Hachim Mastour: Bi kịch của một thần đồng

Mastour

Từ một cái tên được xem là ngôi sao mới tại AC Milan, Hachim Mastour không vượt qua được áp lực. Hiện tại, anh đang rơi vào cảnh thất nghiệp.

Mastour từng là một trong những viên ngọc được nhắc đến nhiều nhất ở châu Âu vì kỹ năng xử lý bóng tuyệt vời. Song anh chưa bao giờ thể hiện được điều ấy kể từ khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mười năm là khoảng thời gian không quá ngắn, cũng không quá dài, nhưng vừa đủ để khiến một “thần đồng” biến mất khỏi thế giới bóng đá.

Tài không đợi tuổi

“Cậu bé” Mastour sinh ra ở Reggio Emilia, trong một gia đình gốc Morocco. Tài năng của anh được biết đến vào năm 2012. Ở tuổi 14, Mastour gây ấn tượng mạnh tại lò đào tạo trẻ Reggiana, thu hút sự chú ý của các tuyển trạch viên đến từ nhiều đội bóng Italia. Mastour còn trẻ, vóc dáng mảnh khảnh nhưng tố chất kỹ thuật của anh khiến các chuyên gia bóng đá phải trầm trồ. Rất khó để tìm ra một cầu thủ sở hữu khả năng xử lý bóng kết hợp với tốc độ và nhãn quan tuyệt vời ở độ tuổi như vậy.

Danh tiếng của Mastour bắt đầu lan truyền ra ngoài biên giới Italia. Barcelona, Manchester United cũng cử người đến theo dõi trực tiếp màn thể hiện của cậu thiếu niên này. Ban huấn luyện đội trẻ Italia cũng không muốn bỏ lỡ một tài năng. Mastour được triệu tập lên đội U16 và tham dự chuyến du đấu. Tuy nhiên, họ không biết rằng anh luôn mơ về việc khoác áo tuyển Morocco, quê gốc của mình.

Mastour
Neymar và Mastour từng đọ tài trong cuộc thi freestyle. Ảnh: Red Bull.

Về phần Reggiana, họ hiểu rằng mình đang giữ trong tay một báu vật, cần phải tìm cách bán ngay để thu về số tiền cao nhất có thể. Khi nhiều đội bóng khác đang do dự, Giám đốc thể thao Adriano Galliani của AC Milan nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục vào ngày 28/10/2012. Mastour chuyển đến Rossoneri, mang về cho Reggiana 500.000 euro. Nhiều milanisti say mê những pha bóng đậm chất kỹ thuật của Mastour, nhưng vẫn cho rằng thương vụ này đầy mạo hiểm. Số tiền ấy quá lớn dành cho một chàng trai mới 14 tuổi. Cần phải nói thêm rằng AC Milan đang gặp khó khăn về tài chính, phải nhắm đến những bản hợp đồng cho mượn hoặc chuyển nhượng tự do để tăng cường chiều sâu cho đội một.

Theo lẽ thường, Mastour sẽ chơi ở đội Giovanissimi của AC Milan. Nhưng với tài năng vượt trội so với những người bạn đồng trang lứa, đội ngũ HLV tại Rossoneri quyết định cho anh gia nhập đội Allievi Nazionali (dành cho lứa tuổi U16). Mastour trở thành em út, nhưng nhờ kỹ thuật cá nhân ấn tượng, anh dễ dàng xóa bỏ khoảng cách về tuổi tác.

Màn ra mắt thật khó quên. Trước Albinoleffe, Mastour lập cú đúp, bao gồm một pha lốp bóng chính xác sau khi vượt qua sự theo sát của đối thủ. Ngoài ra, anh còn có một số tình huống xử lý khó tin. Những màn trình diễn ấn tượng tiếp tục đến với Mastour trong mùa giải đầu tiên ở đội trẻ AC Milan. Những bàn thắng, đường kiến tạo và hàng loạt con số thống kê sớm đưa anh trở thành hiện tượng trên toàn thế giới.

Cái tên Mastour được người hâm mộ hô vang trong mỗi trận đấu. AC Milan tận hưởng điều đó trong sự tiếc nuối ngày càng lớn của các đội bóng khác. Tờ The Guardian điền tên chàng trai gốc Morocco vào danh sách 50 cầu thủ sinh năm 1998 xuất sắc nhất thế giới. Danh sách ấy còn có những ngôi sao bóng đá ở hiện tại như Christian Pulisic, Dani Olmo, Martin Odegaard. Trong khi đó, Nike và Red Bull tổ chức một cuộc thi xử lý bóng freestyle giữa Mastour và Neymar.

Đặt mua áo đấu mùa 2021/22 của AC Milan tại đây

AC Milan hiểu rằng những lời ca tụng có thể làm hại cậu bé của mình. Vì vậy, họ quyết định làm mọi cách để bảo vệ cậu trước sự chú ý của cánh truyền thông. Bản thân Mastour tiếp tục tập luyện chăm chỉ. Sự nỗ lực của anh sớm được đền đáp. Năm 15 tuổi, anh được lên đội một, có tên trong danh sách đăng ký thi đấu ở cuộc tiếp đón Sassuolo vào ngày 18/5/2014. Đó là vòng đấu cuối cùng của mùa giải, Rossoneri giành chiến thắng 2-1 tại San Siro. Dù chưa có màn ra mắt trước các milanisti, Mastour vẫn xem đây là một kỷ niệm đẹp.

Vài tuần sau, nhiều nguồn tin khẳng định Chủ tịch Florentino Perez đang muốn đưa Mastour về Real Madrid. Tuy nhiên, “thần đồng” gốc Marocco đem lòng yêu mến AC Milan. Cầu thủ sinh năm 1998 được tân HLV Filippo Inzaghi triệu tập trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới và có tên trong danh sách tham dự chuyến du đấu tại Mỹ. Inzaghi từng là thầy của Mastour ở đội Milan Primavera. Do đó, ông hiểu rất rõ về cậu học trò nhỏ của mình. Tại xứ sở cờ hoa, Mastour được trao cơ hội thể hiện ở trận đấu với chính… Real Madrid và ít nhiều để lại ấn tượng.

Niềm vui tiếp tục đến với chàng trai sinh ra ở Reggio Emilia. Ngày 12/6/2015, ở trận đấu với Libya thuộc vòng loại AFCON Cup, Mastour có màn ra mắt tuyển Morocco. Khi ấy, anh mới 16 tuổi, 11 tháng và 28 ngày và đi vào lịch sử bóng đá nước này với tư cách cầu thủ trẻ nhất khoác áo tuyển quốc gia.

Mastour
Mastour trong trận giao hữu với Real Madrid. Ảnh: Getty Images.

Bi kịch của “thần đồng” Mastour

Đúng vào thời điểm tươi đẹp nhất và được kỳ vọng sẽ tạo nên bước tiến lớn trong sự nghiệp, Mastour lại khiến nhiều người đi từ lo lắng đến thất vọng. AC Milan gửi anh đến Malaga theo dạng cho mượn để được thi đấu nhiều hơn và tích lũy kinh nghiệm. Ngày 7/11/2015, Mastour có lần đầu ra sân ở La Liga khi Malaga làm khách của Real Betis. Anh vào sân ở phút 85, thay thế cho Adnane Tighadouini và góp mặt trong tình huống tấn công cuối cùng của đội khách. Chừng đó không đủ giúp Malaga tránh khỏi thất bại 0-1 tại xứ Andalusia.

Sau trận đấu ấy, Mastour chỉ có thêm 5 phút chơi bóng ở La Liga. Anh thường xuyên ngồi dự bị hoặc theo dõi các đồng đội thi đấu trên khán đài. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh phải đối mặt với giai đoạn đầy khó khăn. Vì còn quá trẻ, Mastour không quen với áp lực, bị mất phương hướng, mang tâm trạng nặng trĩu trở về AC Milan.

Sang mùa giải 2016/17, ban lãnh đạo Rossoneri gửi tiền đạo gốc Marocco sang Zwolle, đội bóng chơi ở giải VĐQG Hà Lan. Môi trường bóng đá ở đây ít áp lực hơn, nhiều không gian hơn dành cho những người trẻ, giúp họ hòa nhập thật nhanh và dễ dàng thể hiện bản thân. Song thêm một lần nữa, sự kỳ vọng từ Milano nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Mastour có 6 lần ra sân nhưng chỉ chơi tổng cộng 178 phút. Trong phần còn lại của mùa giải, anh bị đẩy xuống đội U21, thi đấu thêm 9 trận và ghi được 1 bàn thắng.

Mastour
Carpi là đội bóng gần nhất trong sự nghiệp của Mastour. Ảnh: Getty Images.

Sau 2 thương vụ thất bại, ban lãnh đạo AC Milan buộc phải suy nghĩ về tương lai của Mastour. Bản hợp đồng của chàng trai người Morocco chỉ còn thời hạn một năm. Cuối cùng, họ quyết định giữ anh ở lại Milanello nhằm phục vụ cho mùa giải 2017/18. Tuy nhiên, AC Milan khi ấy có đến 11 tân binh. Phần lớn đều là những ngôi sao đắt giá và đã khẳng định tài năng như Hakan Calhanoglu, Andre Silva, Nikola Kalinic,… HLV Vincenzo Montella đang loay hoay tìm ra công thức chiến thắng và không có ý định đặt cược vào Mastour. Đến khi Gennaro Gattuso thay thế “Tiểu phi cơ” dẫn dắt AC Milan, tình hình không khả quan hơn với chàng trai sinh năm 1998. Anh đành hài lòng với một vài trận đấu cùng đội Primavera.

Ngày 30/6/2018, mối lương duyên giữa Mastour và AC Milan kết thúc. Tiền đạo người Morocco cảm thấy rất cô đơn, không có đồng đội thân thiết để chia sẻ nỗi buồn. Nhờ sự giúp đỡ của người đại diện Mino Raiola, Mastour chuyển đến Hy Lạp và ký hợp đồng với Lamia. Trận đấu ra mắt đội bóng mới của anh đến vào ngày 24/9/2018, Lamia làm khách của Panetolikos. Anh có 30 phút để thể hiện và ngay lập tức trở thành nhân vật chính. Phút 90, tỷ số trận đấu đang là 1-2 nghiêng về đội chủ nhà. Mastour mang về quả phạt đền. Từ khoảng cách 11m, trung vệ Daniel Adejo sút tung lưới Panetolikos, giúp Lamia có được 1 điểm.

Mastour tiếp tục được vào sân từ băng ghế dự bị ở 2 trận gặp Xanthi và OFI Creta. Đến tháng 12/2018, anh có thêm 5 phút ngắn ngủi ở cuộc chạm trán với PAOK Thessaloniki. Khi sự nghiệp chưa có sự thăng tiến, Mastour lại vướng vào rắc rối. Trước Giáng sinh, cựu tiền đạo AC Milan trải qua một cơn đau, tự ý trở về Italia để điều trị mà không thông báo với ban lãnh đạo Lamia. Kể từ đây, anh bị cấm thi đấu nội bộ. Đến ngày 12/3/2019, đội bóng Hy Lạp quyết định chấm dứt hợp đồng với Mastour.

Trong 6 tháng tiếp theo, Mastour rơi vào cảnh thất nghiệp. Không đội bóng nào muốn ký hợp đồng với chàng trai 21 tuổi. Phải chờ đến tháng 9/2019, anh mới tìm thấy một tia sáng. Reggina cho phép Mastour được tập luyện cùng đội một và ký hợp đồng chính thức vào ngày 18/10/2019. Từ một ngôi sao được kỳ vọng lớn ở Milanello, anh phải khởi động lại sự nghiệp từ Serie C.

Reggina giành quyền thăng hạng lên Serie B, nhưng Mastour không phải nhân vật chính. Anh chỉ có 8 phút ra sân ở cuộc đối đầu với Virtus Francavilla trước khi đóng băng trên ghế dự bị và khán đài. Mặc dù vậy, anh vẫn có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của đội bóng vùng Reggio Emilia ở mùa giải 2020/21. Tại Serie B, Mastour có 5 trận liên tiếp được ra sân, dù tất cả đều từ băng ghế dự bị. Sau đó, anh chỉ được vào sân thêm 4 trận nữa và không để lại nhiều ấn tượng.

HLV Domenico Toscano chỉ điền tên Mastour vào đội hình xuất phát ở đấu trường Coppa Italia. Anh có tổng cộng 145 phút thể hiện tài năng trước Teremo và Bologna, nhưng chưa đủ để thuyết phục ban huấn luyện. Tháng 1/2021, chàng trai người Morocco gia nhập Carpi theo dạng cho mượn. Anh chấp nhận xuống Serie C thêm một lần nữa để được ra sân thường xuyên hơn. Trước khi tạm chia tay, Mastour chia sẻ với Pianeta Serie B:

“Tôi rất vinh dự khi được chơi ở một đội bóng như Reggina. Có thể trò chuyện trên sân cùng những cầu thủ đẳng cấp như Lorenzo Crisetig, Jeremy Menez hay German Denis là điều tuyệt vời. Họ giúp tôi thể hiện hết phẩm chất kỹ thuật của mình. Tôi sẵn sàng phục vụ toàn đội, cố gắng hết sức trong mỗi buổi tập. Tuy nhiên, thành tích của tôi không tốt và HLV phải lựa chọn những cầu thủ giỏi hơn tôi. Thật không đúng đắn nếu tôi cho phép mình trở thành nạn nhân của sự khó chịu đến từ các đồng đội. Sau đó, tôi nhận được cuộc gọi từ Giám đốc thể thao Andrea Mussi và HLV Sandro Pochesci. Họ rất muốn đưa tôi đến Carpi, cho tôi cảm giác đặc biệt cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ”.

AC Milan
Essien từng nóng mặt trước sự phô diễn thái quá của Mastour. Ảnh: Getty Images.

Tại Carpi, anh có 14 lần ra sân và 10 trong số đó là từ đầu trận. Dù chỉ ghi 1 bàn thắng, màn trình diễn của anh vẫn được đánh giá rất cao. Đáng tiếc, vào tháng 3/2021, chấn thương gân khoeo khiến anh phải nghỉ thi đấu một thời gian. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, buộc Mastour phải sớm kết thúc mùa giải.

Phong độ ấn tượng của Mastour ở vùng Emilia-Romagna không đủ để thuyết phục ban lãnh đạo Reggina gia hạn hợp đồng. Đến mùa hè, anh trở thành cầu thủ tự do. Song suốt một năm qua, tiền đạo 24 tuổi chưa tìm được bến đỗ mới. Có thể nói Mastour đang thất bại thảm hại trên con đường trở thành một ngôi sao thực thụ. Anh vẫn còn những kỹ năng xử lý trái bóng đầy nghệ thuật khiến nhiều người mê mẩn như cách đây 10 năm, nhưng không đủ bản lĩnh để vượt qua áp lực của một thần đồng bóng đá.

Alessandro Mastalli, người đồng đội cũ của Mastour kể lại với tờ La Gazzetta dello Sport: “Vấn đề của Mastour không nằm ở chuyên môn, mà ở khía cạnh tinh thần. Cậu ấy phải chịu sự quản lý tồi tệ của những người xung quanh và không thể sống với quá nhiều kỳ vọng. Trong quá trình tập luyện, Mastour chỉ chơi vì lợi ích của riêng mình, thường xuyên rê bóng qua mặt đồng đội. AC Milan có Michael Essien và Sulley Muntari, những người luôn nỗ lực vì toàn đội ngay cả khi bị xem là những con bò đực. Việc những cầu thủ lớn tuổi hơn Mastour không thích cậu ấy là hoàn toàn dễ hiểu. Đối với họ, Mastour chỉ thích thể hiện”.

Ngày 15/6 vừa qua, Mastour tròn 24 tuổi. Anh đang tự tập luyện, hy vọng điện thoại của mình đổ chuông và đầu dây bên kia là một chuyên gia bóng đá. Sau chuỗi ngày u ám, chàng trai người Morocco vẫn còn một chặng đường dài để thay đổi số phận dù điều ấy rất khó khăn.

(Lược dịch từ bài “Mastour, la storia di un bluff: da futura stella del Milan all’anonimato” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane