Mới đây, Hidetoshi Nakata đã kể lại với The Athletic về mối quan hệ phức tạp của mình với môn thể thao đã biến anh thành biểu tượng toàn cầu.
“Tôi chưa từng mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng bằng cách nào đó, trái bóng tròn lại tìm đến với tôi. Tôi đã được thi đấu ở World Cup, rồi sang Italia và Anh chơi bóng. Với tôi, bóng đá luôn là đam mê thuần khiết. Tôi không phải người hâm mộ bóng đá, tôi chỉ thích chơi bóng mà thôi. Và chính vì vậy, tôi quyết định dừng lại khi thấy bản thân đã đánh mất đam mê ấy. Nếu không còn nhiệt huyết mà vẫn chơi bóng, tôi chỉ đang lừa dối chính mình”.
Hidetoshi Nakata, một trong những người mở đường cho bóng đá châu Á, đã treo giày khi mới 29 tuổi. Trận đấu cuối cùng của anh là trong màu áo tuyển Nhật Bản, ở World Cup 2006 trên đất Đức. Hôm ấy, những “chiến binh samurai xanh” thua đương kim vô địch Brazil 1-4.
Trên thực tế, Nakata đã quyết định giải nghệ từ 6 tháng trước đó, nhưng chỉ thông báo cho một vài người thân cận. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên trên sân Westfalenstadion (Dortmund), anh đã dùng chiếc áo đấu của tuyển Brazil mà mình đổi được để lau nước mắt.
Chặng đường bóng đá của Nakata kết thúc, nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc hay muốn quay lại.
Sau thất bại trước Brazil, Nakata rút lui hoàn toàn khỏi bóng đá. Anh chia sẻ: “Tôi yêu việc thi đấu, không phải huấn luyện hay bình luận. Đó là lý do sau khi giải nghệ, tôi nói rằng: ‘Không, tôi cần tìm một đam mê khác cho mình'”.
Cơ duyên với trái bóng tròn
Bóng đá chọn Nakata và Nakata chọn bóng đá.
Mọi chuyện bắt đầu ở Nhật Bản, nơi giải VĐQG chỉ trở thành chuyên nghiệp từ năm 1993 và đội tuyển chưa từng góp mặt ở World Cup.
“Thời điểm đó, không ai nghĩ đến chuyện trở thành cầu thủ chuyên nghiệp,” Nakata kể. “Môn thể thao số một ở đất nước của tôi là bóng chày. Nhưng rồi tôi lại yêu thích bộ manga Captain Tsubasa. Thế là tôi quyết định chơi bóng đá”.
Nakata lớn lên ở tỉnh Yamanashi, gần núi Phú Sĩ nổi tiếng, cách Tokyo khoảng 2 tiếng đồng hồ. Anh bắt đầu sự nghiệp cầu thủ tại CLB Bellmare Hiratsuka thuộc J-League, gắn bó 4 năm và góp công giúp đội bóng giành danh hiệu châu lục duy nhất trong lịch sử: Cúp C2 châu Á năm 1995.
Là một tiền vệ kiến thiết tài năng, anh từng khoác áo tuyển Nhật Bản dự Thế vận hội Atlanta 1996. Nhưng phải đến World Cup 1998 tại Pháp — Ngày hội bóng đá thế giới đầu tiên mà tuyển Nhật Bản góp mặt — anh mới thực sự gây ấn tượng tại châu Âu, không chỉ bởi màn trình diễn mà còn vì mái tóc nhuộm nổi bật.
“Tôi thay đổi màu tóc mỗi ngày, ngay cả trước World Cup. Điều đó quan trọng vì tôi muốn mình được cả thế giới biết đến. Tôi muốn ra nước ngoài thi đấu. Vì vậy, tôi luôn hy vọng mình sẽ lọt vào mắt xanh của ai đó”, anh chia sẻ.
Ngay sau World Cup, Nakata lên đường sang Italia để gia nhập Perugia, đội bóng vừa thăng hạng Serie A. Số tiền được Chủ tịch Luciano Gaucci bỏ ra là 3,5 triệu euro. Trên thảm cỏ xanh Calcio, Nakata thi đấu xuất sắc. Ở mùa giải đầu tiên, anh ghi 10 bàn, trong đó có cú đúp ngay trận ra mắt. Nhưng bên ngoài sân vận động, mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Sự khác biệt giữa văn hóa Nhật Bản và Italia khiến Nakata bị sốc. Anh kể lại:
“Nếu bạn đến Nhật Bản, bạn sẽ thấy nó khác xa Italia thế nào. Người Nhật đúng giờ, mọi thứ đều theo một quy trình. Còn người Italia thì kiểu, ‘Kệ thôi’. Đó là sự khác biệt lớn. Nhưng bóng đá thì giống nhau, ở đâu cũng vậy”.

Khi đặt chân đến ven bờ Địa Trung Hải, Nakata mới 21 tuổi. Song anh không hề bị choáng ngợp.
“Tôi vốn không phải người cuồng bóng đá. Hiếm khi tôi xem một trận đấu hay đọc một bài báo viết về môn thể thao này. Vâng tôi không phải kiểu người như vậy. Tôi chỉ thích chơi bóng và mỗi ngày đều muốn trở nên giỏi hơn”.
“Khi tôi gia nhập Perugia, Serie A là giải đấu hay nhất thế giới, có những cầu thủ như Zinedine Zidane hay Alessandro Del Piero. Nhưng tôi chẳng biết nhiều về họ. Tôi thậm chí không biết một nửa số đội trong giải. Nhìn ở góc độ tích cực, chính điều đó giúp tôi tập trung tuyệt đối vào bản thân. Tôi không có gì phải sợ cả”.
Chuyến phiêu lưu tại Italia đã định hình cuộc sống và cách suy nghĩ sau này của Nakata. Anh chia sẻ:
“Tôi thực sự yêu con người và văn hóa Italia. Đến bây giờ, tôi vẫn nói rằng một nửa trong con người tôi là Nhật Bản, nửa còn lại là Italia. Italia nổi tiếng với thời trang, âm nhạc, thiết kế, kiến trúc, ẩm thực. Bạn có thể hình dung nó đã ảnh hưởng tới tôi thế nào”.
Chỉ sau 18 tháng khoác áo Perugia, Nakata đã được các CLB lớn ở Italia để mắt. Điểm dừng chân tiếp theo của anh là AS Roma, bắt đầu từ tháng 1/2000. Dấu ấn đáng nhớ nhất của chàng trai người Nhật Bản đến trong trận gặp Juventus vào tháng 5/2001. Hôm ấy, anh ghi bàn thắng từ xa, giúp AS Roma lội ngược dòng, từ đó tiến đến Scudetto đầu tiên sau gần 20 năm. Khoảnh khắc tỏa sáng của Nakata đã in đậm trong ký ức của Romanisti. Đến bây giờ, mỗi khi anh trở lại thủ đô Italia, các CĐV vẫn nói “Grazie Hidetoshi”.
Mặc dù vậy, quãng thời gian ở AS Roma của Nakata lại không thực sự suôn sẻ. Dưới sự dẫn dắt của HLV Fabio Capello, anh không thể chiếm suất đá chính của Francesco Totti – thần tượng trong lòng người hâm mộ. Sau 18 tháng gắn bó với Giallorossi, anh nói lời chia tay để chuyển sang Parma. Đội bóng vùng Emilia-Romagna lúc bấy giờ rất giàu tham vọng, và chấp nhận chi 18,5 triệu euro vì Nakata.
Ở mùa giải đầu tiên tại vùng Emilia-Romagna, Nakata vẫn phải chật vật tìm cơ hội ra sân giữa đội hình gồm toàn hảo thủ như Stephen Appiah, Sabri Lamouchi hay Hakan Sukur. Khi cơ hội đến, anh lại bị yêu cầu phải chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Điều đó làm anh không hài lòng. Song giữa những ngày gian khó, Nakata vẫn biết cách tỏa sáng. Ngày 25/04/2002, trong trận chung kết Coppa Italia lượt đi, anh ghi bàn vào lưới Juventus ở phút 90+2, giúp Parma rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Hai tuần sau, ở trận lượt về, đội chủ sân Ennio Tardini thắng 1-0 và giành chức vô địch nhờ luật bàn thắng sân khách.
Trong sân cỏ, Nakata không có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng. Còn bên ngoài sân cỏ, anh được biết đến rộng rãi như một… biểu tượng thời trang. Anh thường xuyên xuất hiện ở các show diễn, dần dần được so sánh với cựu cầu thủ Manchester United – David Beckham. Nakata sở hữu trang web riêng, hỗ trợ đọc bằng nhiều ngôn ngữ, thu hút khoảng 10 triệu lượt truy cập chỉ trong ngày anh ký hợp đồng với Parma. Nên nhớ rằng mạng xã hội chưa phổ biến vào thời điểm ấy.
Anh giải thích: “Tôi lập trang web riêng cách đây khoảng 25 năm. Khi đó, hầu như chẳng có cầu thủ, người nổi tiếng hay doanh nghiệp nào có trang web. Truyền thông kiểm soát tất cả thông tin, nhưng tôi từng nhiều lần đối đầu với họ vì những bài viết sai sự thật. Vì vậy, tôi muốn có kênh riêng để truyền tải những thông điệp của mình”.

Cùng với tuyển quốc gia, Nakata tham dự 3 kỳ World Cup. Trong đó, ngày hội bóng đá thế giới năm 2002 đáng nhớ nhất, bởi giải đấu được tổ chức trên quê hương của anh. Cựu cầu thủ AS Roma nhớ lại:
“Cả đất nước Nhật Bản kỳ vọng chúng tôi sẽ vượt qua vòng bảng, điều vốn không hề dễ dàng. Đội hình của chúng tôi rất trẻ, phần lớn cầu thủ chưa từng đá World Cup và chỉ vài người chơi bóng ở nước ngoài. Áp lực là vô cùng lớn. Nhưng đồng thời, đó cũng là động lực bởi cả đất nước đang cổ vũ cho chúng tôi. Lẽ ra, toàn đội có thể làm tốt hơn, thay vì thua tuyển Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng 1/8”.
Trở lại Parma, Nakata và HLV Cesare Prandelli dần nảy sinh mâu thuẫn. Điều đó khiến anh bị đẩy sang Bologna theo dạng cho mượn, rồi cập bến Fiorentina vào năm 2004. Mùa hè năm 2005, Nakata được La Viola gửi đến Bolton Wanderers – đội bóng khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Sam Allardyce và dự UEFA Cup.
Sau 7 năm chơi bóng ở Italia, Nakata gặp khó khăn trong việc thích nghi với thời tiết lạnh giá của miền bắc nước Anh. Anh chia sẻ:
“Bóng đá ở đây hoàn toàn khác so với ở Italia. Nhiều đội thường chơi bóng dài, khiến tôi bị sốc. Ẩm thực ở Manchester cũng khác hẳn. Trời thì mưa suốt. Thật là thử thách. Trước mỗi trận đấu, chúng tôi thường ăn pasta. Nhưng so với ở Italia, pasta ở đây thật lạ”.
Tại sân Reepork, Nakata không để lại nhiều ấn tượng. Đến cuối mùa giải 2005/06, anh chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp ở cấp CLB, khi cùng Bolton thắng đội bóng đã xuống hạng Birmingham 1-0. Anh rời sân trong hiệp hai, nhường chỗ cho Jay-Jay Okocha.
Xuyên suốt sự nghiệp, ở mỗi nơi Nakata gắn bó, hàng nghìn du khách Nhật Bản liền tìm đến để xem anh chơi bóng. Riêng trong trận ra mắt Perugia, hơn 5.000 người hâm mộ đã phủ kín một góc khán đài. Áo đấu mang tên Nakata cũng rất được săn đón. Ngoài ra, anh còn là gương mặt đại diện của nhiều thương hiệu lớn như Mastercard, Canon, Nike.
Tại World Cup 2002, Nakata tham gia chiến dịch quảng bá sản phẩm của Nike. Bốn năm sau, cũng tại ngày hội bóng đá thế giới, anh bật khóc khi biết rằng thời khắc giã từ sự nghiệp của mình đã đến. Khi được hỏi rằng bản thân muốn người hâm mộ nhớ đến với hình ảnh nào, anh chia sẻ:
“Tôi thích lối chơi đẹp, thanh thoát, kiểu như Zidane. Lối chơi ấy không cần tốc độ hay sức mạnh, mà cần những đường chuyền đẹp, những pha bóng đẹp, chứ không phải để ghi thật nhiều bàn thắng. Tôi yêu sự thanh lịch, không chỉ trong bóng đá, mà còn trong cuộc sống. Tôi thích những thứ tinh tế và đẹp đẽ. Quần áo đẹp, kiến trúc đẹp, thiết kế đẹp, khung cảnh đẹp chẳng hạn”.

Từ bỏ bóng đá vì… rượu Sake
Rời xa sân cỏ, Nakata bắt đầu hành trình khám phá thế giới, liên tục trong 3 năm. Anh đặt chân đến hơn 100 quốc gia. Khi trở về Nhật Bản, anh mong muốn tìm hiểu sâu hơn vè văn hóa quê hương.
Năm 2009, Nakata bắt đầu bị cuốn hút bởi rượu Sake – loại rượu truyền thống được làm từ gạo lên men. Anh kể lại:
“Khi còn sống ở Italia, vào lúc rảnh rỗi, tôi thường ghé thăm các nhà máy rượu vang. Tôi không chỉ yêu thích rượu vang, mà còn quan tâm cả những người làm ra chúng và môi trường xung quanh. Khi về lại Nhật Bản và nghĩ về văn hóa quê nhà, tôi hiểu rằng mình không thích rượu vang bằng Sake. Tôi nghĩ: ‘Đúng rồi, Sake mới là thứ độc nhất, chỉ Nhật Bản mới làm ra’. Vào thời điểm đó, ẩm thực Nhật Bản bắt đầu nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng không ai biết đến Sake, kể cả bản thân tôi. Vậy nên tôi thấy đây là cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu về loại rượu này, nó cũng là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản”.
Nakata bắt đầu hành trình ghé thăm các nhà máy rượu trên khắp đất nước. Anh gặp gỡ những nghệ nhân, nông dân và người làm Sake để học hỏi về kỹ thuật, hương vị và lịch sử của loại rượu truyền thống này. Sau đó, anh trở thành một “bậc thầy Sake” và thành lập công ty Sake riêng, nhằm hỗ trợ và phát triển ngành nghề truyền thống Nhật Bản. Ngoài ra, anh còn cho ra đời thương hiệu trà của riêng mình.
“Khi tôi giải nghệ ở tuổi 29, nhiều người bảo tôi rằng ‘Này, cậu vẫn còn chơi bóng được mà’. Một số người khác thì nói ‘Sao không làm HLV hoặc tiếp tục công việc trong ngành bóng đá?’. Tuy nhiên, tôi chọn công việc mà tôi muốn làm chứ không phải vì tôi có thể làm. Tôi muốn làm những gì mình thích. Nếu tôi thích thời trang, tôi sẽ theo thời trang. Nếu tôi thích văn hóa khác, tôi sẽ theo đuổi nó. Nếu tôi thích Sake, tôi sẽ dốc toàn bộ sức lực vì Sake. Đôi khi người khác không hiểu tại sao tôi làm vậy. Đơn giản lắm, tôi làm vì đam mê”, Nakata kết lại câu chuyện.
(Lược dịch từ bài “Why Hidetoshi Nakata, face of the 2002 World Cup, retired at 29: ‘I’m not a fan of football’” trên trang The Athletic).
BÀI VIẾT KHÁC ⭢
TƯỜNG THUẬT: HLV Gennaro Gattuso họp báo ra mắt tuyển Italia
Cristian Chivu: “Tôi luôn sống với tinh thần Interismo!”
Ricardo Rodriguez: “Tôi bị Gattuso cho ăn tát vài lần”
Ngày 28/4/2004 – Lần cuối cùng Roberto Baggio khoác áo tuyển Italia
Luciano Spalletti: “Tôi phải chịu trách nhiệm, xin đừng thương hại tôi”
Marcos Evangelista Cafu: “Chiếc Pendolino vĩnh cửu” nơi hành lang phải
Roberto Baggio: “Tôi từng thấy xấu hổ khi cầm phong bì tiền lương”
Buổi họp báo đặc biệt với Donnarumma