Gianluigi Lentini: Tai nạn kinh hoàng của ngôi sao đắt giá nhất thế giới

Lentini

Ở tuổi 24, Gianluigi Lentini trở thành thần tượng về vẻ đẹp trai, và khiến các milanisti say đắm sau mỗi bước chạy. Nhưng tai nạn ô tô nghiêm trọng trên đường đến Genova đã lấy đi của anh tất cả.

Với tài năng bẩm sinh, Gianluigi Lentini được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành nhà vô địch toàn diện của bóng đá Italia và thế giới, tỏa sáng rực rỡ để người đời sau ca tụng như Roberto Baggio. Anh là một cầu thủ chạy cánh đẳng cấp, sở hữu nền tảng thể lực dồi dào, khả năng rê bóng ở tốc độ cao rồi sút tung mành lưới đối thủ. Vào một ngày bình thường, anh có thể khiến các đối thủ mệt nhoài, còn người hâm mộ như say trong cơn mê. Công thức của anh rất đơn giản: giữ bóng, quan sát vài giây rồi dùng tốc độ và khả năng rê dắt để vượt qua chướng ngại ở trước mặt.

Lentini trưởng thành từ lò đào tạo của Torino và có màn ra mắt Serie A trong màu áo đội bóng này. Sau đó, anh được tích lũy kinh nghiệm ở Ancona, gây ấn tượng mạnh cùng “Grande Milan” của Fabio Capello và được chờ đợi sẽ tỏa sáng rực rỡ ở mùa hè World Cup 1994 trong đội hình tuyển Italia của Arrigo Sacchi. Tiếc thay, tai nạn xe hơi khủng khiếp vào ngày 2/8/1993 đã khiến cuộc đời và sự nghiệp của anh rẽ sang một hướng khác. Lentini bình phục, trở lại với bóng đá nhưng không bao giờ có những màn trình diễn đẳng cấp như trước nữa.

Lentini
Lentini trong màu áo Torino.

Viên ngọc ở Torino

Gianluigi Lentini (tên thường gọi là Gigi) cất tiếng khóc chào đời vào ngày 27/3/1969 tại Carmagnola, thành phố cách Torino khoảng 30km về phía nam. Thời thơ ấu của anh gắn liền với mảnh đất Villastellone. Cha mẹ anh là người Sicilia di cư đến vùng nông thôn Piemonte này.

Lentini yêu bóng đá từ khi còn rất nhỏ. Năm 1979, khi tròn 10 tuổi, các HLV ở Torino phát hiện ra tài năng của anh trong buổi tuyển quân tại Campo Agnelli. Anh được gửi đến trường bóng đá Barcanova trong 2 năm, nơi cựu tiền đạo Ercole Rabitti trực tiếp dẫn dắt. Năm 1983, anh gia nhập đội Berretti, đội thiếu niên thuộc Torino khi ấy do HLV Gianni Bui phụ trách. Cựu trung vệ này truyền cho Lentini rất nhiều kinh nghiệm, giúp anh ngày càng trưởng thành. Theo đà thăng tiến, anh tiếp tục gia nhập đội Primavera của Torino, được HLV Sergio Vatta mài giũa. Dưới sự hướng dẫn của người được xem là bậc thầy trong công tác đào tạo trẻ, Lentini tiến bộ vượt bậc và sẵn sàng tỏa sáng ở sân chơi chuyên nghiệp.

Lentini thuận cả hai chân, chủ yếu hoạt động ở cánh. Nhờ thể lực dồi dào, anh còn cho thấy sự đa năng trên mặt trận tấn công. Luigi Radice, HLV đội một Torino, tỉ mỉ quan sát chàng trai cao gầy này và nhận ra anh sở hữu tốc độ giống như một con ngựa phi nước đại. Quá ấn tượng với Lentini, ông bắt đầu điền tên cầu thủ người Carmagnola vào danh sách đăng ký thi đấu từ tháng 10/1986. Khi Wim Kieft bị chấn thương và phải nghỉ thi đấu 2 tháng, Radice không ngần ngại ném cậu học trò mới vào cuộc chiến ở Serie A. Ngày 23/11/1986, Lentini ra mắt giải đấu hấp dẫn nhất Italia khi mới 17 tuổi. Torino để thua 0-2, nhưng màn trình diễn của Gigi trong 10 phút có mặt trên sân vẫn đáng để kỳ vọng.

Kể từ đây, Lentini gắn bó với đội một. Anh chỉ có đôi lần trở về đội Primavera vào tháng 2/1987 để cùng những người bạn đồng trang lứa làm nên lịch sử: vô địch giải Viareggio lần thứ ba trong vòng 4 năm. Ngoài Lentini, đội quân của HLV Vatta khi ấy còn có những nhân tố nổi bật khác như Diego Fuser, Giorgio Venturin, Giorgio Bresciani và Frederic Massara. Trong trận chung kết, họ vùi dập Fiorentina đến 4-1, Fuser lập cú đúp. Đó cũng là danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp của Lentini.

Sau chiến thắng ở Viareggio, Lentini được HLV Radice đưa trở lại đội một. Anh ra sân thêm 10 trận nữa cho đến khi kết thúc mùa giải, với 3 lần trong số đó được điền tên vào đội hình xuất phát. Tổng cộng, Gigi được trao cơ hội 11 lần ở Serie A, cộng thêm 1 lần ở Coppa Italia trong năm đầu tiên sát cánh cùng các đồng đội nhiều kinh nghiệm.

Các HLV ở Torino hiểu rõ Lentini có thể làm nên những điều tuyệt vời trong tương lai. Song họ cố gắng không làm chàng trai người Carmagnola đi trên mây, khiến tài năng bị hủy hoại bởi thái độ thiếu chuyên nghiệp. Nhà báo Bruno Berardi của tờ La Stampa viết về Lentini sau một trận đấu mà anh được Radice tung vào sân:

“Việc Lentini xuất hiện ở đội một cho phép Radice đánh giá tiềm năng của cầu thủ trẻ này. Đúng như lời HLV của Torino tuyên bố, Gigi giỏi rê bóng. Nhưng cậu ấy quá lạm dụng điều đó trong khi khả năng phòng ngự bóng bổng không tốt, khiến lối chơi phản công của Torino bị thay đổi. Người hâm mộ ca ngợi Lentini là người thừa kế của Claudio Sala. Tất nhiên, “Il Poeta” là mẫu cầu thủ đa năng, những pha hãm thành của anh ấy kết thúc bằng đường chuyền có độ sát thương cao cho Pulici hoặc Graziani. Lentini vừa tròn 18 tuổi vào thứ 6 tuần trước và vẫn còn nhiều điều phải cải thiện. Cậu ấy là một tài năng đầy hứa hẹn”.

Lentini
Các cầu thủ Ajax Amsterdam từng rất vất vả nhưng không thể lấy bóng trong chân Gigi. Ảnh: Getty Images.

Cầu thủ trẻ của Torino không hài lòng với những lời nhận xét này. Anh ngay lập tức lên tiếng thanh minh: “Đó không phải là sự thật. Tôi đang tự tạo áp lực cho mình, không hề phấn khích trong những khoảnh khắc hạnh phúc và cũng không chán nản khi mắc sai lầm”.

Để giúp Lentini được ra sân thường xuyên, ban lãnh đạo Torino gửi anh đến Ancona theo dạng cho mượn. Họ muốn xem ở môi trường bóng đá Serie B ít khắc nghiệt hơn, anh có vượt qua được những thử thách hay không. Đáp lại sự kỳ vọng, Gigi ghi 4 bàn thắng sau 37 lần ra sân cùng Ancona, giúp đội bóng của mình cán đích ở giữa bảng xếp hạng. Một điều quan trọng khác, anh đạt được thể hình lý tưởng với chiều cao 1m81 và nặng 72kg.

Lentini trở lại Torino để chuẩn bị cho mùa giải 1989/90. Khi ấy, “Il Toro” đang trải qua chuỗi ngày u ám với việc phải xuống hạng. Vị trí Chủ tịch cũng thay đổi, Gian Mauro Borsano tiếp quản đội bóng từ bộ đôi Mario Gerbi và Michele De Finis. Trên băng ghế huấn luyện, Eugenio Fascetti cũng thay thế Luigi Radice.

Ban đầu, mối quan hệ của vị thuyền trưởng mới với Lentini không mấy tốt đẹp vì một số hiểu lầm và sự tự tin đến mức táo bạo của chàng trai người Carmagnola. HLV Fascetti không ngần ngại đẩy cậu học trò của mình xuống đội Primavera. Nhưng cuối cùng, ông nhìn thấy đẳng cấp vượt trội của Lentini và quyết định trao cho anh cơ hội thể hiện. Kinh nghiệm ở Ancona giúp Gigi thể hiện tầm ảnh hưởng, với nền tảng kỹ thuật rê bóng, khả năng dứt điểm và căng ngang chết người, khiến các tifosi phải dụi mắt vì không thể tin vào những gì mình vừa chứng kiến.

Sau những màn trình diễn ấn tượng, Lentini tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi lạm dụng việc rê bóng ư? Không, tôi không làm điều đó theo bản năng. Tôi nghĩ đó là sự cố gắng giống như những người trẻ khác, để chứng minh bản thân có thể làm được nhiều điều và mang về giá trị to lớn. Đôi khi tôi dẫn bóng qua mặt đối thủ dễ dàng, nhưng cũng không ít lần tôi bị đối thủ ngăn chặn. Tâm lý của tôi cũng hơi thất thường. Tôi bắt đầu trận đấu với tràn đầy năng lượng tích cực và vơi dần đến mức suy sụp theo thời gian”.

HLV Fascetti thường xuyên sử dụng Lentini từ tháng 3/1990 cho đến hết mùa giải. Không bỏ lỡ cơ hội, Lentini thi đấu thực sự bùng nổ. Vào ngày 25/3, anh làm cho người hâm mộ đến sân Comunale đắm chìm trong sự sung sướng với bàn thắng đầu tiên cho Torino. Niềm vui càng trọn vẹn hơn khi “Il Toro” giành chiến thắng 2-0 trước Reggina. Anh chia sẻ khi trận đấu kết thúc: “Tôi muốn ghi bàn, nhưng không nghĩ rằng mình có thể đưa bóng vào lưới trong tình huống đó. Đối với tôi, đó giống như một lớp kem làm đẹp cho chiếc bánh. Quá khứ nên bị lãng quên. Hiện tại, mọi thứ đang đi đúng hướng”.

Torino vô địch Serie B. Chính HLV Fascetti cũng phải thừa nhận: “Lentini có thể trở thành Donadoni của Torino”. Trong khi đó, các tifosi của Torino không ngừng so sánh anh với Luigi Meroni, cầu thủ chạy cánh từng khoác áo ‘Il Toro” ở giai đoạn 1964-67.

Torino
Lentini từng tạo nên nhiều bữa tiệc mừng cho Torino.

Hai hình ảnh của Lentini

Mùa hè năm 1990, một chu kỳ mới mở ra với Torino. Fascetti nói lời chia tay, nhường lại chiếc ghế HLV trưởng cho Emiliano Mondonico. Chiến lược gia người Rivolta D’Adda cho thấy mình biết cách sử dụng những cầu thủ trẻ hơn ai hết, và tất nhiên ông không thể bỏ qua trường hợp của Lentini. Gigi ra sân tổng cộng 34 trận ở Serie A, ghi 5 bàn thắng và liên tục có những màn trình diễn ấn tượng, góp công không nhỏ giúp Torino cán đích ở vị trí thứ 5, qua đó giành quyền tham dự UEFA Cup. Ngoài ra, họ còn vô địch Mitropa Cup, một trong những giải đấu bóng đá lâu đời nhất tại châu Âu.

Lentini mang đến sự tươi mới cho đôi cánh, vốn luôn là niềm tự hào của Torino. Ngày 23/9/1990, trên sân Delle Alpi, “Il Toro” đánh bại Inter Milan 2-0. Gigi trở thành nhân vật chính với bàn thắng ấn định tỷ số. Anh chia sẻ với Rai trong sự phấn khích: “Vâng, tôi biết mình vừa ghi một bàn thắng đẹp mắt và cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi may mắn vượt qua Sergio Battistini và sau đó cảm thấy ớn lạnh khi đối mặt với Walter Zenga”.

Ngoài những màn trình diễn tuyệt vời trên sân cỏ, Lentini còn khiến nhiều người bàn tán về đời sống cá nhân. Chàng trai người Carmagnola tỏ ra điệu đà với mái tóc dài, đeo bông tai sặc sỡ, đi giày gắn kim cương. Anh cũng thích sưu tầm xe đua thể thao, vui đùa cùng phụ nữ xinh đẹp, trở thành biểu tượng tình dục và thường xuyên lui tới những hộp đêm. Trước những ý kiến cho rằng mình là một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ, Lentini thẳng thắn đáp trả: “Tôi cảm thấy mình là một chàng trai bình thường, may mắn hơn một chút vì kiếm được những khoản tiền nhất định. Tôi là mẫu người tích cực, chỉ có những kẻ nghiện ngập mới là tiêu cực”.

Vâng, sẽ không có vấn đề gì nếu Lentini tiếp tục thăng hoa cùng Torino. Mùa giải 1991/92, “Il Toro” đứng thứ ba sau khi Serie A hạ màn và thẳng tiến vào trận chung kết UEFA Cup. Đó cũng là khoảng thời gian Gigi thi đấu bùng nổ nhất tại sân Delle Alpi. Anh ra sân đến 49 trận, ghi 9 bàn thắng trên mọi đấu trường. Enzo Bearzot, HLV huyền thoại từng đưa tuyển Italia đến đỉnh vinh quang ở World Cup 1982, nhận xét: “Lentini giống như Angelo Domenghini hay Bruno Conti, mẫu cầu thủ chưa hề bị tuyệt chủng. Cậu ấy nhắm thẳng vào những người đang có bóng. Nếu cướp được bóng, cậu ấy sẽ không để mất và tạo ra vấn đề lớn với hàng phòng ngự. Những pha rê dắt của Lentini đã giết chết đối thủ về mặt tâm lý”.

Lentini có một số màn trình diễn đáng nhớ ở cúp châu Âu, tiêu biểu là 2 trận bán kết với Real Madrid. Với tốc độ và sự xông xáo, anh khiến đối thủ phát điên. Nhưng sau đó, Gigi lại mang đến nhiều sự tiếc nuối ở 2 trận chung kết với Ajax Amsterdam. Trận lượt đi diễn ra tại sân Delle Alpi kết thúc với tỷ số hòa 2-2. Sang trận lượt về trên đất Hà Lan, Torino buộc phải giành chiến thắng hoặc hòa và ghi được 3 bàn trở lên. Lentini 3 lần đưa bóng chạm vào khung gỗ đối thủ. Sự kém may mắn ấy cộng thêm những quyết định gây tranh cãi của trọng tài Zoran Petrovic khiến Torino không thể nâng cao chiếc cúp vô địch.

Buổi tối ngày 13/5 tại Hà Lan vẫn ám ảnh HLV Mondonico. Sau này, ông kể lại với tờ La Gazzetta dello Sport: “Tôi vẫn mơ về trận đấu với Ajax Amsterdam hằng đêm. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng tôi giành chiến thắng, bởi Torino chưa từng đăng quang ở đấu trường châu Âu. Nhưng thay vào đó lại là nỗi thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”.

Trận chung kết UEFA Cup cũng khép lại chu kỳ thành công của Torino. Tình hình tài chính của đội bóng ngày càng suy sụp. Việc không giành được UEFA Cup và bê bối Tangentopoli cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của “Il Toro”, khiến họ không thể thu hút nhiều nhà tài trợ hay chiêu mộ tân binh chất lượng. Cách duy nhất để Torino không lâm vào khủng hoảng là bán đi những ngôi sao lớn. Tất nhiên, một cầu thủ trẻ thuộc tuyển quốc gia như Lentini cũng không thể đứng ngoài cuộc, đành miễn cưỡng nói lời chia tay Torino.

Lentini
Lentini chụp ảnh tại phòng truyền thống của AC Milan.

Torino – Lentini, cuộc chia tay trong nước mắt

Biết được tình hình khó khăn của Torino, 2 đội bóng hàng đầu ở Serie A là AC Milan và Juventus ngỏ ý muốn “giúp đỡ”. Sau thời gian dài đàm phán, Rossoneri chiếm ưu thế trong cuộc đua giành chữ ký của Lentini. Chủ tịch Silvio Berlusconi chấp nhận chi 22 tỷ lire cho chàng trai người Carmagnola, số tiền kỷ lục vào thời điểm ấy. Gigi đặt bút ký vào bản hợp đồng 5 năm, nhận mức lương 4 tỷ lire mỗi mùa. Sau này, khi bước vào giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp, anh tiết lộ: “Tôi chỉ gặp Chủ tịch Giampietro Boniperti của Juventus một lần. Có những chuyện sinh ra và kết thúc cùng một lúc. Tôi không bao giờ đến Juventus”.

Chủ tịch Borsano trực tiếp gặp gỡ ngài Berlusconi để ký hợp đồng chuyển nhượng Lentini. Trước đó ít ngày, Gigi liên tục từ chối ra đi. Song có những điều anh không thể tự quyết định được. Anh kể lại với tờ La Gazzetta dello Sport vào năm 2018: “Sau khi Berlusconi chốt thỏa thuận với Borsano, tôi đã phát điên. Tôi từng nói chuyện với Borsano ít nhất 4 lần trước khi chấp nhận lời đề nghị của AC Milan. Có vẻ như ông ấy không hiểu tại sao tôi liên tục từ chối. Sau này, ở AC Milan, tôi nhận thấy Berlusconi rất chu đáo, luôn làm mọi thứ theo ý mình và tin rằng sẽ đem lại thành công. Khi vừa chiến thắng, ông ấy tiếp tục muốn có thêm một chiến thắng nữa”.

Để mọi chuyện diễn ra êm đẹp, Chủ tịch Berlusconi sắp xếp cuộc hẹn với Lentini ở Arcore. Ông đưa Gigi đến điểm hẹn bằng trực thăng, khiến chàng trai trẻ phấn khích. Lentini tiết lộ: “Tôi không muốn đến Milan. Tôi rất đau khổ bởi Torino là nhà của tôi. Ngày chúng tôi đến thành Milan để ký hợp đồng, tôi suýt thay đổi ý định trên đường cao tốc. Chỉ vài giờ trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa, Berlusconi và Galliani đợi chúng tôi ở trụ sở AC Milan. Tôi cùng 2 người đại diện là Pasqualin và D’Amico rời Torino bằng ô tô. Khi đến trạm thu phí Milan, tôi yêu cầu dừng xe lại. Tôi nói với mọi người rằng sẽ không đến AC Milan nữa, hãy quay xe trở về. Trong khoảnh khắc hoảng loạn, người đại diện nói rằng tôi bị điên, vò đầu bứt tóc, không biết làm thế nào. Thời gian không còn nhiều. Cuối cùng, họ cũng thuyết phục được tôi. Bây giờ, tôi không hối hận. Có những lời đề nghị không thể từ chối. Nếu nghe trái tim mách bảo, tôi đã ở lại Torino”.

Trong ngày Lentini ký hợp đồng với AC Milan, một cuộc biểu tình được tổ chức ở Torino. Hàng nghìn người hâm mộ “Il Toro” đổ dồn về quảng trường trung tâm, thể hiện sự tức giận với Chủ tịch Borsano và ban lãnh đạo. Họ viết tại trụ sở đội bóng: “Các ông đã bán con trai của mình”. Họ hét lớn: “Nếu Lentini ra đi, chúng tôi sẽ đốt cháy cả thành phố”.

Chàng cầu thủ chạy cánh buộc phải bí mật rời trụ sở. Anh kể lại: “Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy mình như một kẻ phản bội. Tôi đã bỏ lại hàng nghìn người đang phát cuồng vì tôi, từng đưa tôi lên đỉnh cao. Đó là một hành động phản bội và không khiến tôi cảm thấy dễ chịu”.

Lentini
Lentini trong ngày ra mắt tuyển Italia. Ảnh: Getty Images.

Sự kỳ vọng của HLV Sacchi

Trước khi gia nhập AC Milan, Lentini có cơ hội khoác áo tuyển Italia từ năm 1991, giai đoạn cuối cùng của kỷ nguyên Azeglio Vicini. Ngày 13/2/1991, Azzurri thi đấu giao hữu với tuyển Bỉ. Lentini có màn ra mắt tuyển quốc gia nhưng không thể giúp các đồng đội có được chiến thắng. Đến ngày 12/10/1991, anh tiếp tục được ra sân trong trận đấu thuộc vòng loại EURO 1992. Italia chạm trán Liên Xô ở thủ đô Moscow. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0, khiến Azzurri cạn dần hy vọng trong cuộc đua giành vé dự vòng chung kết. Khi ấy, chỉ có đội nhất bảng ở vòng loại mới được tham dự ngày hội bóng đá ở Thụy Điển và mỗi trận thắng được tính 2 điểm.

Lentini phải chờ thêm 3 năm nữa để được tham dự giải đấu quốc tế đầu tiên cùng tuyển Italia. Trên băng ghế huấn luyện, Arrigo Sacchi thay thế Azeglio Vicini. Dù gặp nhiều khó khăn để bắt nhịp với lối chơi của người thầy mới, Gigi vẫn có một số màn trình diễn ấn tượng. Ngày 25/3/1992, Italia chạm trán tuyển Đức trong trận giao hữu ở Torino. Lentini dùng tốc độ lao thẳng vào hàng phòng ngự đội khách, mang về quả phạt đền. Từ khoảng cách 11m, Roberto Baggio dễ dàng ghi bàn, đưa Azzurri đến chiến thắng. Màn trình diễn ấy giúp anh ngày càng được Sacchi tin tưởng và trở thành nhân vật chính ở vòng loại World Cup 1994. Nhưng rồi một tai nạn kinh hoàng đã ngăn cản Gigi thực hiện ước mơ tỏa sáng ở vòng chung kết trên đất Mỹ.

Champions League
Khoảnh khắc khiến AC Milan bị Marseille đánh bại ở Champions League 1992/93. Ảnh: Getty Images.

Tai nạn kinh hoàng

Tại AC Milan, HLV Fabio Capello và các trợ lý tỏ ra rất khắt khe với cậu học trò mới. Về phần mình, sau một mùa hè tuyệt vời, Lentini sẵn sàng khoác áo Rossoneri bước ra sân ở mùa giải 1992/93. Anh nhớ lại: “Tôi cảm thấy mình giống như một con sư tử. Trong các bài kiểm tra, không ai đánh giá cao tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật và độ bền của tôi”.

Lentini hiểu bản thân đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và không còn cách nào khác ngoài việc tập luyện chăm chỉ hơn. Khi được trao cơ hội, anh thực sự bùng nổ. Ở Serie A và cả châu Âu, nếu Gigi có bóng, không ai có thể ngăn cản anh. Dần dần, anh trở thành cái tên hiếm khi vắng mặt trong đội hình xuất phát. Lentini thường chơi ở cánh phải hoặc cánh trái. Thỉnh thoảng, anh ghi được những bàn thắng đẹp mắt. Các milanisti chắc hẳn chưa thể quên pha tung người móc bóng vào lưới Pescara vào ngày 13/9/1992, giúp AC Milan giành chiến thắng 5-4. Đến ngày 22/11/1992, trong trận Derby della Madonnina, Lentini xâm nhập vòng cấm, đón đường chuyền rồi cứa lòng hoàn hảo, không cho thủ môn của Inter Milan cơ hội cản phá.

AC Milan thi đấu thăng hoa, chỉ để thua đúng 2 trận tại Serie A mùa giải ấy và giành Scudetto. Cuối tháng 8/1992, họ mang về phòng truyền thống thêm danh hiệu Supercoppa Italiana sau chiến thắng 2-1 trước Parma. Xen giữa 2 chiếc cúp ở đấu trường quốc nội là nỗi buồn ở Champions League. Rossoneri trải qua hành trình tuyệt vời, thẳng tiến vào trận chung kết để đối đầu với Olympique Marseille. Nhưng bàn thua sau pha dứt điểm của Bolì khiến họ chưa thể có chiếc cúp bạc Champions League thứ năm. Lentini cảm thấy rất buồn, bởi đây lần thứ hai anh thất bại ở trận chung kết cúp châu Âu trong vòng 2 năm.

Gigi ghi tổng cộng 8 bàn thắng và đóng góp 10 kiến tạo sau 46 trận trong mùa giải đầu tiên khoác áo AC Milan. Con số ấy không đến nỗi nào với một cầu thủ bình thường, nhưng với một ngôi sao được đưa về với số tiền chuyển nhượng kỷ lục thì hoàn toàn khác. Khi mùa giải khép lại, anh không ngần ngại thể hiện tham vọng của mình: “Tôi có thể làm tốt hơn, nhưng không sao cả. Ở đây, các cầu thủ đều là nhà vô địch và thật dễ dàng để giành chiến thắng cùng họ. Vào năm tới tôi hy vọng sẽ làm được nhiều điều hơn thế”.

Thêm một yếu tố giúp Lentini càng quyết tâm ở mùa giải 1993/94, đó là vòng chung kết World Cup đang đến ngày càng gần. Nhưng giấc mơ ấy vĩnh viễn khép lại vào đêm 2/8/1993, trên đường trở về từ Genova. AC Milan cho phép các cầu thủ nghỉ ngơi 2 ngày và Lentini được phía Genoa mời tham dự buổi kỷ niệm 100 năm thành lập đội bóng. Thay vì đến thẳng Genova, Gigi lái chiếc Porsche mới mua đến Turin. Tại sao lại ghé Turin? Sau này, sự thật được tiết lộ rằng Rita Bonaccorso đang đợi anh ở đấy. Bonaccorso là vợ đã ly thân với Salvatore Schillaci. Điều này đồng nghĩa với việc Lentini đang “cắm sừng” ngôi sao của World Cup 1990.

Chàng trai 24 tuổi kể lại: “Đầu tiên, một lốp xe của tôi bị thủng. Tôi không biết rằng mình không thể lái xe với tốc độ vượt quá 70km/h. Người thay lốp xe cho tôi chỉ bảo rằng tôi phải đi chậm hơn, không nói rõ là ở tốc độ bao nhiêu. Đó là chiếc xe mà ngay cả khi ở tốc độ 130km/h, bạn vẫn cảm thấy như đang đứng yên”.

Lentini không giữ chân ga khi đang lao nhanh trên đường cao tốc A21 Turin-Piacenza. Hơn 2h00 sáng, giữa lối rẽ vào Asti Ovest và Villanova, anh mất lái khi đối mặt với một khúc cua. Chiếc Porsche văng về phía trước cả trăm mét và chỉ dừng lại sau khi va vào con mương bên đường. Ngay lập tức, đám cháy bùng lên. May mắn cho Lentini, anh không thắt dây an toàn, kịp nhảy khỏi buồng lái. Gigi nằm vô thức trên đường nhựa, cho đến khi được một tài xế xe tải đi ngang qua cứu sống.

Cầu thủ của AC Milan phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng dù không bị gãy xương. Anh tỉnh lại sau 2 ngày hôn mê nhưng vẫn ở trong trạng thái lú lẫn. Ban đầu, Lentini không thể nói trôi chảy và phản xạ một cách chậm chạp. Với sự kiên trì của mình, anh dần hồi phục, lấy lại sức khỏe. Nhưng kể từ đây, sự nghiệp và bao khát khao của Gigi tan thành tro bụi như chiếc xe Porsche mà anh từng sở hữu.

Đặt mua áo đấu của AC Milan qua các mùa giải tại đây

AC Milan nhiệt tình hỗ trợ nhằm giúp Lentini sớm trở lại sân cỏ. Họ mời những nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà tâm lý học và những HLV cá nhân giỏi nhất về giúp đỡ Gigi. Ngày 10/11/1993, khoảng 3 tháng sau vụ tai nạn kinh hoàng, Lentini trở lại sân cỏ khi Rossoneri gặp Piacenza ở Coppa Italia. Ba phút là quá ngắn ngủi để anh thể hiện những phẩm chất của mình. Nhưng trên thực tế, anh không bao giờ lấy lại được phong độ như trong quá khứ nữa.

Bất chấp những sự hoài nghi, Lentini tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi có thể trở lại với hình ảnh của chính mình như trong quá khứ. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tôi, thậm chí tôi có thể làm tốt hơn những gì đã thể hiện. Tôi sẽ nỗ lực, góp công vào Scudetto mà tôi luôn tin tưởng và sau đó tham dự World Cup. Giải đấu ấy khiến tôi bị say mê”.

Lentini ra sân tổng cộng 9 trận ở mùa giải 1993/94, nhưng không để lại dấu ấn trong chiến tích Scudetto và UEFA Champions League của AC Milan. Giấc mơ về mùa hè trên đất Mỹ cũng tan biến, dù HLV Sacchi cũng đặt rất nhiều kỳ vọng. Gigi hổi tưởng: “Sacchi rất quý tôi, thường xuyên gọi điện để hỏi thăm tình hình của tôi. Ông ấy cũng rất kiên nhẫn”.

Porsche
Chiếc Porsche của Lentini sau tai nạn.

Tại AC Milan, Lentini còn giành thêm 2 Supercoppa Italiana, 1 UEFA Super Cup và Scudetto ở mùa giải 1995/96. Nhưng trong 2 năm cuối cùng, điều khiến các milanisti chú ý nhiều hơn đến anh lại là mâu thuẫn với HLV Fabio Capello. Chàng trai người Carmagnola muốn chơi bóng thường xuyên, nhưng Capello không đáp ứng điều đó. Cuối mùa giải 1994/95, Lentini tỏa sáng rực rỡ, ghi 5 bàn trong 7 trận. Thành tích ấy giúp anh tràn đầy hy vọng được có tên trong đội hình xuất phát ở trận chung kết Champions League với Ajax Amsterdam. Nhưng không, HLV Capello chỉ tung Lentini vào sân ở phút 86, ít giây sau khi Patrick Kluivert ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Nhiều năm sau, anh vẫn không ngừng trách móc người thầy của mình trước truyền thông: “Tôi là cầu thủ xuất sắc nhất của toàn đội. Tôi hy vọng được chơi trận gặp Ajax Amsterdam ở Vienna. Đáng tiếc, Capello không trao cơ hội cho tôi. Bây giờ, sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của tôi bị gián đoạn và lỗi thì chỉ thuộc về một mình tôi”.

Bên ngoài sân cỏ, năm 1996 đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời Lentini. Anh kết hôn với người mẫu Alexandra Carlsson đến từ Thụy Điển. Tổ ấm của anh sau này có thêm 2 thành viên mới. Trong đó, Thomas là cũng là cầu thủ bóng đá nhưng chơi ở vị trí thủ môn. Mối quan hệ của Lentini với AC Milan cũng kết thúc vào mùa hè năm ấy, với tổng cộng 96 lần ra sân, 16 bàn thắng và 15 pha kiến tạo. Ở tuổi 27, anh chuyển sang Atalanta, nơi “người cha thứ hai” Mondonico đang chờ đợi.

Trở lại Torino

Tại tỉnh Bergamo, Lentini sát cánh cùng Morfeo và Filippo Inzaghi trên hàng công. Gigi thi đấu 31 trận, ghi 4 bàn thắng, giúp Atalanta cán đích ở vị trí thứ 10 tại Serie A 1996/97. Khi món nợ ân tình với HLV Mondonico đã trả xong, Lentini tìm đường trở về Torino. Đội chủ sân Delle Alpi khi ấy vừa xuống hạng Serie B. Giữa bầu không khí u ám, sự xuất hiện của anh mang đến sự hào hứng cho người hâm mộ “Il Toro”.

Mục tiêu của Lentini không gì khác ngoài việc giúp Torino nhanh chóng giành vé thăng hạng. Họ khởi đầu chậm chạp với chỉ 2 chiến thắng trong 8 vòng đầu tiên. Song sau đó, Torino bắt đầu tăng tốc. Mọi chuyện còn trong tầm kiểm soát của họ cho đến vòng đấu áp chót, thời điểm Lentini và các đồng đội phải làm khách của Perugia. Phút 36, Marco Materazzi vào bóng bằng cả hai chân rồi dùng tiểu xảo, khiến Gigi bị thương nặng và phải rời sân bằng cáng. Nhiều năm sau, Lentini kể lại: “Tôi không thể tìm ra một từ để định nghĩa về con người của Materazzi. Trước đây, công nghệ truyền hình chưa đủ hiện đại để khiến cậu ta bị truất quyền thi đấu. Vì vậy, cậu ta liên tục làm những điều ngoài chuyên môn”.

Định mệnh đưa Torino gặp lại Perugia trong trận play-off tranh vé thăng hạng. Tỷ số hòa 1-1 sau 120 phút buộc cả hai phải giải quyết thắng thua bằng loạt penalty cân não. Tại đây, Tony Dorigo là người duy nhất sút hỏng, khiến mục tiêu trở lại Serie A của “Il Toro” chưa thể thành hiện thực. Điều ấy sẽ đến vào năm sau.

Ngày 16/4/2000, Lentini chơi trận cuối cùng trong màu áo Torino tại sân Delle Alpi. Số phận sắp đặt để đối thủ của anh trong trận đấu ấy chính là AC Milan. Torino muốn Lentini đảm nhiệm một vị trí trong ban lãnh đạo. Song chàng cầu thủ người Carmagnola chưa có ý định giã từ sự nghiệp. Vì vậy, anh nói lời chia tay “Il Toro”, để lại di sản là 30 bàn thắng sau 248 lần ra sân.

Buổi hoàng hôn của sự nghiệp

Lentini không tập luyện trong 10 tháng, và cân nhắc việc giải nghệ sau khi rời Torino. Cho đến một ngày, anh bị thuyết phục bởi dự án của Cosenza. Tháng 1/2001, anh cùng gia đình vào miền nam để gia nhập CLB này và gặp lại người thầy quen thuộc Mondonico. Gigi trở thành thần tượng ở Cosenza, cùng các đồng đội trụ hạng thành công.

Sang mùa giải 2002/03, đội bóng vùng Calabria tuyên bố phá sản, phải bắt đầu lại từ Serie D. Người hâm mộ không muốn Lentini ra đi. Thị trưởng thành phố cũng cố gắng thuyết phục anh ở lại. Để đền đáp tình cảm ấy, anh tiếp tục gắn bó với Cosenza thêm một mùa giải, đeo tấm băng thủ quân trên tay. Sau này, Gigi hồi tưởng: “Ngài thị trưởng gọi cho tôi, thuyết phục tôi bằng kế hoạch của CLB. Tôi cũng rất xúc động khi chứng kiến tình cảm của mọi người”.

Năm 2004, anh muốn thi đấu gần nhà hơn và quyết định gia nhập Canelli, đội bóng chơi ở giải Eccellenza vùng Piemonte (giải hạng 5 Italia). Lentini kéo cả đội lên Serie D trước khi quay trở lại giải đấu quen thuộc. Trong 4 mùa giải tại đây, anh ghi đến 49 bàn sau 103 trận, bất chấp việc bị tai nạn giao thông vào năm 2006 và buộc phải phẫu thuật gân khoeo.

Chia tay Canelli, Lentini còn khoác áo Saviglianese và Nicese. Năm 2012, “lão tướng” 42 tuổi đưa đội bóng quê hương Carmagnola thăng hạng rồi tuyên bố giải nghệ. Sau khi treo giày, anh trở thành quản lý của một phòng chơi bi-a tại Carmagnola. Trong nhiều năm, đó trở thành niềm đam mê lớn của Lentini và một số người bạn. Hiện tại, Gigi đang là doanh nhân sản xuất mật ong mang thương hiệu “Miele Lentini”. Trên nhãn hiệu sản phẩm có in hình ảnh của anh thời còn là cầu thủ.

Lentini
Lentini và sản phẩm từ ong mang tên của mình. Ảnh: Sky Sport.

Lentini trả lời phỏng vấn với Sky Sport vào năm 2019: “Niềm đam mê mới của tôi bắt nguồn từ một người bạn làm nghề nuôi ong. Sau nhiều cuộc nói chuyện, chúng tôi quyết định cùng nhau tạo ra một thứ gì đó. Chúng tôi cho bầy ong hút mật từ nhiều loại hoa khác nhau. Theo thời gian, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Mỗi chai mật ong đều có hình ảnh của tôi”.

Tất nhiên, Lentini không bao giờ quên biến cố vào tháng 8/1993. Anh kể lại: “Tai nạn đó đã tước đi khả năng thi đấu ở đẳng cấp cao của tôi trong nhiều năm, không thể trở thành nhân vật chính ở Champions League 1993/94 và trên hết là mất cơ hội tham dự World Cup. Đôi khi tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ra sao nếu không có tai nạn đó và tự tìm ra câu trả lời. Chẳng phải bây giờ tôi vẫn ổn và đang hạnh phúc hay sao”.

Gigi vẫn theo dõi bóng đá, và chưa bao giờ nghi ngờ về đẳng cấp thực sự của bản thân. Anh chia sẻ với La Gazzetta dello Sport: “Tôi có phải là Cristiano Ronaldo trong thời đại của mình hay không ư? Tôi không muốn phóng đại sự thật, nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh, tôi còn hơn cậu ấy rất nhiều. Trong những năm đó, thật khó để một đội bóng bỏ ra số tiền như AC Milan đã làm để mua một cầu thủ. Ngày nay, việc bỏ ra 70, 80 hay 100 triệu euro cho một cái tên nào đó là bình thường, chẳng ai thèm để ý nữa. Còn khi tôi rời Torino, cả thành phố thể hiện sự phẫn nộ”.

(Lược dịch từ bài “Gianluigi Lentini, l’ala del futuro cui un incidente impedì di essere un fuoriclasse” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane