco Roma, thi đấu ở Serie C2 thêm 2 năm rồi tuyên bố giã từ sự nghiệp cầu thủ. Năm 2011, Di Canio trở lại Anh làm HLV, dẫn dắt Swindon Town lên hạng League One. Sau đó, ông chuyển đến Sunderland, dẫn dắt đội bóng này trụ hạng ở mùa giải 2012/13, trước khi bị sa thải vào đầu mùa giải tiếp theo do thành tích tệ hại.
Trong con người Di Canio, thiên thần và quỷ dữ cùng tồn tại. Cho đến bây giờ, anh vẫn thường thể hiện điều đó bằng những phát ngôn trên sóng truyền hình. Nhiều người không thích Di Canio, thường buông lời chế nhạo, chỉ trích anh. Nhưng cũng có không ít người yêu mến cựu tiền đạo sinh năm 1968, ca ngợi anh như một người hùng, đặc biệt là các laziali. Ngay cả ranh giới giữa yêu và ghét Di Canio cũng phân định rạch ròi như vậy đấy.
(Lược dịch từ bài “Idolo d’Oltremanica, ribelle in Italia: le due vite del ‘vulcano’ Di Canio” trên tờ Goal).