Graziano Pellè: Nhà tiên tri không dành cho Serie A

Pellè

Graziano Pellè từng gây ấn tượng mạnh, được người hâm mộ gọi tên từ châu Âu sang châu Á. Nhưng sự nghiệp cầu thủ của anh sẽ đẹp hơn nếu có những màn trình diễn bùng nổ trên sân cỏ Serie A và tuyển Italia.

Sách Phúc âm có một câu ngạn ngữ theo tiếng Latin cổ: “Nemo propta in patria”. Ý nghĩa của câu ngạn ngữ ấy là “Không một ai là nhà tiên tri trên mảnh đất của mình”. Graziano Pellè từng đọc hết sách Phúc âm hay chưa? Chỉ mình cựu tiền đạo Lecce trả lời được câu hỏi này. Song nếu nghe qua câu “Nemo propta in patria”, anh sẽ thấy sự nghiệp cầu thủ của mình có thể được mô tả như vậy.

Pellè chưa bao giờ bùng nổ trên sân cỏ Serie A (và có lẽ là không bao giờ). Tuy nhiên, anh lại thi đấu cực kỳ ấn tượng khi khoác áo các đội bóng nước ngoài, từ Hà Lan đến Anh rồi Trung Quốc. Chính những màn trình diễn ấn tượng tại Premier League giúp Pellè nhận được cuộc gọi từ HLV Antonio Conte để tham dự EURO 2016. Còn lại, không nhiều người nhớ rằng anh từng có mặt trong đội hình của hàng loạt CLB ở Italia như Lecce, Crotone, Catania, Cesena, Sampdoria. Đến khi trở lại Parma trong buổi hoàng hôn của sự nghiệp, Pellè cũng thi đấu rất mờ nhạt.

Đó chưa phải là tất cả. Cuộc đời của Pellè còn nhiều câu chuyện thú vị khác nữa.

Pellè
Graziano Pellè ở giải U21 EURO năm 2007. Ảnh: Getty Images.

Suýt trở thành vũ công

Ngày 15/7/1985, Pellè cất tiếng khóc chào đời ở San Cesario di Lecce. Cha của anh, ông Roberto Pellè, quá say mê những bàn thắng của Francesco Graziani, tiền đạo từng khoác áo Arezzo, Torino, Fiorentina, AS Roma và Udinese từ thập niên 1970. Vì vậy, ông đặt tên cho cậu con trai là Graziano, như muốn gửi gắm tình yêu bóng đá vào thế hệ tương lai.

Cậu bé Pellè bắt đầu tập luyện bóng đá ở lò đào tạo địa phương Copertino, trước khi gia nhập đội trẻ của Lecce. Ngay từ những ngày thơ ấu, anh phải đứng trước sự lựa chọn giữa niềm đam mê bóng đá và khiêu vũ. Năm 11 tuổi, Pellè thậm chí còn kết hợp với chị gái Fabiana của mình thi đấu và giành giải nhất ở cuộc thi vũ điệu Latin. Mẹ của anh, bà Doriana, kể lại trên tờ La Gazzetta dello Sport với tất cả niềm tự hào:

“Tôi và chồng thường khiêu vũ tại trung tâm Colelli ở Porto Cesareo. Trong số các con của chúng tôi, chị cả Fabiana quyết định thử học theo. Sau vài tháng, Graziano cũng tham gia các khóa học khiêu vũ. Nó thường thay quân ở trong xe rồi đến học ở Copertino, sau đó tập luyện bóng đá ở đội trẻ của Lecce cùng HLV Antonio Lillo. Năm 11 tuổi, Graziano cùng Fabiana tham gia cuộc thi vũ điệu Latin dành cho người Italia ở Montecatini. Cả hai nhảy rất mượt mà, đạt đến chuẩn mực và đứng hạng nhất”.

Đó là bước đệm tuyệt vời để Pellè trở thành vũ công chuyên nghiệp. Song bóng đá mới là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời anh. Thay vì khoác bộ vest lịch lãm lên cơ thể thơm mùi nước hoa và tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, anh lựa chọn bộ quần đùi áo số, xỏ giày rồi tranh bóng trên sân cỏ bụi bặm.

Pellè cùng các đồng đội giúp Lecce 2 lần vô địch giải Primavera. Trong cả 2 lần ấy, họ đều đánh bại Inter Milan ở trận cuối cùng. Với sự tiến bộ vượt bậc, vào ngày 11/1/2004, chàng trai 19 tuổi được trao cơ hội ra mắt Serie A trong trận đấu với Bologna. Ba tháng sau, anh có thêm 32 phút xuất hiện trong cuộc tiếp đón AS Roma. Các chuyên gia đánh giá Pellè còn cả tương lai rất dài phía trước và có thể trở thành trụ cột tại sân Via del Mare. Tuy nhiên, HLV Zdenek Zeman không nghĩ vậy. Đến tháng 1/2005, Pellè bị đẩy sang Catania theo dạng cho mượn. Sau đó một năm, anh tiếp tục được gửi đến Crotone, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Gian Piero Gasperini.

Cũng trong năm 2005, Pellè trở thành người lĩnh xướng hàng công của đội U20 Italia, ghi 4 bàn thắng ở giải U20 World Cup. Thành tích này ngang bằng với một ngôi sao của bóng đá thế giới trong tương lai, David Silva. Quá ấn tượng với màn trình diễn của chàng trai người Italia, Real Madrid mang 4 triệu euro đến gõ cửa Lecce để đưa anh về. Đáp lại, đại diện của Serie A dành cho phía đối tác cái lắc đầu từ chối.

Vào tháng 10 năm ấy, Pellè được triệu tập vào đội U21 Italia, chuẩn bị cho giải U21 EURO. Tại vòng chung kết vào năm 2007, Italia còn có nhiều cái tên quen thuộc như Giorgio Chiellini, Antonio Nocerino, Riccardo Montolivo, Alberto Aquilani, Giampaolo Pazzini. Song Azzurrini chỉ đứng thứ ba ở vòng bảng, phải bước vào trận play-off với đối thủ Bồ Đào Nha để tranh vé dự Olympic. Tỷ số 0-0 sau 120 phút buộc hai đội phải bước vào loạt penalty. Trong giây phút căng thẳng, Pellè vẫn kịp cá cược với Montolivo, Chiellini về việc áp dụng động tác kỹ thuật sút của riêng mình. Cuối cùng, anh thực hiện chính xác quả đá đầu tiên, mở ra chiến thắng cho U21 Italia.

Ở mùa giải 2006/07, Pellè ghi 11 bàn cho Cesena tại Serie B. Cùng với màn trình diễn tốt ở giải U21 EURO, anh được HLV Louis van Gaal của AZ Alkmaar chú ý. “Ngài Tulip thép” nổi tiếng về việc mài giũa những viên ngọc thô, và Pellè cũng không ngoại lệ. Cha Roberto của anh từng thừa nhận trên La Gazzetta dello Sport: “Nếu không gặp nhà cầm quân người Hà Lan, có lẽ bây giờ con trai tôi đang làm thợ mộc hoặc nhân viên bán cà phê, và cùng tôi ngồi trên xe tải”.

AZ Alkmaar
Van Gaal có ơn rất lớn đối với sự nghiệp của Pellè. Ảnh: Getty Images.

Dù được đánh giá là có tiến bộ, thành tích của Pellè không tốt như mong đợi. Anh chỉ ghi vỏn vẹn 4 bàn sau 4 mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Hà Lan. Tuy nhiên, anh vẫn đạt được một số điều đủ để cảm thấy hài lòng, như trở thành cầu thủ người Italia đầu tiên vô địch Eredivisie, có màn ra mắt UEFA Cup và Champions League.

Mùa hè năm 2011, Pellè trở lại Italia để khoác áo Parma. Ngày 21/8/2011, anh ghi bàn thắng đầu tiên tại Coppa Italia, góp công giúp đội bóng vùng Emilia-Romagna đánh bại Grosseto 4-1. Đến ngày 18/12/2011, Pellè có lần đầu tiên điền tên mình lên bảng tỷ số tại Serie A. Trùng hợp thay, đội bóng bị anh chọc thủng lưới lại chính là Lecce.

Ngọt ngào và đắng cay

Bước sang năm mới, Pellè được gửi đến Sampdoria theo dạng cho mượn. Tại Serie B, anh ghi 4 bàn thắng, góp công đưa đội bóng thành Genova lên hạng. Song chừng đó chưa đủ để tiền đạo 26 tuổi được ban lãnh đạo Sampdoria mua đứt, và anh buộc phải trở lại Parma. Đến tháng 8/2012, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Pellè xuất hiện. Anh trở lại Hà Lan để gia nhập Feyenoord, CLB đang được dẫn dắt bởi HLV nổi tiếng Ronald Koeman. Nhiều người hâm mộ chờ đợi ở sân bay để chào đón Pellè. Họ chưa thể quên những màn trình diễn của anh trong màu áo AZ Alkmaar nửa thập kỷ trước.

Đáp lại sự kỳ vọng, chàng vũ công năm nào ghi đến 55 bàn trong 2 mùa giải tại Feyenoord. Riêng mùa giải 2012/13, anh sút tung lưới đối phương 27 lần ở Eredivisie, trở thành cầu thủ người Italia có nhiều bàn thắng thứ hai ở một giải VĐQG nước ngoài. Thành tích của anh chỉ xếp sau Marco Negri, người ghi 32 bàn cho Glasgow Rangers ở Scottish Premier League 1997/98. Ngay cả Luca Toni trong thời gian khoác áo Bayern Munich hay Christian Vieri ở Atletico Madrid cũng không thể làm tốt hơn Pellè. Đáng tiếc, cựu tiền đạo Parma không thể thuyết phục HLV Cesare Prandelli để được triệu tập vào đội hình tuyển Italia tham dự World Cup 2014.

Bên ngoài sân cỏ, cuộc sống ở Hà Lan của Pellè càng tươi đẹp hơn khi anh tìm được một người nguyện gắn bó với mình suốt cuộc đời: Viktoria Varga, người mẫu đến từ Hungary. Cả hai hẹn hò trong thời gian Pellè khoác áo AZ Alkmaar và vừa tổ chức hôn lễ trong mơ tại Ostuni, Salento vào đầu tháng 7/2022.

Đặt mua áo đấu của tuyển Italia tại đây

Màn trình diễn trên đất Hà Lan giúp Pellè được nhiều đội bóng ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu chú ý. Mùa hè năm 2014, anh chuyển đến Southampton với giá 11 triệu euro, theo tiếng gọi của Ronald Koeman. Tại Premier League, cầu thủ 29 tuổi tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng, với 30 lần điền tên mình lên bảng tỷ số trong 2 mùa giải cống hiến cho The Saints.

Prandelli từng ngó lơ Pellè, nhưng Antonio Conte thì không. Ông nhanh chóng triệu tập cậu học trò đồng hương lên tuyển Italia. Tháng 10/2014, Pellè lần đầu tiên khoác áo Azzurri, cùng các đồng đội chạm trán Malta tại vòng loại EURO 2016. Chính anh ghi bàn thắng duy nhất, giúp tuyển Italia có được trọn vẹn 3 điểm. Theo thời gian, những gì Pellè thể hiện trong lúc tập luyện và thi đấu làm cho HLV Conte rất hài lòng. Ở tuổi gần 30, tiền đạo người Lecce nhanh chóng trở thành trụ cột ở tuyển Italia, ghi 3 bàn thắng trong 7 trận ở vòng loại ngày hội bóng đá châu Âu. Không chân sút nào trong đội hình của Conte làm tốt hơn anh.

Bước vào vòng chung kết trên đất Pháp, Pellè sát cánh cùng Eder trên hàng công của Azzurri theo sơ đồ 3-5-2. Anh ghi 2 bàn, giúp tuyển Italia đánh bại tuyển Bỉ ở trận mở màn và vượt qua đối thủ nhiều duyên nợ Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Đội quân thiên thanh khi ấy không có nhiều ngôi sao, nhưng thi đấu rất đoàn kết, phòng ngự đầy khoa học, được HLV Conte truyền lửa bên ngoài đường pitch.

Pellè
Sự nghiệp của Pellè và hành trình của tuyển Italia tại EURO 2016 có thể sẽ khác nếu hình ảnh này không xuất hiện. Ảnh: Getty Images.

Ở trận tứ kết với tuyển Đức, các tifosi kỳ vọng Azzurri sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện cổ tích. Đáng tiếc, điều đó không xảy ra sau 9 loạt sút penalty cân não. Ở lượt sút thứ tư, Pellè chạy đà và dứt điểm theo cách giống như tại giải U21 EURO năm 2007. Nhưng lần này, anh không thành công. Ngay khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, tiền đạo của Southampton phải hứng chịu những lời chỉ trích thậm tệ. Quá sức chịu đựng, anh lên tiếng thanh minh trên Sky Sport vào ngày hôm sau:

“Tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai. Manuel Neuer nói tôi là cầu thủ tuyệt vời. Thomas Muller và người khác cũng vậy. Tôi không hề nói khoác. Tôi và Neuer nhìn vào mắt nhau trong lúc thực hiện, anh ấy cũng không biết tôi sẽ sút ra sao. Sau tất cả, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến những người yêu mến tôi và toàn thể người hâm mộ tuyển Italia. Trong sự nghiệp của mình, tôi từng ghi nhiều bàn thắng theo cách này. Nếu tôi đưa bóng vào lưới Neuer, mọi người sẽ gọi tôi là hiện tượng. Nhưng cuối cùng, mọi chuyện lại trở nên tồi tệ. Tôi có chơi tốt ở EURO này không? Thật khó để trả lời. Khi đến đây, tôi không là ngôi sao nào cả. Và bây giờ, tôi rời đi như cách tôi đã đến”.

Chưa đầy nửa tháng sau, tâm lý của Pellè không còn bị ám ảnh bởi thất bại trước tuyển Đức. Anh quyết định thực hiện chuyến phiêu lưu mới, chấp nhận đến Trung Quốc để khoác áo Shandong Luneng. Tại đất nước tỷ dân, anh nhận mức lương 15 triệu euro mỗi năm, Southampton cũng thu về 15 triệu euro từ thương vụ này. Dù rời xa môi trường bóng đá đỉnh cao, cánh cửa lên tuyển Italia vẫn mở rộng với Pellè. Tuy nhiên, anh lại tự đóng sập cánh cửa ấy. Ngày 6/10/2016, Azzurri gặp lại Tây Ban Nha trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Phút 60, Pellè được tân HLV Gian Piero Ventura rút ra nghỉ. Cảm thấy không hài lòng, anh từ chối bắt tay Ventura và liên tục thốt ra lời lẽ không hay trên băng ghế dự bị.

Hình ảnh xấu xí ấy lọt vào ống kính truyền thông. Liên đoàn bóng đá Italia không thể bỏ qua, quyết định loại Pellè ra khỏi đội tuyển và không bao giờ triệu tập anh nữa. Nhận ra sai lầm, cựu tiền đạo Lecce nhanh chóng nói lời xin lỗi trên mạng xã hội: “Thật không may, tôi lại tự đánh lừa bản thân mình thêm một lần nữa. Hành vi của tôi không thể chấp nhận được đối với HLV và các đồng đội, những người luôn chứng tỏ rằng họ đủ khả năng để cống hiến cho tập thể Italia tuyệt vời. Bất kỳ sai lầm nghiêm trọng nào cũng dẫn đến hậu quả. Tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra và gửi lời xin lỗi chân thành đến mọi người”.

Shandong Luneng
Pellè có quá nhiều niềm hạnh phúc tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Sự nghiệp quốc tế của Pellè kết thúc. Song khi trở về CLB, những điều tốt đẹp đang chờ đợi anh. Trong hơn 4 năm khoác áo Shandong Luneng, anh ghi 53 bàn thắng, cùng đội bóng của mình chinh chiến ở đấu trường quốc nội và châu lục. Tháng 1/2021, Pellè trở về cống hiến cho Parma. Ở tuổi 35, anh ra sân 13 trận nhưng chỉ ghi được 1 bàn thắng và không thể giúp đội chủ sân Ennio Tardini trụ hạng.

Hiện tại, Pellè đang thất nghiệp, không ai biết anh có ý định tiếp tục làm cầu thủ nữa hay không. Khi dấu hiệu tuổi tác đã hiện rõ trên từng bước chạy, thật khó để anh thi đấu bùng nổ trên sân cỏ Serie A dù chỉ một mùa giải. Đúng như trong sách Phúc âm, Pellè không thể là nhà tiên tri trên mảnh đất của mình.

(Lược dịch từ bài “Pellé, ‘The Italian goal machine’ e il cucchiaio maledetto” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane