Với Francesco Flachi, chưa bao giờ là quá muộn

Flachi

Đang là biểu tượng của thành phố, bạn phải làm gì khi đối mặt với những điều tồi tệ như buộc phải dừng sự nghiệp trong thời gian dài hơn một thập kỷ? Vâng, điều quan trọng là phải lạc quan, suy nghĩ tích cực, giữ vững niềm tin và đam mê. Câu chuyện về Francesco Flachi sẽ cho bạn thấy điều đó.

Một ngôi sao trên sân cỏ và một người đàn ông có trái tim mong manh bên ngoài thế giới bóng đá. Đó giống như 2 mặt của đồng xu, cũng là một dòng mô tả về Francesco Flachi. Tiền đạo người Firenze có đôi chân khiến một thế hệ doriani (người hâm mộ Sampdoria) say mê, và nhiều hàng phòng ngự tại Serie A lo lắng. Thế nhưng, khi đang ở đỉnh cao, sự nghiệp của “Ciccio” buộc phải dừng lại sau 2 lần dương tính với cocaine.

Nhiều cầu thủ sẽ tuyên bố giải nghệ ngay khi biết mình phải thụ án treo giò 12 năm. Nhưng Flachi không thuộc về nhóm người như vậy. Ở tuổi 46, anh quay trở lại sân cỏ, xỏ giày ra sân cống hiến cho Signa ở giải Eccellenza (giải hạng 5 Italia).

Flachi
Flachi trong ngày trở về Sampdoria vào đầu năm 2020. Ảnh: Getty Images.

Không đến Napoli vì Fiorentina

Câu chuyện kết thúc có hậu ấy bắt đầu từ cách đây hơn 40 năm ở Isolotto, một đội bóng nghiệp dư tại Firenze. Flachi lớn lên trong con hẻm ở thủ phủ vùng Toscana, tham gia CLB này. Ngay lập tức, anh cho thấy mình có những kỹ năng hoàn toàn khác biệt so với những đứa bạn đồng trang lứa.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn với CalcioNapoli24, Flachi nhớ lại: “Vào những ngày đó, tôi mới tầm 6-8 tuổi. Ở đây không có trường dạy bóng đá nên chúng tôi phải chơi bóng trên đường phố. Cha tôi từng thi đấu ở hạng Eccellenza. Vào ngày nọ, một người đàn ông nói với cha tôi rằng tại sao lại không cho tôi đến Isolotto. Sau này, chúng tôi mới biết ông ấy là Giám đốc điều hành của đội bóng này. Mọi chuyện diễn ra như thế đấy. Tôi trở thành học viên bóng đá bắt đầu từ những trận đấu trên đường phố. Điều đó giúp tôi có những kỹ năng đặc biệt”.

Flachi bắt đầu chơi bóng với những đứa trẻ cùng sinh năm 1975 giống như mình, cộng thêm một vài cái tên thuộc lứa 1974 hoặc 1973. Anh ghi tới hơn 150 bàn thắng, nhanh chóng xuất hiện trong sổ tay của những nhà tuyển trạch đến từ các đội bóng ở Serie A. Năm 12 tuổi, “Ciccio” nhận được lời mời chuyển đến Napoli. Anh nhớ lại:

“Tôi đến Soccavo, ở 3 ngày cùng với các cầu thủ Napoli. Tôi xem các buổi tập của Diego Maradona, cảm thấy thích thú và định ký hợp đồng. Luciano Moggi gọi tôi đến để cung cấp thêm thông tin. Song mẹ tôi rất lo lắng và bắt đầu khóc. Tôi mới 12 tuổi, phải chuyển đến một thành phố xa lạ, làm quen với lối sống khác. Mẹ tôi cho rằng điều đó thật tồi tệ. Bố tôi cố gắng trì hoãn thương vụ này và tìm kiếm một thỏa thuận với Fiorentina”.

Như bao cậu bé trưởng thành từ Firenze, Flachi dành tình yêu mãnh liệt cho màu áo tím Fiorentina. Không cần gia đình thuyết phục, anh đồng ý ở lại thành phố này ngay khi có thể. Cuối cùng, đội ngũ tuyển trạch của La Viola tìm đến nhà của Flachi, giúp anh nuôi ước mơ được cống hiến cho đội bóng quê hương. Anh hồi tưởng: “Tôi là CĐV của Fiorentina và việc khoác lên màu áo đại diện cho cả thành phố luôn mang đến cảm giác tuyệt vời. Tôi vô cùng hài lòng nếu được cống hiến cho đội bóng này”.

Flachi
Flachi trong màu áo Fiorentina. Ảnh: Goal.

Mối tình trắc trở của Flachi

Trong màu áo đội Primavera của Fiorentina, Flachi vô địch Coppa Italia và Viareggio Cup. Điều anh mong chờ đã đến. Ngày 22/12/1993, anh được HLV Claudio Ranieri điền tên vào danh sách tham dự Coppa Anglo-Italiana với đối thủ Portsmouth. Sang hiệp hai, Fiorentina bị dẫn trước 0-1 và “Gã thợ hàn” liền tung chàng trai 17 tuổi vào sân. Tận dụng cơ hội này, “Ciccio” để lại dấu ấn với 1 pha kiến tạo, giúp La Viola giành chiến thắng 3-2. Flachi nhớ lại lời người thầy của mình vào thời điểm ấy: “Ranieri nói rằng tôi không phải trở lại đội Primavera nữa và sẽ tiếp tục tập luyện cùng đội một. Sự nghiệp cầu thủ của tôi bắt đầu từ đây”.

Sang giai đoạn lượt về, Flachi thường xuyên được sử dụng tại Serie B. Anh đóng vai trò đầu tàu, ghi 2 bàn thắng sau 10 lần ra sân, đưa Fiorentina đến cánh cửa thăng hạng. Ngày 4/9/1994, một cột mốc đáng nhớ khác đến với “Ciccio”. Fiorentina tiếp đón Cagliari trong trận mở màn Serie A và Flachi có màn ra mắt ở giải đấu hấp dẫn nhất bóng đá Italia. Phút 80, anh chuyền bóng cho Gabriel Batistuta, để “Vua sư tử” ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho La Viola.

Sự khởi đầu tốt không giúp tiền đạo 19 tuổi có một mùa giải thành công. Flachi ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng sau 21 lần ra sân. Sang mùa giải tiếp theo, anh chỉ được trao cơ hội trong 3 trận đấu nhưng không để lại dấu ấn. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Flachi phải trở lại Serie B, thi đấu cho Bari theo dạng cho mượn. Dù phải rời xa Firenze, đây chính là cơ hội để anh được ra sân nhiều hơn. Đúng như dự đoán, “Cicco” thi đấu đến 21 trận ở giải hạng hai Italia. Tuy chỉ góp dấu giày vào 4 bàn thắng, màn trình diễn của anh vẫn được đánh giá rất cao. Trở về Fiorentina, ban lãnh đạo đội bóng áo tím quyết định giữ anh ở lại để phục vụ kế hoạch của đội bóng.

Thế nhưng, Flachi cũng chỉ ở lại vùng Toscana trong 6 tháng. Bước sang giai đoạn lượt về của mùa giải 1997/98, Ancona ngỏ lời mượn anh và được Fiorentina chấp thuận. Không mất nhiều thời gian, anh chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ nơi đây khi ghi được 10 bàn sau 17 trận. Lần này, Flachi quay trở lại Fiorentina với sự tự tin lớn hơn rất nhiều.

Ở tuổi 23, sự nghiệp của Flachi đang trên đà thăng tiến. Song chấn thương kinh hoàng khiến anh phải nghỉ thi đấu trong cả mùa giải 1998/99. Trong tay HLV Giovanni Trappatoni sở hữu hàng loạt chân sút đẳng cấp như Batistuta, Edmundo, Anselmo Robbiati, Luis Oliveira. Vậy nên, Flachi không có cơ hội thể hiện. Bất đắc dĩ, vào mùa hè năm 1999, “Ciccio” buộc phải rời đội bóng thân yêu của mình và bắt đầu chuyến phiêu lưu mới. Anh nhớ lại:

“Tôi nhận trách nhiệm về chuyện này, không sao cả. Trong thời gian ấy, tôi không được chơi bóng nhiều. Đội bóng có những ngôi sao đẳng cấp và tôi buộc phải đưa ra sự lựa chọn cho tương lai. Có thể do tôi không đủ tốt, cũng có thể do Fiorentina không cho tôi cơ hội. Họ muốn tôi ở lại, nhưng không bao giờ đặt niềm tin vào tôi và giúp tôi tiến bộ. Về cơ bản, xã hội đang mất dần sự kiên nhẫn vào cầu thủ trẻ. Nhưng chắc chắn tôi phải có một phần trách nhiệm với những gì đã xảy ra”.

Flachi
Flachi đến Sampdoria và trở thành biểu tượng. Ảnh: Getty Images.

Flachi và lịch sử ở Sampdoria

AS Roma yêu mến Flachi và cố gắng đưa anh về thủ đô. Tuy nhiên, tiền đạo sinh năm 1975 lại quyết định chuyển đến Sampdoria. Anh lý giải về sự lựa chọn ấy: “Nhiều đội bóng muốn có tôi. Thậm chí tôi có thể đến AS Roma sau khi ký hợp đồng với Udinese để không mắc lỗi với Thượng nghị sĩ Cecchi Gori. Nhưng Sampdoria khiến tôi say mê, vì sân vận động, vì màu áo này và trên tất cả là vì thần tượng Roberto Mancini của tôi đang chơi ở đó”.

Theo bước chân của thần tượng, Flachi trở thành ngôi sao mới tại Sampdoria, chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ. Tiền đạo người Toscana đứng thứ ba trong danh sách những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại của đội chủ sân Luigi Ferraris với 110 bàn thắng, chỉ sau Roberto Mancini và Gianluca Vialli. Song hành trình của Flachi không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Anh phải khởi đầu ở Serie B cùng HLV Gian Piero Ventura khó tính. Nhà cầm quân 51 tuổi thích sử dụng Francesco Palmieri, Carmine Esposito, Davide Dionigi hơn và thường để “Ciccio” ngồi dự bị. Điều đó không thể ngăn cản anh tỏa sáng. Kết thúc mùa giải đầu tiên tại Luigi Ferraris, anh ghi 11 bàn thắng sau 33 lần ra sân ở Serie B và Coppa Italia.

Sang mùa giải tiếp theo, Sampdoria được dẫn dắt bởi HLV Luigi Cagni. Flachi trở thành nhân vật chủ chốt trong sơ đồ của vị thuyền trưởng người Brescia và là thần tượng của nhóm CĐV Gradinata Sud. Anh thường được đá cặp cùng Pasquale Luiso hoặc kết hợp với Davide Possanzini và Esposito tạo thành cây đinh ba hoàn hảo. Những phương án này giúp Flachi phát huy hết khả năng của mình, ghi 19 bàn thắng sau 39 trận. Đến mùa giải 2001/02, anh tiếp tục khẳng định tài năng của mình với 20 lần sút tung mành lưới đối phương ở Serie B và Coppa Italia. Thành tích ấy góp phần giúp Sampdoria thoát khỏi cánh cửa xuống Serie C.

Đặt mua áo đấu của Sampdoria mùa 1990/91 tại đây

Năm 2002, Sampdoria trải qua cuộc cách mạng thực sự. Doanh nhân Riccardo Garrone mua lại đội chủ sân Luigi Ferraris, giao trọng trách dẫn dắt CLB cho Walter Novellino. Cuối mùa giải ấy, Sampdoria trở lại Serie A sau nửa thập kỷ chờ đợi. Flachi góp công với 9 bàn thắng tại Serie B. Mục tiêu Flachi hướng tới từ lâu đã trở thành hiện thực và là phần thưởng xứng đáng cho lòng chung thủy của anh. Trước đó một năm, anh từ chối lời đề nghị hấp dẫn từ Monaco để tiếp tục gắn bó với Sampdoria. “Ciccio” hồi tưởng:

“Tôi để lại mức lương 9 triệu euro của Monaco trên bàn đàm phán, chấp nhận con số chỉ bằng một nửa do Sampdoria đưa ra. Vâng, bản hợp đồng có thời hạn 4 năm và 9 triệu euro không phải số tiền nhỏ. Cuộc sống ở Monte Carlo rất tuyệt vời, nhưng tôi cần cảm nhận bầu không khí nóng bỏng trên sân vào mỗi chiều chủ nhật. Đến Monaco, cuộc sống của tôi sẽ tốt đẹp hơn, nhưng nơi ấy không dành cho một cầu thủ bóng đá như tôi. Đó không phải là những gì tôi muốn”.

Vào mùa hè năm 2004, Flachi được HLV Marcello Lippi triệu tập vào đội tuyển Italia. Tuy nhiên, anh không được ra sân dù chỉ một phút. Trở về Genova, những nỗ lực của anh góp phần đưa Sampdoria bay cao. Họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ năm, giành vé tham dự UEFA Cup. Đó là giai đoạn thành công nhất của đội chủ sân Luigi Ferraris. Sang mùa giải 2005/06, lực lượng quá mỏng khiến họ không thể thi đấu tốt trên mọi đấu trường. Sampdoria bị loại ngay từ vòng bảng UEFA Cup, dừng bước ở tứ kết Coppa Italia và cán đích ở vị trí thứ 12 tại Serie A.

Serie A
Tiền đạo người Toscana tranh bóng cùng Paolo Maldini. Ảnh: Getty Images.

Chuỗi ngày u ám

Đến mùa giải 2006/07, sự thăng hoa của Flachi bất ngờ bị chặn lại. Ngày 22/9/2006, tiền đạo người Toscana phải thụ án treo giò trong 2 tháng, nộp phạt 20 nghìn euro vì “vi phạm điều 1 của bộ luật tư pháp thể thao, tham gia dàn xếp kết quả trận derby thủ đô giữa AS Roma và Lazio vào ngày 15/5/2006”. Anh chia sẻ về điều tồi tệ ấy trên trang Tuttomercatoweb: “Tôi bị cuốn vào một tình huống cá cược mà bản thân không liên quan gì đến nó. Tôi bị cấm thi đấu 2 tháng và không biết làm gì để kháng án. Tôi rơi vào trầm cảm, sau đó mắc sai lầm khi tìm đến chất kích thích và để mọi chuyện trôi qua. Có nhiều cách để đối mặt với tình huống ấy, nhưng tôi mắc sai lầm và phải trả giá”.

Ngày 28/1/2007, điều tồi tệ tiếp tục đến với Flachi. Trong buổi kiểm tra doping sau trận đấu giữa Sampdoria và Inter Milan, anh bị phát hiện dương tính với cocaine, benzoylecgonine. Kết quả phân tích được xác nhận, “Ciccio” bị tuyên phạt treo giò 16 tháng. Sau đó, Ủy ban Olympic Italia (CONI) cảm thấy bản án này chưa đủ sức răn đe và nâng thời hạn án phạt lên 24 tháng.

Lần này, Flachi suy nghĩ tích cực hơn. Trong thời gian bị phạt, anh không bỏ cuộc, tìm đến Pietrasanta, đội bóng đang chơi ở giải Eccellenza, để xin tập nhờ. Vào mùa hè năm 2008, khi án phạt vẫn còn hiệu lực, Empoli bất ngờ trao cho Flachi một cơ hội. Đến tháng 2/2009, anh có màn tái xuất sân cỏ. Tuy nhiên, do sắp bước sang tuổi 34 và phải nghỉ thi đấu quá lâu, phong độ của tiền đạo người Toscana không còn được như xưa. Khi mùa giải kết thúc, anh không được gia hạn hợp đồng và quyết định chuyển đến Brescia.

Bi kịch của Flachi chưa kết thúc. Ngày 19/12/2009, anh lại bị phát hiện dương tính với cocaine. Đến ngày 10/6/2010, Tòa án chống doping quốc gia ra quyết định cấm thi đấu đến tận 12 năm đối với cựu sao Fiorentina.

Signa
Flachi tái xuất sân cỏ trong màu áo Signa.

Sự trở lại của Flachi

12 năm là khoảng thời gian quá dài. Bản án ấy có thể đánh gục ý chí của bất kỳ cầu thủ nào. Nhưng Flachi thì không. Suốt thời gian nghỉ thi đấu, anh luôn có cảm giác hồi hộp, mong chờ ngày được xỏ giày vào sân chơi bóng và thưởng thức mùi vị ở sân cỏ xanh tươi. Flachi mắc sai lầm và phải trả giá. Song với tư cách là một người đàn ông yêu bóng đá đến điên cuồng, anh không cho phép mình dừng lại.

Vận may đã mỉm cười với “Ciccio”. Signa, đội bóng đang chơi ở giải Eccellenza, đồng ý ký hợp đồng với anh. HLV Walter Novellino đang làm việc ở đây và trực tiếp thuyết phục ban lãnh đạo trao cho cậu học trò cũ cơ hội thi đấu. Ngày 13/2/2022, trong trận đấu giữa Signa và Prato 2000, Flachi trở lại sân cỏ, chấm dứt quãng thời gian 4380 ngày sống không bóng đá. Tiền đạo 47 tuổi chỉ thi đấu 30 phút, nhưng chứng đó là đủ để anh cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Flachi chia sẻ sau trận đấu:

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được ngày mình trở lại thi đấu sẽ ra sao. Tôi muốn cảm ơn mọi người. Những ngày qua, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn và rất xúc động. Tôi không thi đấu trong 12 năm, nhưng tất cả những gì diễn ra torng tuần qua khiến những ký ức đau buồn không còn nữa. Hôm thứ sáu, Pietro Accardi và Aurelio Andreazzoli gọi video cho tôi. Đến hôm qua, bố tôi cũng rất xúc động trước tình cảm của mọi người. Đó là điều tuyệt vời nhất sau những nỗi buồn mà tôi dành cho ông ấy”.

Signa thành lập vào năm 1914. Để vinh danh đội bóng của mình, Flachi chọn số áo 14 trong ngày tái xuất sân cỏ. Trên kênh Radio Bruno, anh cũng gửi lời cảm ơn đến các đồng đội: “Câu chuyện bắt đầu rất tình cờ và tuyệt vời. Tôi xin chúc mừng các đồng đội vì trận đấu này không dễ dàng. Hôm nay, họ được truyền thông chú ý rất nhiều với hàng ngàn tấm ảnh được in ra trong ngày. Họ vẫn chưa quen với điều đó. Tôi hy vọng những gì xảy ra trong trận đấu có thể làm tất cả hiểu được niềm đam mê bóng đá của tôi. Eccellenza hay Serie A cũng như nhau, bạn đều phải vượt qua thử thách. Tôi đã bỏ phí 40% sự nghiệp vào những điều nhảm nhí, mong các bạn đừng mắc sai lầm như tôi”.

Flachi
Trước khi trở lại thi đấu, Flachi từng là chủ nhà hàng.

12 năm qua, Flachi cố gắng trở thành một doanh nhân trong thế giới ẩm thực. Năm 2011, anh mở nhà hàng ở Firenze với người bạn Luca Saudati. Nhà hàng ấy tồn tại trong 3 năm trước khi dừng hoạt động. Sau đó, anh tiếp tục mở cửa hàng bánh mì kẹp mang tên “Panino di Categoria” ở khu vực Ponterosso.

Ở tuổi 47, Flachi quyết định kể lại những gì mình trải qua trong cuộc đời thông qua cuốn tự truyện “Una vita invertata”, từ những ngày thơ ấu ở Isolotto đến năm tháng hoàng kim cùng Sampdoria và khi thụ án treo giò. Nhà báo Matteo Politano giúp anh hoàn thiện cuốn sách ấy trước khi xuất bản. Sau tất cả, Flachi xứng đáng trở thành tấm gương về nghị lực và niềm đam mê. Dù mắc sai lầm bên ngoài sân cỏ và phải trả giá đắt, anh chưa bao giờ muốn lùi bước.

(Lược dịch từ bài “Flachi, idolo antieroe: da leggenda Samp e i goal alle squalifiche e la seconda vita” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane