Nếu thường xuyên theo dõi Serie A từ giữa thập niên 1990, bạn sẽ không thể quên Nicola Amoruso. Anh từng khoác áo nhiều đội bóng khác nhau, ghi hơn 100 bàn thắng trong suốt sự nghiệp. Song vì nhiều lý do, trung phong cao 1m86 này chưa có cơ hội cống hiến cho tuyển Italia.
Có một kỷ lục thú vị, gây tò mò dành riêng cho Amoruso: anh là tiền đạo người Italia ghi nhiều bàn thắng nhất trong số những gương mặt chưa từng khoác áo đội quân thiên thanh. Tổng cộng 113 bàn được cầu thủ người Apulia ghi trên sân cỏ Serie A. Anh từng thi đấu tại 14 đội bóng cho đến khi giải nghệ và 12 trong số đó là ở giải đấu hấp dẫn nhất bóng đá Italia. Đây là một kỷ lục khác của Amoruso, sau này bị Marco Borriello san bằng.
Dù phải phiêu bạt khắp đất nước ven bờ Địa Trung Hải, Amoruso vẫn sở hữu bảng thành tích khiến nhiều đồng nghiệp ao ước: 3 Scudetto, 1 Coppa Italia, 1 Supercoppa Italiana, 1 Intercontinental Cup, 1 UEFA Super Cup. Tiền đạo này cũng có mặt trong đội hình U21 Italia vô địch giải U21 châu Âu vào năm 1996. Ở góc độ giải thưởng cá nhân, anh từng ẵm danh hiệu Vua phá lưới Coppa Italia 2001/02, khi còn khoác áo Juventus.

Bước đệm đầu tiên: Sampdoria
Amoruso sinh ra ở Cerignola, thuộc tỉnh Foggia, vào ngày 29/8/1974. Anh bắt đầu chơi bóng từ thời thơ ấu ở Trinitapoli, thị trấn gần Andria. Sau một thời gian tập luyện tại đây, anh được các tuyển trạch viên Sampdoria để mắt và đưa về lò đào tạo trẻ của đội bóng quê hương nhà hàng hải Cristoforo Colombo. Năm 1991, đội quân của Vujadin Boskov giành Scudetto, còn Amoruso được đôn lên đội Primavera của Sampdoria.
Hai năm sau, ở tuổi 19, Amoruso được triệu tập vào đội Một. Với sự tiến bộ vượt bậc, phần thưởng ngọt ngào dành cho anh đã đến. Ngày 12/12/1993, Sampdoria làm khách của Inter Milan tại sân San Siro. Phút 67, Amoruso vào sân từ băng ghế dự bị, thay cho Mauro Bertarelli. Anh kể lại trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Jz Sport News nhiều năm sau: “Tôi có trận ra mắt Sampdoria, nơi giúp tôi trưởng thành trong thế giới bóng đá. Thật vinh dự khi được chơi cùng những ngôi sao đẳng cấp như Roberto Mancini và nhận những lời chỉ dẫn từ Sven-Goran Eriksson. Dù để thua 0-3, cảm giác hồi hộp khi bước vào sân vận động chật cứng khán giả vẫn còn mãi trong tâm trí tôi”.
Ngay từ lần đầu tiên chơi bóng ở Serie A, Amoruso thể hiện tố chất của một tiền đạo cừ khôi. Anh có thêm 7 lần ra sân tại đấu trường này, sút tung lưới Udinese, Inter Milan và Reggiana. Ngoài ra, anh còn có 2 lần được góp mặt ở Coppa Italia, giúp Sampdoria thẳng tiến đến ngôi vương.
Đó cũng là mốc son cuối cùng của Amoruso trong màu áo Sampdoria. Đến mùa hè, anh trở về nhà để gia nhập Fidelis Andria. Tại đây, anh thể hiện phong độ ấn tượng, trở thành chủ công của đội, ghi 15 bàn thắng sau 34 trận và tạo nên nhiều pha bóng đẹp mắt. Chiều cao 1m86 và cân nặng 75kg mang đến cho Amoruso vóc dáng mảnh mai, kỹ thuật cá nhân điêu luyện cùng khả năng đánh hơi bàn thắng. Những yếu tố ấy là đủ để nhiều người tin rằng anh sẽ trở thành tiền đạo vĩ đại.
Tất nhiên, Fidelis Andria chỉ là bước đệm nhỏ trong sự nghiệp của Amoruso. Anh giải thích: “Tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị. Hellas Verona chẳng hạn. Họ là một đội bóng mạnh hơn và đang có kế hoạch lên chơi ở Serie A. Nhưng tôi chỉ thực sự hướng về Fidelis Andria. Tôi muốn trở về quê hương sau 5 năm xa cách. Đó là một mùa giải tuyệt vời, chúng tôi có được những kết quả xuất sắc”.
Sang mùa giải 1995/96, Amoruso cập bến Padova, là cái tên được kỳ vọng nhiều nhất trên hàng công của đội bóng này. Đáp lại niềm tin của người hâm mộ, anh phối hợp ăn ý với Goran Vlaovic, tự mình ghi 14 bàn thắng cho Biancoscudati. Đáng tiếc, thành tích ấy chưa đủ để giúp Padova thoát khỏi vị trí cuối bảng, đồng nghĩa với một suất xuống hạng.

Amoruso trưởng thành ở Juventus
Tài năng của tiền đạo người Apulia khiến HLV Marcello Lippi không thể làm ngơ. Sau khi đăng quang ở Champions League, ban lãnh đạo Juventus muốn làm mới hàng công. Vậy nên, họ quyết định bỏ ra 7,5 tỷ lire để đưa Amoruso về sân Delle Alpi ngay trong mùa hè năm 1996. Cũng trong thời gian này, hàng loạt tân binh chất lượng cũng gia nhập đội quân của “Lão phu nhân” như Alen Boksic, Christian Vieri, Zinedine Zidane, Paolo Montero, Mark Iuliano. Hai cái tên đầu tiên là những cầu thủ trên hàng công. Do đó, cuộc cạnh tranh vị trí tiền đạo trong đội hình của HLV Lippi rất khốc liệt.
Amoruso không giữ được phong độ ổn định, xen giữa những màn trình diễn ấn tượng lại là một trận đấu kém thuyết phục. Mùa giải đầu tiên chứng kiến cựu tiền đạo Sampdoria thể hiện hình ảnh mạnh mẽ. Anh ghi 4 bàn ở Serie A, 1 bàn ở Coppa Italia, 1 bàn ở UEFA Super Cup và 4 bàn ở Champions League. Sang mùa giải tiếp theo, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Anh bị gãy xương mác, phải làm bạn với giường bệnh suốt 4 tháng. Cơ hội ra sân của Amoruso ngày càng ít hơn và anh chỉ sút tung lưới đối phương vỏn vẹn 6 lần. Thành tích tương tự xuất hiện ở mùa giải 1998/99. Với phong độ không được cải thiện, cánh cửa rời sân Delle Alpi đang ở rất gần Amoruso.
Amoruso có cảm thấy thất vọng? Hoàn toàn không. Đối với anh, việc khoác áo Juventus giống như một giấc mơ. Anh nhớ lại: “Tôi đến Juventus khi họ đang quyết tâm giành Scudetto. Họ không chỉ chiêu mộ tôi, mà còn nhiều cầu thủ trẻ khác, như Iuliano. Chúng tôi bước vào thế giới hoàn toàn mới. Juventus ở đẳng cấp vượt xa nhiều đội bóng khác phải vài năm ánh sáng. Toàn đội thể hiện lối chơi tuyệt vời, nổi tiếng ở châu Âu. Tôi ngay lập tức hiểu mình đang ở môi trường ra sao, kỷ luật, mục tiêu và DNA của đội bóng là gì. Bạn phải giành chiến thắng bằng sự chuyên nghiệp và cẩn thận trong từng hành vi của mình”.
Anh kể tiếp: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã là một juventino. Việc được khoác áo đội bóng mà mình yêu mến thực sự đem đến cảm giác tuyệt vời. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn khi được trở thành một phần của ‘gã khổng lồ’ này. Cầu thủ khiến tôi ngạc nhiên nhất và cũng là người khiến các juventini phải trầm trồ đó là Zidane. Không ai trong số chúng tôi biết anh ấy từ trước đó. Zidane ngay lập tức cho chúng tôi thấy anh ấy có thể trở thành nhà vô địch vĩ đại như thế nào. Zizou là một trong những cầu thủ viết nên lịch sử bóng đá, một con người phi thường mà tôi rất vui khi được chơi cùng”.
Amoruso cũng không quên nhắc đến HLV Lippi: “Đối với tôi, đó là một trải nghiệm đặc biệt nhất ở góc độ kỹ thuật, với Lippi trên băng ghế huấn luyện. Ông ấy giúp tôi trải qua giai đoạn rất tuyệt vời. Để rời khỏi một đội bóng như Juventus là điều không hề dễ dàng. Trải nghiệm này thực sự để lại rất nhiều ấn tượng trong tôi. Juventus có đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới. Dù ở bất kỳ nơi đâu, tôi vẫn và sẽ luôn là một cầu thủ của Bianconeri”.
Cùng “Lão phu nhân”, Amoruso giành được 2 Scudetto, 1 UEFA Super Cup, 1 Intercontinental Cup, 1 Super Coppa Italiana. Ở trận tranh UEFA Super Cup 1996 với PSG, anh vào sân từ băng ghế dự bị và ghi bàn ấn định chiến thắng 6-1 cho đội bóng của mình. Cũng trong thời gian này, anh được triệu tập vào đội U21 Italia. Trong giai đoạn 1994-1996, anh có 4 lần ra sân cùng Azzurrini và ghi 1 bàn thắng. Mặc dù vậy, tình huống đáng chú ý nhất của Amoruso lại là màn ẩu đả trong trận chung kết giải U21 châu Âu với đối thủ đến từ Tây Ban Nha. Tiền đạo của Juventus phải nhận thẻ đỏ. Dù thi đấu thiếu người, các học trò của HLV Cesare Maldini vẫn kéo trận đấu vào loạt penalty và giành chiến thắng.
Đến ngày 6/4/1997, Amoruso có thêm một cột mốc đáng nhớ. Juventus vùi dập AC Milan của HLV Arrigo Sacchi đến 6-1 ngay tại sân San Siro. Amoruso vào sân từ phút 39 và là tác giả của bàn thắng nâng tỷ số lên 5-0. Anh kể lại với Radio Musica TV: “Đó là trận đấu kết thúc chu kỳ của AC Milan dưới thời Sacchi. Đội hình của họ có những nhà vô địch vĩ đại như Paolo Maldini, Franco Baresi, chưa kể Alessandro Costacurta vắng mặt vì chấn thương. Chúng tôi ngay lập tức dẫn trước, kết thúc hiệp một với tỷ số 4-0. Một trận đấu chưa từng có trong lịch sử dù chúng tôi là tập thể rất mạnh ở châu Âu. Đối với tôi, đó là một kỷ niệm đẹp”.

Chào mừng đến miền nam, Amoruso!
Sau 3 mùa giải chơi bóng ở Turin, tương lai của Amoruso trở nên bấp bênh khi bước vào mùa hè năm 1999. Anh không còn nằm trong kế hoạch của Juventus và bị đẩy sang Perugia theo dạng cho mượn. Tiền đạo người Apulia đóng vai trò quan trọng trong lối chơi được HLV Carlo Mazzone xây dựng. Anh ra sân tổng cộng 25 trận ở Serie A và sút tung lưới đối phương 11 lần. Trận đấu cuối cùng của mùa giải vẫn là ký ức khó quên. Perugia tiếp đón Juventus trên sân Renato Curi ngập nước. Bàn thắng duy nhất của Alessandro Calori đã nhấn chìm cơ hội giành Scudetto của “Lão phu nhân”, gián tiếp giúp Lazio đăng quang.
Amoruso kể lại với Radio Musica TV: “Tôi thật may mắn khi được làm việc cùng HLV Carlo Mazzone. Mùa giải 1999/2000 rất tuyệt vời đối với tôi. HLV tạo ra một số khoảnh khắc kịch tính, hài hước, vui nhộn với tính cách và tinh thần Roma của mình. Trận đấu đáng nhớ nhất chắc chắn là cuộc đối đầu với Juventus. Tôi phân vân, không biết có nên ra sân hay không, bởi tôi vẫn thuộc quyền sở hữu của Bianconeri. Các tờ báo sáng thứ bảy đưa ra một số giả định. Theo kế hoạch, tôi sẽ vào sân từ băng ghế dự bị. Nhưng sau đó, tôi đến gặp Mazzone để thuyết phục ông ấy cho phép có mặt ngay từ phút đầu tiên. Tôi chơi hơn nửa trận đấu, làm tốt nhiệm vụ của mình. Phần còn lại là lịch sử”.
Đặt mua trọn bộ áo đấu của Napoli tại đây
Màn thể hiện ấn tượng ở Perugia không thể giúp Amoruso có cơ hội cạnh tranh trên hàng công của Juventus. Kể từ đây, chàng trai 26 tuổi bắt đầu quãng thời gian phiêu bạt, thay đổi bến đỗ liên tục. Năm 2000, anh gia nhập Napoli. Thành tích 10 bàn thắng sau 30 trận của Amoruso không hề tệ, nhưng chưa đủ giúp Napoli thoát khỏi viễn cảnh u ám. Đội quân của HLV Emiliano Mondonico kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 17 và phải xuống chơi ở Serie B (khi ấy, Serie A chỉ có 18 đội). Anh kể lại trên trang Jz Sport News:
“Từ thời thơ ấu, tôi có tình cảm nhất định với Napoli, đặc biệt là sau khi gặp vợ tôi, một người Neapolitan. Nhìn vào thành tích cá nhân, tôi thi đấu tốt tại Napoli. Song tôi không nhớ nhiều về quãng thời gian ở đây, một phần vì chúng tôi phải xuống hạng. Đó là một mùa giải đầy khó khăn, do sự thay đổi HLV và các vấn đề khác ở thượng tầng. Tinh thần yêu bóng đá của người dân thành phố và sự cổ vũ cuồng nhiệt khiến Napoli đặc biệt hơn nhiều đội bóng khác. Tôi muốn chơi cho Napoli vào thời điểm tốt đẹp hơn. Mặc dù toàn đội trải qua mùa giải tồi tệ, tôi phải thừa nhận rằng mọi thứ vẫn tốt đẹp nếu nhìn vào góc độ cá nhân”.
Sau khi Napoli xuống hạng, Amoruso trở lại Juventus và một lần nữa được làm việc cùng HLV Lippi. Kết quả như được dự báo từ trước. Anh chỉ được ra sân 9 lần tại Serie A, phần lớn là từ băng ghế dự bị và không ghi được bàn thắng nào. Coppa Italia mới là sân khấu chính của Amoruso, nơi chứng kiến anh ghi 6 bàn sau 7 trận và ẵm danh hiệu Vua phá lưới. Khi mùa giải hạ màn, tiền đạo người Apulia có được Scudetto thứ 3 và chia tay “Lão phu nhân”.

Bông hoa nở muộn ở Reggina
Mùa giải cuối cùng ở Juventus không hề dễ chịu với Amoruso. Tuy nhiên, anh còn gặp nhiều khó khăn hơn sau khi bước ra khỏi cánh cửa sân Delle Alpi. Anh liên tục chuyển bến đỗ và phong độ cũng bị ảnh hưởng. Mùa hè năm 2002, Amoruso trở lại Perugia, nhưng thất bại trong việc làm quen với lối chơi do HLV Serse Cosmi xây dựng. Đến tháng 1/2003, anh chuyển sang Como. Tại sân Giuseppe Sinigaglia, anh ghi được 6 bàn thắng. Song một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân. Đội bóng vùng Lombardia kết thúc mùa giải ở vị trí áp chót, nắm trong tay tấm vé xuống Serie B.
Amoruso tiếp tục gia nhập Modena rồi Messina. Chuỗi ngày khó khăn chưa dừng lại. Với Modena, anh ghi 5 bàn thắng sau 25 lần ra sân, nhưng không thể ngăn đội bóng này rơi xuống Serie B. Trong 2 mùa giải liên tiếp, Amoruso phải nhìn đội bóng của mình chia tay Serie A, sự thất vọng ấy mấy ai hiểu được. Đến khi chuyển ra đảo Sicilia, anh cũng chỉ sút tung lưới đối phương 5 lần. Song Messina vẫn kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7 đầy bất ngờ.
Ở tuổi 31, Amoruso đã đi qua tháng năm rực rỡ nhất của cuộc đời cầu thủ? Nếu nghĩ như vậy, bạn đã nhầm. Chỉ cần tìm đúng bến đỗ bình yên, Amoruso sẽ quay trở lại thời kỳ đỉnh cao như vào thập niên 1990. Mùa hè năm 2005, điều ấy đã đến. Chủ tịch Pasquale Foti trải thảm đỏ mời tiền đạo người Apulia gia nhập Reggina.
Đối với Amoruso, cơ hội này chẳng khác nào việc giúp anh quay trở lại thời tuổi trẻ cuồng nhiệt. Anh ghi tổng cộng 40 bàn thắng sau 98 lần ra sân. Xuyên suốt sự nghiệp, anh chưa dừng lại ở đội bóng nào lâu và ghi nhiều bàn như thế. Đỉnh cao trong sự nghiệp của Amoruso là ở mùa giải 2006/07. Dưới sự hướng dẫn của HLV Walter Mazzarri và sự hỗ trợ của Rolando Bianchi, anh ghi 17 bàn thắng tại Serie A, giúp Reggina trụ hạng một cách thần kỳ. Nên nhớ rằng đội bóng miền nam Italia bắt đầu mùa giải với -15 điểm do tham gia scandal dàn xếp tỷ số Calciopoli. Một màn hồi sinh ngoạn mục của Amoruso. Anh nhớ lại:
“Chiếc áo Reggina giống như làn da thứ hai của tôi. Quãng thời gian ở đây thật tuyệt vời và phi thường. Đến bây giờ, tôi vẫn rất gắn bó với thành phố, với xã hội và người dân nơi đây. Năm đó, chúng tôi tạo nên một kỳ tích mà ngày nay vẫn còn được lưu lại trong lịch sử đội bóng. Chúng tôi chơi bóng bằng cả trái tim, với niềm vui và luôn xem mục tiêu trụ hạng giống như việc giành Scudetto. Tôi không nghi ngờ gì. Những cảm xúc khi ấy giúp tôi càng gắn chặt với màu áo Reggina. Mối quan hệ của tôi và HLV Mazzarri cũng rất tuyệt vời. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Ông ấy rất quyết liệt, đầy đam mê và có vẻ như bị đánh giá thấp so với tài năng của mình”.

Sự vô duyên với màu áo Azzurri
Tầm ảnh hưởng của Amoruso tại Reggina quá rõ ràng. Xuyên suốt sự nghiệp, có nhiều thời điểm anh thi đấu rất tốt. Nhưng vì nhiều lý do, cựu tiền đạo Juventus không được các HLV tuyển Italia đoái hoài. Anh thừa nhận với Jz Sport News: “Tôi rất tiếc khi không được khoác áo Azzurri. Song phải thừa nhận rằng bóng đá Italia có quá nhiều tiền đạo xuất chúng. Việc cố gắng cạnh tranh với Christian Vieri, Alessandro Del Piero hay Giuseppe Signori không hề dễ dàng. Có lẽ tôi xứng đáng được triệu tập khi ghi 17 bàn cho Reggina. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy có bất kỳ vấn đề gì”.
Amoruso trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại Serie A nhưng chưa được gọi lên tuyển quốc gia. Cho đến nay, kỷ lục ấy của anh vẫn chưa bị xô đổ. Quãng thời gian khoác áo Reggina cũng giúp anh cán mốc 100 bàn thắng ở giải đấu hấp dẫn nhất Italia. Sau chuyến phiêu lưu tại Reggio Calabria, Amoruso được mời ra nước ngoài chơi bóng trong những năm cuối sự nghiệp. Mặc dù vậy, anh khước từ tất cả để ở lại quê hương. Amoruso tiết lộ:
“Vào cuối sự nghiệp, tôi có cơ hội gia nhập Shakhtar Donetsk ở Ukraine. Song tôi đã từ chối. Thành thật mà nói, tôi vẫn đang chơi tốt ở Italia. Đất nước của chúng tôi sở hữu một trong những nền bóng đá đẳng cấp nhất. Do đó, tôi hài lòng với những gì mình đã làm được trong các mùa giải với vai trò cầu thủ. Tuy nhiên, tôi thực sự mắc sai lầm khi từ chối Shakhtar Donetsk. Đến hôm nay, khi nhìn lại sự nghiệp, tôi muốn được trải nghiệm môi trường bóng đá khác với những gì đang có trên quê hương của tôi”.
Amoruso ở lại Serie A, lần lượt khoác áo Torino, Siena, Parma và Atalanta. Anh nâng tổng số bàn thắng của mình tại giải đấu này lên con số 113. Lần cuối cùng anh điền tên mình lên bảng tỷ số là vào ngày 28/3/2010, sau pha dứt điểm tung lưới Juventus ở tuổi 35. Mùa hè năm 2011, sau một mùa giải ở Serie B cùng Atalanta và không được ra sân lần nào, Amoruso rời tỉnh Bergamo và xin tập luyện cùng đội bóng cũ Perugia để duy trì thể lực. Tuy nhiên, đến ngày 29/8/2011, trong dịp sinh nhật tuổi 37, anh quyết định giã từ sự nghiệp cầu thủ.
Cùng với Marco Borriello, Amoruso thiết lập kỷ lục ghi bàn tại Serie A trong màu áo 12 đội bóng khác nhau. Tuy nhiên, anh không cảm thấy vui vẻ khi nói về điều này: “Mọi chuyện không như mong muốn. Tôi thường xuyên phải rời đội bóng như bị cưỡng ép. Mặc dù vậy, sự thay đổi CLB liên tục cũng giúp tôi nhận được nhiều điều tốt đẹp. Tôi có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở các thành phố khác nhau, gặp gỡ những con người mới và đến những địa điểm mới. Về mặt cá nhân, tôi thực sự làm giàu cho bản thân mình”.
(Lược dịch từ bài “Nicola Amoruso, l’attaccante italiano più prolifico che non ha mai giocato in Nazionale” trên tờ Goal).