Cập bến Inter Milan nhưng phải ra đi chỉ sau một mùa giải. Gia nhập Lyon, chơi bóng tại Gerland trong 2 mùa rồi trở về Italia. Được Juventus săn đón nhưng sau đó chìm vào quên lãng. Lặng lẽ giải nghệ, chuyển sang sự nghiệp huấn luyện. Đó là câu chuyện của “ngôi sao băng” Fabio Grosso sau khi vụt sáng trên bầu trời mùa hè nước Đức năm 2006.
“May mắn thay, mùa hè năm đó, một cái tên xa lạ bất ngờ tỏa sáng. Anh ấy là Fabio Grosso, một hậu vệ cánh. Vào tối ngày 9/7, anh ấy ghi bàn thắng quan trọng nhất của cuộc đời mình”.
Đó là những câu cuối cùng trong bộ phim tài liệu “Notte prima degli esami – Oggi”, nói về một trong những ngôi sao tỏa sáng ở mùa hè World Cup trên đất Đức.

“Cậu thuộc về những phút cuối cùng”
Fabio Grosso trở thành người hùng ở ngày hội bóng đá thế giới theo cách không ai có thể ngờ. Anh bắt đầu sự nghiệp ở Chieti, có những thành tựu đầu tiên ở Perugia, cống hiến cho Palermo, đưa đội bóng xứ đảo Sicilia trở lại Serie A.
Chàng trai người Roma đến với World Cup 2008, có lần đầu tiên khoác áo Azzurri khi đã 28 tuổi và chưa từng chơi bất kỳ trận nào ở Champions League. Fabio Grosso chỉ được HLV Marcello Lippi xem là phương án dự phòng cho vị trí hậu vệ trái. Tuy nhiên, khi được trao cơ hội, anh dễ dàng nắm bắt, không mắc sai lầm và tỏa sáng rực rỡ.
Đầu tiên, Grosso mang về quả phạt đền ở phút bù giờ trong trận gặp Australia ở vòng 1/8. Francesco Totti tận dụng cơ hội ấy, dễ dàng giúp tuyển Italia tiến vào tứ kết với chiến thắng 1-0. Đến trận bán kết, chính hậu vệ mang áo số 3 vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp ở phút 119, giúp Italia đánh bại Đức khi tất cả đang nghĩ đến loạt penalty cân não. Và ở trận chung kết, Grosso thực hiện quả penalty quyết định, mang về danh hiệu vô địch World Cup đầu tiên cho người Italia sau 24 năm. Cú sút ấy đánh dấu một kỳ World Cup hoàn hảo của Fabio Grosso, giúp anh từ kẻ vô danh trở thành người hùng chỉ sau một tháng.
“Hãy tưởng tượng trước quả phạt đền đó, tôi không thực hiện thành công một lần nào trong 5 năm. Lần gần nhất là ở Serie C2, khi tôi đang khoác áo Chieti. Ai có thể nghĩ rằng quả phạt đền tiếp theo dành cho tôi lại đến trong trận chung kết World Cup của tuyển Italia?”, Fabio Grosso chia sẻ với tờ Goal.
Anh tiếp tục dòng hồi tưởng của mình với ánh mắt sáng rực đầy tự hào: “Kết thúc hiệp phụ, Marcello Lippi đến gặp tôi và nói: “Này Fabio, cậu sẽ đá quả penalty thứ 5”. Tôi hỏi lại rằng tại sao lại là tôi và có thật là ông ấy tin tưởng tôi hay không. Marcello trả lời: “Đúng vậy, bởi vì cậu là cầu thủ thuộc về những phút cuối cùng”. Trước khi bước vào vòng cấm, tôi chỉ nhớ câu nói của Luca Toni: “Bình tĩnh đi Fabio, chính cậu đã đưa toàn đội đến thời khắc này”. Khi quả bóng bay vào lưới, tôi như say trong cơn mê, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi muốn ôm Gianluigi Buffon nhưng chỉ biết chạy và không thể dừng lại. Tôi nghĩ câu chuyện của mình sẽ truyền động lực cho cả thế hệ. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt dù chưa từng chơi ở một giải đấu lớn và chỉ là phương án dự phòng”.

Nỗi buồn sau World Cup 2006
Nhiều đội bóng lớn bắt đầu bày tỏ sự quan tâm đến Grosso ngay từ khi World Cup 2006 chưa diễn ra. Vài ngày sau đêm Berlino huyền diệu, Inter Milan đưa anh về sân Giuseppe Meazza. Trong màu áo Nerazzurri, Grosso cuối cùng cũng được chơi bóng ở Champions League và giành Scudetto, Supercoppa Italiana ngay trong mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, về góc độ cá nhân, mọi chuyện không như mong đợi của chàng hậu vệ người Roma. Grosso chỉ được ra sân tổng cộng 23 lần. Không muốn liên tục ngồi dự bị, anh quyết định chuyển sang Pháp và cập bến Olympique Lyon. Tại đây, anh bổ sung vào bộ sưu tập của mình thêm danh hiệu vô địch Ligue I, Cúp quốc gia Pháp và Cúp Liên đoàn Pháp sau 2 năm.
Ở tuyển Italia, Grosso trở thành cái tên không thể thay thế tại EURO 2008. Song, Azzurri có giải đấu không thành công, khi bị Tây Ban Nha đánh bại ở tứ kết. Trong loạt penalty cân não, Grosso thực hiện thành công cú sút đầu tiên với vẻ mặt lạnh lùng như ở kỳ World Cup trước đó 2 năm. Mặc dù vậy, Daniele De Rossi và Antonio Di Natale lại không làm được như vậy, khiến tuyển Italia sớm rời giải đấu.
Đặt mua áo đấu của đội tuyển Italia tại đây.
Vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2009, Juventus đưa Grosso trở lại Serie A. Hậu vệ người Roma chấp nhận giảm một nửa mức lương tại Lyon để được chuyển đến Turin. Anh được trao chiếc áo số 6, từng thuộc về huyền thoại Gaetano Scirea. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như mong đợi của Grosso. Sau một mùa giải thi đấu tốt, anh bị HLV Luigi Delneri đẩy lên băng ghế dự bị. Dưới thời Antonio Conte, anh được ra sân trong một vài trận đầu tiên, trước khi bị gạch tên khỏi kế hoạch của vị thuyền trưởng người Lecce. Số lần khoác áo Juventus của Grosso ít đến mức anh trở thành cầu thủ duy nhất không đủ điều kiện nhận huy chương trong ngày “Lão phu nhân” giành Scudetto 2011/12.
Thế nhưng, Grosso không hề oán giận Conte. Vài năm sau, anh không tiếc lời khen ngợi người thầy cũ của mình trong buổi trả lời phỏng vấn với tạp chí HJ: “Conte là HLV giỏi nhất mà tôi từng làm việc. Ông ấy truyền cho tôi điều gì đó mới mẻ trong thời gian được làm việc cùng. Tôi thực sự thích cách làm việc của ông ấy, áp đặt tâm lý chiến thắng của bản thân cho các cầu thủ”.

Lận đận khi làm HLV
Kết thúc mùa giải 2011/12, Grosso quyết định treo giày ở tuổi 35 và theo đuổi sự nghiệp huấn luyện. Anh bắt đầu bằng việc trở thành trợ lý của Andrea Zanchetta ở Juventus Primavera, trước khi trực tiếp dẫn dắt đội trẻ của “Lão phu nhân”. Năm 2016, anh cùng Juventus Primavera vô địch Viareggio Tournament. Grosso phát hiện những cái tên xuất sắc như Pol Lirola, Francesco Cassata, Grigoris Kastanos, Luca Clemenza và Guido Vadalà.
“Tôi quyết định chia tay sự nghiệp cầu thủ với sự hài lòng rất lớn. Tôi không còn cảm thấy khao khát chơi bóng thêm nữa sau khi nhìn lại thời gian được chơi bóng ở nước ngoài và những CLB lớn ở Italia. Mọi ký ức sẽ luôn ở bên tôi. Tôi muốn dừng lại, tận hưởng cuộc sống bên gia đình nhiều hơn và theo đuổi những sở thích như quần vợt, quyền anh. Sau đó, việc tham gia khóa học ở Coverciano khiến tôi nhen nhóm ý định trở thành HLV. Juventus ngay lập tức tiếp cận và tôi nhận lời, không suy nghĩ dù chỉ một giây. Tôi tự hào về lời đề nghị đó. Nó giúp tôi có thêm cơ hội để học hỏi kinh nghiệm”, Grosso chia sẻ với Goal.

Hè 2017, Grosso chuyển sang dẫn dắt Bari ở Serie B. Đội bóng vùng Campania kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6. Tuy nhiên, hợp đồng của Grosso với Bari bị hủy bỏ sau khi đội bóng này nhận án phạt, dẫn đến việc phải tuyên bố phá sản. Hellas Verona là bến đỗ tiếp theo của nhà vô địch World Cup 2006. Anh giúp đội bóng này nằm trong nhóm dự vòng play-off tranh suất thăng hạng. Song, đến tháng 5/2019, Grosso bị sa thải sau khi Hellas Verona để thua sốc 2-3 trước Livorno, đội bóng đang chờ ngày xuống chơi ở Serie C.
Tháng 11/2019, Grosso có lần đầu tiên được hít thở bầu không khí Serie A với vai trò HLV. Brescia vừa sa thải Eugenio Corini và quyết định đặt niềm tin vào cựu hậu vệ Palermo. Ngay trong những ngày đầu tiên, anh thể hiện hình ảnh cứng rắn như người thầy Antonio Conte. Trong một lần Mario Balotelli đến sân tập muộn, Grosso liền đuổi cầu thủ này về nhà. Mặc dù vậy, cuộc phiêu lưu của Grosso và Brescia nhanh chóng kết thúc chỉ sau 28 ngày. Chủ tịch Massimo Cellino bất ngờ ký giấy sa thải vị thuyền trưởng 38 tuổi chỉ ít ngày sau sinh nhật của anh.
Sau hơn nửa năm nghỉ ngơi, Fabio Grosso bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Christian Constantin, Chủ tịch CLB Sion. Đội bóng thuộc giải VĐQG Thụy Sĩ đánh cược vào Grosso. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Corriere dello Sport, Chủ tịch Constantin ca ngợi nhà vô địch World Cup 2006:
“Fabio Grosso gây ấn tượng với tôi từ khi còn là một cầu thủ bóng đá. Cậu ấy chấp nhận từ bỏ vị trí số 10 để chuyển sang đảm nhiệm vai trò hậu vệ cánh nếu muốn có tương lai. Sau đó, Grosso ghi bàn giúp Italia đánh bại tuyển Đức. Tôi sẵn sàng đặt niềm tin vào một người như cậu ấy”.
Tuy nhiên, sự gắn bó của Grosso với Sion không có kết thúc tốt đẹp. Tháng 3/2020, bị sa thải sau khi để Sion rơi xuống vị trí áp chót trên bảng xếp hạng. Thông qua các phương tiện truyền thông, Grosso không ngừng công khai sự bất mãn dành cho đội bóng cũ của mình.

Tháng 3/2021, Grosso trở lại Italia để dẫn dắt Frosinone, thay thế người đồng đội cũ Alessandro Nesta và cố gắng giúp đội chủ sân Benito Stirpe tránh khỏi nguy cơ xuống hạng. Dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng người Roma, Frosinone cán đích ở vị trí thứ 10. Chiến công này giúp Grosso tiếp tục được ở lại đội bóng vùng Lazio.
Ngày 21/9 vừa qua, Fabio Grosso có dịp đối đầu người đồng đội cũ Filippo Inzaghi khi Frosinone tiếp đón Brescia. Trong những phút cuối trận, Brescia gỡ hòa 2-2 trong một tình huống gây tranh cãi. Không giữ được sự bình tĩnh, Grosso buông lời gay gắt với Inzaghi sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Trả lời phỏng vấn sau trận đấu, HLV của Frosinone trải lòng: “Tôi thích một cái bắt tay hữu nghị với HLV đối thủ, nhưng điều đó không xuất hiện. Inzaghi rời sân với sự hài lòng. Song, tỷ số 2-2 là điều không thể chấp nhận ở trận này. Mọi thứ không được như ý muốn của tôi và sẽ sớm chìm vào dĩ vãng”.
Tuy nhiên, những phút giây căng thẳng ấy không thể xóa nhòa những khoảnh khắc họ từng tận hưởng cùng nhau ở World Cup 2006, giống như hình ảnh Fabio Grosso từ kẻ vô danh hóa thành người hùng. Lịch sử bóng đá Italia sẽ khắc ghi khoảnh khắc ấy mãi mãi.
(Lược dịch từ bài “Fabio Grosso dopo i Mondiali 2006: l’Inter, la Juventus e il Viareggio vinto da allenatore” trên tờ Goal).
Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.
Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây
Hay quá ad ơi
Fabio sinh ra cho khoảnh khắc này
Xem lại clip của những phút giây này, thấy hạnh phúc ngập tràn?
Tôi phải chờ đợi 23 năm mới có chứng kiến được cảm giác vui sướng này , mà thật đặc biệt là lại ở Japan ?? mới đặc biệt chứ , thật không thể quên được giây phút đó, hy vọng tương lai sẽ được chứng kiến nhiều khoảng khắc như vậy