Enzo Francescoli: “Hoàng tử” của Montevideo, thần tượng của Zinedine Zidane

Francescoli

“Tôi đã học được rất nhiều điều từ anh ấy”, Zinedine Zidane nói về Enzo Francescoli trong một buổi trả lời phỏng vấn. Khi một nhà vô địch thế giới, một thần tượng của bao thế hệ cầu thủ nhận xét như vậy, bạn có thể hiểu được đẳng cấp của ngôi sao người Uruguay ra sao rồi đấy!

“Ai là cầu thủ Uruguay xuất sắc nhất trong 40 năm qua?”

Nếu đến Uruguay và đặt câu hỏi ấy, phần đông người dân yêu bóng đá sẽ cho bạn 2 câu trả lời. Thứ nhất, là Enzo Francescoli. Thứ hai, là “El Principe de Montevideo” (Hoàng tử của Montevideo). Vậy hoàng tử của Montevideo là ai? Vâng, chính là Enzo Francescoli!

Một cầu thủ đẳng cấp, với kỹ thuật chơi bóng phi thường. Trong sự nghiệp của mình, anh từng đảm nhiệm nhiều vị trí: tiền đạo ảo, tiền vệ công, tiền vệ phòng ngự, tiền vệ chơi tự do và hộ công. Dù ở bất kỳ vị trí nào, anh đều khiến người hâm mộ phải say mê. Tuyển Uruguay và các đội bóng cũng được hưởng lợi từ Francescoli, khi giành được những kết quả ấn tượng.

Sự khởi đầu gian nan

Enzo Francescoli Uriarte sinh ra ở Montevideo vào ngày 21/11/1961. Anh là con trai trong một gia đình người Italia di cư đến Banda Oriental. Tuổi thơ của anh gắn liền với mảnh đất Capurro, một quận nằm trong thủ đô Montevideo. Gia đình Francescoli thuộc tầng lớp trung lưu, đem lòng yêu mến Penarol. Đó cũng là đội bóng mà anh muốn gia nhập từ thời thơ ấu. Francescoli thậm chí còn tham gia buổi tuyển quân của Penarol. Anh khiến các chuyên gia phải ngạc nhiên bởi kỹ thuật cá nhân và nhãn quan tuyệt vời. Tuy nhiên, họ không thu nhận anh, với lý do rằng thể lực quá yếu.

Điều đó không làm Francescoli thất vọng. Anh ngay lập tức tìm đến, tham gia buổi tuyển quân của River Plate Montevideo, đội bóng lớn thứ hai tại thủ đô Uruguay. Song một lần nữa, nỗi buồn lại ập đến với chàng trai đang nuôi khát vọng trở thành cầu thủ. Cuối cùng, anh gõ cửa đội bóng lớn thứ ba ở thủ đô, Montevideo Wanderers. Lần này, may mắn đã mỉm cười. Đội chủ sân Alfredo Víctor Viera Park đặt niềm tin vào Francescoli, quyết định ký hợp đồng với anh. Anh dần tìm thấy sự tự tin và có được không gian chơi bóng. Các HLV đánh giá Francescoli là cầu thủ đầy triển vọng, có thể trở thành “truyền nhân của Alberto Schiaffino”.

Biết được sự tiến bộ của Francescoli, các đội bóng lớn tại châu Âu không thể ngồi yên. Năm 1981, sau khi giành quyền thăng hạng, ban lãnh đạo AC Milan rất muốn đưa chàng trai 20 tuổi đến Serie A. Chủ tịch Giuseppe Farina đích thân bay sang Uruguay để trực tiếp theo dõi Francescoli chơi bóng và đàm phán với Montevideo Wanderers. Đi cùng ông còn có người đại diện nổi tiếng Paco Casal. Tuy nhiên, sau thời gian đánh giá, họ cho rằng Francescoli không phù hợp với lối chơi của mình. Thương vụ bị hủy bỏ, anh tiếp tục ở lại thành phố Montevideo.

Đến tận 2 năm sau, Francescoli mới được ra nước ngoài để gầy dựng sự nghiệp. Điểm đến tiếp theo của tiền vệ người Uruguay là River Plate, một trong những đội bóng lớn nhất tại Argentina. Thân hình gầy gò vào thời điểm ấy lại trở thành điểm mạnh của Francescoli. Anh dễ dàng thoát khỏi sự truy cản của hậu vệ đối phương bằng những pha lắc hông cùng lối chơi thanh lịch, nhẹ nhàng.

Francescoli
Francescoli, “Hoàng tử” trong lòng người hâm mộ bóng đá Uruguay. Ảnh: Getty Images.

Trong mùa giải đầu tiên, Francescoli gặp vô vàn khó khăn và không có cái kết trọn vẹn vì chấn thương. Tuy nhiên, sang mùa giải tiếp theo vào năm 1984, anh trở thành Vua phá lưới của giải VĐQG Argentina với 29 bàn thắng. Đội bóng do HLV Alfonso Pedernera dẫn dắt đứng ở vị trí thứ tư. Cái tên Francescoli dần ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Victor Morales gọi anh là “El Principe” (Hoàng tử), và biệt danh ấy dần được những người yêu mến Francescoli hưởng ứng. Nhưng tại sao lại là “El Principe”? Tất cả bắt đầu từ lời giải thích của ông Morales:

“Biệt danh này ra đời bởi vì tôi thường xuyên ngâm nga bài thơ ‘Tango Principe’. Mỗi khi Francescoli ghi bàn, tôi đều lặp đi lặp lại câu thơ ‘Tôi là Hoàng tử, tôi có một tình yêu và đó là những bàn thắng’. Tôi cảm thấy biệt danh này hoàn toàn phù hợp với Francescoli. Cậu ấy có vẻ mặt u sầu nhưng là con người lịch lãm, quý phái”.

Bước vào mùa giải 1985/86, HLV Hector Veira nhận lời dẫn dắt River Plate. “Dòng sông bạc” thi đấu ấn tượng, giành được danh hiệu VĐQG Argentina thứ 22 trong lịch sử CLB. Với 25 bàn thắng, một lần nữa Francescoli trở thành Vua phá lưới của giải đấu.

Vô địch Copa America và sang châu Âu

Nhờ phong độ ấn tượng trong màu áo River Plate, Francescoli được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và tham dự Copa America năm 1983. Khi ấy, tuyển Uruguay gồm nhiều cầu thủ trẻ nhưng gây bất ngờ lớn khi vượt qua tuyển Brazil hùng mạnh để trở thành nhà vô địch. Tất nhiên, Francescoli là người ghi dấu ấn đậm nét hơn cả.

Phút 41 của trận chung kết lượt đi trên sân Centenario, trọng tài chính không cho tuyển Uruguay được hưởng phép lợi thế sau khi chàng trai 22 tuổi bị phạm lỗi. Người hâm mộ Celeste rất tức giận. Đáp lại, Francescoli bình tĩnh, đặt bóng xuống đúng vị trí được trọng tài yêu cầu rồi tung ra cú sút phạt quyết đoán, không cho thủ môn Emerson Leao cơ hội cản phá. Sau đó, tuyển Uruguay ghi thêm 1 bàn nữa và giành thắng lợi 2-0. Sang trận lượt về, họ cầm hòa đối thủ 1-1, trở thành nhà vua mới tại Nam Mỹ. Bản thân Francescoli được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.

Năm 1986, “El Principe” có lần đầu tiên góp mặt ở World Cup. Tuy nhiên, tuyển Uruguay lại trình diễn lối chơi rất thực dụng, khiến Francescoli không thể thể hiện hết tài năng của một số 10. Họ chỉ giành được 2 điểm ở vòng bảng, nhưng chừng đó là đủ để tiến vào vòng knock-out khi là 1 trong 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất. Đáng tiếc, cuộc hành trình của tuyển Uruguay nhanh chóng dừng lại bởi thất bại trước tuyển Argentina, đội sau đó trở thành nhà vô địch giải đấu.

Sau ngày hội bóng đá thế giới, sự nghiệp của Francescoli thay đổi rất nhiều. Anh quyết định rời River Plate để chuyển sang châu Âu chơi bóng. Tuy nhiên, điểm đến của anh không phải là một đội bóng danh tiếng, mà chỉ là một cái tên đang nuôi tham vọng lớn: Racing Club de France Football.

CLB này từng 2 lần giành ngôi á quân tại Ligue I và 5 lần vô địch Cúp quốc gia Pháp, song tất cả đều là quá khứ xa xăm. Vào thời điểm ấy, sức mạnh của đội bóng có trụ sở ở ngoại ô Paris đã suy giảm rất nhiều. Racing Club de France Football vừa được chuyển giao cho Jean-Luc Lagardere, Chủ sở hữu tập đoàn Matra. Ngay lập tức, vị doanh nhân 58 tuổi bỏ ra 300 triệu franc (tương đương 46 triệu euro ở hiện tại) để chiêu mộ hàng loạt cầu thủ mới, với quyết tâm đưa đội bóng của mình quay trở lại thời hoàng kim.

Francescoli
Francescoli ở World Cup 1986. Ảnh: Getty Images.

Pierre Littbarski và Luis Fernandez lần lượt chuyển đến thủ đô nước Pháp. Francescoli cũng vậy. Lời đề nghị được Chủ tịch Lagardere gửi đến chàng trai người Uruguay rất hấp dẫn. Ngoài mức lương trong hợp đồng đã ký, “El Principe” còn nhận được một chiếc Peugeot 205 rực rỡ và một biệt thự xa hoa. Đáp lại sự tin tưởng ấy, Francescoli ghi 32 bàn trong 3 mùa giải. Tuy nhiên, thành tích của Racing Club de France Football lại đáng thất vọng. Cuối mùa giải 1988/89, họ đứng trước nguy cơ xuống hạng và chỉ được ở lại Ligue I nhờ hơn nhóm “cầm đèn đỏ” về hiệu số bàn thắng bại.

Niềm vui chỉ đến với Francescoli khi anh trở về cống hiến cho tuyển Uruguay. Năm 1987, anh có được danh hiệu Copa America thứ hai. Trong trận bán kết, họ đánh bại Argentina của Diego Maradona. Đến trận chung kết, họ thi đấu đầy nỗ lực và vượt qua tuyển Chile với tỷ số tối thiểu.

Từ Marseille đến mùa hè Italia

Trở về Racing Club de France Football, Francescoli thường xuyên xung đột với Chủ tịch Lagardere. Anh cảm thấy mình là tù nhân ở Paris và muốn ra đi bằng mọi giá. Cầu thủ người Uruguay tuyên bố: “Niềm đam mê bóng đá ở đây dường như không tồn tại. Để mang về thành tích, ông ấy phải khích lệ những cầu thủ của mình, không nên hà tiện”.

Biết được tình cảnh của Francescoli, AS Roma và Inter Milan cố gắng “giải cứu” anh. Tuy nhiên, số tiền họ đưa ra không làm hài lòng Lagardere. Chứng kiến các đối thủ sốt sắng, Juventus cũng nhảy vào thương vụ này. Gianni Agnelli, Chủ tịch của Juventus và là người hiểu rất rõ về bóng đá, đã gặp Francescoli vài lần ở Paris. “El Principe” rất muốn hít thở bầu không khí Serie A. Nhưng cũng như khi đàm phán với AS Roma và Inter Milan, phía Racing Club de France Football kiên quyết khước từ lời đề nghị của Juventus.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán, vào mùa hè năm 1989, việc đưa Francescoli về với “Lão phu nhân” dường như đã hoàn tất. Agnelli vui vẻ cùng Giampiero Boniperti bay đến Rio de Janeiro để xem “El Principe” thi đấu ở Copa America. Cầu thủ người Uruguay nhanh chóng ký hợp đồng cá nhân với Juventus và tìm kiếm một ngôi nhà ở Turin. Song một lần nữa, Legardere cố tình ngăn cản thương vụ này. Mọi chuyện sau đó rơi vào bế tắc. Quá tức giận, Francescoli quyết định chuyển sang khoác áo Marseille.

Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây

Trong mùa giải 1989/90, người hâm mộ được chứng kiến những màn trình diễn tuyệt vời của đội chủ sân Velodrome. Với Francescoli, Jean-Pierre Papin và Chris Waddle, Marseille trở thành nhà vô địch Ligue I, đồng thời lọt vào đến bán kết cúp C1, trước khi bị loại bởi Benfica. “El Principe” đảm nhiệm vai trò tiền vệ công hoặc tiền đạo cắm, ghi được 11 bàn thắng. Phong độ ấn tượng ấy giúp anh có tên trong danh sách tham dự World Cup 1990 của tuyển Uruguay.

Trên đất Italia, dù nhận được sự kỳ vọng rất lớn, đội tuyển có biệt danh Celeste lại thi đấu không tốt. Họ bị loại ngay từ vòng 1/8 bởi đội chủ nhà. Francescoli dù cố gắng chơi bóng, nhưng vẫn có những màn trình diễn nhạt nhòa. Phong độ của anh bị ảnh hưởng bởi một vết nứt nhỏ ở chân, và HLV Oscar Tabarez phải trả giá vì quá vụ thuộc vào “El Principe”.

Về phần mình, đây là lần đầu tiên Francescoli đặt chân đến Italia. Kỳ World Cup 1990 ấy đã gieo mối duyên lành cho chàng tiền vệ 28 tuổi và đất nước ven bờ Địa Trung Hải, sau những lần lỡ hẹn với AC Milan, AS Roma, Inter Milan rồi Juventus. Sau ngày hội bóng đá thế giới, tương lai của Francescoli trở thành đề tài thu hút sự chú ý rất lớn. Cuối cùng, Cagliari khiến tất cả người hâm mộ phải ngỡ ngàng khi chiêu mộ thành công cầu thủ thuộc biên chế Marseille sau những cuộc thương lượng dài ngày.

World Cup 1990
Mùa hè Italia 1990 của Francescoli. Ảnh: Getty Images.

Ngôi sao trên đảo Sardinia

Trên thực tế, việc chiêu mộ Francescoli hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của đội bóng xứ đảo Sardinia. Tháng 4/1990, Giám đốc thể thao Carmine Longo và các trợ lý ghé thăm học viện bóng đá Dynamo Dresden. Mục đích của họ là trực tiếp theo dõi Ulf Kirsten, cái tên được Cagliari nhắm đến trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Trong thời gian này, họ còn dừng chân ở Stuttgart để xem trận giao hữu giữa tuyển Tây Đức và tuyển Uruguay. Carmine Longo cảm thấy cực kỳ ấn tượng với bộ đôi Pepe Herrera và Daniel Fonseca bên phía Celeste. Ngay lập tức, họ liên hệ với người đại diện Paco Casal để sớm có được 2 cầu thủ này.

Kirsten đồng ý chuyển đến Cagliari, và chỉ cần còn chờ chữ ký trong bản hợp đồng. Tuy nhiên sau đó, tiền đạo này bất ngờ quay xe, chuyển đến Bayer Leverkusen vì không muốn rời xa quê hương. Paco Casal rất thất vọng, nhưng một ý tưởng điên rồ bất ngờ lóe lên trong đầu ông. Trong một lần ghé thăm Verona, nơi tuyển Uruguay chọn làm đại bản doanh tại World Cup, ông đặt ra cho mình một câu hỏi: “Tại sao lại không chiêu mộ Francescoli?”

Tất cả giống như một câu chuyện đùa. Nhưng không, ban lãnh đạo Cagliari nhanh chóng lên kế hoạch để có được Francescoli. Họ bắt đầu ngỏ lời với “El Principe” khi tuyển Uruguay đang gói ghém hành lý rời Italia. HLV Claudio Ranieri bay đến Verona để trực tiếp nói chuyện với cầu thủ 28 tuổi. Lời đề nghị nhanh chóng được Cagliari gửi đến Marseille. Tuy nhiên, đội bóng thành phố cảng nước Pháp liền từ chối, bởi họ muốn nhận được số tiền lớn hơn. Điều đó khiến Cagliari lo lắng, tài chính của họ không quá dư dả. Thế nhưng, thương vụ nhanh chóng được hoàn tất, khi Francescoli gửi thông điệp rõ ràng cho Marseille: “Tôi muốn đến Cagliari”.

Sau này, tiền vệ người Uruguay giải thích: “Tôi muốn thể hiện bản thân ở giải đấu trong mơ này, ngay cả khi đội bóng của tôi không phải là một gã khổng lồ ở Italia. Vì vậy, tôi rời Marseille mà không có chút do dự nào. Cuộc đời tôi cũng thay đổi từ đây. Tôi phải chiến đấu chống lại những lời phán xét của mọi người. Họ nói rằng tôi là kẻ bất cần, không mạnh mẽ, không chịu hỗ trợ đồng đội và rất ích kỷ”.

Ngày 6/7/1990, Francescoli đáp xuống sân bay Elmas tại đảo Sardinia. Một đám đông người hâm mộ có mặt để chào đón anh, tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt. “El Principe” xuất hiện với sự khiêm tốn, giản dị vốn trở nên quen thuộc. Chứng kiến tình cảm của người hâm mộ, anh cảm thấy ngại ngùng và ngạc nhiên. Marseille cũng đồng ý chơi một trận giao hữu với Cagliari tại Sant’Elia. Trận đấu ấy thu hút lượng khán giả kỷ lục, giúp đội bóng xứ đảo thu về 600 triệu lire. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, đại diện của nước Pháp giành chiến thắng 4-3 với bàn quyết định của Papin, và làm buồn lòng các tifosi yêu mến Cagliari.

Giữa Francescoli và Cagliari dường như có một tình yêu sét đánh. Mảnh đất Sardinia cũng khiến anh nhớ đến thủ đô Montevideo yêu dấu của mình. Francescoli gặp khó khăn trong vài tháng đầu tiên. Anh chưa có nhà riêng, phải ở trong khách sạn thuộc công ty của vợ và tìm cách ổn định cuộc sống. Nhưng mọi thứ không làm ảnh hưởng đến phong độ trên sân cỏ của tiền vệ người Uruguay. Anh sớm có màn ra mắt Cagliari trong trận đấu với Lecce ở Coppa Italia. Không lâu sau, anh bắt đầu chạy những bước đầu tiên trên sân cỏ Serie A, khi Cagliari chạm trán Inter Milan. Đáng tiếc, đội bóng của anh để thua 0-3 ở trận này.

Sau thời gian chờ đợi, bàn thắng đầu tiên của Francescoli cho Cagliari cũng đã đến. Từ một tình huống đá phạt trực tiếp trong trận gặp Atalanta, “El Principe” vung chân đưa bóng vào lưới đối thủ, mang đến niềm vui cho số ít người hâm mộ xứ đảo có mặt ở sân Atleti Azzurri d’Italia.

Bàn thắng ấy giúp Francescoli giải tỏa tâm lý, trở thành một ngôi sao tại Serie A? Nhiều người đã kỳ vọng như vậy, nhất là khi nhớ về những màn trình diễn hoa mỹ của anh trong quá khứ. Song sự kỳ vọng nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Những cơn đau bắt đầu xuất hiện, ngày càng dữ dội hơn, khiến Francescoli không còn là chính mình. Không một ai trên hòn đảo Sardinia buông lời chỉ trích ngôi sao 29 tuổi, nhưng dần dần, họ cũng hoài nghi về động lực thi đấu của anh. Bất chấp việc Francescoli không được khỏe, HLV Ranieri vẫn sử dụng anh ở vị trí hộ công hoặc tiền vệ công. Kết quả, Cagliari phải nhận về những kết quả tệ hại và tiến gần đến nhóm xuống hạng.

Sau này, Francescoli tiết lộ với Storie di Sport: “Trước khi đặt chân đến Cagliari, tôi phải thi đấu liên tục, không nghỉ ngơi trong suốt 4 năm. Do đó, tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi cũng không còn tin tưởng tuyệt đối vào bản thân mình. Khi trái bóng vừa được chuyền đến tôi, các hậu vệ đối phương biết rõ tôi sẽ rê bóng theo hướng nào”.

Francescoli
Francescoli để lại quá nhiều ấn tượng ở xứ đảo Sardinia.

Bước sang tháng 12/1991, mọi thứ bắt đầu đi đúng hướng. Francescoli tìm được một ngôi nhà ở Margine Rosso, trên bờ biển Quartu. Vấn đề thể lực và chấn thương dần biến mất. Thành tích của Cagliari cũng vì thế mà được cải thiện. Bước ngoặt bắt đầu từ trận hòa 2-2 với Juventus ngay tại sân Delle Alpi. Trong 8 vòng đấu cuối, Cagliari hoàn toàn bất bại, có điểm trước những đội bóng mạnh như Juventus, AS Roma và Sampdoria – chủ nhân của Scudetto ở mùa giải ấy. Nhờ sự tiến bộ vượt bậc, đội bóng xứ đảo giành vé trụ hạng một cách thần kỳ.

Francescoli ghi tổng cộng 4 bàn sau 33 lần ra sân, con số khá khiêm tốn so với tài năng của anh. Tuy nhiên, trong mắt người hâm mộ, anh và Gianfranco Matteoli thực sự là linh hồn của Cagliari, là thần tượng của họ. Mỗi khi Francescoli có bóng, các khán giả trên sân Sant’Elia như bị mê hoặc. Khi thể lực được cải thiện, điều ấy đến thường xuyên hơn. Hầu như mọi đường lên bóng của Cagliari đều có dấu ấn của “El Principe”.

Sang mùa giải 1991/92, Francescoli càng để lại ấn tượng đậm nét hơn, với 6 bàn thắng sau 33 trận. Một trong số những bàn thắng ấy vẫn còn được các tifosi của Cagliari nhớ đến tận bây giờ. Ở vòng đầu tiên, Cagliari phải tiếp đón nhà đương kim vô địch Sampdoria. Về lý thuyết, không ai tin rằng đội chủ nhà sẽ có điểm khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Xin nhắc lại, đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế lại hoàn toàn khác. Phút 14, Francescoli cân bằng tỷ số 1-1 cho Cagliari từ chấm phạt đền. Phút 50, anh nhận bóng từ cánh trái, rê qua 2 cầu thủ Sampdoria rồi dứt điểm. Gianluca Pagliuca bay người trong vô vọng, tỷ số khi ấy là 2-2. Đến phút 67, Jose Herrera lên tiếng, giúp Cagliari hoàn tất cuộc lội ngược dòng đầy khó tin.

Cũng trong mùa giải ấy, đội chủ sân Sant’Elia xảy ra nhiều biến động. Sau chuỗi thành tích thất vọng, HLV Massimo Giacomini bị sa thải, nhường lại ghế nóng cho Carlo Mazzone. Nơi thượng tầng, Massimo Cellino trở thành tân Chủ tịch của đội bóng. Điều đó khiến tương lai của Francescoli trở nên khó lường. Tuy nhiên, bất chấp những tin đồn về việc rời đảo Sardinia, “El Principe” vẫn đồng ý ở lại, chấp nhận giảm mức lương xuống còn 4,5 tỷ lire. Trong suy nghĩ của anh, Cagliari là nhà, còn Sardinia là quê hương thứ hai. Bước vào mùa giải thứ ba, Cagliari thi đấu đầy ấn tượng, liên tục giành chiến thắng và kết thúc ở vị trí thứ 6 tại Serie A, đồng thời giành vé tham dự UEFA Cup.

Thông qua buổi trả lời phỏng vấn với tờ Corriere della Sera vào tháng 12/1992, Francescoli bày tỏ: “Cagliari không chỉ là bóng đá, mà còn là cuộc sống của tôi. Một người đàn ông dù đi đến bất kỳ đâu thì cũng sẽ có lúc trở về với nơi quen thuộc nhất của mình. Khi khoác lên chiếc áo màu xanh đỏ của đội bóng, tôi có cảm xúc như khi cống hiến cho tuyển Uruguay”.

Vittorio Pusceddu, một đồng đội cũ của Francescoli từng chia sẻ với tờ Storie di Sport: “Có những giai đoạn, Francescoli khiến tất cả như muốn phát điên. Anh ấy giữ bóng, rồi yêu cầu toàn đội dâng lên”.

Lulù Oliveira cũng nhớ lại: “Khi Francescoli bật cao, các đối thủ cố gắng ngăn chặn một pha đánh đầu của anh ấy. Nhưng không, anh ấy đỡ bóng bằng ngực của mình. Bình thường, các cầu thủ sẽ cố gắng dứt điểm bằng đầu. Còn Francescoli thì không. Anh ấy dùng ngực để khống chế, rồi đưa bóng xuống chân và sút vào khung thành. Sự lươn lẹo ấy khiến các đối thủ rất ghét”.

Francescoli
Francescoli trong một lần ghé thăm đội bóng cũ Cagliari.

Cuối mùa giải 1992/93, Francescoli còn có thêm một kỷ niệm ngọt ngào khác. Ngày 16/5/1993, Cagliari làm khách trên sân của Torino. Các chàng trai xứ đảo thể hiện lối chơi đẹp mắt, đánh bại đội bóng của HLV Emiliano Mondonico đến 5-0. “El Principe” lập cú đúp ở trận này. Ở tình huống dẫn đến bàn đầu tiên, anh dẫn bóng bên cánh trái, từ gần giữa sân, đi qua 4 cầu thủ đối phương, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội rồi dứt điểm tung lưới thủ môn Luca Marchegiani.

Sang trận tiếp theo, Francescoli có thêm một bàn thắng, giúp Cagliari giành 1 điểm trước AC Milan, đội sau đó trở thành chủ nhân của Scudetto và á quân Champions League. Ngày 30/5/1993, “lão tướng” người Uruguay rê bóng qua thủ môn Francesco Mancini rồi sút tung lưới Foggia. Bước vào vòng đấu cuối cùng, Cagliari vùi dập các vị khách Pescara đến 4-0, qua đó mở toang cánh cửa đến cúp châu Âu. Francescoli là người ấn định chiến thắng ấy bằng một pha đá phạt hàng rào chính xác. Sau khi ghi bàn, anh chạy đến cột cờ phạt góc và vẫy tay ăn mừng. Ít ai ngờ rằng đó cũng là dấu ấn cuối cùng của “El Principe” tại đảo Sardinia.

Chiến tích cuối cùng

Mùa hè năm 1993, sau những bất đồng không thể hàn gắn với Chủ tịch Cellino, Francescoli quyết định chia tay Cagliari. Không lâu sau, anh gia nhập Torino theo tiếng gọi của người bạn thân Carlos Aguilera. Song cuộc phiêu lưu tại Torino của anh không kéo dài. Ở tuổi 32, một pha va chạm nhẹ cũng có thể làm Francescoli chấn thương. Mỗi lần chấn thương, anh mất một khoảng thời gian rất lâu để bình phục, và phong độ trên sân cỏ cũng suy giảm. Anh có 24 lần ra sân và ghi thêm 3 bàn thắng ở Serie A, rồi sau đó trở về River Plate.

Nhiều người cho rằng Francescoli đã hết thời. Nhưng không, “El Principe” ngay lập tức khiến tất cả phải ngạc nhiên. Tại River Plate, anh trở thành thủ lĩnh trong đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ, chinh phục hàng loạt danh hiệu, bao gồm 4 lần đăng quang ở giải VĐQG Argentina. Năm 1996, ở tuổi 34, Francescoli có lần đầu tiên chạm tay vào chiếc cúp Copa Libertadores. Cũng trong năm ấy, River Plate để thua Juventus ở trận tranh Cúp Liên lục địa. Dù không thể giúp “Dòng sông bạc” giành chiến thắng, màn trình diễn của Francescoli vẫn khiến một ngôi sao bên phía đối thủ say mê. Người đó chính là Zinedine Zidane!

Ở tuyển Uruguay, vào năm 1995, Francescoli cùng những người đồng đội lâu năm là Pepe Herrera và Daniel Fonseca vượt qua Brazil trong trận chung kết để lần thứ ba trở thành nhà vô địch Copa America. Tháng 12/1997, khi không còn gì nuối tiếc, “El Principe” tuyên bố giải nghệ. Ngày 1/8/1999, anh chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp. River Plate của anh chạm trán đối thủ Penarol. Dù thể lực không đảm bảo, Francescoli vẫn gây ấn tượng mạnh bởi kỹ thuật cá nhân tuyệt vời, và lấy đi nước mắt của hơn 60.000 khán giả đến sân xem anh thi đấu.

Mọi chuyện chưa dừng lại. Ngày 15/7/2012, Francescoli góp mặt trong trận đấu tri ân tiền vệ Ariel Ortega. Tại đây, anh lập một cú poker ngoạn mục, trong đó có pha ngả bàn đèn tuyệt đẹp. Khi ấy, ít ai nghĩ rằng anh đã 51 tuổi.

Zidane
Zidane từng say mê lối chơi của Francescoli. Ảnh: Getty Images.

Thần tượng của Zidane, giống Diego Milito đến không ngờ

Với đẳng cấp của mình, Francescoli đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cầu thủ. Người hâm mộ lớn nhất của anh chắc chắn là Zidane. Cựu tiền vệ người Pháp luôn dành cho Francescoli sự kính trọng đặc biệt. Anh say mê lối chơi của “El Principe” đến mức quyết định lấy tên Enzo để đặt cho con trai của mình. Zidane từng tiết lộ rằng khi Francescoli còn chơi bóng ở Marseille, anh thường đến sân tập của đội bóng này chỉ để xem ngôi sao đến từ Uruguay phô diễn kỹ thuật. Một tình bạn đẹp bắt đầu nảy sinh giữa Zidane và Francescoli.

Một lần, Marco – con trai thứ hai của Francescoli – được gặp Zizou. Cậu liền đặt câu hỏi với nhà vô địch thế giới người Pháp rằng những kỹ năng chơi bóng của anh có từ đâu. Zidane trả lời mà không cảm thấy do dự: “Hãy hỏi cha của cậu. Chú đã học được từ ông ấy đấy!”

Sau này, biệt danh “El Principe” của Francescoli được kế thừa bởi Milito, tiền đạo lừng danh một thời ở Genoa và Inter Milan. Điều đó không xuất phát từ lối chơi giống nhau của cả hai, mà bởi sự tương đồng về vóc dáng và nét mặt. Tuy nhiên, với nhiều người từng có dịp theo dõi Francescoli thi đấu, “El Principe” trong lòng họ chỉ có một, đó là chàng trai đến từ Montevideo.

(Lược dịch từ bài “Enzo Francescoli, ‘Il Principe’ di Montevideo idolo di Zidane” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane