Hơn 30 năm sau mùa hè World Cup 1990, nhiều tifosi vẫn chưa thể quên ánh mắt sáng rực của Salvatore Schillaci, người hùng từng khiến họ ngất ngây trong men say của những đêm huyền ảo.
Nhắc đến Salvatore Schillaci, bạn sẽ nghĩ ngay đến World Cup. Đó là mùa hè năm 1990, Totò với đôi mắt tròn trở thành biểu tượng của cả đất nước Italia, nơi có các tifosi đang mơ mộng về lần thứ 4 được chứng kiến Azzurri bước lên đỉnh thế giới. Sau mỗi bàn thắng của Schillaci, bầu không khí sôi động lại xuất hiện ở các quảng trường, từ đất liền cho đến hai hòn đảo lớn Sardinia và Sicilia.
World Cup 1990 chính là sân khấu lớn nhất từng chứng kiến Schillaci tỏa sáng. Từ những sân bóng đầy bụi ở Sicilia, chàng trai nghèo xứ đảo không ngừng nỗ lực. Cuối cùng, anh trở thành niềm hy vọng lớn nhất của cả một quốc gia trong “những đêm huyền ảo”.

Cậu bé sửa xe ở Messina
Sinh ra tại Palermo vào ngày 1/12/1964, Salvatore Schillaci (thường được gọi là Totò), lớn lên trong khu phố CEP, một nơi nổi tiếng thuộc San Giovanni Apostolo.
“Tuổi thơ của tôi thật đặc biệt. Tôi sống trong một khu phố rất nghèo. Nhiều người đi theo con đường rất khác với tôi. Tôi chỉ có một ước mơ: trở thành cầu thủ bóng đá. Vì vậy, tôi đi theo con đường này và luôn tin vào chính mình. Bóng đá giúp tôi tránh xa những người bạn xấu. Ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng đằng sau những thành công là một chặng đường đầy khó khăn mà tôi đã phải vượt qua một cách vô cùng nghiêm túc”, Schillaci trả lời phỏng vấn với Giocopulito.it.
Trường học bóng đá đầu tiên của Schillaci chính là đường phố. Anh chơi các trận đấu với bạn bè trong thời gian rảnh rỗi. Theo thời gian, anh cố gắng tạo nên những pha bóng khó lường. Totò tin rằng chỉ có cách này mới giúp mình trở thành nhà vô địch. Ngoài ra, để theo đuổi ước mơ, anh còn phải làm nhiều công việc khác nhau, đặc biệt là thay lốp xe.
Năm 1980, Schillaci gia nhập lò đào tạo trẻ Amat Palermo. Nơi đây còn có một số cầu thủ địa phương và những pha bóng khó lường từng xuất hiện trên đường phố giúp Totò trở nên nổi bật hơn.
“Để nhận được sự chú ý, bạn cần phải có đủ may mắn. Tôi từng gặp nhiều chàng trai trẻ có tiềm năng nhưng lại sớm nản chí. Tôi có đủ sự can đảm, luôn đặt cược mọi thứ vào bóng đá. Sau hơn một năm sửa lốp xe, làm việc đến kiệt sức, tôi biết mình đã đến lúc phải lựa chọn. Và tôi chọn bóng đá, cho mình một giới hạn cuối cùng. Nếu không thể đạt đến giới hạn đó, tôi sẽ quay trở lại cửa hàng và tiếp tục sửa lốp xe”, Schillaci kể lại với tờ Goal.
Đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên tìm đến Schillaci là Palermo. Tuy nhiên, không có bản hợp đồng nào được ký kết và Schillaci sẽ không bao giờ khoác áo Rosanero trong sự nghiệp của mình. Cuối cùng, Messina tỏ ra quyết tâm, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được anh.
“Carmelo Mancuso và tôi đều nhận được sự chú ý tại Amat. Palermo gửi lời đề nghị trị giá 28 triệu lire cho cả hai chúng tôi. Song, ban lãnh đạo Amat muốn kiếm được ít nhất 35 triệu lire để giải quyết vấn đề tài chính. Chỉ vì 7 triệu lire, chúng tôi không thể đến Palermo. Sau đó, Messina ngay lập tức ngỏ lời. Có lẽ may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp. Tôi và Mancuso đều cảm thấy như vậy”, Schillaci nhớ lại.

Hành trình của Totò bắt đầu từ thành phố eo biển thuộc đảo Sicilia. Anh gắn bó với Messina trong 7 năm, đưa đội bóng của mình thăng hạng từ Serie C2 lên Serie C1 ở mùa giải 1982/83 và từ Serie C1 lên Serie B ở mùa giải 1985/86. Dưới sự dẫn dắt của HLV Franco Scoglio, Schillaci ngày càng trưởng thành hơn. Sân Celeste dần trở thành vũ đài riêng của anh. Trước khi Scoglio ra đi vào năm 1988, Schillaci kịp mang về tổng cộng 36 bàn thắng.
“Messina rất quan trọng với sự nghiệp của tôi. Tôi đến đây khi mới 17 tuổi và thành phố này cho tôi rất nhiều điều. Scoglio giống như một người cha, luôn tin tưởng vào khả năng của tôi và hiểu rõ những mục tiêu mà tôi muốn hướng tới. Ông ấy từng nói: ‘Schillaci phải được thi đấu tự do. Bạn hãy đưa cho cậu ấy một chiếc áo, đưa cậu ấy vào sân và để cậu ấy làm những gì bản thân cảm thấy thích’. Scoglio cho rằng tôi giỏi hơn cả Pele”, Schillaci ca ngợi người thầy cũ khi trả lời phỏng vấn với Tempostretto.
Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây
Chấn thương ở mùa giải 1986/87 khiến Schillaci phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật và chỉ ghi được 3 bàn thắng sau 33 trận. Song, đến mùa giải 1987/88, anh thi đấu bùng nổ, sút tung lưới đối phương đến 13 lần ở Serie B. Phong độ ấy tiếp tục được duy trì khi Messina được dẫn dắt bởi HLV Zdenek Zeman. Là người tôn thờ lối chơi tấn công, không bất ngờ khi Zeman giúp Schillaci trở thành Vua phá lưới ở mùa giải 1989/90 với 23 bàn thắng.
“Đối với tôi, Zeman là HLV tuyệt vời. Ở Messina, ông ấy khiến chúng tôi phải làm việc rất nhiều. Ông ấy chuẩn bị mọi thứ rất kỹ, không bỏ qua dù chỉ một chi tiết nhỏ”, Schillaci nhớ lại.
Messina dần trở thành đội bóng sở hữu hàng công tốt nhất và hàng thủ tệ nhất giải đấu. Schillaci thực sự là ngôi sao, máy dội bom ở thành phố eo biển của đảo Sicilia. Cuối cùng, Juventus phải lòng Totò. Kết thúc mùa giải 1988/89, sự nghiệp của chàng trai xứ đảo bước sang chương mới, với việc chuyển đến thành Turin.
Năm đầu tiên ở Juventus
Antonio Caliendo, người đại diện của Schillaci, là tác giả vở kịch đưa Totò cập bến Delle Alpi. Theo nhà báo Gianluca Di Marzio kể trong cuốn sách “Grand Hotel Calciomercato”, Caliendo từng gọi điện cho Chủ tịch Giampiero Boniperti của Juventus với giọng điệu đầy khiêu khích: “Thưa ngài, ngài có những tuyển trạch viên thực sự vô dụng. Để tôi nói cho ngài hiểu. Làm sao ngài lại không thấy được tài năng của Schillaci khi cậu ấy chơi bóng ở Serie B cùng Messina và ghi bàn vào lưới Lazio ở Coppa Italia”.
Boniperti ngạc nhiên, chỉ biết im lặng. Ở đầu dây bên kia, Caliendo bất ngờ hét lớn: “Tôi không có quan hệ gì với Messina. Hãy cho tôi biết ngài sẵn sàng chi bao nhiêu tiền và tôi sẽ nói chuyện với Chủ tịch của họ”.
Boniperti đồng ý với lời đề nghị này. Giữ đúng lời hứa, Caliendo liền nhấc máy gọi cho Chủ tịch Salvatore Massimino của Messina, một quý ông hơi cộc cằn, lập dị, như người thuộc thế hệ đi trước.
– Chào buổi tối, ngài Chủ tịch. Tôi là người đại diện của Schillaci.
– Người đại diện của ai? Tôi không biết, nhưng hãy giúp tôi một việc.
Vừa dứt câu nói, Massimino liền cúp máy. Caliendo hiểu ý Chủ tịch Messina rằng ông muốn giữ chân ngôi sao của mình. Song, ông vẫn tìm đến Schillaci và hỏi:
– Cậu có muốn đến Juventus không?
– Anh đang đùa đấy à? – Schillaci đáp lại với vẻ ngạc nhiên.

Cuối cùng, Massimino lại mềm lòng. Hai bên tiến đến Milano để kiểm tra y tế. Hợp đồng đưa Schillaci đến Juventus được hoàn tất khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chỉ còn đúng 3 phút. Chàng trai 24 tuổi rời xứ đảo Sicilia với giá 6 tỷ lire, để lại di sản gồm 68 bàn thắng sau 237 trận.
Chủ tịch Boniperti đã đúng khi tin tưởng “người lạ” Caliendo. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Totò trở thành đối tác ăn ý với Pierluigi Casiraghi trên hàng công của Juventus và ghi được 15 bàn thắng. Dưới sự dẫn dắt của HLV Dino Zoff, Schillaci tiếp tục trở nên khó lường. Một trong những bàn thắng đẹp nhất của anh chính là khoảnh khắc đưa bóng vào lưới Genoa, đội bóng được dẫn dắt bởi người thầy cũ Scoglio. Tính trên mọi đấu trường, Schillaci có 21 lần sút tung mành lưới đối phương. Juventus của anh cán đích ở vị trí thứ 4 tại Serie A, giành cú đúp danh hiệu UEFA Cup và Coppa Italia.
Người hùng ở World Cup 1990
Chứng kiến màn trình diễn của Schillaci trong màu áo Juventus, HLV Azeglio Vicini không thể làm ngơ. Sau nhiều lần phớt lờ trong thời gian dài, ông quyết định trao cơ hội cho chàng trai xứ đảo. Mọi chuyện bắt đầu từ trận giao hữu với Thụy Sĩ ở Basel vào ngày 31/3/1990. Chất lượng chuyên môn của trận đấu này không cao, kết quả chỉ được định đoạt nhờ bàn thắng duy nhất của De Agostini trong hiệp hai. Tuy nhiên, màn trình diễn của Schillaci vẫn in đậm trong suy nghĩ của HLV Vicini.
Mọi chuyện liên tục xảy đến theo cách không ai có thể ngờ. Gianluca Vialli và Andrea Carnevale không tìm được sợi dây liên kết. Trong trận mở màn World Cup 1990 với tuyển Áo, Schillaci vào sân thay cho Andrea Carnevale. Ngay lập tức, anh để lại dấu ấn với bàn thắng bằng đầu, giúp tuyển Italia đánh bại đối thủ này.
“Vicini muốn gọi tôi vào ĐTQG ngay cả khi phải đi ngược lại ý kiến của phần đông người hâm mộ và báo chí. Ông ấy đặt niềm tin vào tôi và tôi không thể làm ông ấy thất vọng. Việc triệu tập một cầu thủ từng chơi ở Messina vào năm ngoái luôn mang đến nhiều rủi ro. Tôi nợ Vicini rất nhiều vì những thành công lớn mà bản thân có được. Tôi có thể trở thành Totò Schillaci như ngày hôm nay là nhờ ông ấy”, cựu tiền đạo Messina chia sẻ trong cuốn tự truyện “Bàn thắng là tất cả” của mình và tác giả Andrea Mercurio.

Cho đến trận đấu thứ hai với tuyển Mỹ, HLV Vicini vẫn kiên nhẫn với Andrea Carnevale. Song, từ trận đấu thứ 3 với tuyển Tiệp Khắc, Schillaci được điền tên vào đội hình xuất phát, thi đấu bên cạnh chàng trai trẻ Roberto Baggio. Anh góp một bàn thắng, đưa tuyển Italia tiến vào vòng knock-out. Kể từ đây, World Cup 1990 trở nên ngập tràn cảm xúc với người Italia. Cả đất nước ven bờ Địa Trung Hải này bị cuốn theo từng pha bóng của Schillaci. Ánh mắt mở to, sáng rực của Totò trở thành biểu tượng của những đêm huyền diệu mùa hè Italia.
Schillaci trở thành người dẫn dắt hàng công của Azzurri, tiếp tục ghi bàn trong trận gặp Uruguay và Cộng hòa Ireland. Điều này được lặp lại ở trận bán kết với Argentina ở chảo lửa San Paolo. Thế nhưng, tuyển Italia không được tận hưởng niềm vui. Claudio Caniggia đánh đầu hạ gục Walter Zenga ở phút 67, gỡ hòa cho đại diện đến từ Nam Mỹ. Và trong loạt penalty cân não, Argentina dứt điểm chính xác hơn, buộc đội quân của HLV Vicini phải chia tay giấc mơ vô địch trên quê hương. Trong trận tranh hạng ba ở Bari, Schillaci ấn định chiến thắng 2-1 trước tuyển Anh từ chấm phạt đền. Kết thúc giải đấu, chàng trai xứ đảo trở thành Vua phá lưới với 6 bàn thắng. Danh hiệu Quả bóng vàng World Cup năm ấy cũng thuộc về Schillaci.
Sau này, Schillaci có dịp hồi tưởng khi trả lời phỏng vấn với Sky Sport: “Ở World Cup năm đó, chúng tôi thực sự rất mạnh. Thật không may, ngay cả khi không để thua trận nào, chúng tôi vẫn thất bại trong việc giành cúp. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc rất nhiều”.
Schillaci kết thúc năm 1990 kỳ diệu của mình bằng việc đứng thứ hai trong cuộc bầu chọn Quả bóng vàng do tờ France Football tổ chức, chỉ sau Lothar Mattheaus. Có thể nói tiền đạo người Palermo như đang bước ra từ truyện cổ tích.
Bi kịch của người hùng Schillaci
Khi đang ở trên đỉnh cao, bạn rất dễ sa ngã. Đó cũng là điều từng xảy ra với người hùng World Cup 1990 của chúng ta. Sau mùa hè Italia, Schillaci bắt đầu sa sút. Với sự dẫn dắt của HLV Luigi Maifredi, Roberto Baggio và Salvatore Schillaci trở thành 2 cái tên không thể thiếu trên hàng công của Juventus. Trong khi người đồng đội trẻ của mình ngày càng tỏa sáng, Totò không thể giữ được phong độ ổn định. Ngay cả chính anh cũng không hiểu điều gì đang xảy ra.
Ngày 11/11/1990, Juventus đánh bại Bologna nhờ bàn thắng của Baggio trên chấm phạt đền. Tuy nhiên, Schillaci lại trở thành nhân vật chính trong một khoảnh khắc tồi tệ cùng với cầu thủ chạy cánh Fabio Poli bên phía đối thủ. Anh kể lại trong cuốn tự truyện của mình:
“Khi tỷ số đang là 0-0, tôi va chạm với Paolo Negro và ngã xuống. Trọng tài cho chúng tôi được hưởng phạt đền và Baggio ghi bàn. Chúng tôi giành chiến thắng nhờ tình huống đó. Cuối trận, Fabio Poli tiến đến gần tôi với vẻ mặt giận dữ. Anh ta hét lớn khi đứng cách tôi chỉ vài centimet. Tay của anh ta quơ vào mặt tôi, miệng phun nước bọt. Tôi đáp trả lại: “Coi chừng có khẩu súng bắn vào miệng anh”. Tôi chỉ tự bảo vệ mình theo bản năng, không suy nghĩ. Mọi chuyện xảy ra như vậy”.

Án phạt được đưa ra. Schillaci bị treo giò 1 trận, trong khi Poli cũng bị cấm thi đấu 2 trận. Cầu thủ của Bologna không kháng án, nhưng cũng không tha thứ cho Schillaci: “Đó là ký ức tồi tệ nhất trong sự nghiệp bóng đá của tôi. Cậu ấy nói rằng sẽ bắn vào miệng của tôi. Kể từ ngày đó, cuộc sống của tôi thay đổi. Cậu ấy đến từ Juventus, đội bóng hàng đầu Italia, còn tôi không là ai cả. Tôi bị gạt ra ngoài thế giới bóng đá ở tuổi 30 chỉ vì một kẻ xấu xa”.
Schillaci ghi tổng cộng 8 bàn sau 42 trận, trong đó có 5 bàn ở Serie A. Juventus trải qua một mùa giải thất bại, chỉ đứng thứ 7 ở giải VĐQG Italia. Tình trạng sức khỏe của Schillaci trở nên đáng báo động. Totò rơi vào tình cảnh giống như người anh họ Maurizio, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và sau này trở thành con nghiện ma túy. Phong độ kém cỏi khiến Schillaci không còn tiếng nói trong phòng thay đồ. Tệ hơn, anh còn bị phân biệt đối xử chỉ vì đến từ xứ đảo Sicilia vốn nổi tiếng với mafia. Giovanni Trapattoni thay thế vị trí của Luigi Maifredi ở mùa giải 1991/92 nhưng tình hình của Schillaci vẫn không được cải thiện. Chàng trai xứ đảo chỉ ghi được 7 bàn sau 40 lần ra sân. Phong độ của anh rơi tự do đến mức không thể ngăn cản.
“Ở Turin, tôi bị phân biệt đối xử. Những lời xúc phạm, trêu chọc được dán đầy dưới nhà của tôi. Tôi rơi vào khủng hoảng, chỉ có thể giải thoát nhờ chuyện chăn gối với những cô gái xa lạ. Tôi cũng bị phản bội rất nhiều. Sự phản bội giống như đồ uống có ga vậy. Nó làm cơn khát ngay lập tức biến mất nhưng sau đó lại khiến bạn bị khô họng. Juventus không muốn chia tay tôi nhưng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc mang tâm trạng giận dữ bước vào sân. Tất cả chỉ vì những lời lẽ ác ý”, Schillaci viết trong cuốn tự truyện của mình.
“Trong một buổi tối, khi tôi đang ở nhà, Trapattoni đến gần và nói: ‘Cậu đã giết thẩm phán Falcone’. Tôi trả lời: ‘Thưa ông, tôi ở cùng với Baggio, hãy hỏi cậu ấy xem tôi đã làm gì’. Trapattoni không đùa, bầu không khí rất nặng nề. Tôi cũng lặp lại điều đó với ông ấy trước khi rời Juventus. Tôi không giết thẩm phán Falcone, người Sicilia không đáng bị thành kiến như vậy. Tôi chỉ là thợ làm bánh, người sửa lốp xe, bán hàng rong, giao rượu, bán trái cây. Tôi muốn có một số tiền nhỏ trong túi để nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ. Tôi từng chơi hàng giờ với Super Tele, một quả bóng nhẹ. Ngay cả Pele cũng không thể thực hiện 3 pha lừa bóng với Super Tele”, người hùng World Cup 1990 tiếp tục kể về những ngày tháng khó khăn.
Đặt mua áo đấu của tuyển Italia tại đây
Phong độ không ổn định cộng với hôn nhân đổ vỡ khiến Schillaci ngày càng gần cánh cửa rời Juventus. Chuyến phiêu lưu của Totò trong màu áo Azzurri cũng khép lại vào cuối năm 1991. Tổng cộng, anh ghi được 7 bàn thắng cho đội quân thiên thanh sau 16 lần ra sân.
“Khi tất cả những điều tốt đẹp kết thúc, đó là 3 năm phi thường mà tôi giành được rất nhiều. Tôi là một Juventino từ thời thơ ấu. Trái tim của tôi luôn có màu đen và màu trắng”, Schillaci chia sẻ.
Sự nghiệp của Schillaci sau đó được tiếp tục ở Inter Milan, đội bóng giang tay chào đón anh bằng bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Người hùng World Cup 1990 từng bùng nổ ở San Siro nhưng vấn đề thể lực khiến đóng góp của anh dần hạn chế. Schillaci ghi được 12 bàn thắng sau 36 lần khoác áo Nerazzurri, trong đó có một bàn khi vào sân thay người từ băng ghế dự bị ở trận Derby della Madonnina kịch tính. Cuối cùng, anh kịp giúp Inter Milan đăng quang ở UEFA Cup trước khi tạm biệt Italia và thực hiện chuyến phiêu lưu ở Nhật Bản.

Schillaci – thần tượng ở xứ hoa anh đào
Schillaci trở thành cầu thủ người Italia đầu tiên chuyển đến châu Á thi đấu. Anh ký hợp đồng với Jubilo Iwata, hưởng mức lương cao ngất ngưởng, được hỗ trợ bởi một thông dịch viên, một tài xế riêng và sống trong một căn biệt thự. Ngay trong trận ra mắt với Kawasaki Frontale, anh đã có bàn thắng đầu tiên. Sau thời gian khó khăn, Schillaci được tận hưởng cuộc sống thoải mái, xa hoa kéo dài trong 4 mùa giải. Tổng cộng, sau 100 lần ra sân, anh sút tung lưới đối phương đến 68 lần, giành chức vô địch J-League ở tuổi 32 trước khi tuyên bố giã từ sự nghiệp cầu thủ. Schillaci thực sự là thần tượng ở Nhật Bản, nơi anh được gọi với cái tên thân mật là “Toto-San”.
“Tôi rất vui. Đó là một trải nghiệp tuyệt vời. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn thường xuyên làm việc với người Nhật Bản. Tôi thấy họ rất lịch sự, tôn trọng người khác. Thật may mắn khi tôi được ở đó trong nhiều năm. Tôi chắc chắn sẽ trở lại đất nước này thường xuyên”, Schillaci chia sẻ.
Cuộc hôn nhân ồn ào
Schillaci trải qua nhiều sóng gió trong chuyện tình cảm. Đời sống hôn nhân không êm đẹp làm ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ trên sân cỏ của anh. Năm 1987, Totò kết hôn với Rita Bonaccorso, người vợ đầu tiên của mình. Cả hai có con chung là Mattia và Jessica. Tuy nhiên, cuộc sống của họ rơi vào khủng hoảng khi Schillaci quá nổi tiếng sau World Cup và quyết định chuyển đến Turin. Cuối cùng, cả hai cũng phản bội niềm tin của nhau.
Rita Bonaccorso chia sẻ với La Gazzetta dello Sport vào năm 2018: “Chúng tôi kết hôn năm 1987, khi anh ấy đang chơi ở Messina. Đến năm 1995, cả hai quyết định chia tay. Chúng tôi đều mắc bệnh ghen. Anh ấy phản bội tôi, cho rằng tôi chấp nhận điều đó là lẽ đương nhiên và tin rằng tôi sẽ không bao giờ phản bội anh ấy. Một buổi tối, Boniperti đến nhà chúng tôi để giúp cả hai làm hòa. Ngay cả Chủ tịch Juventus cũng phải can thiệp. Ông ấy muốn Schillaci phải bình tĩnh, nói với chúng tôi rằng “gia đình” là 2 từ rất thiêng liêng. Thật tiếc, chúng tôi lại khiến ông ấy thất vọng. Tôi muốn xin lỗi ông ấy. Boniperti xuất hiện trong căn hộ của chúng tôi là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi từng có”.
Ngày 2/8/1993, Gianluigi Lentini, bản hợp đồng trị giá hàng tỷ lire của AC Milan, gặp tai nạn giao thông khi đang lái chiếc Porsche trên đường cao tốc A21 từ Genova về Milano. Truyền thông Italia phát hiện tiền vệ này bị tai nạn sau cuộc hẹn hò bí mật với chính Rita Bonaccorso. Vợ của Schillaci không hề hối hận vì đã phản bội. Cô kể lại với La Gazzetta dello Sport: “Tôi yêu Lentini như một phản ứng bình thường, bởi Schillaci cũng hẹn hò với một người phụ nữ khác trong nhiều tháng, đúng hơn là họ còn sống với nhau. Tôi từng nói với Schillaci là sớm muộn thì tôi cũng sẽ bắt anh ấy phải trả giá”.
Năm 1996, cuộc hôn nhân giữa Schillaci và Bonaccorso kết thúc sau cánh cửa tòa án. Sau đó, tiền đạo người Palermo tiếp tục rơi vào rắc rối khi cặp kè với Prisca, người anh từng gặp ở Chiasso và có một con chung là Nicole. Chia tay Prisca, Schillaci đến bên diễn viên kiêm người mẫu Simona Mattioli nhưng cuộc tình này cũng không có cái kết tốt đẹp.

Năm 2004, Schillaci tham gia chương trình truyền hình thực tế “Đảo của người nổi tiếng”. Anh đứng ở vị trí thứ 3, giống như thành tích của mình ở mùa hè 1990. Những năm tiếp theo, anh chuyển hướng sang làm diễn viên với bộ phim đầu tay là “Tình yêu, sự dối trá và bóng đá”. Cảm thấy có duyên với nghề mới, anh tiếp tục nhận vai ông trùm mafia trong phim “Đội phòng chống mafia Palermo ngày nay”.
Sự bình yên của Schillaci chỉ đến vào năm 2011. Ở tuổi 47, anh tìm thấy Barbara Lombardo, người anh từng gặp vào đầu những năm 2000 và cùng cô kết hôn 2 năm sau đó. Bây giờ, Schillaci đang sống hạnh phúc với Barbara, quản lý Trung tâm thể thao “Louis Ribolla” ở Palermo, nơi anh đào tạo các cầu thủ trẻ cùng các trợ lý của mình. Bộ đôi này cũng thường xuyên đi du lịch khắp thế giới, tham gia các chương trình truyền hình và chơi thân với các huyền thoại bóng đá Italia.
Schillaci vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Stefano Tacconi, Moreno Torricelli và Roberto Baggio, dù anh từng tung một cú đấm về phía “tóc đuôi ngựa thần thánh”. Totò từng kể lại câu chuyện này với giọng điệu hài hước: “Một buổi sáng, tôi đang cảm thấy khá lo lắng. Baggio đọc báo và bắt đầu quay sang chọc ghẹo tôi. Tôi yêu cầu cậu ấy dừng lại. Cậu ấy vẫn tiếp tục đùa. Trong cơn nóng giận, tôi tung nắm đấm về phía Baggio. Mọi chuyện nhanh chóng kết thúc trong êm đẹp bởi chúng tôi vẫn là bạn của nhau”.
Hơn 30 năm sau những đêm huyền ảo của mùa hè Italia, Schillaci cuối cùng cũng được tận hưởng niềm hạnh phúc. Với các tifosi yêu hoài niệm, đôi mắt sáng rực đầy ám ảnh của anh vẫn mãi là biểu tượng của giải đấu mà họ được sống trong những giấc mơ.
(Lược dịch từ bài “Totò Schillaci, l’eroe delle Notti magiche di Italia ’90” trên tờ Goal).