Tuổi thơ dữ dội ở Cremona, khiến Chủ tịch Boniperti của Juventus tiếc nuối và cơn đau bụng bí ẩn trong trận chung kết với Torino. Đó là 3 trong số những câu chuyện thú vị trong sự nghiệp của cựu tiền đạo Gianluca Vialli.
“Cậu ấy là Michelangelo của nhà nguyện Sistina, một nhà điêu khắc biết cách biến mình thành họa sĩ”, ông chủ Gianni Agnelli của Juventus từng nhận xét như vậy về Gianluca Vialli.
Bắt đầu từ quê nhà Cremona, Vialli có một sự nghiệp bóng đá rực rỡ, trở thành một trong những biểu tượng của bóng đá Italia vào thập niên 1980 và 1990. Trên đường đến đỉnh vinh quang, “Luca-goal” chỉ khoác áo 4 đội bóng là Cremonese, Sampdoria, Juventus và Chelsea. Ông để lại dấu ấn ở mọi nơi mà mình có mặt, với bảng thành tích bao gồm 1 Champions League, 2 UEFA Cup Winners’ Cup, 1 UEFA Cup, 1 UEFA Super Cup, 2 Scudetto, 4 Coppa Italia, 2 Supercoppa Italiana, 1 FA Cup, 1 League Cup, 1 lần đưa đội bóng của mình thăng hạng Serie A và 1 cúp vô địch Serie C1.
Sự nghiệp của Vialli sẽ hoàn hảo hơn nếu ông có những chiến thắng vĩ đại cùng tuyển Italia. Danh hiệu duy nhất mà ông có được cùng Azzurri là ở World Military Cup (Giải vô địch quân sự thế giới) năm 1987. Phần còn lại đều là nỗi buồn, với thất bại trong trận chung kết giải U21 châu Âu 1986, bán kết EURO 1988. Tại kỳ World Cup diễn ra trên quê nhà vào năm 1990, Azzurri của ông chỉ đứng thứ ba.
Song đó chỉ là những nốt trầm hiếm hoi trong cuộc đời bóng đá nhiều vinh quang của Vialli. Ông chơi tổng cộng 737 trận, ghi 286 bàn thắng tính trên mọi đấu trường. Những con số ấy đưa ông trở thành huyền thoại của bóng đá Italia.

Muộn rồi, Juventus!
Vialli sinh ra tại Cremona vào ngày 9/7/1964. Ông là con út trong một gia đình giàu có gồm 7 thành viên. Vialli bắt đầu làm bạn với trái bóng tròn ở Oratorio di Cristo Re, và gia nhập đội trẻ Pizzighettone nhờ Franco Cristiani, người đầu tiên nhận ra tố chất của cậu bé này. Tuy nhiên, vì những vấn đề phức tạp liên quan đến tuổi tác, ông chỉ chơi vỏn vẹn 5 trận cho đội bóng này.
Năm 14 tuổi, Vialli quyết định bỏ dở việc học của mình để theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá và gia nhập Cremonese. Tại đây, ông được HLV Guido Settembrino. Để tránh những rắc rối, Cremonese đồng ý trả 500.000 lire cho Pizzighettone.
Vialli nhớ lại thời thơ ấu của mình: “Ngày tôi còn bé, Playstation và mạng xã hội chưa xuất hiện. Truyền hình cũng chỉ có 2 kênh. Bóng đá là niềm vui duy nhất đối với những đứa trẻ, là cách tốt nhất để giải trí sau giờ học. Vào mùa hè, tôi thường chơi bóng ở vùng nông thôn, trong ngôi nhà của mình ở ngoại ô Cremona. Đến mùa đông, chúng tôi có những trận đấu nảy lửa trên mặt sân đầy đá cứng. Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với những án phạt. Một ngày nọ, có người nói với tôi: ‘Hãy đến đây, học giáo lý, trở thành một người tốt trước khi chơi bóng đá’. Chính ở nơi này, tôi thấy cánh cửa tương lai của bản thân”.
Sau 3 năm tập luyện ở đội trẻ, Vialli có lần đầu tiên được bước ra sân chơi chuyên nghiệp. Đó là vào mùa giải 1980/81, khi Cremonese đang chơi ở Serie C1. Sau đó, ông có thêm một lần nữa được HLV Guido Vincenzi trao cơ hội và góp một phần nhỏ đưa đội bóng quê hương lên hạng Serie B.
Vialli thường chơi dạt cánh. Số lượng bàn thắng của ông ngày càng tăng: 5 bàn ở mùa giải 1981/82 và 8 bàn ở mùa giải 1982/83. Người ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của Vialli là Emiliano Mondanico, HLV dẫn dắt Cremonese từ năm 1982 đến năm 1986. Cựu tiền đạo người Cremona nhớ lại: “Mondanico là thần tượng của tôi từ những ngày ông ấy còn là cầu thủ. Tôi từng cùng anh trai của mình đến gặp Mondanico tại sân vận động. Ông ấy rất mạnh mẽ khi lừa bóng. Thật vui khi tôi được Mondanico chỉ dẫn ngay từ những ngày đầu tiên ông ấy tham gia công tác huấn luyện”.
Ngược lại, HLV Mondanico cũng không tiếc lời khen ngợi dành cho cậu học trò đồng hương. Ông từng trả lời trước truyền thông: “Vialli là cầu thủ đầu tiên khiến tôi biết rằng mình cũng hiểu về bóng đá”.
Chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của chàng trai 19 tuổi, nhiều đội bóng lớn không thể ngồi yên. “Gã khổng lồ” đầu tiên tìm đến đàm phán với Cremonese là Juventus. Chủ tịch Giampiero Boniperti có quan hệ tình bạn tốt đẹp với Domenico Luzzara, người đứng đầu đội bóng vùng Lombardia. Song điều đó không giúp Juventus nắm lợi thế. Nhận thấy Inter Milan, Fiorentina và Como cũng đang quan tâm đến Vialli, Chủ tịch Luzzara muốn nhận được ít nhất 2 tỷ lire từ “Lão phu nhân”, số tiền quá lớn dành cho một cầu thủ trẻ. Để chắc chắn hơn, ngài Boniperti cử người đến xem Vialli thi đấu. Sau khi ra về, vị tuyển trạch viên này nhận xét: “Cậu ta giỏi, nhưng không phù hợp với Juventus”. Ngay lập tức, ngài Boniperti từ bỏ việc chiêu mộ tiền đạo của Cremonese.
Juventus rút lui, Sampdoria nhanh chóng nhảy vào. Chủ tịch Paolo Mantovani chấp nhận trả cho Cremonese 2 tỷ lire tiền cứng, cộng thêm một khoản thưởng theo thành tích, đồng thời để phía đối tác mượn Vialli thêm một mùa giải. Lời đề nghị ấy quá hấp dẫn, và Cremonese không thể chối từ. Dưới sự dẫn dắt của HLV Mondanico, Vialli ghi thêm 12 bàn thắng ở mùa giải 1983/84. Trong đó, 10 bàn tại Serie B của ông giúp đội bóng có biệt danh Grigiorossi giành vé thăng hạng. Quá ấn tượng với viên ngọc vùng Lombardia, ngài Boniperti tìm đến Cremonese thêm lần nữa và hứa hẹn sẽ trả nhiều hơn phía Sampdoria 1 tỷ lire. Tuy nhiên, Chủ tịch Luzzara lạnh lùng từ chối: “Muộn rồi, tôi đã để cậu ấy đến với Mantovani”.
Quá ấn tượng về những màn trình diễn của Vialli, Sampdoria đồng ý trả cho Cremonese thêm 200 triệu lire tiền mặt và để tiền vệ được định giá 600 triệu lire Alviero Chiorri đến sân Giovanni Zini. Như vậy, Vialli được đưa về thành Genova với tổng số tiền lên tới gần 3 tỷ lire. Nhiều năm sau, ông kể lại với tờ Corriere dello Sport: “Cremonese vẫn là đội bóng mà tôi yêu thích. Nhưng khi còn nhỏ, tôi đã là một interisto. Còn Juventus? Tôi vẫn chưa sẵn sàng. Chủ tịch Mantovani giải thích cặn kẽ cho tôi về kế hoạch của Sampdoria. Sau đó, tôi trả lời ông ấy rằng hãy đợi tôi ở đó”.

Vialli từ chối AC Milan
Trong ngày mới đến Sampdoria, Vialli là chàng trai 20 tuổi nhiều mơ ước, khát khao cháy hết mình với sự nghiệp bóng đá. Ông thuận cả hai chân, nhanh nhẹn, thể lực sung mãn, kỹ thuật cá nhân tốt, khả năng rê dắt tuyệt vời. Ban đầu, HLV Eugenio Bersellini chỉ muốn Vialli làm phương án dự phòng cho Trevor Francis và Roberto Mancini. Nhưng tiền đạo người Anh khi ấy gặp vấn đề về thể lực. Vì vậy, Vialli được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân ở đội bóng mới.
Ngày 16/9/1984, Vialli được điền tên vào đội hình xuất phát trong trận mở màn mùa giải mới ở Serie A. Định mệnh đưa ông gặp lại đội bóng quê hương Cremonese chỉ sau vài tháng xa cách. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Sampdoria, với bàn thắng duy nhất của Graeme Souness. Khởi đầu thuận lợi của Vialli. Một thời gian sau, HLV Bersellini cảm thấy chàng trai của mình có thể trở thành một trung phong và quyết định thử nghiệm phương án này. Ở vị trí mới, Vialli ghi được 3 bàn thắng tại Serie A, bắt đầu bằng tình huống dứt điểm tung lưới Avellino và mang về 2 điểm trọn vẹn cho Sampdoria (số điểm tối đa cho mỗi trận thắng vào thời điểm ấy).
Dần dần, cặp đôi Vialli – Mancini được hình thành, gắn kết với nhau và đưa đội bóng có biệt danh Blucerchiati bay cao. Kết thúc mùa giải 1984/85, Sampdoria đứng thứ 4 tại Serie A, vô địch Coppa Italia. Đó là danh hiệu lớn đầu tiên trong kỷ nguyên của Chủ tịch Mantovani. Trong trận chung kết lượt về, Vialli và Mancini đều ghi bàn, giúp Sampdoria đánh bại AC Milan của Nils Liedholm 2-1. Đặc biệt là tình huống ở phút 61, Vialli đỡ bóng nhẹ nhàng, làm động tác giả biến Agostino Di Bartolomei thành gã hề rồi tung ra cú sút khiến Franco Baresi chỉ còn biết đứng nhìn mành lưới rung lên.
Ngày hôm sau, trang bìa của tất cả tờ báo thể thao đều dành cho bộ đôi của Sampdoria. Nhà báo Gianni Brera đặt cho Vialli biệt danh “Stradivialli”, như muốn so sánh vẻ đẹp bàn thắng của tiền đạo này giống như những chiếc vĩ cầm do nghệ nhân đồng hương Antonio Stradivari chế tạo. Người hâm mộ cũng gọi cả hai là “I Gemelli del gol” (cặp song sinh của bàn thắng).
Đặt mua áo đấu của Sampdoria mùa 1990/91 tại đây
Sang mùa giải 1985/86, Sampdoria thi đấu không tốt, chỉ cán đích ở vị trí thứ 11 tại Serie A. Tuy nhiên, Vialli vẫn duy trì sự thăng tiến. Những màn trình diễn ấn tượng cùng 6 lần điền tên mình lên bảng tỷ số giúp ông thu hút sự chú ý của tân Chủ tịch AC Milan, Silvio Berlusconi. HLV Rosario Lo Verde muốn chàng trai người Cremona góp mặt trong đội hình mà ông tin rằng có thể đưa Rossoneri trở lại thời kỳ đỉnh cao. Ngay lập tức, ngài Berlusconi chồng 15 tỷ lire lên bàn đàm phán với Sampdoria.
Lời đề nghị này quá hấp dẫn, khiến Chủ tịch Mantovani xiêu lòng. Nhưng chính Vialli tuyên bố từ chối đến sân San Siro. Ông nhớ lại: “Khi Mantovani nói rõ ý định, tôi nghĩ về điều đó suốt đêm. Cuối cùng, tôi kết luận rằng ở những đội bóng lớn như AC Milan hay Juventus, thành công và thất bại phụ thuộc vào kết quả. Vào thời điểm ấy, tôi nghĩ mình cần phải trở thành một cầu thủ hoàn thiện”.
Quyết định ấy của Vialli hoàn toàn chính xác. Ông tiếp tục thăng hoa dưới ánh sáng từ ngọn hải đăng Lanterna. Sự xuất hiện của Vujadin Boskov trên băng ghế huấn luyện từ mùa giải 1986/87 giúp Vialli được nâng tầm, trở thành một trong những sát thủ toàn diện ở Serie A. Chiến lược gia người Nam Tư nhận định: “Vialli và Mancini đẳng cấp hơn Hugo Sanchez và Emilio Butragueño”.
Vialli ghi 16 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên được làm việc cùng Boskov. Sang mùa giải tiếp theo, ông sút tung lưới đối phương 13 lần. Thành tích ấy giúp Sampdoria cán đích thứ 4 tại Serie A. Ngoài ra, đội bóng thành Genova còn mang về phòng truyền thống danh hiệu Coppa Italia thứ hai dưới thời Chủ tịch Mantovani. Trong trận chung kết lượt đi với Torino, Vialli đóng góp 1 bàn, đưa Blucerchiati đến chiến thắng 2-0. Sang trận lượt về, Sampdoria bị dẫn 0-2 sau 90 phút. Trong hiệp phụ, Fausto Salsano ghi bàn quyết định, nhưng Vialli mới là nhân vật được nhắc đến nhiều nhất bởi một câu chuyện hy hữu. Ông nhớ lại:
“Trời mưa và trở lạnh, còn tôi đã ăn nhầm thứ gì đó trước trận đấu. Khi trở lại sân, bụng tôi bỗng đau dữ dội. Tôi không biết làm cách nào mà bản thân có thể trụ được cho đến tận phút 90. Tất nhiên, khả năng thi đấu của tôi cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi thua 0-2 và may mắn là vẫn còn thêm 30 phút nữa để toàn đội sửa sai. Tôi đến gặp trọng tài Luigi Agnolin, hỏi ông ấy rằng có thể cho tôi 5 phút đi vệ sinh hay không. Ông ấy đồng ý”.

Tuy nhiên, phòng thay đồ cách sân Comunale di Torino khá xa, Vialli có nguy cơ không kịp trở về sau 5 phút. Nếu điều đó xảy ra, Sampdoria buộc phải thi đấu với 10 người cho đến khi ông xuất hiện. Ông kể tiếp: “Sân vận động ở Torino có một lối đi bên dưới và sau đó là đường hầm dài khoảng 100 mét trước khi đến phòng thay đồ. Cuối cùng, tôi cũng vào được phòng tắm nhưng cảm thấy không được khỏe. Luca Pellegrini và Hans-Peter Briegel bị thương đang ở đấy do chấn thương. Họ liên tục thúc giục tôi giải quyết vấn đề của mình thật nhanh. Cuối cùng cũng xong”.
Sau đó, một vấn đề khác xảy ra: “Nhân viên bảo vệ chỉ đường cho tôi đi qua bãi đậu xe để vào sân theo hướng mọi người di chuyển từ khán đài xuống đường pitch. Một người hâm mộ Torino lớn tuổi nhận ra tôi, hỏi tôi tại sao lại có mặt ở đó. Sau khi giải thích, tôi cũng được trở lại sân. Trọng tài Agnolin tiến lại gần, hỏi tôi đã sẵn sàng để hiệp phụ bắt đầu hay chưa. Tôi trả lời rằng mình đã sẵn sàng. Trận đấu được tiếp tục ngay lập tức”.
Việc Vialli “biến mất tạm thời” không làm các đồng đội của ông hoang mang. Sampdoria có được bàn thắng trong 30 phút còn lại và bước lên bục vinh quang. Về phần Vialli, ông tiếp tục khẳng định mình là một trong những tiền đạo Italia xuất sắc nhất tại Serie A khi giải đấu này đang xuất hiện quá nhiều ngôi sao tấn công ngoại quốc, từ Michel Platini, Diego Maradona, Zico… đến Ruud Gullit, Careca và Marco van Basten. Bên ngoài vấn đề chuyên môn, Vialli trở thành hình mẫu về mặt thời trang cho nhiều đồng nghiệp. Ít người biết rằng ông là cầu thủ đầu tiên đeo bông tai khi thi đấu tại Italia.
Chuyện chưa kể về Vialli (phần 2): Bộ đôi hoàng kim của Sampdoria(Lược dịch từ bài “Gianluca Vialli, il calciatore: bomber e leggenda di Sampdoria, Juventus e Nazionale” trên tờ Goal).