Roberto Carlos gia nhập Inter Milan vào năm 1995 và nói lời chia tay Nerazzurri chỉ sau 12 tháng. Sự xuất hiện của Roy Hodgson và Alessandro Pistone là một trong những nguyên nhân khiến “cuộc hôn nhân” này không còn hạnh phúc như thuở ban đầu.
Ánh mắt thanh thản, tai trái đeo một chiếc khuyên và đôi môi luôn nở nụ cười rất tươi, để lộ chiếc răng khểnh. Đó là những gì người hâm mộ dễ dàng nhận ra ở Roberto Carlos, chàng trai luôn hạnh phúc khi được chơi bóng. Người Brazil thường dùng ngón tay cái và ngón út để mô tả niềm vui, vẻ đẹp của cuộc sống. Hành động này được họ lặp lại thường xuyên. Carlos cũng không ngoại lệ. Anh luôn cố gắng làm điều ấy thật nhiều lần, đặc biệt là từ ngày rời Nam Mỹ để phát triển sự nghiệp ở châu Âu.
Những ngày tươi đẹp
Mùa hè năm 1995, Inter Milan tỏ rõ tham vọng của mình. Massimo Moratti tiếp quản đội bóng từ tay người tiền nhiệm Ernesto Pellegrini và ngay lập tức nhắm đến những ngôi sao tại châu Âu. Roberto Baggio, Eric Cantona là hai mục tiêu hàng đầu. Song mọi chuyện không hề dễ dàng bởi không nhiều cầu thủ đặt niềm tin vào một đội bóng đang trong quá trình chuyển giao quyền lực. Cantona quyết định ở lại Manchester United, còn Baggio gia nhập AC Milan. Để thay thế, Chủ tịch Moratti đưa về hàng loạt cái tên khác như Paul Ince, Benny Carbone, Maurizio Ganz, Salvatore Fresi.
Giữa tháng 8/1995, Carlos cập bến San Siro. Cùng thời điểm ấy, Inter Milan chào đón 2 cái tên đến từ Argentina là Javier Zanetti và Sebastian Rambert. Cả ba ít nhiều để lại tiếng vang bằng những màn trình diễn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi về các tân binh của mình, HLV Ottavio Bianchi trả lời đầy bất ngờ: “Tôi không biết họ. Tôi chỉ nhìn thấy họ một vài lần trên sóng vô tuyến. Vào ngày chủ nhật, tôi phải ngồi trong cabin huấn luyện nên không có thời gian xem cầu thủ đội khác thi đấu”.
Sau khi đưa ra câu trả lời ấy, cựu thuyền trưởng Napoli bắt đầu tìm hiểu Carlos là ai. Không mất nhiều thời gian, ông có câu trả lời. Ở Brazil, Carlos được nhiều người biết đến từ sớm. Sau sự khởi đầu cùng “gã tí hon” União São João, anh gia nhập Palmeiras. Giữa thập niên 1990, đội bóng có biệt danh “Verdão” cực kỳ khó chịu, được tập đoàn bơ sữa nổi tiếng Parmalat góp vốn đầu tư. Nơi đây chắp cánh cho hàng loạt cầu thủ ở xứ sở Samba bay cao, điển hình như Edmundo, Rivaldo, Flavio Conceição, Mazinho, Evair, Zinho, Zago, Cesar Sampaio…

Cùng Palmeiras, Carlos 2 lần VĐQG Brazil. Anh không có thể hình cao lớn nhưng biết cách che lấp khiếm khuyết của mình bằng lối chơi giàu kết hợp thể lực, tốc độ và chân trái siêu hạng. Năm 1992, anh được triệu tập lên tuyển Brazil khi chưa tròn 19 tuổi. Một năm sau, Carlos cùng “Selecao” đánh bại Argentina của Gabriel Batistuta và đăng quang ở Copa America.
Chừng đó chiến tích là đủ để cánh cửa sang châu Âu mở toang dành cho Carlos. Hàng loạt đội bóng ở Premier League muốn có anh. Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn của tập đoàn Parmalat, Parma mới là đội chiếm ưu thế trong thương vụ này. Nhưng rồi một vấn đề phát sinh: đội bóng vùng Emilia-Romagna không còn suất cho cầu thủ ngoài EU. Những cuộc đàm phán kéo dài không mang lại kết quả. Bẵng một thời gian, Chủ tịch Massimo Moratti trực tiếp nối liên lạc với Carlos, rồi bỏ tra 10 tỷ lire để đưa anh đến Inter Milan.
Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Tờ La Stampa nhận định: “Carlos hứa hẹn sẽ bùng nổ ở cánh trái. Inter Milan rất sáng suốt khi ký hợp đồng với cậu ấy. Cùng với Zanetti, Carlos sẽ tạo nên một đôi cánh mạnh mẽ cho Nerazzurri”. Đáp lại sự kỳ vọng của các interisti, chàng trai 22 tuổi tuyên bố: “Tôi muốn trở thành hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới”.
Chưa đầy một tuần sau buổi lễ ký hợp đồng, Carlos có màn ra mắt Inter Milan. Đội bóng áo sọc xanh đen chạm trán Monza trong trận giao hữu ở Brianteo. Kết quả cuối cùng, Nerazzurri bị đội bóng ở Serie C cầm hòa 2-2 và nhiều interisti cảm thấy lo ngại. Song Carlos vẫn để lại dấu ấn bằng đường kiến tạo cho Ganz ghi bàn. Chuỗi ngày u ám tiếp tục đến với Inter Milan. Sau trận hòa Monza, họ tiếp tục nhận những kết quả không mấy tích cực trước Venezia, Udinese, Livorno và PSV Eindhoven. Trong đó, trận cầu không bàn thắng với Livorno khiến Chủ tịch Moratti thất vọng hơn cả. Trên đường bước ra khỏi sân Armando Picchi, vị tỷ phú dầu mỏ thốt lên: “Người hâm mộ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Đã đến lúc cần phải khắt khe hơn”.

Cuối cùng, ngày 27/8/1995, niềm vui đã đến với Inter Milan. Thầy trò HLV Bianchi tiếp đón Vicenza trong trận mở màn Serie A. Trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của các interisti, Carlos gây ấn tượng bằng việc ghi bàn thắng duy nhất, giúp Nerazzurri giành trọn vẹn 3 điểm. Màn chào sân không thể tuyệt vời hơn của chàng trai người Brazil. Sau trận đấu, anh chia sẻ: “Tôi đã ghi bàn thắng đầu tiên cho Inter Milan. Điều đó thật hạnh phúc. Tôi tặng chiếc áo của mình cho Moratti, vì ông ấy cũng là một người hạnh phúc, giống như tôi”.
Cả Serie A bắt đầu chú ý đến Carlos. Ba ngày sau, anh tiếp tục ghi bàn thắng duy nhất, giúp Inter Milan đánh bại Venezia ở Coppa Italia. Bước sang tháng 9/1995, anh có lần thứ 3 sút tung mành lưới Parma ngay tại Ennio Tardini. Carlos tỏa sáng nhưng không có nghĩa là Inter Milan chơi tốt. Họ để cho đối thủ của mình lội ngược dòng trong hiệp hai. Đến ngày 12/9/1995, trong cuộc chạm trán Lugano ở UEFA Cup, Carlos lại “nổ súng”, giúp Nerazzurri có trận hòa 1-1 trên đất Thụy Sĩ.
Kết thúc trận đấu, tất cả nhận ra một thống kê tệ hại. Bốn bàn thắng đầu tiên của Inter Milan ở mùa giải 1995/96 đều đến từ một hậu vệ, các cầu thủ tấn công hoàn toàn im lặng. Sự tệ hại ấy tiếp tục kéo dài sang 3 trận đấu tiếp theo. Ở Serie A, Inter Milan bị Piacenza cầm hòa 0-0 ngay tại San Siro và nhận thất bại 2-1 trước Napoli. Ra đấu trường UEFA Cup, họ bị Lugano bé nhỏ hất văng sau trận thua 0-1 ở lượt về. Đến bây giờ, nhiều interisti vẫn cay khóe mắt khi nhớ lại lời mỉa mai của thủ môn Philipp Walker bên phía Lugano: “Chiến thắng tuyệt vời của những người nông dân như chúng tôi. Họ nghĩ mình là tỷ phú, là người giỏi nhất. Song chúng tôi đã cho thấy mình chơi tốt hơn họ”.
Chuỗi ngày trăng mật của Carlos kết thúc
Thất bại trước Napoli là giọt nước làm tràn ly khiến HLV Bianchi bị sa thải. Luis Suarez làm HLV tạm quyền cho đến ngày 16/10/1995. Sau đó, Roy Hodgson được lựa chọn để ngồi vào ghế nóng tại San Siro. Chủ tịch Moratti chấp nhận để nhà cầm quân người Anh dẫn dắt tuyển Thụy Sĩ và Nerazzurri cùng lúc cho đến tháng 12/1995.

Inter Milan ngay lập tức có sự chuyển biến, tạo nên chuỗi 10 trận bất bại liên tiếp trên mọi đấu trường. Nhưng Carlos thì không. Chàng trai 22 tuổi sớm vướng vào rắc rối. Sau cuộc tiếp đón Lugano, Inter Milan đánh bại Torino 4-0 dưới sự chỉ đạo của HLV Suarez. Dù có được chiến thắng đậm, ông không hài lòng với hậu vệ trái của mình. Trong mắt Suarez, Carlos làm tốt nhiệm vụ dâng cao hỗ trợ tấn công nhưng lại rất tệ trong việc phòng ngự. Hodgson cũng nghĩ như vậy, cho rằng cựu cầu thủ Palmeiras vô kỷ luật về mặt chiến thuật, thường xuyên mắc lỗi. Bản thân Carlos cũng dị ứng với sự gò bó và những lời chỉ đạo quá khắt khe của bóng đá Italia.
Đặt mua áo đấu mùa 2021/22 của Inter Milan tại đây
Do không có sự lựa chọn, Hodgson vẫn để Carlos sử dụng thường xuyên. Khi cần ưu tiên việc phòng ngự, ông tung Felice Centofanti vào sân. Bước ngoặt xảy đến vào tháng 11/1995. Hodgson thuyết phục ban lãnh đạo chi 1 tỷ lire để chiêu mộ Alessandro Pistone từ Vicenza. Mọi chuyện diễn ra thành công. Song Hodgson không thể ngờ rằng chuỗi ngày đau đầu đang chờ đợi mình ở phía trước. Dù ông không thừa nhận, trong mắt các chuyên gia, Carlos và Pistone đều là những hậu vệ cánh xuất sắc.
Ngày 3/12/1995, Inter Milan chạm trán Cremonese tại San Siro. Hodgson quyết định điền tên Pistone vào vị trí hậu vệ phải, còn Carlos trấn giữ cánh trái. Kế hoạch này không đem lại hiệu quả, khiến vị thuyền trưởng người Anh tiếp tục loay hoay thử nghiệm cho đến khi bước sang năm mới. Trong trận đầu tiên của năm 1996, Pistone và Carlos cùng chơi ở cánh trái, nhưng chàng trai người Brazil bị đẩy lên hàng tiền vệ. Với khả năng tấn công tốt, Carlos tiếp tục ghi bàn mở tỷ số. Tuy nhiên sau đó, Inter Milan để cho Bari lội ngược dòng, vùi dập đến 1-4.
Thêm một thử nghiệm thất bại của Hodgson. Carlos cũng không vui vẻ gì. Anh cảm thấy mình giống một con sư tử ở trong lồng, không thể phát huy sức mạnh như ở ngoài trời. Là cầu thủ chuyên nghiệp, Carlos phải thích nghi với những gì HLV yêu cầu, nhưng đầy miễn cưỡng và khó chịu.
“Ở Inter Milan, họ muốn tôi chơi tấn công. Trong những trận đầu tiên, tôi ghi rất nhiều bàn thắng. Vì vậy, họ yêu cầu tôi dâng cao nhiều hơn, thậm chí để tôi đá tiền vệ cánh. Ở vị trí mới, tôi phải chịu đựng rất nhiều. Tôi từng đến gặp Chủ tịch và nói với ông ấy rằng đó không phải vị trí của tôi. Tôi là một hậu vệ cánh”, Carlos hồi tưởng trong một cuộc trả lời phỏng vấn với FIFA.

Dần dần, khi sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm, Carlos công khai chống lại Hodgson. Anh rời Italia ngay trước Giáng sinh, không tham dự trận đấu với Cagliari vì “mệt mỏi, cảm thấy mình chơi tệ và nhớ Giovanna, con gái thứ hai của anh được sinh ra ở Sao Paulo vào tháng 11”. Không có anh, Inter Milan vẫn giành chiến thắng 4-0 trước các vị khách đến từ xứ đảo. Đến tháng 2/1996, Carlos được triệu tập vào đội Olympic Brazil. Điều này khiến anh bỏ lỡ thêm 3 trận đấu cùng Inter Milan. Trong phần còn lại của mùa giải, anh ghi thêm một bàn nữa cho Nerazzurri. Tình huống ấy diễn ra trên chấm phạt đền ở trận gặp Udinese vào ngày 24/3/1996, giúp đội bóng áo sọc xanh đen giành chiến thắng 2-1.
Carlos vẫn nuôi ước mơ trở thành hậu vệ trái số một thế giới và luôn tập luyện chăm chỉ. Nhưng anh cũng hiểu rằng mình nên vươn tới đỉnh cao ở một đội bóng khác. Người đồng đội Pistone tiết lộ: “Chính Carlos muốn ra đi và ban lãnh đạo chỉ làm theo ý cậu ấy. Họ không muốn giữ lại một cầu thủ không còn động lực cống hiến dù Carlos thực sự là một hiện tượng. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn của đội bóng”.
Ngày 12/5/1996, Inter Milan hành quân đến thủ đô để chạm trán AS Roma. Trên thực tế, đây giống như trận play-off tranh vé dự UEFA Cup. Carlos được điền tên vào đội hình xuất phát, và một lần nữa chơi ở hàng tiền vệ, ngay trước mặt Pistone. AS Roma vượt lên dẫn trước vào cuối hiệp một nhờ cú sút phạt đền thành công của Luigi Di Biagio. Đến phút 68, căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Paul Ince phạm lỗi với Francesco Totti, khiến các cầu thủ AS Roma không giữ được bình tĩnh. Carlos cũng tham gia vào cuộc ẩu đả để bảo vệ người đồng đội của mình. Kết quả, trọng tài Graziano Cesari rút thẻ đỏ dành cho cầu thủ người Brazil. Bên phía AS Roma, Francesco Statuto cũng bị truất quyền thi đấu.
Đó là lần cuối cùng Carlos khoác áo Inter Milan. Nerazzurri kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7, kém đội đầu bảng AC Milan đến 19 điểm. Họ chỉ có vé dự UEFA Cup nhờ việc Juventus, đội á quân Serie A, vô địch Champions League. Đến mùa hè, Carlos rời San Siro vì tham vọng của bản thân và vì muốn thoát khỏi mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Hodgson.

Đỉnh vinh quang của Carlos
Điểm đến tiếp theo của Carlos là Real Madrid. Trước đó không lâu, HLV Fabio Capello cũng vừa nhận lời ngồi vào ghế nóng ở Santiago Bernabeu. Khi biết tin Inter Milan đưa chàng trai 23 tuổi vào danh sách thanh lý, ông suýt nữa ngã khỏi ghế trong phòng làm việc của mình. Capello nhớ lại trong buổi trò chuyện với Fox Sports: “Ngay khi tôi đến Madrid, một nhân viên gọi điện cho tôi để nói rằng Inter Milan muốn bán Carlos. Tôi không tin, ngay lập tức gửi một bản fax đến cho họ để hỏi rõ mọi thứ. Biết đây là sự thật, tôi liền gọi cho Chủ tịch, bày tỏ nguyện vọng được thấy ông ấy chốt thương vụ ngay ngày mai. Chưa bao giờ tôi hoàn tất một bản hợp đồng nhanh như vậy”.
Phần còn lại là lịch sử. Ở Santiago Bernabeu, Carlos có được những danh hiệu mà một cầu thủ ao ước: 4 La Liga, 3 Champions League. Năm 2002, anh còn nâng cao cúp vàng cùng tuyển Brazil ở ngày hội bóng đá thế giới. Cuối năm, anh đứng thứ nhì trong danh sách bầu chọn Quả bóng vàng.
Sự tiếc nuối trong thời gian khoác áo Inter Milan chính là động lực để Carlos ngày càng hoàn thiện hơn. Hậu vệ người Brazil nỗ lực thật nhiều để quên đi nỗi buồn ấy. Năm 2017, anh nhớ lại những gì đã xảy ra ở San Siro trong buổi trả lời phỏng vấn với Planet Football: “Việc Hodgson đến Inter Milan đã phá hủy sự nghiệp của tôi. Ông ấy bắt tôi chơi ở vị trí tiền vệ trái. Tôi phải cân nhắc việc ở lại hoặc ra đi vì nó làm ảnh hưởng đến việc cống hiến cho tuyển Brazil. Thật giả dối nếu nói tôi có mối quan hệ tốt đẹp với Hodgson, người không hiểu nhiều về bóng đá. Capello thì khác. Tôi đến Real Madrid vì ông ấy”.
Ở chiều ngược lại, HLV Hodgson tỏ ra bất ngờ với những gì Carlos chia sẻ. Tháng 10/2020, trên “The Italian Football Podcast”, nhà cầm quân người Anh khẳng định mình đã bảo vệ cậu học trò hết mức có thể. Ông cho biết: “Tôi chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào Carlos. Tôi để cậu ấy chơi ở vị trí hậu vệ trái nhiều hơn bất kỳ HLV nào. Cậu ấy là hậu vệ tấn công và luôn cảm thấy thoải mái khi dâng cao. Chúng tôi không hề có bất kỳ mâu thuẫn nào. Ngày Carlos chia tay Inter Milan, tôi cảm thấy như đang rơi xuống địa ngục. Chúng tôi chỉ để cậu ấy ra đi vì tân Giám đốc điều hành muốn cắt giảm chi phí, tăng ngân sách cho CLB. Carlos được nhiều đội bóng quan tâm. Vậy nên cậu ấy bị bán”.

Hodgson chia tay Inter Milan sau trận chung kết UEFA Cup vào tháng 5/1997. Ngày 29/3/1999, khi đang thất nghiệp, ông đến Delle Alpi để theo dõi trận đấu giữa Juventus và AS Roma. Tại đây, ông được một phóng viên của Telenova gọi là “tàn tích của Inter Milan” và hỏi “tại sao lại đuổi Carlos khỏi San Siro”. Đáp lại, Hodgson mỉm cười, không trả lời, nhẹ nhàng tháo tai nghe trên đầu phòng viên rồi bỏ đi. Vài tháng sau, ông trở lại Inter Milan, đảm nhiệm vai trò HLV tạm quyền. Nerazzurri khép lại mùa giải bằng 2 chiến thắng, 4 thất bại, và mất vé dự Intertoto Cup vào tay Bologna.
Trong khi đó, Carlos đang nở nụ cười rạng rỡ ở Real Madrid. Anh đã đạt được mục tiêu của mình, trở thành hậu vệ cánh xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm ấy!
(Lược dịch từ bài “L’anno di Roberto Carlos in Italia: “distrutto da Hodgson”, incompreso dall’Inter” trên tờ Goal).