Mario Pasalic và những ngày không quên ở AC Milan

Pasalic

Lặng lẽ đến AC Milan như bao cầu thủ trẻ rời Chelsea để đi tu nghiệp, Mario Pasalic chỉ được xem là phương án vá víu đội hình của Rossoneri và không nhận được sự kỳ vọng lớn. Thế nhưng, chàng trai người Croatia vẫn gây ấn tượng sâm đậm trong lòng các Milanisti.

Trên chiếc cúp duy nhất mà AC Milan giành được kể từ sau Supercoppa Italiana 2011/12 dưới thời HLV Massimiliano Allegri, Pasalic để lại dấu ấn đậm nét. Tiền vệ người Croatia gây tiếng vang lớn ở Atalanta trong những năm qua nhờ sự đa năng và kỹ thuật cá nhân tuyệt vời. Song, chắc hẳn không nhiều người còn nhớ rằng anh từng chơi bóng ở Italia trước khi về phục vụ “Nữ thần”. Mùa giải 2016/17, Pasalic được Chelsea gửi đến San Siro “du học”. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của anh chính là giây phút hạ gục Gianluigi Buffon trên chấm penalty, giúp Rossoneri đánh bại Juventus để vô địch Supercoppa Italiana. Sự điềm tĩnh giúp chàng trai 21 tuổi trở thành người hùng không ngờ trong mắt nhiều Milanisti.

Bản hợp đồng ngoài dự kiến

Tháng 8/2016, AC Milan như cỗ máy đang được làm nóng trở lại nhờ HLV Vincenzo Montella, sau một mùa giải rệu rã dưới sự dẫn dắt của Sinisa Mihajlovic và Christian Brocchi. Tham vọng của Rossoneri là giành vé dự cúp châu Âu trong mùa giải 2016/17, đặc biệt là trở lại đấu trường Champions League. Thế nhưng, khi kỳ chuyển nhượng mùa hè sắp kết thúc, hàng tiền vệ của Montella vẫn còn mong manh. Vấn đề tài chính bao phủ Rossoneri trong nhiều năm, khiến họ gặp khó trong việc chiêu mộ cầu thủ.

Trong cơn túng quẫn, Adriano Galliani nhớ đến mối quan hệ tốt đẹp với Chelsea. Giám đốc thể thao của AC Milan nhắm đến Pasalic, cầu thủ trẻ thường xuyên được “The Blues” cho mượn. Một canh bạc được thực hiện. Pasalic cập bến San Siro theo dạng cho mượn, kèm theo điều khoản mua đứt không bắt buộc và Chelsea có quyền ưu tiên mua lại chàng trai này trong tương lai.

Pasalic
Pasalic không được đánh giá cao trong những ngày đầu tiên ở AC Milan.

Cuộc phiêu lưu của cựu tiền vệ Monaco tại Italia bắt đầu theo cách không ai muốn. Sau buổi kiểm tra y tế, anh được đưa thẳng đến bệnh viện để chữa dứt điểm chấn thương lưng, điều khiến anh không thể bùng nổ trong nửa cuối mùa giải trước. Mặc dù vậy, phía AC Milan vẫn tuyên bố đầy tham vọng: “Từ Croatia đến Milan, đó là một hành trình lịch sử mà chúng ta đều biết rõ. Chào mừng Mario Pasalic. Với sự xuất hiện của bạn, chúng tôi sẽ hướng đến mùa giải tiếp theo với tinh thần trẻ trung nhưng không kém chất lượng. Hợp đồng của bạn với AC Milan có thời hạn một năm. Đó là một mùa giải quan trọng dành cho bạn và cho tất cả chúng ta”.

Lịch sử cho thấy AC Milan là mảnh đất lành với phần đông cầu thủ người Croatia. Zvonimir Boban, thần tượng của Pasalic, là minh chứng rõ nét nhất. Bản thân Pasalic cũng nuôi ước mơ trở thành biểu tượng tại San Siro giống như Boban. Thế nhưng, ước mơ ấy nhanh chóng bị thử thách. Trong 9 trận đầu tiên, chàng trai 21 tuổi không có cơ hội ra sân. Anh chỉ xuất hiện trên băng ghế dự bị, không được Montella sử dụng dù chỉ một phút.

Đặt mua áo đấu của AC Milan qua các mùa giải tại đây

Hàng tiền vệ của AC Milan có đến 8 cái tên. Tài năng đi kèm với sức trẻ giúp Pasalic được đánh giá cao hơn Jose Sosa và Mati Fernandez. Tuy nhiên, xếp trên anh vẫn còn đến 5 cái tên khác. Manuel Locatelli được xem là viên ngọc sáng ở đội Milan Primavera, thường xuyên được trao cơ hội ở đội một. Giacomo Bonaventura mang đến sự cơ động, đa năng, có thể thi đấu ở nhiều sơ đồ khác nhau. Vị trí của thủ quân Riccardo Montolivo không thể thay thế, dẫu tiền vệ này sa sút phong độ rất nhiều. Mảnh ghép cuối cùng là Juraj Kucka, người mang đến sự càn lướt mạnh mẽ. Đóng vai trò dự bị chiến lược cho 4 cái tên này là Andrea Bertolacci, bản hợp đồng trị giá 21 triệu euro đến từ AS Roma vào năm 2015.

Trên thực tế, Pasalic không phải cái tên được HLV Montella mong chờ ở ban lãnh đạo Rossoneri. “Tiểu phi cơ” muốn có một cầu thủ đánh chặn, thi đấu ngay phía trên hàng thủ nhằm giải phóng sức sáng tạo của Montolivo. Locatelli có thể làm điều đó, nhưng Montella không muốn đặt quá nhiều áp lực lên chàng trai mới 18 tuổi.

Ngay từ những ngày đầu tiên, vị thuyền trưởng của AC Milan tỏ ra không quá hào hứng khi nhắc đến chàng tân binh được đưa về từ Chelsea: “Pasalic có triển vọng lớn. Trong nhiều năm qua, cậu ấy được coi là một hiện tượng. Cậu ấy sở hữu khả năng tấn công và kỹ thuật cá nhân tốt, có thể chơi ở hàng tiền vệ 2 người. Song, Pasalic chưa bao giờ làm nhiệm vụ của một tiền vệ phòng ngự. Cậu ấy phải làm quen với vị trí đó. Hãy xem cậu ấy mất bao lâu để trở thành người hỗ trợ cho Montolivo”.

Pasalic
Từ bóng tối, chàng trai người Croatia dần bước ra ánh sáng.

Bản lĩnh của Pasalic

Bước ngoặt với Pasalic ở AC Milan đến vào ngày 30/10/2016, khi Rossoneri tiếp đón Pescara. Phút 62, Montella trao cho chàng trai người Croatia cơ hội ra mắt Rossoneri. Vào cuối trận, Pasalic bắt đầu để lại dấu ấn đậm nét với người thầy của mình. Montella cảm thấy có một khoảng trống được giải phóng sau lưng Montolivo. Một tuần sau, Pasalic được điền tên vào đội hình xuất phát khi AC Milan làm khách của Palermo. Theo sơ đồ 4-3-3, anh đảm nhiệm vai trò tiền vệ lệch trái. Thi thoảng, anh lui về hỗ trợ hàng phòng ngự, Bonaventura trám vào chỗ trống của người đồng đội trẻ. Khi AC Milan cần tấn công, Bonaventura được đẩy lên hàng tiền đạo, còn Pasalic trở về vị trí cũ.

Phương án này được Montella sử dụng thường xuyên. Vị trí của cựu cầu thủ Monaco dần trở nên không thể thay thế. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Pasalic chia sẻ: “Thời gian là thứ mà tôi luôn có. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã tập cho mình sự kiên nhẫn. Tôi cố gắng tập luyện và tỏa sáng vào đúng thời điểm”.

AC Milan
Bàn thắng quan trọng của Pasalic trong trận gặp Bologna. Ảnh: Getty Images.

Trong vòng 3 tháng, Pasalic chơi 12 trận liên tiếp ở Serie A và ghi 2 bàn thắng quan trọng. Đầu tiên là tình huống gỡ hòa 1-1, mở ra cuộc lội ngược dòng cho AC Milan trước Crotone. Sau đó là pha đệm bóng ở phút 89, giúp Rossoneri đánh bại Bologna trong tình cảnh chỉ còn 9 người trên sân. Tuy nhiên, khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Pasalic lại đến trong trận tranh Supercoppa Italiana với Juventus tại Qatar vào tháng 12/2016. Anh vào sân từ băng ghế dự bị trong những phút cuối hiệp hai, thay cho Locatelli.

Tỷ số 1-1 sau hơn 120 phút kéo hai đội vào loạt penalty cân não. Ban đầu, HLV Montella muốn Pasalic thực hiện quả phạt đền thứ ba. Song, sự xuất hiện của Kucka khiến ông phải thay đổi. Pasalic hồi tưởng: “Montella yêu cầu tôi sút quả penalty thứ ba. Sau đó, Kuco muốn được đá ở lượt này bởi anh ấy thường xuyên làm điều đó. Montella liền hỏi toàn đội rằng ai đủ bản lĩnh để thực hiện cú sút thứ năm. Bầu không khí trở nên trầm lặng. Sau chừng 10 giây, tôi lên tiếng: “Em sẵn sàng, hãy để em đá”. Trước khi nhìn Gianluigi Buffon, tôi đã quyết định sẽ sút như thế nào và vào đâu”.

Trước lượt sút thứ 5, tỷ số penalty đang là 3-3. Sau đó, Paulo Dybala không thể đánh bại Gianluigi Donnarumma. Định mệnh đã lựa chọn Pasalic. Chàng trai 21 tuổi với khuôn mặt ngây thơ bước lên, sút tung lưới Buffon, mang đến niềm hạnh phúc vỡ òa cho các Milanisti. AC Milan chấm dứt chuỗi 5 năm không thể giành danh hiệu. Từ một cái tên xa lạ, Pasalic được ca ngợi như một người hùng của Rossoneri.

AC Milan
Pasalic góp công mang về danh hiệu gần nhất cho AC Milan. Ảnh: Getty Images.

Cái kết không mong muốn

Chứng kiến sự trưởng thành của Pasalic, Chelsea không thể ngồi yên. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cầu thủ trẻ ở Stamford Bridge, tiền vệ người Croatia không có cơ hội khoác áo “The Blues” và bị điền tên vào danh sách thanh lý. Tại San Siro, Pasalic tiếp tục gây ấn tượng. Ba bàn thắng vào lưới Pescara, Palermo và AS Roma của anh khiến các Milanisti ngất ngây. Nhiều người tin rằng Giám đốc thể thao Galliani đang chuẩn bị sẵn phương án mua đứt Pasalic, hoặc mượn anh thêm ít nhất một mùa giải nữa. Bản thân chàng trai sinh ra ở Đức cũng muốn có thêm thời gian gắn bó với AC Milan.

Thế nhưng, không có bản hợp đồng nào được đưa ra dành cho Pasalic. Năm 2017, AC Milan bước vào quá trình chuyển giao quyền sở hữu. Li Yonghong mua lại Rossoneri từ nhà Berlusconi. Vị tỷ phú người Trung Quốc ngay lập tức bỏ ra hơn 200 triệu euro nhằm nhanh chóng đưa đội bóng bước sang kỷ nguyên mới. Hàng loạt cái tên đình đám từ trong và ngoài biên giới Italia được đưa về San Siro. Từ Leonardo Bonucci đến Andrea Conti. Từ Hakan Calhanoglu đến Andre Silva. Từ Franck Kessie đến Nikola Kalinic, Mateo Musacchio, Ricardo Rodriguez, Fabio Borini, Lucas Biglia. AC Milan trở thành một tập thể đầy mới lạ, không có chỗ cho những cầu thủ trẻ tiềm năng như Pasalic.

Pasalic
Bây giờ, Pasalic đang là trụ cột ở Atalanta. Ảnh: Getty Images.

Vì vậy, tiền vệ người Croatia đành bắt đầu chuyến phiêu lưu mới của mình tại Spartak Moscow. Giải ngoại hạng Nga không quá hấp dẫn, nhưng bù lại, anh có cơ hội chơi bóng ở Champions League. Một năm sau, Pasalic trở lại Italia và gia nhập Atalanta. Tại Bergamo, anh trở thành một trong những mảnh ghép quan trọng nhất, góp phần viết nên câu chuyện cổ tích mang tên Champions League dành cho “Nữ thần”.

Sau chuỗi ngày u tối, AC Milan dần trở lại với hình ảnh của một “gã khổng lồ”. Hiện tại, Rossoneri đang cạnh tranh danh hiệu Scudetto và được hít thở bầu không khí ở đấu trường danh giá nhất châu Âu. Khi ánh hào quang đang chiếu rọi, liệu còn ai nhớ đến chàng tiền vệ Pasalic với nét mặt ngây thơ năm xưa?

(Lược dịch từ bài “L’anno di Pasalic al Milan: dal rigore decisivo in Supercoppa alla mancata conferma” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane