Chuyện chưa kể về Gianluca Vialli (phần 2): Bộ đôi hoàng kim của Sampdoria

Vialli

Gianluca Vialli và Roberto Mancini không chỉ là đồng đội ở Sampdoria. Họ còn là đôi bạn thân thiết, cùng nhau tận hưởng niềm vui trên đỉnh vinh quang và nỗi thất vọng tột cùng.

“Vialli nói với chúng tôi rằng cậu ấy sẽ đến gặp ngài Mantovani để bàn về việc chuyển đến Juventus. Trong khi đó, tất cả chúng tôi đang ở trong một nhà hàng. Mọi người bắt đầu khóc, cậu ấy cũng vậy. Chúng tôi hy vọng rằng Vialli hoặc ngài Chủ tịch sẽ xem xét lại ý định này. Nhưng rồi mọi chuyện dần thay đổi khi có thêm 2-3 cầu thủ phải ra đi. Tuổi trẻ của tôi như kết thúc ngay từ giây phút đó, bởi xung quanh tôi chỉ còn là những cầu thủ trẻ. Sau khi ngài Mantovani qua đời vào tháng 10/1993, thời hoàng kim của Sampdoria cũng chấm dứt”, Mancini nhớ lại.

Tình bạn diệu kỳ

Chứng kiến phong độ xuất sắc của Vialli, Chủ tịch Berlusconi ngỏ ý muốn đưa chàng tiền đạo này về sân San Siro thêm lần nữa. Song cũng như trước đó một năm, Vialli từ chối lời đề nghị của AC Milan. Ông chia sẻ: “Tôi luôn nói với các milanisti rằng họ phải cảm ơn tôi. Nếu tôi đến San Siro, có lẽ đội bóng của họ sẽ không chiêu mộ Van Basten. Khi ấy, không ai rõ họ có thể giành nhiều danh hiệu lớn hay không”.

Tại Sampdoria, Vialli và Mancini tạo nên một trong những bộ đôi tấn công mạnh nhất Serie A. Vialli thuộc mẫu người hướng ngoại nhưng điềm tĩnh, trong khi Mancini hướng nội nhưng lại nồng nhiệt. Trên sân cỏ, cả hai thường xuyên chơi cạnh nhau, cực kỳ hiểu ý nhau. Bước ra khỏi cầu trường, giữa họ có một tình bạn tuyệt vời. Mancini kể lại trên tờ La Gazzetta dello Sport cách đây vài năm:

“Chúng tôi biết nhau từ khi còn ở tuyển trẻ Italia. Một thời gian sau, tôi thuyết phục Vialli đến Sampdoria mà không biết rằng cậu ấy thực sự muốn có mặt ở đây. Chủ tịch Mantovani muốn tạo ra một đội bóng đi ngược lại suy nghĩ của nhiều người vào thời điểm ấy, đó là biến Sampdoria thành một trong những tập thể mạnh nhất. Vialli chắc chắn là cầu thủ đẳng cấp nhất mà tôi từng chơi cùng. Cậu ấy thực sự toàn diện, thể hiện ở những con số thống kê và những gì cậu ấy đã làm. Vialli thông minh, có kỹ thuật và thể lực tốt”.

Vialli
Vialli và Mancini là những người bạn ở trong lẫn ngoài sân cỏ. Ảnh: Getty Images.

Mancini thường thích những pha kiến tạo và xử lý bóng hoa mỹ trước khi ghi bàn. Khi được đặt vào tình huống dứt điểm, ông thường cố gắng để ghi một bàn thắng cực kỳ đẹp mắt. Vialli chú trọng đến sự hiệu quả nhiều hơn, tự biến mình thành một “máy ném bom” hoạt động độc lập, trở thành lời giải khi đội nhà không thể đưa bóng vào lưới đối thủ. Cả hai cùng kéo Sampdoria trở lại thời hoàng kim, tạo nên thành công vang dội ở đấu trường trong nước và châu lục. HLV Boskov biết cách thời điểm nào cần mềm mỏng, thời điểm nào cần cứng rắn để bộ đôi này luôn ở trong trạng thái tâm lý tốt nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mối quan hệ giữa Vialli và Mancini luôn êm đẹp. “Mancio” chia sẻ:

“Chúng tôi thường xuyên đánh nhau, nhưng toàn vì những lý do vớ vẩn. Có một lần, chúng tôi gây hấn và không nói chuyện với nhau suốt một tuần chỉ vì chuyện nhảm nhí. Chúng tôi xem nhau như người dưng. Sau đó, trong một trận đấu, tôi tạt bóng để Vialli đánh đầu ghi bàn và cả hai ngay lập tức làm hòa”.

Cặp đôi hoàng kim của Sampdoria được biết đến rộng rãi từ trận chung kết Coppa Italia 1984/85. Họ cùng nhau được triệu tập vào đội U21 Italia và tiếp tục lên tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Azeglio Vicini. Vialli và Mancini gắn bó với nhau trong 7 mùa giải, đến khi “Luca-goal” gia nhập Juventus vào năm 1992. Hơn 25 năm sau, họ gặp lại nhau ở tuyển Italia. Mancini làm HLV của Azzurri, còn Vialli làm trưởng đoàn bóng đá. Cả hai cùng đưa đội quân thiên thanh tiến đến ngôi vô địch EURO 2020.

Châu Âu vẫy gọi Vialli – Mancini

Mùa giải 1988/89 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Sampdoria. Đội bóng vùng Liguria khởi đầu bằng việc bị AC Milan của Arrigo Sacchi đánh bại trong trận tranh Supercoppa Italiana. Tại Serie A, họ chỉ đứng thứ 5 chung cuộc. Ở đấu trường Coppa Italia, họ vượt qua Napoli với tổng tỷ số 4-1 để bảo vệ thành công chức vô địch. Điều khác biệt của đội quân do HLV Boskov dẫn dắt so với mùa giải trước đó là hành trình tuyệt vời tại European Cup Winners’ Cup.

Sampdoria thể hiện bản lĩnh, sự trưởng thành qua từng trận đấu. Cuộc phiêu lưu của Blucerchiati bắt đầu bằng thất bại 1-2 trước IFK Norrköping trên đất Thụy Điển. Trở về sân nhà Giovanni Zini (sân Luigi Ferraris đang sửa chữa để tổ chức World Cup 1990), Salsano và Vialli điền tên mình lên bảng tỷ số, giúp Sampdoria lội ngược dòng bằng thắng lợi 2-0. Bước vào vòng 1/8, đại diện của Serie A dễ dàng vượt qua Karl-Zeiss Jena. Trận lượt đi tại CHDC Đức kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Sang trận lượt về trên đất Italia, Vialli và các đồng đội mang về chiến thắng 3-1, qua đó hiên ngang tiến vào tứ kết.

Đối thủ tiếp theo của Sampdoria là Dinamo Bucharest. Tại thủ đô của Romania, Vialli chính là người ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1 ở phút 89, giúp đội bóng của mình nắm chút lợi thế trước cuộc tái đấu. Hai tuần sau, Sampdoria tiếp đón Dinamo Bucharest tại sân Giovanni Zini. HLV Boskov chỉ đạo các học trò chủ động chơi phòng ngự nhằm giữ sạch lưới. Họ đã thành công, không đội bóng nào đưa bóng vào khung thành đối phương suốt 90 phút. Kết quả này đưa Sampdoria đến với tấm vé đi tiếp.

Ở bán kết, Mechelen của thủ môn cừ khôi Michel Preud’homme đang chờ đợi Sampdoria. Blucerchiati gặp rất nhiều khó khăn trong trận lượt đi tại Bỉ. Eliyahu Ohana và Geert Deferm đưa đội chủ nhà vượt lên dẫn trước 2-0. Đúng lúc này, Vialli lại lên tiếng. Pha dứt điểm tung lưới Preud’homme ở phút 74 mang đến niềm hy vọng lớn lao cho Sampdoria. Sang trận lượt về, thủ môn người Bỉ tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng, làm nản lòng các chân sút của nhà vô địch Coppa Italia. Song cuối cùng, mành lưới của Mechelen cũng bị xuyên thủng. Phút 71, Toninho Cerezo mở tỷ số tại sân Giovanni Zini. Các cầu thủ Mechelen buộc phải vùng lên tấn công. Nắm bắt cơ hội này, Giuseppe Dossena và Fausto Salsano ghi thêm 2 bàn nữa, đưa Sampdoria tiến vào chung kết.

Đối thủ cuối cùng của Sampdoria là “gã khổng lồ” Barcelona. Trận đấu diễn ra tại thủ đô Berne của Thụy Sĩ. Sau một hành trình kỳ diệu, nhiều người tin rằng đội quân của Boskov sẽ có được cái kết như mơ. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đến với họ đó là Vialli vừa trở lại sau chấn thương, chưa hoàn toàn bình phục. Hiểu rõ sức khỏe của bản thân, tiền đạo 25 tuổi tìm đến nói chuyện với HLV Boskov. Nhưng vị thuyền trưởng người Nam Tư không muốn nghe lý do. Vialli kể lại: “Ông ấy khẳng định rằng Barcelona sẽ sợ hãi nếu thấy Vialli trên sân. Điều đó được ông ấy lặp lại nhiều lần trong phòng thay đồ”.

Sampdoria
Với đội hình này, Sampdoria đi đến chung kết European Cup Winners’ Cup 1988/89.

Không may cho Sampdoria, họ phải nhanh chóng trở về thực tế. Đại diện của Serie A trải qua một buổi tối tồi tệ. Vialli không thể hiện được sự nguy hiểm vốn có. Ở phần sân bên kia, thủ môn Gianluca Pagliuca liên tục phải chống đỡ những đợt nã pháo từ Barcelona. Cuối cùng, bàn thắng của Julio Salinas và Lopez Rekarte giúp đội bóng xứ Catalan vượt qua Sampdoria với tỷ số 2-0. Sự cay đắng hiện rõ trên nét mặt của các doriani. Để biến đau thương thành sức mạnh, Vialli và các đồng đội hứa với ngài Chủ tịch: “Chúng tôi sẽ không rời Genova cho đến khi làm được điều gì đó thật đặc biệt”.

Nỗi buồn thất bại trước Barcelona nhanh chóng được vơi đi. Hơn một tháng sau, Sampdoria mang về phòng truyền thống danh hiệu Coppa Italia thứ hai liên tiếp. Đối thủ của họ trong 2 cuộc chiến cuối cùng là Napoli của Maradona, những người vừa vô địch UEFA Cup. Sampdoria nhận thất bại 0-1 ở trận lượt đi trên sân San Paolo. Tuy nhiên, sang trận lượt về tại sân nhà Giovanni Zini, họ vùi dập đối thủ của mình 4 bàn không gỡ. Vialli cũng góp công bằng một bàn thắng sau pha dứt diểm bằng đầu. Bàn thắng ấy giúp ông trở thành Vua phá lưới của giải đấu với 13 lần sút tung mành lưới đối phương, một kỷ lục chưa bị xô đổ cho đến tận bây giờ.

Với hành trang là kinh nghiệm quý báu ở mùa giải 1988/89, Boskov và các học trò tiếp tục nuôi mộng xưng vương khi trở lại đấu trường European Cup Winners’ Cup. Cũng như trước đó một năm, Sampdoria nhận thất bại trong trận chung kết Supercoppa Italiana. Lần này, đối thủ của Blucerchiati là Inter Milan của HLV Giovanni Trappatoni. Nhưng không nhiều người chú ý đến trận thua ấy, bởi họ hiểu rằng đội bóng của mình đang dồn toàn lực cho mục tiêu đăng quang ở đấu trường châu lục. Điều đó được thể hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị, với sự xuất hiện của 2 mảnh ghép quan trọng: Srecko Katanec và Attilio Lombardo.

Sampdoria dễ dàng vượt qua Brann ở vòng đầu tiên. Trong trận lượt đi diễn ra trên đất Na Uy, Vialli và Mancini cùng ghi bàn, giúp đại diện của Serie A giành chiến thắng 2-0. Sang trận lượt về, Katanec ghi thêm một bàn thắng nữa, ấn định tổng tỷ số 3-0 chung cuộc cho Blucerchiati. Thử thách lớn đến với Sampdoria ngay từ vòng 1/8, khi đối thủ là Borussia Dortmund. Tại sân Westfalenstadion, Jurgen Weigmann mở tỷ số cho đội bóng vùng Ruhr ở phút 64. Phải đến phút 88, đội khách mới gỡ hòa thành công nhờ pha dứt điểm của Mancini. Tỷ số 1-1 giúp Sampdoria tự tin tiếp đón Dortmund trong trận tái đấu tại sân Luigi Ferraris. Lần này, đến lượt Vialli tỏa sáng với cú đúp, đưa đội quân của Boskov tiến vào tứ kết.

Đặt mua áo đấu của Sampdoria mùa 1990/91 tại đây

Đối thủ tiếp theo của Sampdoria tương đối nhẹ nhàng, đó là Grasshoppers. Trận lượt đi trên đất Italia kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về đội chủ nhà. Bước vào cuộc tái đấu, bàn thắng của Cerezo trong hiệp một đã đánh gục ý chí phản kháng của Grasshoppers. Sang hiệp hai, mỗi đội có một lần sút tung mành lưới đối phương. Chừng đó là đủ để Sampdoria đi tiếp.

Monaco chờ đợi thầy trò HLV Boskov ở bán kết. Đội bóng Công quốc sở hữu hàng loạt tài năng đầy hứa hẹn như George Weah, Emanuel Petit,… Trong trận lượt đi trên sân Louis II, Weah mở tỷ số cho Monaco ở phút 44. Sự kịch tính lên đến đỉnh điểm khi thời gian trôi về 15 phút cuối cùng. Vialli lập cú đúp, đưa Sampdoria vượt lên dẫn trước. Đến phút 81, Ramon Diaz ấn định kết quả hòa 2-2, giúp đội chủ nhà nuôi hy vọng tiến vào chung kết. Nhưng niềm hy vọng ấy nhanh chóng bị dập tắt ở sân Luigi Ferraris. Vierchowod và Lombardo lần lượt điền tên mình lên bảng tỷ số, tiễn đối thủ của mình rời cuộc chơi.

Thử thách còn lại của Sampdoria là Anderlecht. Đại diện đến từ Bỉ không được đánh giá quá cao trước khi bước vào giải đấu, nhưng gây tiếng vang khi loại Barcelona ngay từ vòng 1/8. Điều đó cộng với tính chất của trận chung kết cúp châu Âu khiến HLV Boskov chỉ đạo các học trò chơi thận trọng. Trên sân Ullevi ở Gothenburg, Mancini và Vialli đều có những cơ hội ghi bàn rõ ràng nhưng không thể tận dụng.

Hơn 90 phút trôi qua, tỷ số vẫn là 0-0. Sang hiệp phụ, thêm một lần nữa Vialli lên tiếng, định đoạt kết quả trận đấu. Phút 105, Salsano tung cú sút chéo góc. Thủ môn Filip de Wilde đẩy bóng chạm cột dọc rồi bật ra đúng vị trí của mình. Tuy nhiên, ông không thể ôm gọn trái bóng trong tay. Vialli chỉ chờ có vậy, lao vào tranh chấp rồi sút tung lưới Anderlecht. Bàn thắng ấy giúp các cầu thủ Sampdoria cởi bỏ áp lực. Đến phút 108, Mancini tạt bóng từ cánh phải, loại bỏ thủ môn De Wilde. Vialli ngay lập tức xuất hiện, đánh đầu ấn định chiến thắng 2-0 cho đội bóng quê hương nhà hàng hải Cristoforo Colombo.

Sampdoria bước lên bục vinh quang ở đấu trường châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử. Vialli trở thành vua phá lưới tại European Cup Winners’ Cup với 7 bàn thắng. Càng đáng nói hơn, 10/11 cầu thủ thường xuyên được HLV Boskov lựa chọn đều là người Italia.

Vialli
Chấn thương khiến Vialli không thể tỏa sáng như kỳ vọng ở World Cup 1990. Ảnh: Getty Images.

Nỗi buồn của Vialli ở World Cup 1990

Trong màu áo Sampdoria, Vialli khiến nhiều hàng thủ ở Serie A và châu Âu e sợ. Nhiều người kỳ vọng ông sẽ làm điều tương tự cùng với tuyển Italia. Thế nhưng vì nhiều lý do, tiền đạo người Cremona không thể giành được nhiều danh hiệu khi phục vụ tuyển quốc gia.

Năm 1983, HLV Vicini triệu tập Vialli vào đội U21 Italia. Năm 1984, Azzurrini để thua trong trận bán kết U21 châu Âu với tuyển Anh. Đến năm 1986, họ tiến vào trận chung kết giải đấu này, nhưng bị đối thủ Tây Ban Nha đánh bại trong loạt penalty cân não. Song HLV Vicini vẫn đánh giá rất cao màn trình diễn của Vialli và Mancini. Sau này, khi dẫn dắt tuyển Italia, ông cố gắng xây dựng lối chơi xoay quanh bộ đôi của Sampdoria, đặc biệt là trước những giải đấu lớn như EURO 1988 hay World Cup 1990.

Không chỉ Vicini, người tiền nhiệm của ông ở Azzurri là Enzo Bearzot cũng từng không tiếc lời khen ngợi Vialli. Ngày 16/11/1985, trong trận giao hữu với tuyển Ba Lan tại Chorzow, Vialli được trao cơ hội ra mắt tuyển Italia. Khi ấy, cựu tiền đạo Cremonese mới 21 tuổi. Một năm sau, Vialli có tên trong danh sách thành viên lên đường sang Mexico để bảo vệ chức vô địch World Cup. Đáng tiếc, họ sớm phải về nước khi bị tuyển Pháp của Michel Platini vượt qua.

Tại EURO 1988, Vialli và Mancini sát cánh cùng nhau trên hàng công. Cầu thủ người Cremona ghi bàn thắng đẹp mắt vào lưới Tây Ban Nha ở vòng bảng. Tuy nhiên, khi bước vào bán kết, tuyển Italia phải đầu hàng trước sức mạnh thể lực vượt trội của tuyển Liên Xô do HLV Valeriy Lobanovskyi dẫn dắt. Sau trận đấu ấy, HLV Vicini không còn tin tưởng Mancini và muốn tìm một đối tác khác cho Vialli trên hàng công.

Bước vào World Cup 1990, Vialli là một trong những ngôi sao được kỳ vọng sẽ tỏa sáng trên quê hương. Song thêm một lần nữa, hiệu suất ghi bàn của ông không như mong đợi. Tiền đạo 25 tuổi gặp vấn đề về bắp chân. Bất chấp điều đó, HLV Vicini vẫn yêu cầu cậu học trò phải ra sân thi đấu. Không có được trạng thái tốt nhất, Vialli thường bỏ lỡ cơ hội, bao gồm một quả phạt đền cuộc tiếp đón tuyển Áo và tình huống đưa bóng chạm cột dọc trong trận gặp tuyển Mỹ. Cuối cùng, ông bị thêm chấn thương ở đùi, phải bỏ lỡ trận đấu với Tiệp Khắc ở vòng bảng và với Uruguay ở vòng 1/8. Như chưa đủ thử thách, số phận còn khiến ông mắc bệnh viêm phế quản ngay trước trận tứ kết với CH Ireland.

Trong thời gian Vialli vắng mặt, Roberto Baggio và Salvatore Schillaci bất ngờ bùng nổ, mang đến niềm hạnh phúc cho các tifosi. Tiền đạo của Sampdoria trở lại, thi đấu 70 phút trong trận bán kết với Argentina của Maradona. Tuy nhiên, giấc mơ vô địch World Cup của ông khép lại sau khi Roberto Donadoni và Aldo Serena thất bại trong loạt penalty cân não.

Trong một dịp trò chuyện cùng tờ Corriere della Sera, Vialli hào hứng kể lại: “Mỗi kỳ World Cup đều xuất hiện một ngôi sao. Năm 1990 là trường hợp của ngôi sao băng Schillaci. Trong khi đó, mọi khó khăn đều xảy đến với tôi, từ chấn thương bắp chân, bắp đùi cho đến viêm phế quản. Nhưng tuyển Italia dưới thời HLV Vicini vẫn rất vui vẻ, vô tư”.

Thành tích tốt nhất của Vialli cùng tuyển Italia là chức vô địch Giải bóng đá quân sự thế giới World Military Cup năm 1987. Hành trình của ông ở Azzurri kết thúc vào ngày 19/12/1992, dưới sự dẫn dắt của HLV Arrigo Sacchi. Sự khác biệt về chiến thuật và cách quản lý của chiến lược gia người Fusignano khiến Vialli không thể thích nghi, dẫn đến quyết định giã từ đội tuyển. Tổng cộng, ông ra sân 59 trận và ghi được 16 bàn thắng. Vialli hồi tưởng:

“Chúng tôi có sự khác biệt về tính cách. Tôi quen nói những gì mình đang suy nghĩ, còn ông ấy không có sự cân bằng giữa mềm mỏng và cứng rắn. Sacchi loại tôi ra khỏi đội hình vì cho rằng sự hoài nghi của tôi sẽ mang đến nguồn năng lượng tiêu cực cho cả tập thể. Ông ấy đã đúng. Tôi đã sai khi từ chối lên tuyển dù được ông ấy gọi 2 lần vào trước và sau World Cup 1994. Tôi rất xúc động, lẽ ra không nên từ chối”.

Sampdoria
Vialli và các đồng đội trong ngày làm nên lịch sử cùng Sampdoria.

Cùng Sampdoria giành Scudetto lịch sử

Sự thất vọng ở World Cup 1990 vô tình trở thành động lực để Vialli và Mancini quyết tâm cùng Sampdoria giành Scudetto đầu tiên trong lịch sử. Vialli muốn lấy lại phong độ cao nhất để đáp lại tình cảm của người hâm mộ. Trong khi đó, Mancini muốn đáp trả những lời chỉ trích và chứng minh cho HLV Vicini thấy rằng ông đã sai khi không trọng dụng mình.

Vào mùa thu, Sampdoria để mất UEFA Super Cup vào tay AC Milan. Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn khởi đầu. Trong phần còn lại của mùa giải, Vialli ghi 19 bàn thắng, ẵm danh hiệu Capocannoniere, đáng nhớ nhất là 2 lần điền tên mình lên bảng tỷ số ở 2 cuộc chạm trán với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Inter Milan. Mancini cũng có 12 lần sút tung mành lưới đối phương. Trận đấu đáng nhớ nhất của bộ đôi này đến vào ngày 18/11/1990, Sampdoria hành quân đến San Paolo để đối đầu Napoli của Maradona. Kết thúc 90 phút, Vialli và Mancini đều lập cú đúp bàn thắng đẹp mắt, giúp Blucerchiati đánh bại đối thủ của mình 4-1.

Sau một mùa giải đầy khó khăn và nhiều thăng trầm, điều được các doriani mong chờ đã đến. Ngày 19/5/1991, Vialli ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 cho Sampdoria trong cuộc tiếp đón Lecce. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, cả sân Luigi Ferraris như mở hội. Các cầu thủ nở nụ cười rạng rỡ, chạy quanh sân, ăn mừng cùng người hâm mộ. Vâng, đội quân của Boskov vừa giành Scudetto! Trước đó, Vialli từng hứa rằng ông sẽ nhuộm tóc màu bạch kim nếu Sampdoria vô địch. Tất nhiên, “Luca-goal” vui vẻ thực hiện lời hứa cùng Cerezo và Ivano Bonetti.

Sang mùa giải tiếp theo, Sampdoria quyết tâm chinh phục mục tiêu lớn nhất: European Cup (tiền thân của Champions League). Vượt qua hàng loạt đối thủ như Rosenborg, Anderlecht và nhà đương kim vô địch Red Star Belgrade, đại diện của Serie A thẳng tiến vào trận chung kết. Đối thủ của họ ở cuộc chiến cuối cùng vào ngày 20/5/1992 là cái tên quen thuộc: Barcelona của “thánh” Johan Cruyff. Mọi chuyện diễn ra giống như 3 năm trước ở European Cup Winners’ Cup. Vialli bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ghi bàn rõ ràng. Bước sang hiệp phụ, Ronald Koeman dứt điểm chính xác từ quả đá phạt trực tiếp, làm rung mành lưới do Pagliuca trấn giữ và chấm dứt giấc mơ của Sampdoria.

Về phần Vialli, ông hiểu rằng chu kỳ thành công của Blucerchiati đã hết và quyết định nói lời chào tạm biệt. Tiền đạo người Cremona bồi hồi chia sẻ: “Tôi biết đó là lần cuối cùng của mình với Sampdoria. Chúng tôi thua 0-1. Trong vòng 4 năm, cơn ác mộng của tôi đã quay trở lại”.

Chủ tịch Mantovani tôn trọng lời hứa với Vialli, đồng ý để chàng trai của mình gia nhập Juventus theo lời mời gọi của ngài Boniperti. Tiền đạo 28 tuổi tạm chia tay người bạn thân Mancini, để lại cho Sampdoria di sản gồm 141 bàn thắng sau 321 lần ra sân.

“Vialli nói với chúng tôi rằng cậu ấy sẽ đến gặp ngài Mantovani để bàn về việc chuyển đến Juventus. Trong khi đó, tất cả chúng tôi đang ở trong một nhà hàng. Mọi người bắt đầu khóc, cậu ấy cũng vậy. Chúng tôi hy vọng rằng Vialli hoặc ngài Chủ tịch sẽ xem xét lại ý định này. Nhưng rồi mọi chuyện dần thay đổi khi có thêm 2-3 cầu thủ phải ra đi. Tuổi trẻ của tôi như kết thúc ngay từ giây phút đó, bởi xung quanh tôi chỉ còn là những cầu thủ trẻ. Sau khi ngài Mantovani qua đời vào tháng 10/1993, thời hoàng kim của Sampdoria cũng chấm dứt”, Mancini nhớ lại.

Chuyện chưa kể về Gianluca Vialli (phần 3): Vinh quang Champions League!

(Lược dịch từ bài “Gianluca Vialli, il calciatore: bomber e leggenda di Sampdoria, Juventus e Nazionale” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane