Ngày 26/9 vừa qua, La Nazione công bố đoạn trailer bộ phim tài liệu với nhan đề “Người đàn ông tự do”. Nội dung bộ phim kể về cuộc hành trình để lại tiếng vang từ Livorno đến Milano của cựu danh thủ Armando Picchi, libero đầu tiên trong thế giới bóng đá.
Trong tiếng Italia, “libero” có nghĩa là tự do. Đối với thế giới bóng đá, thuật ngữ này để chỉ những cầu thủ làm chốt chặn cuối cùng nơi hàng phòng ngự, hoạt động như một máy quét để giành bóng và sau đó chuyền dài lên phía trên. Theo thời gian, những cầu thủ chơi ở vị trí libero dần trở nên hoàn hảo với khả năng đọc tình huống tốt, chuyền bóng chính xác và phát động tấn công ngay từ hàng thủ.
Nói về libero hiện đại, người hâm mộ bóng đá thường nghĩ đến Franz Beckenbauer, Franco Baresi, Lothar Matthaus, Gaetano Scirea. Với khả năng xuất chúng, họ được xem là những biểu tượng ở vị trí này. Song, khi bàn về libero đầu tiên trong bóng đá, thế giới không được phép lãng quên một gương mặt đến từ Italia khác. Ông là Armando Picchi.

Armando Picchi sinh ra và lớn lên ở thành phố Livorno. Ông bắt đầu sự nghiệp cầu thủ tại đội bóng nổi tiếng của thành phố, AS Livorno. Ở đội trẻ, ông thường chơi bóng cùng anh trai Leo của mình. Đáng tiếc, hai anh em nhà Picchi không có cơ hội cùng nhau khoác áo một CLB. Từ bờ biển Tirreno, Leo Picchi chuyển đến Torino vào năm 1949. Ông muốn giúp đỡ đội bóng này vực dậy sau khi 18 cầu thủ, 3 thành viên ban huấn luyện và 3 nhân viên qua đời do tai nạn máy bay trên đồi Superga. Ba năm sau, ông trở về Livorno, thi đấu thêm một mùa giải rồi tuyên bố giải nghệ.
Sau khi người anh Leo treo giày, cậu em Armando Picchi dành 5 mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên để cống hiến cho đội bóng có biệt danh “I Labronici” (phòng thí nghiệm). Năm 1959, ông quyết định chuyển đến SPAL để được tận hưởng bầu không khí ở Serie A. Trong thời gian ở đội bóng này, Armando Picchi trở thành cái tên rất quan trọng. Ông dẫn dắt SPAL cán đích ở vị trí thứ 5, thành tích tốt nhất trong lịch sử đội bóng vùng Emilia-Romagna.
Màn trình diễn ấn tượng của Armando Picchi khiến HLV Helenio Herrera của Inter Milan không thể ngồi yên. Chiến lược gia người Argentina cảm thấy cậu em nhà Picchi sẽ tỏa sáng rực rỡ, trở thành nhân tố quan trọng trong kế hoạch của mình ở sân San Siro.

Trong 2 mùa giải đầu tiên khoác áo “Nerazzurri”, Armando Picchi được giao nhiệm vụ trấn giữ cánh phải. Lối chơi mạnh mẽ của ông trái ngược với sụ bóng bẩy của Giacinto Facchetti ở cánh trái. Facchetti được biết đến là hình mẫu cho những hậu vệ cánh hiện đại. Tuy nhiên, Helenio Herrera cần một nhạc trưởng, có khả năng phát động tấn công ngay từ hàng phòng ngự. Cựu cầu thủ người Bergamo không thể đáp ứng điều này. Trước làn sóng chỉ trích, HLV của Inter Milan buộc phải tạo ra sự cách tân về sơ đồ chiến thuật để linh hoạt hơn giữa phòng ngự và tấn công.
Mùa giải 1962/63, Armando Picchi trở thành nhân vật quan trọng nhất trong lối chơi của Helenio Herrera. Cầu thủ người Livorno bó vào trong, thi đấu ở vị trí trung vệ, hoạt động tự do hơn. Nhiệm vụ của Armando Picchi là đánh chặn, cướp bóng từ chân cầu thủ đối phương sau khi hai trung vệ lệch cánh của Inter Milan bị vượt qua. Kể từ đây, khung thành của thủ môn Giuliano Sarti không còn phải trải qua nhiều sóng gió. Ngoài ra, “Nerazzurri” có thêm một phương án tấn công lợi hại. Sau khi có bóng, Picchi “em” ngay lập tức chuyền lên phía trước để các đồng đội tổ chức phản công.
Inter Milan thường có từ 5 đến 7 cầu thủ làm nhiệm vụ phòng ngự. Tuy nhiên, khi tổ chức phản công, 2 hậu vệ cánh của “Nerazzurri” sẽ dâng lên thật nhanh, bó vào trong, hỗ trợ các tiền đạo.

Helenio Herrera cảm thấy Armando Picchi là mảnh ghép hoàn hảo để biến những ý tưởng của mình trở thành hiện thực. Sự tươi mới trong lối chơi giúp Inter Milan có cái kết ngọt ngào. Cuối mùa giải 1962/63, nửa xanh đen thành Milano giành Scudetto sau gần 10 năm chờ đợi. Báo chí Italia gọi vai trò của Armando Picchi là “libero”. Hệ thống chiến thuật của Helenio Herrera bắt đầu trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được lưu truyền cho hậu thế với tên gọi mới: Catenaccio.
Sau khi giành Scudetto, đội trưởng Bruno Bolchi chuyển đến Hellas Verona. Helenio Herrera quyết định trao tấm băng thủ quân cho Armando Picchi, dù trong đội hình của Inter Milan có nhiều cá tính mạnh mẽ như Tarcisio Burgnich, Mario Corso, Facchetti, Sandro Mazzola. Hậu vệ người Livorno không phụ sự tin tưởng ấy. Ông có khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng trong phòng thay đồ và được các đồng đội tôn trọng. Ở trên sân, Armando Picchi chỉ huy hàng phòng ngự, khởi xướng những đợt tấn công và mang đến tinh thàn chiến đấu mạnh mẽ.
Sơ đồ mới của Helenio Herrera ngày càng hoàn hảo hơn, biến Inter Milan thành tập thể đáng sợ ở thập niên 1960. Họ tiếp tục giành thêm Scudetto ở mùa giải 1964/65 và 1965/66. Ngoài ra, “Nerazzurri” còn giành 2 danh hiệu European Cup (ngày nay là Champions League) liên tiếp vào mùa giải 1963/64, 1964/65 và đăng quang ở cúp Liên lục địa 1964, 1965. Thế hệ này được biết đến với danh xưng “Grande Inter”.

Nhiều cầu thủ của đội bóng áo sọc xanh đen cũng trở thành trụ cột ở các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, Armando Picchi không may mắn như Burgnich, Facchetti hay Mazzola. Ông thường xuyên được HLV Ferruccio Valcareggi triệu tập tham dự vòng loại EURO 1968. Trong trận gặp tuyển Bulgaria vào tháng 4/1968, ông bị gãy xương chậu, phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài và bỏ lỡ ngày hội bóng đá châu Âu. Đó là lần thứ 12 và cũng là lần cuối cùng Armando Picchi cống hiến cho tuyển Italia.
Trước đó một năm, Picchi “em” rời Inter Milan để chuyển đến Varese. Ông thi đấu thêm 2 mùa giải và từng đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên tại đây. Năm 1969, ở tuổi 34, Armando Picchi nói lời giã từ sự nghiệp cầu thủ. Ông tiếp tục dẫn dắt Varese thêm một thời gian trước khi trở về quê nhà, chèo lái con tàu Livorno.
Năm 1970, Armando Picchi chuyển đến làm việc ở Juventus, đại kình địch của Inter Milan. Một lần nữa, số phận lại trêu đùa cậu học trò cưng của Helenio Herrera. Khối u ở xương sườn khiến sự nghiệp huấn luyện của Armando Picchi không kéo dài được bao lâu. Ngày 27/5/1971, ông trút hơi thở cuối cùng khi chưa tròn 36 tuổi. Bóng đá Italia chìm trong bầu không khí tang thương. Một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở thập niên 1960 đi về cõi vĩnh hằng cùng giấc mộng dở dang.

Để vinh danh người con ưu tú của mình, năm 1990, chính quyền Livorno quyết định đổi tên sân vận động lớn nhất thành phố thành Stadio Armando Picchi. Ngày nay, đây là điểm đến không thể thiếu của nhiều người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới khi họ có dịp ghé thăm thành phố cảng miền trung Italia.
(Lược dịch từ bài “Armando Picchi, Libero Andal yang Terlupakan” trên tờ Goal).
Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.
Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây