Ancona 2003/04: Tập thể tệ nhất lịch sử Serie A

Ancona

Sử dụng đến 46 cầu thủ và trải qua 3 đời HLV trong suốt mùa giải. Nhưng điều đó không thể cứu Ancona thoát khỏi danh hiệu chứa đầy sự tiêu cực: tập thể tệ nhất lịch sử Serie A.

Một giai đoạn chìm trong thảm họa, nhiều lần phải đón nhận cái nhìn chế giễu của các đối thủ mà không thể đưa ra lời đáp trả. Một đội bóng hỗn loạn, từ ban lãnh đạo, HLV cho đến các cầu thủ. Đó là những gì có thể dùng để mô tả về Ancona ở mùa giải 2003/04. Kết thúc 34 vòng đấu, đội bóng vùng Marche chỉ giành được vỏn vẹn 13 điểm, thành tích tệ nhất lịch sử Serie A kể từ khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới. Đáng ngạc nhiên hơn, 13 điểm ấy là công sức của 3 đội ngũ HLV và… 46 cầu thủ. Sau khi nhận tấm vé xuống hạng, cái tên Ancona Calcio cũng không còn trên giấy tờ.

Điều gì đã xảy ra?

Mùa giải 2002/03, Ancona cán đích ở vị trí thứ 4 tại Serie B, nắm trong tay tấm vé thăng hạng cuối cùng. Trên hành trình của mình, Ancona vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, đặc biệt là Palermo. Rossanero sở hữu những cầu thủ đẳng cấp như Lamberto Zauli, Filippo Maniero và Arturo Di Napoli. Trong khi đó, Ancona của HLV Luigi Simoni tỏ ra yếu đuối. Họ không có quá nhiều tiền đạo. Maurizio Ganz và Mattia Graffiedi là 2 cái tên sáng giá, nhưng chỉ mang về tổng cộng 20 bàn. Bộ đôi tiền vệ Giampiero Maini – Marko Perovic cũng góp hơi thở cho hàng công bằng 13 lần sút tung mành lưới đối phương. Nơi hàng phòng ngự, nếu không có những pha cản phá xuất thần của thủ môn Alessio Scarpi, Ancona sẽ phải nhận hơn 40 bàn thua.

Các học trò của HLV Simoni ghi 54 bàn thắng, kém cả đội bóng đứng thứ 9 là Vicenza. Mành lưới của họ bị rung lên 40 lần, nhiều hơn cả Bari, đội đứng thứ 11. Nhưng điều quan trọng là đội bóng vùng Marche vẫn được hít thở bầu không khí Serie A. Chừng đó là đủ để tạo nên bầu không khí lễ hội tại trung tâm thành phố trong ngày Serie B 2002/03 hạ màn.

Ancona
Người hâm mộ là điểm tựa lớn nhất cho Ancona trong những ngày gian khó. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, đối với nhiều cầu thủ Ancona, niềm vui không kéo dài được bao lâu. Sau khi thăng hạng, đội bóng tiến hành cuộc cách mạng. Hàng loạt cái tên được cho là không đủ khả năng thi đấu ở Serie A và bị đẩy sang đội bóng khác. Ở chiều ngược lại, 18 tân binh cập bến Del Conero. Danh sách này bao gồm Daniel Andersson, Dario Baccin, Daniele Berretta, Fabio Bilica, Salvatore Bruno, Davide Carrus, Eusebio Di Francesco, Dario Hubner, Mads Jorgensen, Pasquale Luiso, Sergio Marcon, Mauro Milanese, Goran Pandev, Paolo Poggi, Vincenzo Sommese, Andrea Sussi, Andrea Mussi và William Viali. Một số người từng có kinh nghiệm ở Serie A như Di Francesco, còn phần đông là những cầu thủ trẻ như Pandev, Mussi. Mads Jorgensen, chàng trai mới chân ướt chân ráo rời Thụy Điển, thậm chí còn được trao chiếc áo số 10.

Ancona cho rằng đây là cuộc cách mạng để trụ lại Serie A. Trong khi đó, nhiều người dễ dàng nhận ra đội bóng này đang rối loạn. Trên băng ghế huấn luyện, Leonardo Menichini thay thế Luigi Simoni. Đáng chú ý, dù bước sang tuổi 50, đây mới là lần đầu tiên Menichini trực tiếp cầm quân. Trước đó, ông từng là trợ lý HLV ở AS Roma, Cagliari,… và là “trợ giảng” cho Carlo Mazzone ở Brescia.

Đặt mua sách “Jose Mourinho – Góc nhìn cận cảnh” tại đây

Đội bóng vùng Marche khởi đầu mùa giải thật thảm hại, chỉ giành được 1 điểm sau 4 vòng đầu tiên. Họ ghi 2 bàn thắng và có đến 9 lần phải vào lưới nhặt bóng. Điều đó không khó dự đoán bởi 2 trong số những đối thủ của Ancona là AC Milan – nhà đương kim vô địch châu Âu và AS Roma – đội cách đây 2 năm còn là chủ nhân của Scudetto. Song ban lãnh đạo của đội bóng này không đủ kiên nhẫn. Sau trận thua 0-3 ở thủ đô, họ ngay lập tức sa thải Menichini, trao quyền dẫn dắt cho Nedo Sonetti.

Với kinh nghiệm 30 năm cầm quân, Sonetti được kỳ vọng sẽ mang đến sự khởi sắc cho Ancona. Nhưng không, mọi chuyện còn tệ hơn. Cho đến khi kết thúc giai đoạn lượt đi, Ancona chỉ giành được đúng 1 điểm trên sân khách. Trên sân nhà, họ cũng chỉ có thêm 3 điểm từ 3 trận hòa. Ancona không thể có bất kỳ chiến thắng nào trong suốt 17 vòng đầu tiên. Đến cuối tháng 1/2004, Sonetti cũng bị đẩy ra đường.

Davide Carrus
Davide Carrus, một trong những tân binh mùa hè của Ancona. Ảnh: Getty Images.

Đoạn kết buồn cho Ancona

Giovanni Galeone thay thế vị trí của Sonetti. Trong thời gian chuyển giao quyền lực, ban lãnh đạo Ancona còn tạo nên nhiều cú sốc khác. 18 cái tên trong đội hình phải gói ghém hành lý rời khỏi sân Del Conero. “Công thần” Scarpi dứt áo ra đi. Tân binh mùa hè William Viali bị trả về Palermo ngay trước khi bước sang năm mới. Eusebio Di Francesco chuyển đến Perugia chỉ sau nửa năm gắn bó với Ancona. Dario Hubner cũng cập bến Perugia, thậm chí còn được đội bóng vùng Marche “biếu không” cho đối tác.

Trường hợp bất ngờ nhất là Alessandro Potenza. Chàng trai 20 tuổi được Inter Milan cho Ancona mượn từ tháng 11/2003 và mới chỉ có đúng 1 lần ra sân tại đây. Tuy nhiên, đến tháng 1/2004, anh bị đẩy đến Parma theo cách đầy khó hiểu. Potenza khoác áo 3 CLB khác nhau tại Serie A chỉ trong một mùa giải. Sau thương vụ này, ban tổ chức giải càng quyết tâm hơn trong việc thay đổi quy định chuyển nhượng, không để trường hợp tương tự xảy ra.

Ancona
Sự xuất hiện của Dino Baggio (số 8) cũng không thể giúp Ancona trụ hạng. Ảnh: Getty Images.

Danh sách những cái tên bị Ancona đẩy ra đường còn có Baccin, Luiso, Parente, Roccati, Sussi, Bruno, Carrus, Degano, Jorgensen, Maltagliati, Perovic, Poggi và Russo. Ở chiều ngược lại, sân Del Conero mở cửa chào đón 11 gương mặt mới. Nổi bật nhất trong số đó là Dino Baggio, cựu tuyển thủ Italia và từng khoác áo hàng loạt đội bóng lớn ở Serie A; thủ môn Magnus Hedman của tuyển Thụy Điển; Luis Helguera, em trai của Ivan Helguera – cựu trung vệ Real Madrid. Ngoài ra, còn có Mario Jardel, người được mượn từ Bolton Wanderers.

Bất chấp cuộc cách mạng mới được tiến hành, tình hình ở Ancona vẫn không có sự chuyển biến. Ở giai đoạn lượt về, họ chỉ giành thêm 2 chiến thắng, để thua toàn bộ 15 trận còn lại. Thắng lợi thứ hai đến vào trận đấu cuối cùng trên sân nhà của mùa giải, trước đối thủ Empoli. Với 13 điểm, Ancona không thể thoát khỏi vị trí bét bảng.

Trong suốt mùa giải, ban huấn luyện và các cầu thủ Ancona bị biến thành gã hề. Tân binh mùa đông Jardel ngày càng tăng cân, suy giảm thể lực. Tình trạng tệ hại đến mức người hâm mộ mỉa mai anh là “lardel” (nói lái theo từ “lardo” trong tiếng Italia, có nghĩa là “mỡ lợn”. Trong trận ra mắt của Jardel trước AC Milan, một nhà báo địa phương nhận định: “Chúng tôi chỉ biết căng một bức màn im lặng về những gì cậu ấy thể hiện”. Pietro Patente cũng tự biến mình thành tâm điểm của sự chú ý. Ở cuộc chạm trán Lazio, tiền vệ này dùng chân đạp thẳng vào bắp đùi của Jaap Stam. “Lão tướng” của đội bóng thủ đô nổi nóng, lao đến và định bóp cổ đối thủ.

Ancona
Parente chơi tiểu xảo và khiến Stam nổi nóng.

Ancona xuống hạng là cái kết dễ dự đoán. Song đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Cuối mùa giải, Chủ tịch Ermanno Pieroni bị bắt vì gian lận tài chính, khiến đội bóng phải tuyên bố phá sản. Họ bắt đầu tái thành lập đội bóng, đăng ký tham dự Serie C2 với cái tên AC Ancona. Năm 2008, đội chủ sân Del Conero thăng hạng lên Serie B. Tuy nhiên, đến năm 2010, AC Ancona tiếp tục gặp vấn đề kinh tế, bị Liên đoàn bóng đá Italia xóa sổ. Lần này, họ phải bắt đầu lại từ hạng Eccellenza (hạng thấp hơn Serie D một bậc) bằng tên gọi lạ lẫm: Ancona-Matelica.

Cho đến nay, ký ức về mùa giải 2002/03 vẫn in đậm trong trí nhớ của những người yêu mến bóng đá ở Ancona. Nhưng sau đó là những ngày buồn. Bao giờ Ancona trở lại Serie A? Câu hỏi ấy thật khó để trả lời.

(Lược dịch từ bài “L’Ancona 2003-2004: storia di un autentico disastro sportivo trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane