Là một biểu tượng lịch sử của Chủ nghĩa cộng sản ở Italia, Livorno đã tuyên bố dừng hoạt động vào mùa hè này sau hơn một thế kỷ thi đấu chuyên nghiệp. Song, người hâm mộ và một số cựu cầu thủ đang cố gắng giữ lại phần hồn cho đội bóng thân yêu của mình trước khi hy vọng về sự hồi sinh.
Một mùa hè u ám, căng thẳng với Livorno. Ngoài những ngụm ponce, một ly cacciucco bóng đá trở thành chủ đề chính trong cuộc trò chuyện của người dân địa phương. Năm nay, đội bóng của thành phố giải thể, nghĩa là đời sống bóng đá không còn tồn tại. Nỗi buồn lan rộng xung quanh bến cảng và nhà máy lọc hóa dầu Eni. Bóng đá giống như bánh sandwich “5 e 5”, được xem là đặc sản của thành phố Livorno.
Livorno, một thành phố nằm trong vùng Toscana, là nơi rất đặc biệt. Năm 1921, bắt đầu từ đại hội được tổ chức tại Teatro San Marco với sự tham gia của Antonio Gramsci, Amadeo Bordiga, Palmiro Togliatti và một số nhân vật khác, Đảng Cộng sản Italia (PCI) được thành lập. PCI trở thành Đảng lớn nhất giương cao ngọn cờ Cộng sản ở Tây Âu, từng đạt đến đỉnh cao với 34% dân số Italia ủng hộ. Cho đến năm 2014, tất cả Thị trưởng của thành phố đều là người Cộng sản. Trong 7 năm qua, những người đứng đầu thành phố đều trung tả.
Năm nay, Thị trưởng Luca Salvetti tham gia các sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Italia. Tuy nhiên, ngoài vấn đề tài chính đang trở nên cấp bách, mối quan tâm chính của các livornesi là sự tồn vong của CLB bóng đá Livorno.

Bi kịch xuống hạng của Livorno
Tháng 5 này, Livorno tiếp tục trải qua nỗi buồn với tấm vé xuống hạng. Vào mùa thu năm 2019, đội chủ sân Armando Picchi còn được tận hưởng bầu không khí ở Serie B. Thế nhưng, kể từ thời điểm ấy, Livorno bắt đầu rơi tự do, xuống Serie C rồi Serie D, giải đấu còn không được xếp hạng chuyên nghiệp. Livorno đứng cuối bảng trong hai mùa giải liên tiếp và gần như không có hy vọng cứu vãn.
Đó vẫn chưa phải là bi kịch lớn nhất. Đầu tháng 7/2021, Livorno bắt đầu quá trình tan rã. Đội bóng không thể trả phí đăng ký tham dự Serie D, thanh toán số tiền lương còn nợ các cầu thủ, đội ngũ HLV. Chính quyền thành phố quyết định không cho phép đội bóng sử dụng sân vận động Armano Picchi nữa.
Sang tháng 8, Lega Nazionale Dilettanti – đơn vị tổ chức Serie D – từ chối cho đội bóng vùng Toscana tham dự giải đấu. Cái tên Associazione Sportiva Livorno Calcio chính thức bị gạch khỏi bản đồ bóng đá Italia. Họ sẽ phải bắt đầu bằng cái tên mới, giống như AC Chievo Verona chuẩn bị trở lại bản đồ bóng đá với tên gọi FC Chievo 1929. Những người yêu bóng đá và chính quyền thành phố lên sẵn kế hoạch giúp CLB Livorno hồi sinh. Sau nhiều tin đồn, những tia sáng đầu tiên bắt đầu ló rạng từ cuối đường hầm.
Một hiệp hội doanh nhân yêu bóng đá ở Livorno được thành lập. Các thành viên trong hiệp hội sẽ trình kế hoạch của mình lên chính quyền thành phố. Cuối cùng, Thị trưởng Luca Salvetti phê duyệt bản dự thảo của doanh nhân Paolo Toccafondi, ca ngợi đây là bản kế hoạch tốt nhất cho tương lai của Livorno. Đội bóng được tái thiết với cái tên mới là Unione Sportiva Livorno (viết tắt là US Livorno), bắt đầu thi đấu ngay trong mùa giải 2021/22 tại Eccellenza Toscana, giải hạng 5 ở Italia.

Ít nhất, trong thời gian này, Livorno sẽ do người hâm mộ trực tiếp điều hành. Đây là giấc mơ của người hâm mộ Livorno. Trước đó, Livorno Popolare, một nhóm người hâm mộ Livorno, từng cố gắng biến giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Họ công khai chỉ trích cách quản lý CLB của cựu Chủ tịch Aldo Spinelli: “Phép màu của Spinelli được tạo ra vào những năm 2000, đưa Livorno thân yêu của chúng tôi tham dự UEFA Cup. Song, bây giờ, đội bóng đang biến thành món đồ chơi bị hỏng, với nhiều lỗ hổng tài chính, chi tiêu lãng phí và không cho phép người hâm mộ nêu ý kiến trước khi đưa ra các quyết định”.
Sáng kiến thành lập một CLB mới do người hâm mộ bóng đá ở Livorno làm chủ bắt đầu từ tháng 2/2021, sau khi Livorno Popolare thu thập được 3.000 chữ ký. Trong quá trình vận động chữ ký của người hâm mộ, Livorno Popolare sử dụng một câu trong cuốn tiểu thuyết Q của Luther Blissett để làm thông điệp: “Hãy giúp chúng tôi tập hợp những con tàu cùng nhau vượt qua bão tố”.
Tháng 5/2021, họ gửi đến ban lãnh đạo Associazione Sportiva Livorno Calcio về việc mua lại CLB với giá 1 triệu euro nhưng bị từ chối thẳng thừng. Song, Livorno Popolare không có ý định từ bỏ. Nhóm người hâm mộ này cho biết tầm nhìn về tương lai của bóng đá Livorno: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra mô hình quản lý kiểu mới trong bóng đá, thay thế cho mô hình có chủ sở hữu là một doanh nghiệp, được quyền quyết định mọi thứ. Mô hình này sẽ do những người hâm mộ trực tiếp điều hành”.
Kế hoạch của Livorno Popolare tạm dừng sau khi doanh nhân Paolo Toccafondi giang tay cứu vớt đội bóng. Mặc dù vậy, họ hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của Paolo Toccafondi. Điều này được thể hiện bằng thông điệp trên mạng xã hội Twitter: “Trước mắt, Livorno sẽ do doanh nghiệp đầu tư quản lý và đưa ra quyết định theo mô hình chúng ta đã thấy như trước đây. Chúng tôi sẽ xem xét phương án thử nghiệm mô hình của mình, để người hâm mộ có quyền đưa ra ý kiến cùng ban lãnh đạo đội bóng. Chúng tôi hy vọng ban lãnh đạo mới có thể đưa Livorno trở lại với bóng đá chuyên nghiệp càng sớm càng tốt”.

Nỗi đau của bóng đá Italia
Những đội bóng như AS Livorno Calcio tuyên bố phá sản được xem là vấn đề của bóng đá Italia. Đại dịch Covid-19 khiến tài chính của nhiều CLB cạn kiệt nhưng không nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ. Tất cả nằm ở mô hình quản lý cũ kỹ, cồng kềnh đã tồn tại suốt 2 thập kỷ qua.
Mọi chuyện bắt đầu ở một nơi cách Livorno gần 100 cây số: thành Firenze. Fiorentina, đội bóng luôn tự hào với 2 danh hiệu Scudetto, 6 Supercoppa Italia, 1 UEFA Winners’Cup6 và 3 lần tham dự các trận chung kết cúp châu Âu, trải qua mùa hè đen tối vào năm 2002, chỉ 2 năm sau khi được hít thở bầu không khí Champions League. Gabriel Batistuta, Rui Costa, Francesco Toldo, Domenico Morfeo và Enrico Chiesa lần lượt bị bán nhằm giúp Fiorentina trả nợ. Song, điều đó không thể giúp đội bóng này rơi vào bi kịch. Với khoản nợ 50 triệu euro không thể chi trả, Fiorentina tuyên bố phá sản và chính thức biến mất. Đội chủ sân Artemio Franchi phải bắt đầu gầy dựng từ Serie C với cái tên mới là Fiorentina Viola trước khi lấy lại tên gọi ACF Fiorentina và trở lại Serie A vào tháng 5/2004.
Từ thời điểm đội bóng thành Firenze sụp đổ đến năm 2018, có khoảng 150 đội bóng mất vị trí trên bản đồ bóng đá Italia vì lý do tài chính. Trong số đó, không thiếu những tên tuổi lừng lẫy. Società Sportiva Calcio Napoli nợ 80 triệu euro, phải làm lại từ đầu với tên Napoli Soccer khi nhà sản xuất phim Aurelio De Laurentiis nắm quyền điều hành vào năm 2004. Bari, Cesena, Foggia, Modena, Padova, Palermo, Parma, Perugia, Reggiana, Salernitana, Siena, Torino, Venezia và Vicenza là một số CLB nổi tiếng khác từng tận hưởng chuỗi ngày vinh quang trước khi sụp đổ.

Điều này dần trở nên quen thuộc với bóng đá Italia, nơi những cú sốc thường xuyên xảy ra bởi thượng tầng các CLB thiếu sự bền vững, dễ dàng bị đánh gục khi gặp khó khăn. Khi một đội bóng đứng trước bờ vực phá sản, lòng trung thành lại được thử thách. Livorno cũng không ngoại lệ.
Trong những ngày đội bóng gặp khó khăn, Igor Protti là cái tên được nhắc đến rất nhiều. Cựu tiền đạo này được ngợi ca như một anh hùng, dẫn dắt các đội bóng “tỉnh lẻ” tiến lên phía trước. Igor Protti là một trong hai cái tên từng giành danh hiệu Vua phá lưới ở cả Serie A, Serie B và Serie C, bên cạnh Dario Hubner. Ông sinh ra ở vùng biển Rimini được người đời ca tụng là người gửi trái bóng vào lưới bằng đường biển. Protti dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình để cống hiến cho Messina, Bari và Livorno.
Tại Livorno, Protti không chỉ là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử đội bóng, mà còn được ví là huyền thoại sống. Ở tuổi 32, ông từ chối lời đề nghị của các đội bóng hàng đầu Serie A để xuống Serie C gắn bó cùng Livorno. Trong 6 mùa giải, ông ghi được 116 bàn sau 212 trận, cùng các đồng đội quay trở lại Serie A. Protti đeo băng đội trưởng của Livorno, sát cánh cùng Cristiano Lucarelli trên hàng công. Ông tuyên bố giải nghệ vào mùa hè năm 2005, khi đội bóng ngày càng mạnh mẽ. Nhằm tri ân Protti, ban lãnh đạo Livorno quyết định treo vĩnh viễn chiếc áo số số 10. Song, ông từ chối lời đề nghị này vì muốn dành nó cho những cầu thủ trẻ tỏa sáng trong tương lai. Khi đội bóng rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất, nhóm CĐV cuồng nhiệt Curva Nod thường hô vang: “Chúng tôi muốn có 11 Igor Protti”.

Bây giờ, Protti quay trở lại, trở thành một phần của US Livorno. Ông nhận lời mời làm nhà quản lý, trực tiếp điều hành kế hoạch phát triển của đội bóng, huấn luyện các cầu thủ mới, truyền cho họ tình yêu đối với màu áo CLB và cả thành phố.
“Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành người quản lý của Livorno, dẫn dắt đội bóng tham dự Eccellenza Toscana. Tôi luôn trân trọng mối quan hệ tình cảm với mọi đội bóng mà mình từng thi đấu. Đối với tôi, việc chiến đấu vì màu cờ sắc áo luôn rất quan trọng. Tôi phải trở thành người đại diện cho thành phố, cho người hâm mộ và lịch sử truyền thống ở đó. Tôi không quan tâm mình đang làm việc ở cấp độ nào dù ở Eccellenza hay Serie A. Đó là lý do tại sao tôi luôn sẵn sàng đưa CLB tiến về phía trước, mang bầu không khí cuồng nhiệt của thành phố bóng đá này quay trở lại”, Igor Protti chia sẻ trong ngày trở lại Livorno.
Cựu tiền đạo người Rimini đặt ra mục tiêu rất rõ ràng: “Chúng tôi phải về đích ở vị trí nhất bảng và lên chơi ở Serie D. Về mặt phi thể thao, chúng tôi phải tạo nên cảm giác gần gũi. Các cầu thủ phải hiểu ý nghĩa của việc được khoác áo Livorno và trân trọng đội bóng này. Tôi sẽ liên lạc với họ và HLV mỗi ngày để truyền đạt điều ấy. Nhiều người cho rằng đây là cách tiếp cận lỗi thời. Song, đôi khi để cải thiện, bạn phải nhìn lại chính mình với trái tim yêu thể thao”.

Mặc dù thế giới đang thay đổi, Livorno vẫn là một di sản của thành phố. Đối với bóng đá Italia, đây là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống. Livorno có 29 lần tham dự Serie A, xếp thứ 25 trong lịch sử 90 năm tồn tại của giải đấu này. Vị thế của Livorno hoàn toàn xếp trên cả Empoli, Sassuolo, Venezia và Salernitana, những đội bóng đang chơi ở Serie A ở mùa giải 2021/22. Họ từng giành ngôi á quân ở Serie A 1942/43, đứng thứ 6 ở mùa giải 2005/06, nằm chung bảng đấu với Glasgow Rangers, Maccabi Haifa, Auxerre và Partizan Belgrade ở UEFA Cup. Livorno từng được dẫn dắt bởi những nhà cầm quân tài ba như Tarcisio Burgnich, Osvaldo Jaconi, Carlo Mazzone, Walter Mazzarri và tạo nên những cuộc chạm trán căng thẳng với đại kình địch Pisa.
Đến lúc này, nhiều người dân thành phố cảng vẫn còn nhớ cuộc biểu tình nổ ra khi ông Romeo Anconetani, Chủ tịch Pisa, nảy ra ý tưởng rằng Livorno và Pisa nên sáp nhập, tạo thành CLB mới có tên gọi Pisorno. Livorno không ưa gã hàng xóm Pisa của mình. Thay vào đó, họ đem lòng cảm mến Empoli và cả Ternana, đội bóng đang được dẫn dắt bởi người cũ Cristiano Lucarelli. Tại sân Armando Picchi, logo và hình ảnh của AEK Athens, Olympique Marseille vẫn còn, như một biểu tượng cho mối quan hệ tình cảm giữa những người hâm mộ theo chủ nghĩa cộng sản.

Nơi quan trọng nhất trên thế giới
Il Sorpasso, bộ phim hài nổi tiếng lấy bối cảnh đất nước Italia trong những năm chiến tranh bùng nổ, miêu tả cuộc đấu tranh giữa một bên cho rằng mọi thứ xảy ra theo quy luật tự nhiên và một bên khác khẳng định tất cả đều do con người tác động. Trong bộ phim ấy, Bruno Cortona và Roberto Mariani đi đến bờ biển Maremma, các xưởng luyện sắt của Follonica, thị trấn thép Piombino và thủy ngân của Rosignano Solvay.
Nửa thế kỷ sau, nhà văn Alberto Prunetti tái hiện nội dung và bối cảnh này trong cuốn tiểu thuyết Amianto. Nội dung cuốn sách kể về những người lao động công nghiệp, bị nhiễm độc amian, trong đó có người cha Renato của chính nhà văn. Alberto Prunetti không quên tiết lộ niềm đam mê bóng đá khi còn rất nhỏ. Thời thơ ấu, anh cùng cha mình đọc và nghe kết quả của những trận đấu trong khu vực. Nhà văn sinh năm 1973 thổ lộ: “Đối với chúng tôi, giải đấu này có giá trị hơn cả cúp C1”.
Livorno là nơi Renato đưa gia đình của mình đến vào mỗi chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất của ông. Vào thời điểm ấy, sân bóng được mở cửa tự do và thảm cỏ xanh được người dân Livorno xem là nơi quan trọng nhất trên thế giới.
Bây giờ, Igor Protti đang cố gắng đưa Livorno trở thành đội bóng thu hút sự chú ý nhờ giá trị cốt lõi là niềm đam mê. Trong ngày trở lại đội bóng thân yêu, ông chia sẻ với ánh mắt sáng rực: “Đối với những người hâm mộ Livorno, những người yêu mến đội bóng từ bên ngoài thành phố và cả những người ở bên ngoài đất nước Italia, tôi mong các bạn hãy tiếp tục yêu mến, đồng hành cùng đội bóng dù chúng tôi thi đấu ở bất kỳ hạng nào. Hãy tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu ấy. Bóng đá cũng cần có nét quyến rũ, lãng mạn”.
Lược dịch từ bài “In Livorno, Italy’s Most Famous Left-Wing Football Club Is Fighting to Survive” trên trang jacobinmag.com.