Bạn cảm thấy như thế nào khi bản thân được xem là tài năng đầy hứa hẹn?
Tôi thì cảm nhận quá rõ.
Ngay cả khi tôi không đáp ứng được sự kỳ vọng đó.
Sự lãng phí lớn nhất trong bóng đá: Chính là tôi.
Tôi thích dùng từ “lãng phí”. Không chỉ vì cảm thấy hay, mà bởi vì tôi luôn ám ảnh với việc lãng phí cuộc đời mình. Tôi thấy ổn khi sống trong sự lãng phí điên rồ này. Thậm chí, tôi còn thích cái mác ấy.
Tôi không dùng ma túy, như người ta cố tìm cách moi móc khi nhắc đến tôi.
Tôi không dính dáng đến tội phạm. Tất nhiên, tôi có thể đã từng dính vào.
Tôi cũng không thích tiệc tùng.
Tôi thường chỉ đến một nơi trong khu phố mình, quầy hàng của bà Naná. Nếu muốn gặp tôi, bạn cứ ghé qua quầy hàng ấy.
Cứ cách ngày, tôi lại uống rượu, đúng thế. (Và thỉnh thoảng thì ngày nào cũng uống.)
Làm sao một người như tôi lại rơi vào cảnh phải tìm đến rượu gần như mỗi ngày?
Tôi không muốn trả lời hay giải thích về điều đó. Nhưng hôm nay, tôi sẽ kể với bạn. Tôi uống nhiều rượu vì luôn bị ám ảnh bởi việc phải giữ lời hứa còn dang dở. Điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi tôi ở độ tuổi này.
Mọi người gọi tôi là “Hoàng đế”.
Bạn hãy tưởng tượng xem.
Một chàng trai rời khỏi khu ổ chuột ở Brazil để sang châu Âu và rồi được đặt biệt danh “Hoàng đế”. Làm sao mà giải thích được đây, anh bạn? Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết lý do. Có lẽ vì tôi đã làm điều gì đó khiến họ mê mệt.
Nhiều người không hiểu tại sao tôi lại bỏ vinh quang trên sân cỏ để quay về khu phố cũ, tìm những giọt rượu nhằm quên sự đời.
Câu trả lời rất đơn giản: tôi muốn vậy. Và đó là kiểu quyết định khó mà quay đầu.
Nhưng giờ tôi không muốn nói về điều đó. Tôi muốn anh bạn đồng hành với tôi trên một chuyến đi.
Tôi đã sống nhiều năm ở Barra da Tijuca, khu nhà giàu tại Rio de Janeiro. Song rốn của tôi thì vẫn nằm ở khu ổ chuột.
Vila Cruzeiro. Complexo da Penha.
Lên xe đi. Chúng ta sẽ đi bằng xe máy. Đó là cách tôi cảm thấy thoải mái nhất.
Tôi sẽ báo cho những người đặt niềm tin là chúng ta đang đến. Hôm nay, bạn sẽ hiểu Adriano thực sự làm gì khi ở bên bạn bè tại một nơi rất đặc biệt. Ở đây không có mấy lời nhảm nhí hay tiêu đề báo giật tít câu view, mà chỉ có sự thật.
Dậy đi nào, anh bạn của tôi. Trời đã sáng rồi. Chẳng mấy chốc mà kẹt xe bây giờ. Đi từ đây đến Penha theo Yellow Line thì nhanh lắm, nhưng chỉ khi chúng ta bắt đầu lên đường vào giờ này.
Này, cậu có chịu đi không đây?
Tôi đã nói mà. Nhìn kìa, cái cổng dẫn vào khu này, đó là sân Ordem e Progresso. Chết tiệt, tôi chơi bóng ở đây còn nhiều hơn ở San Siro. Tin tôi đi, anh bạn.
Ai muốn vào hay ra khỏi Vila Cruzeiro thì đều phải đi ngang qua sân này. Bóng đá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi.
Ở đây, cha tôi đã thực sự hạnh phúc. Ông ấy tên là Almir Leite Ribeiro, nhưng được mọi người gọi là Mirinho. Cha tôi là một người rất có uy tín. Bạn không tin tôi à? Không tin thì cứ hỏi bất kỳ ai đi.
Thứ Bảy nào cha tôi cũng có một thói quen. Ông thức dậy sớm, chuẩn bị ba lô và xuống sân ngay lập tức. “Đi nào con trai! Ta chờ con đấy. Trận hôm nay sẽ rất khó khăn”, ông ấy thường thúc giục tôi như vậy. Hồi đó, đội bóng nghiệp dư của chúng tôi có tên là Hang. Vì sao ư? Tôi cũng không biết nữa, kệ đi anh bạn! Khi tôi bắt đầu chơi bóng, nó đã có tên như vậy rồi. Tôi đã chơi rất nhiều trận với chiếc áo màu vàng và xanh. Tin tôi đi, nó giống màu áo của Parma đấy. Ngay cả sau khi sang châu Âu, tôi vẫn không bỏ những trận Várzea, như cách người Brazil vẫn hay gọi.
Năm 2002, tôi rời Italia để về nghỉ hè và không làm gì khác ngoài chơi bóng. Tôi bắt taxi từ sân bay, đi thẳng về Cruzeiro. Trời đất, tôi còn chưa đến gặp mẹ tôi mà đã ra sân rồi.
Tôi bước xuống chân đồi, thả hành lý, vừa đi vừa hét. Tôi sẽ gõ cửa nhà Cachaça, người bạn thân của tôi (mong là giờ nó đang yên nghỉ), và nhà của Hermes, một đứa bạn từ thời thơ ấu khác. Tôi đập cửa sổ, “Dậy đi, đồ chết tiệt! Đi thôi! Đi thôi!” Jorginho, một đứa chí cốt nữa, sẽ nhập hội. Thôi không kể nữa, chúng nó đông lắm. Chúng tôi thường điên loạn như vậy. Phần còn lại của thế giới sẽ chỉ tìm thấy chúng tôi vài ngày sau đó. Chúng tôi đi khắp khu phố, chơi bóng, lang thang từ quán này sang quán khác. Vừa đi vừa phá phách.
Một trong những đội kình địch của Hang là Chapa Quente. Chúng tôi thậm chí đã gặp họ trong trận chung kết giải vô địch nghiệp dư. Khi đó, tôi đã ở Parma rồi. Cha tôi ngày nào cũng gọi cho tôi: “Ta đã đăng ký con tham dự giải rồi, con trai. Tụi nó nghe tin, đang run lắm. Ta báo cho chúng nó cả tháng nay rằng ‘Thằng da đen lực lưỡng của tao sắp về đấy’. Tụi nó réo lên: ‘Vậy là không công bằng, Mirinho’. Kệ chứ. Con tao vẫn sẽ chơi”.
Tất nhiên là tôi không thể vắng mặt.
Với ly nhựa Coca-Cola trong tay (thứ đồ uống duy nhất mà Mirinho thích), cha tôi xướng tên đội hình xuất phát của Hang.
“Hangrismar đứng gôn. Lemongrass, Richard, và Cachaça ở hàng thủ”.
Chết thật, Lemongrass là gã thích gây lộn, hay phàn nàn về bất kỳ mọi thứ. Còn Richard có cú sút uy lực như tôi, thậm chí còn mạnh hơn. Ai phải lập hàng rào khi hắn chuẩn bị đá phạt cũng đều sợ xanh mặt.
“Hermes ở hàng tiền vệ cùng Alan.
Crézio ở cánh phải, Jorginho bên trái, số bảy của chúng tôi.
Hàng công có Frank, Dingo – chủ nhân số 10, và Adriano.”
Với đội hình này, chúng tôi có thể chơi ở Champions League.
Để tôi mô tả cảnh tượng ấy cho anh bạn. Thời tiết nóng bức ở Rio, điển hình của cuối năm. Âm nhạc sôi động. Vũ điệu Samba. Những cô nàng da nâu nóng bỏng đi qua đi lại. Ông trời ơi, cầu mong phù hộ cho tất cả chúng ta. Không có gì tuyệt vời hơn thế trên thế giới này đâu, anh bạn.
Chúng tôi thắng trận chung kết. Pháo hoa nổ khắp khu ổ chuột. Một màn trình diễn tuyệt vời. Thật sự tuyệt vời.
Cũng tại sân này, tôi đã học cách uống bia rượu. Cha tôi bắt đầu phát điên. Ông không thích nhìn thấy ai dùng đồ có cồn, nhất là trẻ con.
Tôi nhớ lần đầu Mirinho bắt gặp tôi cầm ly rượu trong tay. Khi đó, tôi mới 14 tuổi, và cả khu đang ăn mừng. Họ vừa lắp đèn pha trên sân Ordem e Progresso, nên đã tổ chức một trận đấu cùng tiệc nướng.
Nơi đây có rất nhiều người, kẻ tới người đi. Niềm vui ngập tràn khắp nơi, đậm chất Varzea. Tôi thì chưa biết bia rượu là gì. Nhưng khi thấy lũ bạn cười đùa, lo toan mọi chuyện, tôi tự nhủ “aaaahhhh.” Thế là không còn đường lùi nữa. Tôi cầm một cái ly nhựa và rót đầy bia. Vị đắng với lớp bọt mỏng trôi xuống cổ họng lần đầu tiên có cảm giác thật đặc biệt. Một thế giới “vui vẻ” mới hiện ra trước mắt tôi. Mẹ tôi có mặt ở buổi tiệc và thấy cảnh đó. Bà im lặng, đúng chứ? Còn cha tôi… Trời đất.
Khi Mirinho nhìn thấy tôi cầm ly bia trong tay, ông băng qua sân bóng với tốc độ của người không muốn trễ chuyến xe buýt.
“Hạ ly xuống! Dừng lại ngay!” ông hét lên, dứt khoát, đanh thép như thường lệ.
Tôi nghĩ: “Chuyến này thì xong rồi”.
Mấy dì tôi cùng mẹ nhanh chóng nhận ra tình hình và cố gắng xoa dịu trước khi mọi chuyện tệ hơn.
Mẹ tôi can ngăn: “Thôi nào Mirinho. Nó đang ở với đám bạn thôi mà, có làm gì đâu. Nó chỉ đang cười đùa, vui chơi thôi, hãy để nó yên đi ông. Adriano lớn rồi mà”.
Nhưng mọi chuyện chưa yên ổn.
Ông già nổi giận đùng đùng, giật cái ly ra khỏi tay tôi và ném vào mương.
“Ta không dạy con như thế, con trai,” ông nói.
Mirinho là người thủ lĩnh của Vila Cruzeiro. Ai cũng kính trọng ông. Ông là tấm gương sáng. Bóng đá là đam mê của ông. Một trong những sứ mệnh của Mirinho là ngăn trẻ con không dính vào những thứ mà chúng không nên tiếp xúc. Ông luôn cố gắng đưa bọn trẻ đến chơi bóng. Ông không muốn ai lang thang lêu lổng, càng không muốn tụi nhỏ lơ là học hành.
Ông nội tôi từng uống rất nhiều rượu, nghiện nặng và thậm chí đã mất vì điều đó. Thế nên mỗi lần thấy bọn trẻ uống rượu, cha tôi không ngần ngại chạy đến, ném ngay ly hay chai rượu trước mặt xuống đất. Dần dần, chúng tôi không còn sợ nữa. Ông bèn đổi chiến thuật. Khi chúng tôi mất cảnh giác, ông lấy bộ răng giả của mình ra và bỏ vào ly của tôi, hoặc của mấy đứa bạn. Ông ấy mẫu mực như thánh thần. Tôi nhớ ông ấy biết bao….
Những bài học từ cha tôi đều như vậy, qua hành động chứ không phải lời răn. Chúng tôi không có những cuộc trò chuyện sâu sắc. Ông già không phải kiểu người triết lý hay dạy đời, không đâu. Sự chính trực thường ngày và sự tôn trọng mà mọi người dành cho ông là điều khiến tôi ngưỡng mộ nhất.
Cái chết của cha đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Cho đến giờ, đó vẫn là một vấn đề mà tôi chưa dứt ra được. Tất cả mọi chuyện đều bắt đầu từ đây, trong khu ổ chuột mà tôi luôn yêu quý.
Vila Cruzeiro không phải nơi tốt nhất trên thế giới. Thậm chí ngược lại là đằng khác.
Đây là một nơi thật sự nguy hiểm. Cuộc sống ở đây khó khăn. Mọi người phải hứng chịu rất nhiều. Nhiều đứa bạn của tôi phải tìm con đường khác để sống. Nhìn xung quanh, bạn sẽ hiểu. Bạn có thể mất mấy ngày mấy đêm để nghe tôi kể về những người tôi biết từng chết trong bạo lực ra sao… Cầu mong Thiên Chúa ban phước lành cho họ. Bạn có thể hỏi bất kỳ ai ở đây. Khi có cơ hội, nhiều người thường bỏ đi và kiếm sống ở nơi khác.
Chết tiệt, cha tôi bị bắn vào đầu tại một bữa tiệc ở Cruzeiro. Đạn lạc. Ông ấy không dính dáng gì đến rắc rối đó. Viên đạn xuyên qua trán và nằm lại ở phía sau đầu ông. Các bác sĩ không thể lấy ra được. Sau đó, cuộc sống của gia đình tôi không bao giờ như trước. Cha tôi bắt đầu bị động kinh thường xuyên.
Bạn đã từng chứng kiến ai bị động kinh ngay trước mặt mình chưa? Bạn không muốn thấy đâu, anh bạn.
Thật sự rất đáng sợ.
Khi cha tôi bị bắn, tôi mới 10 tuổi. Tôi trưởng thành hơn cùng những cơn đau của ông. Mirinho không bao giờ có thể làm việc trở lại. Trách nhiệm nuôi sống gia đình hoàn toàn rơi vào vai mẹ tôi. Và bà đã mạnh mẽ đối mặt với nó. Bà nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Gia đình chúng tôi cũng luôn bên cạnh giúp đỡ. Ở đây, chúng tôi đều nghèo, không ai khá hơn ai. Dẫu vậy, mẹ tôi không hề đơn độc. Luôn có người sẵn sàng giúp đỡ bà.
Một người hàng xóm mang thùng trứng lớn đến nhà tôi và nói: “Rosilda, bán chúng đi để kiếm chút tiền, mua đồ ăn vặt cho Adriano”.
Nhưng mẹ tôi làm gì có tiền để trả vốn cho người ta.
“Đừng lo. Bán trứng đi rồi trả lại sau”.
Thế đấy, anh bạn. Tôi thề luôn.
Một người hàng xóm khác mang đến một bình gas.
“Rosilda, bán cái này đi. Một nửa là của chị, nửa còn lại là của tôi”.
Thế là mẹ tôi lại cố gắng kiếm chút tiền lẻ bằng cách làm việc vất vả mỗi ngày. Cha tôi ở nhà. Còn mẹ tôi thì chạy vạy hai việc, trong khi bà ngoại đưa tôi đi tập luyện.
Một người dì của tôi đã kiếm được công việc và được trả lương bằng những phiếu ăn. Dì liền đưa những phiếu đó cho mẹ tôi.
“Rosilda, không nhiều đâu, nhưng đủ để mua cho Adriano ít bánh quy”.
Nếu không có những người này, tôi chẳng là gì cả.
Chẳng là gì.
Chết tiệt, nãy giờ nói nhiều quá, tôi khát khô cổ họng rồi. Hãy dừng lại quán thằng Hermes nhé. Đằng sau sân bóng đó. Đó! Đúng rồi, trong con hẻm kia.
Bà ngoại tôi sống ở đây. Bà Vanda, một nhân vật đặc biệt. Tôi đã kể cho anh bạn nghe về bà rồi đúng không?
“Adi-rano, con trai của bà! Lại đây ăn bắp rang đi”, bà ngoại chưa bao giờ gọi đúng tên tôi cho đến hôm nay.
Thời thơ ấu, tôi ở cùng bà ngoại mỗi ngày. Mẹ tôi, cha tôi và tôi sống trên đỉnh đồi thuộc đường số 9. Bạn có muốn lên đó xem không? Đường khó đi lắm đấy. Có nhiều thứ không hay ở trên đó. Tốt hơn là chúng ta ở dưới này thôi. Khu ổ chuột này có những quy tắc nhất định mà chúng ta phải tôn trọng.
Khi tôi còn bé, mẹ tôi đi làm và để tôi ở lại với bà ngoại. Bà đưa tôi đi học, rồi đến Flamengo để tập đá bóng. Cuộc sống của tôi đã sớm vất vả, tôi không thể chối bỏ điều đó
“Này Hermes! lấy bộ domino ra chơi đi. Hãy cẩn thận, Hermes láu cá và giỏi ăn trộm đồ lắm. Ngồi xuống đi, Jorginho. Chúng ta cùng chơi domino. Cho mày đi trước đấy”.
Chúng tôi tắm ở một cái giếng ở cuối con hẻm. Hồ bơi ở khu ổ chuột là như thế đấy, bạn không biết đâu. Nếu trời nóng bức ở khu phía Nam Rio, nơi những người khá giả sinh sống, thì bạn thử tưởng tượng cuộc sống ở khu phía Bắc Rio xem. Lũ trẻ phải lấy xô nước ra và làm mát cơ thể bằng mọi cách. Tôi phải nói rằng đến tận hôm nay tôi vẫn thích cách này, bạn biết không? Tôi chỉ vào hồ bơi, ra biển, hay những nơi như vậy mỗi khi cần giả vờ rằng tôi thuộc về những khu phố giàu có. Nhưng thật ra, tôi rất hạnh phúc khi tắm trên mái nhà, hay khi tôi đổ một xô nước lên đầu, như cách chúng tôi làm ở khu ổ chuột này.
Bạn có thấy ở đây rất chật chội không? Và đầy tiếng ồn nữa? Chết tiệt, khu ổ chuột này thật sự khác biệt. Mở cửa ra là gặp ngay hàng xóm. Đưa chân ra ngoài là gặp chủ cửa hàng, cô bán bánh tay cầm túi, anh thợ cắt tóc gọi bạn đi chơi bóng đá. Mọi người đều quen nhau. Tất nhiên rồi, nhà sát nhà mà.
Đó là một trong những điều khiến tôi trở nên lạc lõng khi chuyển đến châu Âu. Ở “lục địa già” chỉ có những con phố im lặng. Mọi người không chào nhau. Mỗi người ở một góc. Lần đầu tiên đón Giáng Sinh ở Milan, tôi thật sự rất cô đơn. Bạn hiểu cảm giác đó không?
Đối với gia đình tôi, giai đoạn cuối năm rất quan trọng. Chúng tôi tụ họp lại với nhau. Lúc nào cũng vậy. Đường số 9 đông đúc vì Mirinho là người nổi tiếng nhất trong khu phố mà. Vào đêm giao thừa, mọi người trong khu ổ chuột lại tụ tập trước nhà tôi. Hoạt động này đã thành truyền thống.
Khi tôi sang Inter Milan, mùa đông đầu tiên làm tôi bị sốc. Giáng Sinh đến và tôi ở một mình trong căn hộ, giữa thành phố Milan lạnh cóng. Tôi như muốn trầm cảm trong những tháng giá rét ở miền Bắc Italia. Mọi đều người mặc đồ tối màu. Những con phố vắng vẻ. Ngày ngắn lại, đêm dài hơn. Thời tiết thì ẩm ướt. Tôi chẳng muốn làm gì cả. Tất cả hòa quyện với nỗi nhớ nhà làm tôi thấy thật tệ.
Tuy nhiên, thật may mắn khi tôi có một người anh tuyệt vời: Clarence Seedorf. Anh ấy và vợ anh ấy thường mở tiệc thân mật cùng các thành viên trong gia đình vào đêm Giáng Sinh và mời tôi đến tham dự. Ôi, bạn hãy tưởng tượng bữa tiệc Giáng Sinh ở nhà anh ấy. Không, bạn không tưởng tượng nổi sự sang trọng ấy đâu, phải tận mắt chứng kiến cơ. Mọi thứ thật đẹp và món ăn rất ngon miệng. Song thực lòng, tôi vẫn ước mình đang ở Rio de Janeiro.
Tôi cũng không ở lâu với họ, nói lời xin lỗi và chào tạm biệt ngắn gọn, rồi nhanh chóng quay lại căn hộ của mình. Tôi gọi điện về nhà.
“Chào mẹ, Merry Christmas”, tôi nói.
“Con trai của mẹ! Mẹ nhớ con quá. Merry Christmas. Mọi người ở đây hết rồi, chỉ còn con là chưa về thôi”, mẹ tôi trả lời.
Tôi có thể nghe thấy tiếng cười từ xa xa, tiếng trống vang lên. Đó là những âm thanh, bầu không khí tiệc tùng do các dì của tôi tạo ra để nhớ lại thời còn trẻ. Họ nhảy múa như thể vẫn còn đang trong buổi khiêu vũ từ thời thanh xuân đến tận bây giờ. Mẹ tôi cũng thế. Chỉ cần nghe những âm thanh ấy qua điện thoại, tôi đã tưởng tượng ra cảnh tượng trước mắt mình. Quá đau đớn, tôi bắt đầu khóc ngay lập tức.
“Mày ổn không, con trai?”, mẹ tôi hỏi.
“Dạ, dạ, con vừa về từ nhà bạn thôi”, tôi trả lời.
“À, vậy mày đã ăn tối chưa? Mẹ vẫn đang chuẩn bị bàn ăn đây” mẹ nói tiếp. “Hôm nay còn có cả bánh của bà nữa đấy”.
Trời ơi, đó là một cú đánh chí mạng vào thẳng tim tôi. Bánh của bà ngoại tôi là ngon nhất trên đời. Tôi khóc rất nhiều, không thể kiềm chế nổi.
Tôi bắt đầu nức nở. “Vâng, mẹ ơi. Mẹ ăn ngon nhé. Đừng lo, ở đây mọi thứ đều ổn.”
Tôi cảm thấy tan vỡ. Tôi lấy một chai vodka. Tôi không phóng đại tình tiết lên đâu, anh bạn ạ. Tôi uống hết chai vodka đó một mình. Tôi uống cho đến khi say. Tôi khóc cả đêm. Cuối cùng, tôi ngã quỵ trên ghế sofa vì uống quá nhiều và khóc quá lâu. Nhưng chỉ có vậy thôi.
Tôi đến Milan với mục đích rõ ràng. Đó là ước mơ suốt đời tôi. Chúa đã cho tôi cơ hội trở thành cầu thủ bóng đá ở châu Âu. Cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều nhờ vào Chúa và những gì Ngài đã làm cho tôi. Gia đình tôi cũng đã hy sinh rất nhiều. Đó là cái giá nhỏ mà tôi phải trả, so với những gì đã và sẽ xảy ra. Tôi hiểu rõ điều đó. Nhưng dù vậy, tôi vẫn cảm thấy buồn.
Bạn có muốn leo lên mái nhà của Tota không? Đó là nơi tôi tìm thấy sự yên bình. Tôi sẽ gọi xe đạp cho chúng ta. Mang theo chút rượu và tôi sẽ chỉ bạn toàn cảnh khu phức hợp. Đi thôi, bạn!
Để tôi bật Tutufi lên. Tutufi. Bạn không biết nó là gì phải không? Đây, nó là thứ để kết nối điện thoại với loa, chán thật đấy. Làm sao để nói nhỉ? Dùng Bluetooth ư? À, tôi quên nói với bạn rằng tôi không biết những từ đó bằng tiếng Anh, chết tiệt. Tôi chỉ học đến lớp bảy thôi! Ở trong khu ổ chuột, chúng tôi phải mở thật to, anh em. Chúng tôi chỉ nghe nhạc kiểu như vậy ở đây thôi.
Đằng kia là Grota, chỗ đó là Chatuba, còn đây là Cruzeiro. Thực ra thì chỗ nào cũng giống nhau, chỗ này sát chỗ kia nên cũng giống với khu Penha. Và kia là Nhà thờ Penha. Ở trên cao, Chúa ban phước cho tất cả chúng ta. Đúng rồi, tôi đi đâu cũng có cái nhà thờ đó đeo quanh cổ, trong chiếc huy hiệu này. Bạn thích không? Thế thì đeo vào đi để hòa vào không khí này. Tôi đang rửa tội cho bạn vào cộng đồng của chúng tôi đấy. Cảm giác thật tuyệt phải không?
Mỗi khi cố gắng trốn chạy khỏi Inter Milan và rời Italia, tôi đến đây để ẩn náu. Tôi đi khắp khu vực này suốt ba ngày. Không ai tìm được tôi. Không một ai cả. Quy tắc số một để sống trong khu ổ chuột là phải biết giữ kín miệng. Bạn nghĩ là ai đó sẽ chỉ điểm sao? Không có lũ chuột nào cắn trộm ở đây đâu, người anh em. Báo chí Italia sẽ phát điên lên. Họ nói rằng cảnh sát Rio đang tiến hành một chiến dịch “giải cứu tôi”. Họ cho rằng tôi bị bắt cóc. Đùa à? Hãy tưởng tượng có ai đó muốn làm hại tôi ở đây cơ chứ? Tôi chỉ là một thằng sống trong khu ổ chuột.
Vâng, ở châu Âu, mọi người đang xâu xé tôi.
Dù thích hay không, tôi vẫn cần tự do. Tôi không chịu nổi nữa, lúc nào cũng phải để mắt tới những chiếc camera mỗi khi đi dạo ở Italia. Bất kỳ ai cũng muốn đến gần tôi, dù là phóng viên, kẻ buôn bán mờ ám, kẻ lừa đảo hay bất cứ thằng con trai khốn nạn nào khác.
Ở cộng đồng của tôi, chúng tôi không có cái đó. Khi tôi ở đây, không ai từ bên ngoài biết tôi đang làm gì. Đó là vấn đề của họ. Họ không hiểu tại sao tôi lại về với khu ổ chuột. Không phải vì rượu, cũng không phải vì phụ nữ, càng không phải vì ma túy. Mà vì tự do. Vì tôi muốn có được sự bình yên. Tôi muốn sống. Tôi muốn trở lại là con người. Chỉ một chút thôi. Đó là sự thật đấy. Thế thì sao nào?
Tôi đã cố gắng làm những gì họ muốn. Tôi đã thương lượng với Roberto Mancini. Tôi đã cố gắng hết sức với José Mourinho. Tôi đã khóc trên vai Massimo Moratti. Nhưng tôi không thể làm những gì họ yêu cầu. Tôi đã ổn một vài tuần, tránh xa rượu bia, tập luyện chăm chỉ như một con ngựa chiến, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cứ thế, hết lần này đến lần khác. Mọi người chỉ trích tôi. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.
Mọi người nói rất nhiều điều tào lao vì họ ghen tị với những gì tôi có.
“Wow, Adriano đã ngừng kiếm 7 triệu euro. Anh ấy từ bỏ tất cả chỉ vì cái này sao?”
Đó là điều tôi nghe nhiều nhất. Nhưng họ đâu có biết lý do tôi làm vậy. Tôi làm vậy vì tôi không ổn. Tôi cần không gian của riêng mình để làm những gì tôi muốn.
Bây giờ bạn nhìn thấy rồi đấy. Có gì sai trong cách chúng ta tụ tập ở đây không? Không. Xin lỗi nếu tôi làm bạn thất vọng. Nhưng điều duy nhất tôi tìm kiếm ở Vila Cruzeiro là sự bình yên. Ở đây, tôi đi chân đất và không áo, chỉ mặc quần short. Tôi chơi domino, ngồi trên vỉa hè, nhớ lại những câu chuyện thời thơ ấu, nghe nhạc, nhảy múa với bạn bè và ngủ trên sàn.
Tôi thấy hình ảnh của cha mình trong từng con hẻm này.
Tôi còn muốn gì nữa?
Tôi cũng chẳng dẫn phụ nữ về đây. Càng không dây dưa với những cô gái trong khu phố của mình. Vì tôi chỉ muốn được yên bình và nhớ lại những điều tốt đẹp trong quá khứ.
Đó là lý do tôi luôn quay lại đây.
Ở đây tôi thực sự được tôn trọng.
Đây là câu chuyện của tôi.
Ở đây tôi đã học được thế nào là tình cảm anh em bạn bè.
Vila Cruzeiro không phải là nơi tốt nhất trên thế giới.
Nhưng Vila Cruzeiro là nơi tôi thuộc về.
(Lược dịch từ bài “A Letter to My Favela” trên trang The Player’s Tribune).
Đặt mua tự truyện của Filippo Inzaghi tại đây
BÀI VIẾT KHÁC ⭢
Ricardo Rodriguez: “Tôi bị Gattuso cho ăn tát vài lần”
Ngày 28/4/2004 – Lần cuối cùng Roberto Baggio khoác áo tuyển Italia
Luciano Spalletti: “Tôi phải chịu trách nhiệm, xin đừng thương hại tôi”
Marcos Evangelista Cafu: “Chiếc Pendolino vĩnh cửu” nơi hành lang phải
Roberto Baggio: “Tôi từng thấy xấu hổ khi cầm phong bì tiền lương”
Buổi họp báo đặc biệt với Donnarumma
Federico Chiesa nhớ tuyển Italia rất nhiều
Francesco Totti: “Chỉ cần AS Roma gọi, tôi sẽ lại xỏ giày ra sân!”