Cũng giống như nhiều lần khác trong lịch sử, Italia vô địch EURO 1968 khi không nhiều người nghĩ rằng họ làm được điều đó. Và cách họ bước lên bục vinh quang cũng rất đặc biệt.
Trong 9 lần bóng đá Italia tham dự ngày hội bóng đá châu Âu, họ chỉ vô địch đúng 2 lần. Lần đầu tiên Azzurri làm được điều đó là ở EURO 1968, trên sân nhà và dưới sự dẫn dắt của HLV Ferruccio Valcareggi. Hành trình đến ngôi vương của tuyển Italia có nhiều điều không ai nghĩ đến. Họ lọt vào bán kết sau khi đánh bại Liên Xô bằng cách… tung đồng xu, cần đến 2 trận chung kết để vượt qua Nam Tư và giành cúp Henri Delaunay.
Đống hoang tàn sau thảm họa
Năm 1966, tuyển Italia trải qua kỳ World Cup thảm họa trên đất Anh, đỉnh điểm là việc bị CHDCND Triều Tiên loại ngay từ vòng bảng. Điều đó dẫn đến một cuộc cách mạng từ Liên đoàn bóng đá (FIGC) đến đội tuyển quốc gia. Chủ tịch Giuseppe Pasquale yêu cầu các CLB chuyển sang mô hình công ty phi lợi nhuận. Sau đó, Artemio Franchi kế nhiệm Pasquale, trở thành kiến trúc sư vĩ đại nhất cho sự phát triển của bóng đá Italia trong 10 năm, bắt đầu từ cuối thập niên 1960.
Đầu tiên, Franchi cùng với Ridolfi, Barassi và Baccani thành lập Trung tâm kỹ thuật Coverciano. Nơi đây được xem là trường Đại học thực sự của bóng đá Italia. Ngoài việc trở thành địa điểm hội quân của Azzurri, Coverciano còn tổ chức các khóa đào tạo HLV và áp dụng tất cả kiến thức xoay quanh trái bóng tròn. Franchi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia từ năm 1967 đến năm 1976 và từ năm 1978 đến năm 1980. Trong 2 giai đoạn này, FIGC ngày càng mạnh mẽ, đi cùng với sự tiến bộ của thời đại, thu hẹp khoảng cách với các Liên đoàn khác của bóng đá thế giới.
Nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Italia được giao cho Ủy ban kỹ thuật, đứng đầu là Ferruccio Valcareggi và “Nhà ảo thuật” Helenio Herrera. Trong vòng một năm, bộ đôi này mang thứ bóng đá phòng ngự phản công áp dụng vào Azzurri, làm tất cả quên đi sự thất bại dưới thời Edmondo Fabbri.

Bước ngoặt giữa vòng loại EURO 1968
Bóng đá Italia khao khát lấy lại thể diện từ vòng loại EURO 1968. Đội quân của HLV Valcareggi rơi vào bảng 6 cùng với Romania, Thụy Sĩ và đảo Síp. Về lý thuyết, Azzurri ở đẳng cấp vượt trội so với các đối thủ. Song cạm bẫy luôn rình rập họ trong mọi trận đấu.
Đội hình của tuyển Italia khi ấy phần lớn là cầu thủ của Inter Milan, chỉ có một vài ngoại lệ như Ottavio Bianchi và Antonio Juliano của Napoli, Virginio De Paoli của Juventus. Luigi Riva, “Thần sấm” của Cagliari, không được triệu tập dù để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Herrera đang là HLV của Inter Milan. Khoa học kỹ thuật cũng không được áp dụng vào bóng đá nhiều như bây giờ và các HLV thường lựa chọn những người mà mình tin tưởng nhất.
Italia khởi đầu đầy hứng khởi, lần lượt giành chiến thắng Romania 3-1 tại Napoli và 2-0 trên sân của đảo Síp. Ngày 27/3/1967, bước ngoặt xảy đến với Azzurri. Sau thời gian bị Valcareggi thuyết phục, Herrera quyết định đặt cược vào Riva trong trận giao hữu với tuyển Bồ Đào Nha. Eusebio đưa Bồ Đào Nha vượt lên dẫn trước, khiến đội quân của Herrera như bị chạm vào lòng tự ái. Họ vùng lên, quyết tâm có được ít nhất là một trận hòa.
Đến phút 59, trong một pha tranh chấp có phần mạo hiểm, Riva bị gãy xương mác bên trái. Đây được xem là ca chấn thương nghiêm trọng đầu tiên ở tuyển Italia, khiến “Thần sấm” phải nghỉ thi đấu 7 tháng và mất thêm một khoảng thời gian để lấy lại thể trạng tốt nhất. Nhiều năm sau, Riva kể lại: “Ngày nay, công việc của các tiền đạo đơn giản hơn. Nếu cầu thủ đối phương phạm lỗi thô bạo với bạn, anh ta sẽ bị đuổi khỏi sân ngay lập tức. Còn trong quá khứ, bạn mới là người phải rời sân và đi thẳng đến phòng khám”.
Renato Cappellini vào thay Riva và ghi bàn gỡ hòa 1-1. Kết quả ấy không thể giúp mâu thuẫn giữa Valcareggi và Herrera được hàn gắn. “Thầy phù thủy” của Inter Milan cho rằng kết quả của trận đấu sẽ rất khác nếu Riva không vào sân ngay từ đầu. Tháng 6/1967, Herrera chia tay tuyển Italia. Nhiệm vụ của Valcareggi trở nên nặng nề hơn, đặc biệt là việc tìm ra một tiền đạo đủ đẳng cấp để lấp vào chỗ trống do Riva để lại. Azzurri chưa vượt qua vòng loại EURO nên nhiều người cảm thấy hoài nghi về năng lực của nhà cầm quân 48 tuổi.
Song Valcareggi nhanh chóng đập tan cảm giác bất an trong lòng các tifosi. Một bàn thắng của Mario Bertini là đủ để Italia đánh bại Romania vào ngày 25/6/1967. Đến tháng 11 năm ấy, vòng loại EURO mới tiếp tục. Riva bình phục chấn thương, nhanh chóng lấy lại phong độ và lập hat-trick trong chiến thắng 5-0 trước đảo Síp. Sang ngày 18/11/1967, anh có thêm 2 bàn thắng, giúp Italia cầm hòa Thụy Sĩ 2-2 tại Berne. Trước thềm Giáng sinh, Azzurri gặp lại đối thủ này tại Amsicora, sân nhà của Cagliari. Như được tiếp thêm sức mạnh, “Thần sấm” tiếp tục ghi bàn và Italia của anh vùi dập các vị khách 4 bàn không gỡ.
Riva khiến người hâm mộ cảm thấy phấn khích khi ghi 6 bàn chỉ sau 3 trận. Các tifosi tin rằng anh sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, một kẻ thù xuất hiện, ám ảnh anh suốt mùa giải: chấn thương háng. Bắt đầu từ tháng 3/1968, Riva không thể ra sân chơi bóng cùng Cagliari và tuyển Italia.

Tứ kết EURO 1968 và điều ngọt ngào
8 đội đầu bảng giành quyền tiến vào tứ kết. Tuyển Italia thống trị bảng 6 với 11 điểm, hơn Romania xếp phía sau đến 5 điểm. Chướng ngại vật cuối cùng của thầy trò Valcareggi ở vòng loại là Bulgaria, đội vượt qua Bồ Đào Nha của Eusebio để đứng đầu bảng 2. Các tifosi có một chút lo lắng khi “Thần sấm” Riva không kịp bình phục. Song Valcareggi lại tỏ ra bình thản. Ông đã có sẵn phương án thay thế tiền đạo của Cagliari đó là Pierino Prati, chàng trai 22 tuổi đang tạo nên tiếng vang ở AC Milan.
Ngày 6/4/1968, toàn đội có mặt Sofia để chơi trận lượt đi trên sân Vasil Levski. Bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Người Bulgaria cổ vũ cho các cầu thủ của họ từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng. Được tiếp thêm ngọn lửa tinh thần, đội chủ nhà tràn lên tấn công từ khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Bên kia chiến tuyến, Azzurri có phần bị cóng. Phút 11, Giancarlo Bercellino phạm lỗi với Georgi Asparuhov trong vòng cấm của tuyển Italia. Bulgari được hưởng phạt đền và Nikola Kotkov dễ dàng mở tỷ số trận đấu.
Khó khăn càng chồng chất với đội quân của Valcareggi. Phút 24, sau pha va chạm kinh hoàng với Dimitar Yakimov, thủ quân Armando Picchi không thể tiếp tục thi đấu. Vào thời điểm ấy, ngoại trừ thủ môn, các vị trí khác trên sân đều không có quyền thay người. Picchi cố gắng nén cơn đau, quay trở lại sát cánh cùng các đồng đội. Song các nhân viên y tế kết luận anh bị gãy xương chậu, phải ngay lập tức di chuyển đến bệnh viện. Như vậy, Italia chỉ còn thi đấu với 10 người. Thiếu vắng libero của Inter Milan, hàng thủ Azzurri ngày càng bối rối. Chỉ có thần may mắn mới giúp họ không phải nhận bàn thua thứ hai trước khi bước vào giờ nghỉ. Sự tiếc nuối càng tăng thêm khi Pierino Prati 2 lần đưa bóng chạm khung gỗ Bulgaria.
Hiệp một khép lại với thắng lợi 1-0 nghiêng về đội chủ nhà. Italia bước vào hiệp hai với quá nhiều khó khăn. Đến phút 60, họ bất ngờ có được bàn gỡ hòa sau pha phản lưới nhà của Dimitar Penev. Tuy nhiên, điều ấy chỉ càng làm cho quyết tâm giành chiến thắng của tuyển Bulgaria mạnh mẽ hơn. Phút 66, Enrico Albertosi bị chấn thương vùng bụng, phải nhường vị trí trấn giữ khung thành cho Lido Vieri. Vài giây sau, Dinko Dermendzhiev giúp tuyển Bulgaria nâng tỷ số lên 2-1. Sang phút 73, tỷ số đã là 3-1 sau pha dứt điểm của Petar Zhekov.
Khi nỗi lo đang bao trùm, Azzurri tìm thấy thêm một tia sáng. Phút 83, chàng trai trẻ Prati ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo tuyển quốc gia, ấn định tỷ số 2-3 tại sân Vasil Levski. Italia thua trận, nhưng vẫn còn cơ hội đảo ngược tình hình trên sân nhà.
Và điều đó đã xảy ra. Ngày 20/4/1968, trên sân San Paolo (ngày nay là sân Diego Armando Maradona), Valcareggi sử dụng một đội hình có nhiều sự thay đổi. Prati vẫn có tên trong đội hình xuất phát. Ernesto Castano thay thế Armando Picchi đảm nhiệm vị trí libero. Dino Zoff đứng trước khung gỗ chứ không phải Lido Vieri. Mario Bertini cũng bị loại khỏi đội hình, được thay bằng Giorgio Ferrini.
Phút 14, Prati đánh đầu chính xác, xuyên thủng mành lưới của thủ môn Simeon Simeonov. Italia vượt lên dẫn trước. Cũng như trận lượt đi, tuyển Bulgaria vùng lên mạnh mẽ sau khi nhận bàn thua. Georgi Asparuhov hơn một lần khiến Zoff phải trổ tài cứu thua. Song đến phút 55, mọi áp lực đối với Azzurri cũng tan biến. Angelo Domenghini đá phạt khó chịu, đưa bóng chạm cột dọc rồi lăn qua vạch vôi trong sự ngỡ ngàng của Simeonov. Tỷ số được nâng lên thành 2-0. Trong thời gian còn lại, các học trò của HLV Valcareggi cố gắng bảo vệ thành quả. Họ đã thành công và tiến thẳng đến vòng chung kết.

Tiến vào chung kết nhờ… đồng xu
Sau khi Azzurri có mặt ở vòng 4 đội mạnh nhất châu Âu, Chủ tịch Artemio Franchi thuyết phục thành công Liên đoàn bóng đá châu Âu trao quyền đăng cai phần còn lại của EURO 1968 cho Italia, như một món quà nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập FIGC. Vòng chung kết được tổ chức tại 3 thành phố: Roma, Napoli và Firenze. Sẽ thật tuyệt vời nếu đội quân của Valcareggi vô địch ngay trên sân nhà. Nhưng để làm được điều đó, Azzurri phải vượt qua Liên Xô, đối thủ từng gieo nỗi buồn cho họ ở EURO 1964. Trong khi đó, trận bán kết còn lại diễn ra giữa tuyển Nam Tư và tuyển Anh.
Bất ngờ xuất hiện từ khi vòng chung kết chưa bắt đầu. HLV Valcareggi quyết định điền tên Riva vào danh sách 22 cầu thủ tham dự ngày hội bóng đá châu Âu. Một sự lựa chọn can đảm của nhà cầm quân 48 tuổi. Những ngày sau đó, ông phải nhận vô vàn lời chỉ trích từ người hâm mộ bởi “Thần sấm” của Cagliari vẫn đang gặp chấn thương. Khi trận bán kết đang đến rất gần, Riva bị đau ở háng, chưa sẵn sàng trở lại. Không còn cách nào khác, Valcareggi tiếp tục đặt niềm tin vào Prati.
Điều được nhiều người mong chờ nhất đã đến. Ngày 5/6/1968, Italia tiếp đón Liên Xô trước sự chứng kiến của hơn 75.000 tifosi tại sân San Paolo. Bản thân các cầu thủ Azzurri và người hâm mộ đều hiểu rằng Liên Xô là đối thủ mạnh nhất, khác với những đội tuyển mà họ từng gặp trên hành trình của mình. Trong đội hình của cựu vương châu Âu, thủ quân Albert Scesternev sở hữu cá tính và sức mạnh thể hình đáng nể, rất khó bị đánh bại trong những tình huống tranh chấp.
Đặt mua áo đấu của tuyển Italia tại đây
Nỗi lo đến với Azzurri chỉ sau 3 phút bóng lăn. Gianni Rivera bị thương sau pha va chạm với Valentin Afonin. Cảm giác sợ hãi bao trùm khắp sân vận động, bởi tuyển Italia từng rơi vào tình cảnh tương tự trước Bulgaria. Valcareggi không có quyền thay người để sử dụng, trong khi thời gian của trận đấu vẫn còn rất dài. Tiền vệ của AC Milan phải nghiến răng trở lại sân, tiếp tục chơi ở cánh phải nhưng không thể đóng góp nhiều cho các đồng đội. Song tuyển Italia vẫn cố gắng tạo ra nhiều pha bóng nguy hiểm nhờ những đường chuyền sắc lẹm của Sandro Mazzola dành cho Prati. Khung thành của Liên Xô nhiều lần chao đảo. Đáng tiếc, trái bóng chưa chịu lăn vào lưới.
Cơ hội tốt nhất thuộc về Domenghini, người vẫn thường chạy lên chạy xuống không biết mệt mỏi. Nhưng cũng giống như các đồng đội, bàn thắng chưa đến với cầu thủ của Inter Milan. Hơn 90 phút trôi qua, tỷ số vẫn là 0-0. Điều này buộc 2 đội phải bước vào hiệp phụ. Phút 102, tình hình càng trở nên khó khăn hơn với tuyển Italia. Bercellino dính chấn thương đầu gối, không thể tiếp tục thi đấu. Không còn cách nào khác, Domenghini phải lùi xuống, chơi ở vị trí hậu vệ trái. Kể từ đây, Azzurri không còn tấn công mạnh mẽ được nữa. Trái lại, họ để Liên Xô vùng lên, quyết tâm tìm kiếm bàn thắng.
Mặc dù vậy, không có bất kỳ biến động nào trên bảng tỷ số đến khi tiếng còi kết thúc hiệp phụ vang lên. Vào thời điểm ấy, loạt đá penalty chưa xuất hiện, còn việc tái đấu chỉ diễn ra ở trận chung kết. Do đó, để quyết định đội giành chiến thắng, các trọng tài sẽ… tung đồng xu. Giải pháp này mang tính chất may rủi, nhưng hoàn toàn dân chủ và nửa công khai.
Đội trưởng và HLV của 2 đội được gọi vào một căn phòng. Khi trọng tài Kurt Tschenscher đưa đồng xu cho mọi người xem, sự tự tin hiện rõ trên nét mặt của Facchetti. Trên khán đài, bầu không khí căng thẳng bao trùm. Khoảng 10 phút trôi qua, vẫn chưa có thông tin chính thức được đưa ra. Đột nhiên, một giọng nói cất lên, phá vỡ sự im lặng: “Vâng, là hình đầu người!”.
Người vừa cất giọng nói ấy chính là Facchetti. Thủ quân của Azzurri chạy lên cầu thang từ đường hầm sân San Paolo, theo sau anh là các đồng đội. Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc, và người hâm mộ bắt đầu nhận ra một tin vui: tấm vé chơi trận chung kết thuộc về đội quân của Valcareggi. Sau này, Facchetti vui vẻ kể lại: “Tôi và Shesternev bước vào phòng thay đồ cùng HLV của 2 đội. Trọng tài lấy ra đồng xu cũ, một mặt có hình đầu người. Khi đồng xu tung lên, Shesternev phải đoán mặt nào sẽ ngửa lên khi nó chạm đất. Anh ấy chọn mặt không có hình đầu người và sau đó chúng tôi biết mình đã thắng. Tôi liền chạy lên cầu thang, nơi có hơn 70.000 người hâm mộ đang chờ đợi kết quả trong sự hồi hộp”.
Trên khán đài, người hâm mộ cầu nguyện, gửi lời cảm ơn Thánh Gennaro. Dưới sân, các cầu thủ hò hét sung sướng, như muốn phát điên. Chỉ có một người vẫn tỏ ra bình thản và không ăn mừng, đó là Tarcisio Burgnich. Sau này, anh tiết lộ với Facchetti: “Thực tế là tôi không bất ngờ. Với sự may mắn song hành trong trận đấu, tôi biết Azzurri sẽ giành chiến thắng”.
Mãi về sau, nhiều người vẫn mỉa mai thắng lợi của tuyển Italia. Zoff từng lên tiếng phản bác: “Điều đó thật đặc biệt. Tôi đang khoác áo Napoli vào thời điểm ấy và được chơi trên sân nhà của mình. Sau 5 phút thi đấu, Rivera bị thương. Chúng tôi không được phép thay đổi cầu thủ và phải chơi gần như cả trận với chỉ 10 người. Nhiệm vụ phòng ngự được quan tâm đặc biệt hơn. Ngay cả khi chiến thắng được quyết định bởi màn tung đồng xu, đó vẫn là thành công lớn. Chúng tôi vượt qua vòng loại và tiến vào trận chung kết với tinh thần chiến đấu kiên cường”.

Căng thẳng ở thủ đô
Ngày 8/6/1968, Italia hiên ngang tiến vào trận chung kết tại sân Olimpico. Đối thủ của họ là tuyển Nam Tư. Đội quân của HLV Rajko Mitic vừa loại tuyển Anh, nhà đương kim vô địch World Cup, ở bán kết. Bàn thắng duy nhất ở trận đấu ấy được ghi do công của Dragan Dzajic. Với sự hưng phấn dâng cao, tiền đạo này hứa hẹn sẽ gây nhiều rắc rối cho hàng phòng ngự Azzurri.
Cần nhớ rằng tuyển Nam Tư khi ấy tập hợp nhiều cầu thủ tài năng đến từ Serbia, Montenegro, Croatia, Slovenia, Macedonia và Bosnia-Herzegovina. Một “Dream Team” thực sự, có khả năng đánh bại bất kỳ đối thủ nào. Vì vậy, nhiệm vụ giành chiến thắng của tuyển Italia trở nên không hề dễ dàng, nhất là khi họ vừa trải qua trận bán kết đầy mệt mỏi với Liên Xô.
“Thần sấm” Riva vẫn chưa bình phục chấn thương vùng háng. Rivera và Bercellino cũng không thể ra sân thi đấu. Điều này buộc HLV Valcareggi phải tạo ra nhiều sự thay đổi so với trận đấu tại San Paolo. Zoff vẫn đứng trước khung gỗ, đẩy Albertosi lên băng ghế dự bị. Aristide Guarneri, hậu vệ của Inter Milan, thay thế Bercellino ở vị trí hậu vệ trái. Bất ngờ lớn nhất nằm ở cái tên được lựa chọn để trám vào vị trí của Rivera. Thay vì lựa chọn một cầu thủ có khả năng sáng tạo như “nhạc trưởng” của AC Milan, Valcareggi đặt niềm tin vào tiền vệ phòng ngự Giovanni Lodetti. Mazzola cũng vắng mặt, nhường vị trí cho cầu thủ trẻ Pietro Anastasi. Chàng trai người Sicilia có màn ra mắt Azzurri, chơi ngang hàng với Prati.
Sân Olimpico quá tải. Hơn 85 nghìn khán giả có mặt với mong muốn được chứng kiến tận mắt cảnh tuyển Italia đăng quang. Tuy nhiên, diễn biến trận đấu lại khiến họ lo lắng. Tuyển Nam Tư áp đảo trong hiệp một, kiểm soát hoàn toàn khu vực giữa sân. Phút 39, Dzajic mở tỷ số, mở ra hy vọng đưa cúp Henri Delaunay về Belgrade cho các vị khách.
Sang hiệp hai, Dzajic và Vahidin Musemic nhiều lần có cơ hội nhân đôi cách biệt, nhưng cả hai đều bỏ phí. Trong khi đó, Italia bắt đầu tìm thấy hy vọng từ những pha phản công nhờ Prati và Anastasi. Không thể ghi bàn, tuyển Nam Tư phải nhận cái kết đắng. Phút 80, đội chủ nhà được hưởng quả phạt bên ngoài vòng cấm. Bằng chút năng lượng cuối cùng trong cơ thể, Domenghini tung ra cú sút chìm sắc như dao dạo, xuyên thủng hàng phòng ngự đối thủ, khiến thủ môn Pantelic bất lực nhìn bóng bay vào lưới. Tỷ số được cân bằng 1-1.
Trong phần còn lại của trận đấu, Azzurri vất vả chống đỡ những pha tấn công bên phía tuyển Nam Tư. Song mành lưới của họ không bị rung lên cho đến khi hiệp phụ kết thúc. Theo quy định, nếu trận chung kết khép lại với tỷ số hòa, 2 đội sẽ phải thi đấu thêm 1 trận nữa cũng trên sân Olimpico vào ngày 10/6/1968.

“Thần sấm” Riva trở lại
Italia và Nam Tư đều không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Song HLV Valcareggi bất ngờ nhận được tin vui: Riva hoàn toàn bình phục chấn thương và sẵn sàng ra sân. Tiền đạo của Cagliari không chơi một trận nào kể từ cuối tháng 3/1968, nhưng đẳng cấp của “Thần sấm” là không thể bàn cãi. Valcareggi hiểu rõ điều đó. Bất chấp làn sóng chỉ trích ngày càng lan mạnh trên khắp Italia, ông vẫn kiên quyết điền tên Riva vào đội hình xuất phát. Ngoài ra, Azzurri còn có 4 sự thay đổi khác. Ở hàng phòng ngự, Roberto Rosato thay thế Ernesto Castano, Sandro Salvadore trám vào vị trí Giorgio Ferrini để lại. Nơi tuyến giữa, Giancarlo De Sisti thay cho Lodetti, còn Mazzola trở lại đội hình xuất phát, đẩy Antonio Juliano lên ghế dự bị.
Ngay từ phút đầu tiên, tuyển Nam Tư nhận ra rằng trận đấu này sẽ rất khác với những gì xảy ra trước đó. Riva không có phong độ cao nhất, nhưng thi đấu với sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm đáp lại niềm tin của Valcareggi. Bên kia chiến tuyến, các học trò của HLV Mitic chưa chuẩn bị kỹ phương án và tâm lý để ngăn chặn tiền đạo mang áo số 17.
Riva liên tục làm khổ hàng phòng ngự đối phương. Sau cú đánh đầu của anh, Anastasi tung người dứt điểm nhưng tiếc là bóng đi ra ngoài. Vài phút sau, Riva tung cú sút từ xa. Bóng bật lại đến đúng vị trí của “Thần sấm” và cú sút tiếp theo buộc thủ môn Pantelic phải trổ tài cản phá, chịu quả phạt góc. Đến phút 12, hàng thủ của tuyển Nam Tư đầu hàng trước sức ép đến từ Azzurri. Cú sút của Domenghini vô tình trở thành đường kiến tạo cho Riva. “Thần sấm” phá bẫy việt vị rồi dứt điểm chính xác, không cho Pantelic cơ hội cản phá. Bất chấp sự phản đối của các cầu thủ đội khách, bàn thắng vẫn được trọng tài Ortiz de Mendibil công nhận. Italia dẫn trước 1-0, Riva không thể che giấu cảm xúc vui mừng của mình.
Tuyển Nam Tư cố gắng vùng lên, nhưng Zoff thi đấu rất tập trung và hóa giải tất cả. Đến phút 31, số phận của cả hai đội được định đoạt. Từ đường kiến tạo của De Sisti, Anastasi khống chế một nhịp rồi bắt volley ngay sát vạch 16m50, nâng tỷ số lên 2-0. Sau này, cầu thủ người Sicilia kể lại: “Tôi không nhớ mình đã giữ bóng như thế nào. Ký ức của tôi chỉ còn hình ảnh về đường chuyền của De Sisti và cú volley. Tất cả những gì tôi làm chỉ theo bản năng bởi tôi mới 20 tuổi và chưa giỏi tư duy”.
Sang hiệp hai, đội quân của Valcareggi kiểm soát thế trận, dễ dàng bảo toàn tỷ số. Tiếng còi mãn cuộc vang lên, cả sân Olimpico như muốn bùng nổ, ngập tràn bầu không khí lễ hội. Tuyển Italia đăng quang ở đấu trường châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử. Tròn 30 năm sau khi bảo vệ thành công chức vô địch World Cup, họ mới có thêm một danh hiệu lớn. Thời khắc nhiều người chờ đợi đã đến: thủ quân Facchetti nâng cao chiếc cúp Henry Delaunay. Bữa tiệc chính thức bắt đầu, từ sân Olimpico lan ra khắp mọi con đường ở thủ đô. Hàng vạn người hâm mộ trên đất nước ven bờ Địa Trung Hải này cũng theo dõi trên sóng TV và cùng nhau ăn mừng. Đài RAI ghi nhận số lượng người xem kỷ lục vào thời điểm ấy.
Nhiều năm sau, Riva hồi tưởng: “Khi tôi bị đau ở trận gặp Bồ Đào Nha, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tại khoa chỉnh hình của Đại học Roma. Tôi dành phần lớn thời gian của mình để dưỡng thương ở đó. Từ cửa sổ, tôi nhìn thấy nhiều người đổ ra đường ăn mừng sau từng trận đấu, sinh viên và cảnh sát thường xuyên xô xát với nhau. Điều đó khiến tôi rất phấn khích. Tôi mới hơn 23 tuổi, và thế hệ cầu thủ của Azzurri bao gồm cả tôi đang khiến cả đất nước sục sôi”.

Nói về trận chung kết thứ hai, Riva cho biết: “Bàn thắng mở tỷ số chính là lời đáp trả của tôi. Tuy nhiên, sang hiệp hai, tôi phải trả giá vì không thể tập luyện thường xuyên. Tôi không còn năng lượng để lùi về nhận bóng, hoàn toàn kiệt sức, nhưng sự thay đổi người chưa xuất hiện như bây giờ. Tôi đơn độc trước khung thành đối phương, không thể nâng tỷ số lên 3-0. Trên khán đài, bầu không khí trở nên lung linh, giống như sân khấu nhạc rock”.
“Thần sấm” tiếp tục kể về những ngày sau đó: “Bữa tiệc sau trận đấu được lên lịch sẵn tại khách sạn trung tâm thủ đô. Nhưng chúng tôi chỉ đến được địa điểm này khi bình minh ló rạng. Tôi ở trong xe của Albertosi, người hâm mộ nhận ra cả hai và không cho chúng tôi đi qua. Chúng tôi lái xe với tốc độ như của một người đi bộ, đến khách sạn lúc 4h00 sáng, chỉ kịp ăn bít tết và được ngủ vỏn vẹn 3 tiếng rồi phải ra sân bay để trở về Cagliari. Chiến thắng ấy giúp chúng tôi trở thành hiệp sĩ trong mắt mọi người. Toàn đội được đón tiếp bởi Tổng thống Giuseppe Saragat, điều thực sự thú vị với một cầu thủ trẻ như tôi”.
Ngoại trừ chiếc áo đấu, Riva không còn giữ bất kỳ kỷ vật nào liên quan đến EURO 1968. Anh kể lại với Il Sole 24 Ore: “Tôi không phải là người sưu tập áo đấu, nhưng luôn giữ chiếc áo số 17 mà Valcareggi trao cho mình ở ngày hội bóng đá châu Âu. Ông ấy vẫn đặt niềm tin vào tôi ngay cả khi tôi đang bị đau ở háng. Trong trận tái đấu với Nam Tư, ông ấy nói với tôi rằng ‘hãy vào sân và chơi bóng khi có thể. Và tôi đã ghi bàn mở tỷ số. Một buổi tối tuyệt vời”.
Về phần mình, HLV Valcareggi chia sẻ: “Tôi tạo ra 5 sự thay đổi ở trận tái đấu vì tin rằng những người mới sẽ tạo ra sự tươi mới về cả tinh thần lẫn chuyên môn. Trước đó, một cuộc tranh cãi nổ ra, nhiều người muốn thay đổi và người khác thì không”.
Valcareggi trở thành HLV đầu tiên mang danh hiệu về cho bóng đá Italia sau Vittorio Pozzo. Đến năm 1970, nhà cầm quân 48 tuổi này tiếp tục đưa Azzurri tiến vào trận chung kết World Cup tại Mexico. Chỉ có Brazil vĩ đại của Pele mới đủ sức ngăn cản giấc mơ vô địch thế giới ngay sau khi đăng quang ở đấu trường châu lục của ông và các học trò.
(Lược dịch từ bài “”L’Italia e il trionfo agli Europei del 1968: dalla monetina con l’URSS alla ripetizione con la Jugoslavia” trên tờ Goal).