Khi nhắc đến Hector Cuper, nhiều người sẽ cảm thấy tiếc nuối. Chiến lược gia người Argentina rất tài năng, nhưng đội bóng của ông lại thường xuyên gục ngã trước vạch đích và đành sắm vai kẻ về nhì.
Trong thể thao, khái niệm “chiến thắng” được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Pierre de Coubertin, người đề xuất tổ chức Thế vận hội Olympic hiện đại, từng nói: “Điều quan trọng nhất không phải là chiến thắng, mà là sự nỗ lực của các bạn”. Trong khi đó, Cố Chủ tịch Giampiero Boniperti của Juventus lại từng tuyên bố mạnh mẽ: “Chiến thắng không phải là điều quan trọng, mà là điều quan trọng nhất”.
Khi nói về “chiến thắng”, mỗi người sẽ có quan điểm riêng. Song tựu chung, chúng ta có thể chia làm 2 hướng: chiến thắng chính bản thân mình hoặc chiến thắng các đối thủ để giành lấy vinh quang. Dù suy nghĩ theo hướng nào, bạn cũng cảm thấy những người theo suy nghĩ còn lại đang tạo nên một thế giới đối lập. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cả hai hướng suy nghĩ ấy cùng tồn tại trong một con người. Hai cây viết nổi tiếng của báo chí Italia, Gianni Brera và Gino Palumbo, từng chỉ ra một người như vậy: Hector Cuper.
Trong thời gian làm HLV, Cuper thường được biết đến với biệt danh “Kẻ về nhì vĩ đại”. Có nhiều thời điểm, đội bóng của ông chỉ còn cách chiếc cúp vô địch khoảng vài phút, nhưng vẫn không thể chạm tới. Chiến lược gia người Argentina thường được mọi người nhìn với ánh mắt thương cảm. Song cũng không ít người cảm thấy khâm phục Cuper, bởi ông luôn ngẩng cao đầu, không bao giờ suy sụp sau mỗi thất bại.

Kẻ về nhì vĩ đại
Sau khi tuyên bố giã từ sự nghiệp cầu thủ đầy vinh quang vào năm 1992, Cuper được CLB Huracan bổ nhiệm làm HLV trưởng. Năm 1994, ông giúp đội bóng của mình cán đích ở vị trí thứ hai tại giải vô địch Clausura. Kết quả này không hề tệ, bởi Huracan chỉ xếp sau Independiente hùng mạnh. Tuy nhiên, Cuper vẫn cảm thấy tiếc nuối.
Hai năm sau, ông chuyển sang dẫn dắt Lanus, cùng đội bóng này vô địch CONMEBOL Cup (giải đấu tiền thân của Copa Sudamericana, tương đương với UEFA Cup hay Europa League ở châu Âu). Thành công vang dội ấy giúp danh tiếng của Cuper vang xa, vượt ra khỏi biên giới Nam Mỹ. Năm 1997, Mallorca đưa nhà cầm quân 42 tuổi sang làm việc ở Tây Ban Nha. Dưới sự dẫn dắt của ông, đội bóng xứ đảo trình diễn lối chơi đẹp mắt và không kém phần hiệu quả, tiêu biểu là việc cán đích ở vị trí thứ ba tại LaLiga 1998/99. Song cũng kể từ đây, danh xưng “Kẻ về nhì vĩ đại” bắt đầu được biết đến rộng rãi. Cuper giúp Mallorca đánh bại Barcelona hùng mạnh trong trận tranh Siêu cúp Tây Ban Nha. Mặc dù vậy, không nhiều người nhớ đến Cuper với danh hiệu này bằng việc ông thất bại trong trận chung kết Copa del Rey 1997/98 và UEFA Cup Winners’ Cup 1998/99.
Bất chấp nỗi thất vọng ấy, có một sự thật không thể phủ nhận: Mallorca chính là bàn đạp hoàn hảo, giúp Cuper được nhiều đội bóng lớn ở Tây Ban Nha quan tâm. Năm 1999, ông gia nhập Valencia và làm việc ở sân Mestalla trong 2 năm. Kịch bản tương tự quãng thời gian ở Mallorca được lặp lại. Ngay trong mùa giải đầu tiên, Cuper giúp “Bầy dơi” vượt qua Barcelona để giành Siêu cúp Tây Ban Nha. Sau đó, ông đưa đội bóng của mình tiến vào trận chung kết Champions League đến 2 lần. Kết quả của Valencia không khó để dự đoán: thất bại.
Tuy nhiên, dư vị của mỗi thất bại ấy lại hoàn toàn khác nhau. Mùa giải 1999/00, họ thua Real Madrid 0-3 một cách tâm phục khẩu phục. Còn ở mùa giải 2000/01, “Bầy dơi” lại phải đón nhận sự cay đắng trước Bayern Munich. Valencia khởi đầu thuận lợi khi Gaizka Mendieta mở tỷ số từ chấm phạt đền chỉ sau 3 phút bóng lăn. Thế nhưng, đến đầu hiệp hai, Stefan Effenberg gỡ hòa 1-1 cho “Hùm xám xứ Bavaria” cũng từ một quả penalty. Tỷ số này được giữ nguyên cho đến khi thời gian thi đấu chính thức kết thúc. Bước vào hiệp phụ, mọi chuyện vẫn chưa được định đoạt. Vì vậy, hai đội buộc phải phân định thắng thua bằng loạt penalty cân não. Sau 5 lượt sút đầu tiên, kết quả vẫn cân bằng 3-3. Paulo Sergio và Patrik Andersson bên phía Bayern Munich sút hỏng. Song bên phía Valencia, Zlatko Zahovic và Amedeo Carboni cũng chẳng làm tốt hơn. Phải đến lượt sút thứ 7, chiếc cúp bạc danh giá mới tìm được chủ nhân. Pha dứt điểm của Mauricio Pellegrino không đủ hiểm hóc để đánh bại Oliver Kahn, góp phần khiến Valencia tiếp tục lỡ hẹn với ngôi vô địch.

Cuper – Ronaldo và mâu thuẫn không thể hàn gắn
HLV Cuper thêm một lần nữa sắm vai “kẻ về nhì”. Tuy nhiên, ông vẫn được đánh giá là một chiến lược gia tài năng. Với những gì đã làm ở sân Mestalla, Cuper lọt vào mắt xanh của Chủ tịch Inter Milan, Massimo Moratti. Vị tỷ phú dầu mỏ luôn khao khát mang Scudetto về cho Nerazzurri, giải tỏa cơn khát danh hiệu này kể từ năm 1989. Ngoài ra, ông cũng muốn được chứng kiến thứ bóng đá lãng mạn xuất hiện ở sân Giuseppe Meazza. Trong suy nghĩ của ngài Moratti, Cuper là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Đến ngày 4/6/2001, chiến lược gia 45 tuổi ký hợp đồng 2 năm với Inter Milan, nhận mức đãi ngộ lên tới 8 tỷ lire.
Cuper không mất nhiều thời gian để tạo ấn tượng tốt đẹp ở đội bóng mới. Ông sử dụng sơ đồ 4-4-2 đầy chắc chắn nhưng cũng không kém phần hoa mỹ. Ngoài ra, nhà cầm quân người Argentina cũng thu hút sự chú ý với hành động đấm vào ngực từng học trò trước mỗi trận đấu. Cử chỉ ấy cho thấy sự thân thiện giữa ông và các cầu thủ, đồng thời giúp họ như được truyền ngọn lửa quyết tâm để hướng đến chiến thắng.
Trong loạt trận giao hữu trước mùa giải 2001/02, Cuper giúp Inter Milan đánh bại Real Madrid một cách vang dội ngay tại sân Santiago Bernabeu. Bước vào đường đua Serie A, Nerazzurri ngự trị trên ngôi đầu bảng kể từ vòng đấu thứ năm. Sau đó, họ có đôi ba lần bị hất văng khỏi vị trí số một. Nhưng nhờ những bước tiến mạnh mẽ và “tinh thần Cuper”, họ nhanh chóng quay trở lại, giữ chặt ngai vàng cho đến khi bước vào vòng đấu cuối cùng.
Theo thứ tự trên bảng xếp hạng, Inter Milan đứng đầu với 69 điểm. Juventus sở hữu 68 điểm và đứng thứ hai, trong khi nhà đương kim vô địch AS Roma đứng thứ ba với 1 điểm ít hơn “Lão phu nhân”. Như vậy, thầy trò HLV Cuper đang nắm quyền tự quyết trong cuộc đua giành Scudetto. Ngày 5/5/2002, họ sẽ trở thành tân vương của Serie A nếu đánh bại một Lazio đang bất ổn và đã hết động lực ngay tại sân Olimpico của đối thủ. Song điều đó đã không xảy ra. Lazio bất ngờ thi đấu như lên đồng. Sau 90 phút bóng lăn, Inter Milan phơi áo với tỷ số 2-4 đầy bẽ bàng. Ở những trận đấu còn lại, Juventus và AS Roma đều giành chiến thắng, gián tiếp đẩy Nerazzurri xuống vị trí thứ ba.

Nốt trầm lớn nhất của Inter Milan tại sân Olimpico là những giọt nước mắt của “Người ngoài hành tinh” Ronaldo. Anh bị thay ra trong hiệp hai, bật khóc ngay khi vừa ngồi xuống băng ghế dự bị và khiến cả thế giới xúc động. Thất bại ấy là khúc dạo đầu cho mối quan hệ căng thẳng giữa Ronaldo và Cuper. Mâu thuẫn không thể hàn gắn của cả hai đã đẩy chủ tịch Moratti vào thế phải lựa chọn. Vị tỷ phú dầu mỏ dành tình cảm rất lớn cho Ronaldo, nhưng ông phải giữ Cuper ở lại để giúp Inter Milan có sự ổn định. Không lâu sau, tiền đạo người Brazil bị bán cho Real Madrid. Trong một buổi trả lời phỏng vấn vào năm 2019 nhân sự kiện Đại hội thể thao Trento, chính Ronaldo đã xác nhận:
“Tôi chưa bao giờ muốn rời Inter Milan, nơi tôi luôn cảm thấy như là nhà của mình. Tôi cũng chưa bao giờ làm loạn, yêu cầu ngài Chủ tịch phải sa thải một HLV. Đó không phải là điều một cầu thủ chuyên nghiệp nên làm. Thật không may, mâu thuẫn giữa tôi và Cuper đã lên đến đỉnh điểm. Tôi không hề thích thái độ và cách làm việc của ông ấy. Sau khi Inter Milan không giành được Scudetto, tôi nghĩ Cuper sẽ bị sa thải. Nhưng thay vào đó, tôi mới là người phải ra đi. Vì lòng tự trọng, tôi buộc phải rời Inter Milan. Nhiều người hâm mộ bắt đầu nhìn tôi bằng sự căm giận hơn là tình yêu”.
Dù không còn Ronaldo trong đội hình, Inter Milan của Cuper vẫn chơi rất hay. Thậm chí, thành tích của họ ở mùa giải 2002/03 còn tốt hơn so với mùa giải trước đó. Nerazzurri về nhì ở Serie A, tiến vào bán kết Champions League và chỉ bị AC Milan loại vì luật bàn thắng sân khách. Hai trận đấu cùng diễn ra trên sân San Siro trong vòng một tuần. Ở trận lượt đi, AC Milan được xem là đội chủ nhà và cầm hòa đối thủ cùng thành phố 0-0. Trận lượt về kết thúc với tỷ số 1-1, chừng đó là đủ để khiến đội quân áo sọc xanh đen phải dừng bước. Cuper gây thất vọng không? Có chứ, nhưng suy nghĩ ấy chỉ hiện lên ngay khi Inter Milan vừa gục ngã. Thời gian trôi qua, nhiều người cho rằng chiến lược gia người Argentina chỉ kém may mắn mà thôi. Chủ tịch Moratti cũng suy nghĩ như vậy và vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào vị HLV của mình.

Sang mùa giải 2003/04, Inter Milan khởi đầu chiến dịch Champions League theo cách không thể hoàn hảo hơn, khi đánh bại Arsenal 3-0 ngay tại Highbury, rồi vượt qua Dynamo Kyiv 2-1 trên sân nhà San Siro. Ở đấu trường Serie A, Inter Milan cũng giành trọn vẹn 6 điểm ở 2 trận mở màn. Thế nhưng, tình hình tồi tệ bắt đầu đến. Nerazzurri bị cầm hòa không bàn thắng khi chạm trán Sampdoria và Udinese, rồi nhận thất bại 1-3 trong trận Derby della Madonina. Đến ngày 18/10/2003, Inter Milan chỉ giành được 1 điểm trên sân của Brescia và rơi xuống vị trí thứ tám trên bảng xếp hạng. Ngay lập tức, Cuper bị sa thải, nhường “ghế nóng” cho Alberto Zaccheroni.
Dù mất việc, Cuper không quá thất vọng về bản thân mình. Thay vào đó, ông nhìn thấy nhiều điểm tích cực trong chuyến phiêu lưu cùng Inter Milan và tự hào về những điều mình đã làm được. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với La Gazzetta dello Sport vào tháng 4/2018, ông chia sẻ: “Điều ấn tượng nhất mà tôi đã làm ở Inter Milan đó là khôi phục sự tự tin nơi nội bộ đội bóng sau nhiều năm hỗn loạn. Các cầu thủ đều tin rằng ‘Chúng ta sẽ trở lại mạnh mẽ hơn’. Đó là yếu tố giúp chúng tôi thăng tiến qua từng trận đấu”.
21 năm lang bạt khắp thế giới của Cuper
Quãng thời gian dẫn dắt Inter Milan cũng là giai đoạn đẹp nhất trong sự nghiệp của Cuper. Sau khi chia tay Nerazzurri, chiến lược gia người Argentina nhận lời dẫn dắt Mallorca rồi Real Betis, nhưng không để lại nhiều ấn tượng và thành công. Ngày 11/3/2008, Cuper trở về Italia để gia nhập Parma, thay thế vị trí của Domenico Di Carlo. Tuy nhiên, ông không thể giúp “con tàu đắm” được ở lại Serie A và thậm chí còn bị sa thải mà không có cơ hội đối đầu với đội bóng cũ Inetr Milan trong trận đấu cuối cùng của mùa giải.

Rời sân Ennio Tardini, Cuper tiếp tục hành trình lang bạt khắp thế giới, làm việc ở 9 quốc gia khác nhau trong vòng 15 năm. Ông đưa Aris Thessaloniki tiến vào trận chung kết Cúp quốc gia Hy Lạp, nơi họ gục ngã trước Panathinaikos. Năm 2015, Cuper nhận lời mời từ Liên đoàn bóng đá Ai Cập và gắn bó với đội tuyển quốc gia Bắc Phi này đến năm 2018. Tại đây, ông có thêm một lần về nhì, khi “đội quân Pharaoh” nhận thất bại 1-2 trước “sư tử bất khuất” Cameroon trong trận đấu cuối cùng của AFCON 2017. Cũng ở xứ sở kim tự tháp, dấu ấn đáng nhớ nhất của Cuper là giúp bóng đá Ai Cập trở lại vòng chung kết World Cup sau 28 năm chờ đợi. Ở ngày hội bóng đá thế giới trên đất Nga, tuyển Ai Cập không giành được điểm nào ở vòng bảng. Cuper hiểu rằng hành trình của mình với Mohamed Salah và các đồng đội đã đến lúc phải kết thúc. Ngay sau giải đấu, ông nộp đơn từ chức.
Chỉ sau vài tuần thất nghiệp, Cuper được bổ nhiệm làm HLV trưởng của tuyển Uzbekistan. Tuy nhiên, hành trình ấy không kéo dài bao lâu. Rời khu vực Trung Á, ông tiếp tục nhận lời dẫn dắt tuyển Cộng hòa dân chủ Congo và tuyển Syria. Ở tuổi 69, cựu HLV Inter Milan vẫn miệt mài tìm kiếm danh hiệu sau vô số lần thất bại, đồng thời để người hâm mộ tiếp tục nhắc đến tên mình mỗi khi có dịp. Đối với nhiều người, cái tên Hector Cuper thực sự mang đến rất nhiều sự hoài niệm.
(Lược dịch từ bài “Finali perse e secondi posti: Hector Cuper, l’hombre vertical con la fama di eterno sconfitto” trên trang Goal).
BÀI VIẾT KHÁC ⭢
TƯỜNG THUẬT: HLV Gennaro Gattuso họp báo ra mắt tuyển Italia
Cristian Chivu: “Tôi luôn sống với tinh thần Interismo!”
Ricardo Rodriguez: “Tôi bị Gattuso cho ăn tát vài lần”
Ngày 28/4/2004 – Lần cuối cùng Roberto Baggio khoác áo tuyển Italia
Luciano Spalletti: “Tôi phải chịu trách nhiệm, xin đừng thương hại tôi”
Marcos Evangelista Cafu: “Chiếc Pendolino vĩnh cửu” nơi hành lang phải
Roberto Baggio: “Tôi từng thấy xấu hổ khi cầm phong bì tiền lương”
Buổi họp báo đặc biệt với Donnarumma