“Antonio là một hiện tượng và là một người bạn. Anh ấy cũng là người đồng đội xuất sắc nhất mà tôi từng sát cánh trong suốt sự nghiệp của mình”, Diego Maradona từng nhận xét về Careca như vậy.
Đôi chân nhanh nhẹn, thể lực dồi dào và biết cách tạo ra sự khác biệt. Careca hội đủ yếu tố để được xem là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mà bóng đá Brazil từng sản sinh. Ông ghi rất nhiều bàn thắng và theo nhiều cách khác nhau: bằng chân phải, bằng chân trái hoặc bằng đầu. Careca có thể tận dụng sức mạnh thể hình hoặc khả năng tư duy, thi đấu rắn rỏi như một chiến binh hoặc mềm mại như một nghệ sĩ. Trong mỗi trận đấu, hiếm khi người hâm mộ được chứng kiến màn trình diễn nhạt nhòa từ ông. Tất nhiên, các đội bóng chủ quản cũng được hưởng lợi từ tài năng của Careca.
Tại Brazil, Careca góp công đưa Guarani bước lên đỉnh vinh quang tại giải VĐQG. Trước đó, ông dẫn dắt đội bóng thân yêu đi từ giải hạng hai lên đến Serie A Brazil. Điều quan trọng hơn, Careca trưởng thành từ lò đào tạo của Guarani. Vì vậy, những người yêu mến đội bóng này luôn dành cho ông tình cảm đặc biệt, như một vị anh hùng giữa thời loạn lạc. Sau 4 năm cống hiến cho Guarani, ông chuyển sang Sao Paolo. Ngoài 3 danh hiệu có được cùng đội bóng này, Careca còn gây ấn tượng mạnh nhờ phong độ đỉnh cao ở đấu trường châu lục. Dần dần, cánh cửa dẫn Careca sang bên kia bờ Đại Tây Dương đã mở ra. Năm 1987, ông chuyển đến Napoli.
Tại miền nam Italia, tiền đạo này kết hợp cùng Diego Maradona và Bruno Giordano, tạo thành bộ ba Ma-Gi-Ca huyền diệu. Tam tấu này trở thành niềm tự hào của người Neapolitan khi gieo rắc cơn ác mộng cho cả châu Âu. Năm 1988, Giordano rời Napoli, nhưng sức mạnh hàng công của đội chủ sân San Paolo không bị ảnh hưởng. Careca tiếp tục cùng Maradona khuynh đảo mọi hàng thủ, góp công giúp đội bóng của mình giành được UEFA Cup, Scudetto và Supercoppa Italiana. Tiền đạo người Brazil ở lại dưới chân núi lửa Vesuvius đến năm 1993. Sau đó, ông sang Nhật Bản, gia nhập Kashiwa Reysol, gắn bó với đội bóng này trong 4 năm rồi trở về quê nhà. Đến năm 39 tuổi, khi những cơn đau ở chân xuất hiện ngày càng nhiều, Careca quyết định giải nghệ.
Trong màu áo tuyển Brazil, Careca ghi 29 bàn sau 60 trận. Đến hiện tại, ông vẫn nằm trong danh sách 20 chân sút xuất sắc nhất lịch sử Selecao. Sự nghiệp quốc tế của ông có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn và sự tiếc nuối. Careca cùng tuyển Brazil tham dự World Cup 1986 và 1990. Tuy nhiên, ông phải bỏ lỡ World Cup 1982 vì chấn thương. Đến năm 1994, sau khi phải nhận những lời chỉ trích, Careca tuyên bố giã từ đội tuyển. Phần còn lại là lịch sử. Tuyển Brazil giành cúp vàng trên đất Mỹ, còn Careca ở nhà nhìn các đồng đội bước lên bục vinh quang.

Cái tên “Careca” bắt nguồn từ đâu?
Ngày 5/10/1960, Antonio de Oliveira Filho cất tiếng khóc chào đời ở Araraquara, thuộc bang Sao Paulo. Mẹ và dì của ông luôn dành tình cảm cho George Savalla Gomes (có biệt danh là Carequinha), chú hề nổi tiếng trên truyền hình Brazil thời bấy giờ. Vì vậy, họ mượn một phần trong biệt danh Caraquinha để đặt tên cho cậu bé vừa chào đời.
Careca biết đến bóng đá và đam mê môn thể thao này từ rất sớm. Cha của ông là một cầu thủ chạy cánh trái, có kỹ thuật cá nhân rất tốt, sử dụng hai chân như một và từng chơi bóng cùng Dondinho – cha của huyền thoại Pele. Năm 2016, Careca từng kể lại trong cuộc trả lời phỏng vấn với Il Napolista: “Cha tôi là người gốc Santos. Vì vậy, từ khi tôi còn rất nhỏ, cả gia đình tôi đã đều là santistas. Tôi được truyền tình yêu bóng đá từ cha của mình. Bóng đá là giấc mơ đối với tôi. Dần dần tôi nhận ra rằng mình cần bóng đá để duy trì sự sống, giống như khí oxi vậy”.
Trong dòng hồi tưởng, Careca tiết lộ về người giúp ông bắt đầu sự nghiệp cầu thủ: “Tôi bắt đầu chơi bóng trên đường phố khi còn là một đứa trẻ 5-6 tuổi. Năm 15 tuổi, tôi tham dự một buổi tuyển quân của CLB Guarani ở Campinas. Một người đàn ông tên là Creca đã đưa tôi đến đó. Ông ấy cũng đến từ Araraquara, từng có quãng thời gian khoác áo Guarani nhưng không quá lâu. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở giải nghiệp dư của thành phố. Creca đặc biệt chú ý đến tôi, thuyết phục tôi tham gia buổi tuyển quân của Guarani. Ông ấy còn đưa tôi đến Campinas trước khi để tôi ở lại đó. Sau này, tôi biết Creca là người gốc Italia, mang họ Fiocchi”.
Ông kể tiếp: “Ngoài tôi ra, có khoảng 800 cầu thủ trẻ đến tham dự. Trong 2 ngày, chúng tôi phải thể hiện điều gì đó khác biệt. Đó là một bài toán khó, và rất nhiều người đã phải rời đi cùng nỗi thất vọng. Tuy nhiên, có vẻ như tôi đã thuyết phục được các HLV. Họ giữ tôi ở lại thêm 1 tuần, sau đó nói tôi về nhà lấy các giấy tờ cần thiết rồi quay trở lại Campinas để ký hợp đồng”.
Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây
Năm 1976, Careca trở thành thành viên của đội trẻ Guarani. Chưa đầy một năm sau, ông được đôn lên đội một dù mới 16 tuổi. Và ông cũng chỉ cần thêm một năm nửa để có màn ra mắt sân khấu chuyên nghiệp, sát cánh cùng những huyền thoại của đội bóng. Trên thực tế, Guarani vào lúc ấy đang gặp khó khăn về tài chính, buộc Chủ tịch Ricardo Chuffi phải đặt niềm tin vào những chàng trai trưởng thành từ học viện. Song điều đó không có nghĩa rằng Careca không xứng đáng góp mặt ở đội một. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, ông vẫn cho thấy hình ảnh của một chiến binh dày dặn kinh nghiệm, với sự tự tin và tài năng của mình.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Carlos Alberto Silva, Careca ngày càng đạt đến sự hoàn thiện. Ông bắt đầu ghi nhiều bàn thắng, còn Guarini thì bay cao trong sự ngỡ ngàng của các đối thủ. Ở Copa Brazil 1978 (tên gọi của giải VĐQG Brazil vào thời điểm ấy), đội bóng thuộc bang Sao Paulo này vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để tiến vào chung kết. Careca nhớ lại khi trả lời phỏng vấn với Il Napolista:
“Chúng tôi đã chơi bóng và giành chiến thắng trước Internacional, Flamengo, Fluminense, Sao Paulo. Tại bán kết, chúng tôi đánh bại Vasco da Gama của Falcao tại sân Maracana, trước sự chứng kiến của hơn 100.000 người. Sau đó, toàn đội có dịp đối đầu với Palmeiras ở loạt trận chung kết. Trong trận lượt đi, tôi mang về một quả phạt đền và Zenon ghi bàn thắng duy nhất. Sang trận lượt về, chính tôi đã sút tung lưới đối thủ, và tỷ số 1-0 được lặp lại. Chúng tôi là một tập thể rất mạnh. Có một số cầu thủ còn kém tiếng tăm, nhưng sau đó đã gây ấn tượng và được khoác áo tuyển quốc gia”.
Guarani giành được chức vô địch quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại. Careca trở thành thần tượng của người hâm mộ. Ông tiếp tục chơi bóng ở đây thêm 3 mùa giải và thu về một số thành tựu khác. Năm 1981, Careca góp công đưa Guarani trở lại Serie A Brazil chỉ sau một mùa giải vắng bóng. Tổng cộng, ông ghi được 109 bàn thắng cho Guarani tính trên mọi đấu trường, trở thành chân sút xuất sắc thứ nhì trong lịch sử đội bóng. Năm 1982, ông được trao danh hiệu Bola de Prata, tương đương với “Quả bóng bạc” ở các quốc gia khác.

Bước tiến lớn đầu tiên
Năm 1983, Careca gia nhập Sao Paulo. Đây không chỉ là ước mơ của Careca, mà còn là của cha ông. Tại đây, tiền đạo người Araraquara tiếp tục viết sử cho Sao Paulo và bóng đá Brazil. Khi ấy, đội bóng này có sự pha trộn giữa những cựu binh như Falcao, Dario Pereira… và những tài năng trẻ mới nổi như Luis Muller, Paulo Silas. Careca thuộc thế hệ ở giữa. Ông đã 23 tuổi, không còn được gọi là tài năng trẻ, nhưng vẫn còn nguyên khát khao vươn tới đỉnh cao, trái ngược với các “lão tướng”. Ông cùng Sao Paulo giành chức vô địch Paulista vào năm 1985. Ở khía cạnh giải thưởng cá nhân, Careca có lần thứ hai giành Bola de Prata và có một vị trí trong đội hình của mùa giải.
Năm 1986, ông có thêm một lần nữa trở thành nhà vô địch Copa Brazil. Careca trở thành Vua phá lưới của giải đấu với 25 bàn sau 30 trận. Trong đó, trận chung kết mang đến vô vàn cảm xúc khó tả cho Careca, bởi ông phải đối đầu với đội bóng cũ Guarani. Đây cũng là màn so tài giữa 2 tiền đạo hay nhất giải: Evair của Guarani và Careca của Sao Paulo.
Ở trận lượt đi diễn ra trên sân Morumbi, Sao Paulo gặp rất nhiều khó khăn. Evair mở tỷ số ở phút 60, nhưng Careca chỉ cần thêm 3 phút để san bằng cách biệt. Sang trận lượt về tại Brinco de Ouro, ông đưa người hâm mộ trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Phút 119, Careca ghi bàn gỡ hòa 3-3 cho Sao Paulo, đưa trận đấu vào loạt penalty cân não. Tuy nhiên, khi được giao nhiệm vụ thực hiện quả penalty đầu tiên, ông lại sút hỏng. May mắn thay, các cầu thủ Guarani còn làm tệ hơn. Vì vậy, Sao Paulo trở thành nhà vô địch Copa Brazil, còn Careca nhận danh hiệu Bola de Ouro (cầu thủ xuất sắc nhất giải).
Tổng cộng, Careca gắn bó với Sao Paulo trong 4 mùa giải, ghi 115 bàn thắng sau 191 lần ra sân. Những bàn thắng của ông đến theo nhiều cách khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ bình thường đến siêu phẩm, pha trộn giữa tốc độ, kỹ thuật và thể lực. Nhờ màn trình diễn ấn tượng tại quê nhà, sức hút của Careca đã vươn ra đến châu Âu. Khi đang đi nghỉ mát ở Brazil, Chủ tịch Corrado Ferlaino của Napoli tình cờ bật TV và nhìn thấy hình ảnh Careca chơi bóng. Ferlaino thực sự bị cuốn hút bởi màn trình diễn của cầu thủ này. Đội bóng của ông cũng đang cần một tiền đạo nhanh nhẹn, quyết đoán một cách tàn nhẫn như thế. Vì vậy, một thương vụ chuyển nhượng nhanh chóng được tiến hành.

Bộ ba Ma-Gi-Ca huyền ảo ra đời
Mùa hè năm 1987, Careca nhận được hàng loạt lời mời chuyển nhượng từ các đội bóng ở châu Âu. Họ đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn để ve vãn trung phong 26 tuổi. Song cuối cùng, khát khao chơi bóng cùng Maradona đã thôi thúc ông gia nhập Napoli. Ngoài ra, còn một người có sức ảnh hưởng lớn đến thương vụ này: Luciano Moggi. Vào thời điểm ấy, Moggi vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của đội chủ sân San Paolo. Careca kể lại trên tờ Il Napolista:
“Tôi đến Napoli để thực hiện ước mơ chơi bóng bên cạnh Maradona. Torino, Real Madrid và một số đội bóng ở Pháp cũng muốn có tôi. Thế nhưng, trái tim tôi chỉ muốn đến Napoli. Moggi cố gắng thuyết phục tôi gia nhập Torino. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, ông ấy chuyển đến làm việc tại Napoli. Leo Junior, người khi ấy đang khoác áo Torino, nói với tôi rằng hãy suy nghĩ thêm về việc gia nhập đội bóng miền bắc Italia, bởi nhiều khả năng Moggi sẽ lại muốn có tôi ở Napoli. Mọi chuyện diễn ra đúng như vậy, và đó là tất cả những gì tôi muốn”.
Đội bóng miền nam Italia trả cho Sao Paulo 4 tỷ lire để có được một trong những tiền đạo đẳng cấp nhất thế giới vào thời điểm ấy. HLV Ottavio Bianchi nhanh chóng tìm thấy sợi dây liên kết giữa Careca với Maradona và Giordano. Bộ ba Ma-Gi-Ca ra đời, bắt đầu khuynh đảo trời Âu (trong tiếng Italia, “Magica” có nghĩa là “huyền ảo”). Careca hồi tưởng:
“Niềm vui lớn nhất là khi được chơi bóng bên cạnh Maradona. Anh ấy có thể làm thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho chúng tôi bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, tài năng của Giordano cũng không thể phủ nhận. Anh ấy là tiền đạo người Italia xuất sắc nhất mà tôi từng biết. Tại World Cup 1978, tuyển Brazil có một cầu thủ tên là Jose Reinaldo de Lima, tiền đạo vĩ đại nhất của Atletico Mineiro. Trong một trận đấu, Reinaldo đã sát cánh cùng Roberto Dinamite, một cầu thủ khác cũng ghi được rất nhiều bàn thắng. Khi mới gặp Giordano, tôi đã phải thốt lên: “Ôi mẹ ơi, anh ấy giống hệt Reinaldo!”. Thật vậy, cách anh ấy di chuyển không khác gì ngôi sao bóng đá của đất nước chúng tôi”.
Sau khi bản hợp đồng được ký kết, Napoli và Sao Paulo tổ chức một trận giao hữu trên sân vận động Fuorigrotta. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2. Careca mang băng đội trưởng của Sao Paulo, ngay lập tức thể hiện những phẩm chất của mình với bàn thắng gỡ hòa 1-1 từ quả đá phạt trực tiếp.
Ngày 23/8/2022, Careca có màn ra mắt chính thức trong màu áo Napoli, trước hàng vạn khán giả trên sân San Paulo. Napoli đánh bại Modena 4-0 trong trận đấu đầu tiên tại Coppa Italia. Careca không mất nhiều thời gian để có được bàn thắng đầu tiên cho đội bóng mới. Sau đó, ông tiếp tục sút tung lưới Livorno, Udinese và Padova. 4 bàn thắng trong 4 trận đầu tiên cùng Napoli, thành tích này không phải cầu thủ nào cũng làm được. Người hâm mộ Partenopei bắt đầu mơ mộng về những điều kỳ diệu, dưới sự dẫn lối của Careca.
Tại Coppa Italia năm ấy, Careca còn ghi thêm một bàn thắng nữa. Ngày 6/1/1988, Napoli tiếp đón Fiorentina tại San Paolo. Dù để thua 2-3 trên sân nhà, đội quân áo xanh xuất sắc lội ngược dòng khi bước vào trận lượt về và tiến vào tứ kết. Tuy nhiên, họ cũng không thể đi quá xa. Torino chơi xuất sắc hơn, tiễn Careca và các đồng đội rời cuộc chơi. Trong khi đó, đấu trường European Cup cũng được người hâm mộ Napoli đặt kỳ vọng rất lớn. Song ngay từ vòng mở màn, đại diện của Serie A đã phải chạm trán đối thủ rất mạnh: Real Madrid.
Careca bỏ lỡ trận lượt đi tại Santiago Bernabeu vì chấn thương. Thiếu vắng ông, Napoli thiếu một nguồn cung cấp bàn thắng và phải nhận thất bại 0-2. Sang trận lượt về, dù cố gắng hết sức, đội bóng vùng Campania chỉ có được kết quả hòa 1-1 trên sân San Paolo, chấp nhận sớm dừng bước. Nhớ lại kỷ niệm này, Careca chia sẻ: “Tôi rất tiếc vì European Cup. Toàn đội vẫn còn thiếu kinh nghiệm, và không gặp may mắn khi sớm phải gặp Real Madrid. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi tôi không thể đá trận lượt đi”.

Chia tay European Cup, Napoli trở về đấu trường quốc nội, nơi mà họ đang thống trị với danh hiệu Scudetto ở mùa giải trước. Nhờ sự xuất sắc của bộ ba Ma-Gi-Ca, người Neapolitans có được những bàn thắng cực kỳ ấn tượng trong giai đoạn đầu mùa giải. Sức mạnh của họ là điều không ai có thể phủ nhận.
Careca có màn ra mắt Serie A vào ngày 27/9/1987, tại Pisa. Sau 90 phút bóng lăn, đội chủ nhà giành chiến thắng 1-0. Tuy nhiên, kết quả này bị hủy. Napoli được Liên đoàn bóng đá Italia xử thắng 2-0 do phía Pisa để một quả pháo sáng rơi trúng đầu hậu vệ Alessandro Renica của đội khách. Hơn hai tuần sau, Careca ghi bàn thắng đầu tiên tại Serie A, giúp đội bóng vùng Campania vùi dập Pescara đến 6-0. Đến ngày 22/11/1987, tiền đạo người Brazil lập cú đúp đầu tiên trên sân cỏ Italia, khi Napoli tiếp đón Torino.
Đầu năm 1988, Napoli mới nhận thất bại đầu tiên tại giải đấu. Trên sân San Siro, AC Milan của HLV Arrigo Sacchi hoàn toàn áp đảo, khiến các vị khách đến từ miền nam ra về với tỷ số 1-4. Đến ngày 17/1/1988, Napoli tìm lại được niềm vui chiến thắng khi hành quân xa nhà. Tại sân Luigi Ferraris, Maradona ghi bàn duy nhất, giúp Partenopei giành trọn vẹn 2 điểm trước Sampdoria của Gialuca Vialli và Roberto Mancini, qua đó trở thành nhà vô địch lượt đi với 3 điểm nhiều hơn AC Milan.
Tuy nhiên, khi bước sang tháng 3/1988, đội bóng của HLV Bianchi lại sa sút đầy khó hiểu. Họ nhận thất bại 1-2 trong trận Derby del Sole với AS Roma ngay trên sân nhà San Paolo. Sau đó, Napoli tiếp tục bị Empoli và Torino cầm hòa. Thế nhưng, AC Milan không thể tận dụng cơ hội này để bứt lên. Thậm chí, tình hình của Rossoneri còn tệ hại hơn rất nhiều. Khi mùa giải chỉ còn 5 vòng đấu nữa, đội bóng áo sọc đỏ đen bị Napoli bỏ xa đến 4 điểm.
Số phận dường như đã sắp đặt để Careca và các đồng đội giành Scudetto. Song AC Milan của Arrigo Sacchi chưa bao giờ bị đánh giá thấp. Cuối tháng 4/1988, Napoli để thua 1-3 khi làm khách của Juventus và sau đó bị Hellas Verona cầm hòa. Cùng thời điểm ấy, AC Milan đánh bại AS Roma ngay tại thủ đô, rồi tiếp tục vượt qua Inter Milan trong trận Derby della Madonnina. Napoli vẫn ngự trị trên ngôi đầu, nhưng khoảng cách giữa họ và Rossoneri chỉ còn là 1 điểm.
Ngày 1/5/1988, hai đội có màn so tài trực tiếp tại San Paolo. Đến phút 68, Antonio Virdis lập cú đúp cho AC Milan, xen giữa là bàn thắng san bằng cách biệt của Diego Maradona vào cuối hiệp một. Phút 76, Marco van Basten giúp các vị khách có được bàn thắng thứ ba. Tất cả tin rằng số phận của trận đấu đã được an bài. Careca không nghĩ vậy. Ông tỏa sáng đúng vào thời điểm Napoli gặp khó khăn, với pha dứt điểm rút ngắn tỷ số xuống còn 2-3. Đội chủ nhà tràn lên tấn công, nhưng Rossoneri đã phòng ngự rất tốt và bảo vệ được thành quả của mình.
Hai điểm quý giá tại San Paolo giúp AC Milan vượt lên trong cuộc đua giành Scudetto. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Ở 2 vòng đấu cuối, AC Milan lần lượt bị Juventus và Como cầm hòa. Đáng tiếc, Napoli không thể tận dụng cơ hội này, liên tục phơi áo trước Fiorentina và Sampdoria. Vì vậy, đến ngày 15/5/1988, họ phải chứng kiến AC Milan bước lên ngôi vô địch. Napoli sở hữu hàng công tốt nhất giải đấu, với 55 bàn thắng. Thế nhưng, Rossoneri cũng không kém cạnh, với hàng thủ chắc chắn nhất Serie A (chỉ để lọt lưới 14 lần).
Trong phòng thay đồ, nhiều nguồn tin cho rằng một số cầu thủ không hài lòng với HLV Bianchi và quyết định làm loạn. Những cái tên được xem là “cừu đen” bao gồm Claudio Garella, Moreno Ferrario, Salvatore Bagni và cả Bruno Giordano. Tất cả đều phải cuốn gói rời khỏi San Paolo ngay khi thị trường chuyển nhượng mùa hè mở cửa. Tuy nhiên, Careca phủ nhận tất cả những tin đồn không hay ấy: “Đó là mùa giải duy nhất mà tôi được chơi cùng Bruno. Tất cả tin đồn đều nhảm nhí. Scudetto luôn rất quý giá. Tôi hiểu rõ các đồng đội của mình. Vấn đề là chúng tôi không có đội hình đủ chiều sâu và luôn cảm thấy mệt mỏi ở những vòng đấu cuối cùng”.

Khát khao giành Scudetto cùng Napoli
Careca khép lại mùa giải đầu tiên ở Italia với 18 bàn thắng, bao gồm 13 bàn ở Serie A và 5 bàn ở Coppa Italia. Trong đó, khoảnh khắc đẹp nhất là pha lốp bóng qua người thủ môn Giovanni Galli trong trận lượt đi với AC Milan. Sang mùa giải 1988/89, Careca thi đấu bùng nổ, ghi 19 bàn thắng, thành tích ngang bằng với Marco van Basten và chỉ thua kém Aldo Serena. Cũng như mùa giải trước, Napoli cán đích thứ hai trong cuộc đua giành Scudetto. Lần này, họ xếp sau Inter Milan của HLV Giovanni Trapattoni.
Trên hành trình của mình, Careca mang đến cho người hâm mộ vô vàn cảm xúc tuyệt vời. Ngày 20/11/1988, ông lập hat-trick vào lưới Juventus ngay tại Turin, góp công lớn giúp Napoli giành chiến thắng 5-3. Một tuần sau, tiền đạo người Brazil trở thành nhân vật chính, khi lập cú đúp, giúp Partenopei vùi dập AC Milan 4-1 ngay tại San Paolo. Đây được xem là màn trả thù ngọt ngào, sau những gì Rossoneri đã tạo ra trước đó nửa năm.
Tại Serie A, Napoli gây thất vọng khi không thể giành Scudetto. Tuy nhiên, khi vươn ra đấu trường châu lục, họ lại thi đấu cực kỳ ấn tượng. Sau nhiều nỗ lực, đội bóng miền nam Italia đã được nâng cao danh hiệu UEFA Cup trên đỉnh vinh quang. Careca là một trong những cái tên có đóng góp rất lớn vào thành công của Napoli. Trong trận lượt về của vòng đấu thứ nhất, ông đưa Napoli vượt lên dẫn trước bằng cú sút chân phải tầm thấp. Trận đấu khép lại với tỷ số 1-1. Chừng đó là đủ để Partenopei đi tiếp, bởi họ đã giành chiến thắng 1-0 tại San Paolo trong trận lượt đi.
Sau đó, Napoli nhẹ nhàng vượt qua Lokomotiv Leipzig và Girondins de Bordeaux. Bước vào tứ kết, Napoli phải chạm trán đối thủ quen thuộc: Juventus. Careca và các đồng đội để thua 0-2 ở trận lượt đi tại sân Olimpico di Torino. Tuy nhiên, khi trở về sân nhà San Paolo, số phận của Napoli đã hoàn toàn khác. Trong 90 phút thi đấu chính thức, đội bóng vùng Campania đưa trận đấu về vạch xuất phát. Đến phút 119, Careca để lại dấu ấn bằng quả tạt từ cánh phải, tạo điều kiện cho Renica dứt điểm, nâng tỷ số lên 3-0 và giúp Napoli tiếp tục chuyến phiêu lưu của mình.
Sau khi vượt ải Juventus, Napoli phải đối mặt với “hùm xám” Bayern Munich. Careca như hóa thành cơn cuồng phong, sẵn sàng cuốn phăng tất cả. Ông ghi bàn mở tỷ số trong trận lượt đi tại San Paolo, góp công giúp Napoli giành chiến thắng 2-0. Bước vào cuộc tái đấu trên đất Đức, Careca là tác giả của cả hai bàn thắng cho Partenopei. Napoli và Bayern Munich bất phân thắng bại ở trận này, đồng nghĩa với việc tấm vé vào bán kết thuộc về đội quân của HLV Bianchi.
Đặt mua áo đấu mùa 1988/89 của Napoli tại đây
Chức vô địch chỉ còn cách Napoli hơn 180 phút nữa. Ở vòng cuối cùng, đại diện của Serie A phải chạm trán một đội bóng khác đến từ Đức, Stuttgart. Trong trận lượt đi, Careca điền tên mình lên bảng tỷ số ở phút 87, giúp Napoli lội ngược dòng và giành chiến thắng 2-1.
Sang trận lượt về tại sân Neckarstadion, Careca bị sốt 38 độ. Bất chấp điều đó, ông vẫn tỏa sáng rực rỡ. Phút thứ 62, ông nhận bóng sau đường kiến tạo chuẩn đến từng milimet của Maradona rồi lốp bóng qua người thủ môn Raimond Aumann, nâng tỷ số lên thành 3-1. Sau đó, Stuttgart san bằng cách biệt 3-3, nhưng chừng đó là chưa đủ để họ giành cúp. Napoli bước lên đỉnh vinh quang rất xứng đáng. Và không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Careca. Nhìn rộng hơn, tính trên mọi đấu trường, ông sở hữu 27 bàn thắng sau 52 lần ra sân.
Cơn khát danh hiệu được giải tỏa. Giờ đây, Careca quyết tâm mang về cho Napoli danh hiệu Scudetto tiếp theo, ngay ở mùa giải 1989/90. Để làm được điều đó, họ phải cạnh tranh với 2 đội bóng lớn thành Milan, đặc biệt là AC Milan của Arrigo Sacchi và những “người Hà Lan bay”. Ban lãnh đạo Napoli cũng đặt mục tiêu rất cao khi bước vào mùa giải mới. Họ từng cạnh tranh sòng phẳng trên đường đua Scudetto ở những mùa giải trước và đang sở hữu nhiều ngôi sao trong đội hình. Vậy nên, không có lý do gì để đội bóng miền nam Italia này không hướng đến ngôi vương. Quyết tâm ấy được thể hiện ngay từ việc bổ nhiệm Albertino Bigon vào vị trí HLV trưởng, thay thế cho Ottavio Bianchi.

Đầu năm 1990, Careca bị chấn thương nặng, phải ngồi ngoài hơn một tháng. Ông cũng không có phong độ cao, khi chỉ ghi được 10 bàn sau 22 lần ra sân ở Serie A (12 bàn sau 29 trận tính trên mọi đấu trường). Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức mạnh của Napoli. Họ so kè từng điểm số với AC Milan, rồi vượt lên nhờ sự kiện “La Fatal Verona” nổi tiếng.
Kết thúc vòng 32, Napoli và AC Milan cùng có 47 điểm. Ở vòng 33, trong khi Rossoneri chỉ phải đối đầu với một Hellas Verona của HLV Osvaldo Bagnoli đang vất vả trụ hạng, Careca và các đồng đội được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi hành quân đến “sào huyệt” Renato Dall’Ara của Bologna. Thế nhưng cuối cùng, điều không ai ngờ đã xảy ra. AC Milan nhận thất bại 1-2 ở quê hương nàng Giulietta, còn Napoli dễ dàng giành thắng lợi 4-2 tại xứ Emilia-Romagna. Careca chính là người mở tỷ số cho các vị khách tới từ miền nam bằng một cú sút uy lực ngay từ phút thứ 3.
Scudetto trên đường đến với những người Neapolitans. Về lý thuyết, AC Milan còn cơ hội để san bằng cách biệt 2 điểm với Napoli khi bước vào vòng đấu cuối cùng. Song đội quân của HLV Bigon không để điều đó xảy ra. Một tuần sau, Rossoneri nã 4 bàn vào lưới Bari. Tại San Paolo, Napoli chỉ cần một bàn thắng trong cuộc tiếp đón Lazio là đủ để biến mọi nỗ lực của đối thủ bám đuổi trở nên vô nghĩa. Bảng xếp hạng chung cuộc: Napoli dẫn đầu với 51 điểm, AC Milan ngậm ngùi xếp thứ hai với 49 điểm. Careca từng mơ về một ngày được cùng Maradona giành Scudetto. Giờ đây, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực.
Ngọt ngào và đắng cay ở tuyển Brazil
Những câu chuyện của Careca khi trở về khoác áo tuyển Brazil cũng mang đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ. Ông có màn ra mắt “Selecao” trong trận giao hữu với Tây Đức vào ngày 21/3/1982, khi mới 21 tuổi và còn đang chơi bóng ở Guarani. Trong 11 năm cống hiến cho tuyển quốc gia, Careca ra sân 60 trận và ghi được 29 bàn thắng. Trung bình, cứ sau 2 trận, ông lại sút tung lưới các đối thủ 1 lần. Song điều đó không có nghĩa rằng thế giới đang tồn tại một con đường để đưa ông tiến vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá Brazil.
Chứng kiến màn ra mắt ấn tượng của Careca, HLV Tele Santana quyết định điền tên cậu học trò mới vào danh sách tham dự World Cup 1982. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày trước khi lên đường sang Tây Ban Nha, Careca gặp phải chấn thương gân khoeo và đành lỡ hẹn với ngày hội bóng đá thế giới. Không còn cách nào khác, HLV Santana buộc phải triệu tập Sergio Chulapa lên thay thế. Do không có sự chuẩn bị tốt, tuyển Brazil không thể chạm tay vào chiếc cúp vàng danh giá lần thứ tư trong lịch sử, và phải chờ thêm 12 năm nữa để làm được điều này.
Sang năm 1983, Careca trở lại tuyển quốc gia. Ở trận giao hữu với Chile, ông ghi được bàn thắng đầu tiên trong màu áo vàng xanh. Đến trận gặp Bồ Đào Nha, ông còn lập được một cú đúp. Nhờ sự tiến bộ vượt bậc, Careca được tham dự Copa America 1983. Tuyển Brazil đi đến trận chung kết ở giải vô địch bóng đá Nam Mỹ năm ấy. Song dấu ấn của Careca hoàn toàn mờ nhạt. Trong trận đấu cuối cùng, Selecao phải nhận thất bại trước tuyển Uruguay của Enzo Francescoli.
Bước vào World Cup 1986, Careca trở thành một trong những cái tên khó thay thế ở tuyển Brazil. Trên đất Mexico, tiền đạo 25 tuổi ghi được 5 bàn thắng, trong đó có cú đúp vào lưới Bắc Ireland. Thành tích ấy góp phần đưa tuyển Brazil tiến vào tứ kết, trước khi gục ngã trong loạt penalty cân não với tuyển Pháp của Michel Platini. Điều tiếc nuối là Careca không có cơ hội thực hiện lượt sút của mình. Mặc dù vậy, ông cũng được an ủi bằng giải thưởng Vua phá lưới, sánh ngang cùng Emilio Butragueno và người đồng đội tương lai Maradona.
Một năm sau, Careca tiếp tục được tham dự Copa America. Vào thời điểm ấy, thể thức thi đấu của Copa America không như bây giờ. Giải đấu gồm 10 đội tham dự. Nhà đương kim vô địch Uruguay sẽ bắt đầu tham gia từ vòng loại trực tiếp. 9 đội còn lại được chia vào 3 bảng, và chỉ có đội nhất bảng mới giành quyền đi tiếp. Kết quả, tuyển Brazil thi đấu không thành công, ngậm ngùi nhìn Chile tiến vào bán kết. Careca cũng không để lại nhiều ấn tượng, với chỉ 1 bàn thắng sau 2 trận.
Giải đấu lớn tiếp theo của Careca là World Cup 1990 tại Italia. Dẫn dắt tuyển Brazil lúc bấy giờ là HLV Sebastiao Lazaroni, người muốn để Careca chơi tự do. Ở tuổi 29 và đã tạo được tiếng vang ở Napoli, Careca là một trong những ngôi sao nhận được sự kỳ vọng nhiều nhất. Điều đó càng được củng cố khi người hâm mộ chứng kiến ông lập poker vào lưới Venezuela ở vòng loại khu vực Nam Mỹ. Không phụ niềm tin của người hâm mộ, Careca ngay lập tức tỏa sáng với cú đúp trong trận thắng Thụy Điển 2-1. Sau màn ra quân thuận lợi, tuyển Brazil tiếp tục thi đấu hưng phấn và giành trọn vẹn 4 điểm ở 2 trận còn lại. Đáng tiếc, họ không thể tiến xa hơn, khi bị đối thủ quen thuộc Argentina loại ở vòng 1/8.

Đi qua những đêm huyền ảo của mùa hè Italia, Careca còn gắn bó với Selecao thêm 3 năm, tham dự vòng loại World Cup 1994. Thế nhưng, đến năm 1993, ông bất ngờ bị báo chí quê nhà chỉ trích dữ dội. Với lòng tự trọng của mình, Careca liền tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia. Như chúng ta đã biết, tuyển Brazil được nâng cao chiếc cúp vàng danh giá trên đất Mỹ. Và đó cũng là sự tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của Careca, như chính ông thừa nhận:
“Tôi đã có thể cùng tuyển Brazil vô địch World Cup 1994, nhưng lại bỏ lỡ điều đó. Tôi thực sự rất tiếc bởi có những cầu thủ trở thành nhà vô địch dù không thi đấu bất kỳ một phút nào từ vòng loại đến vòng chung kết. May mắn đã không đứng về phía tôi. Năm 1982, tôi bị chấn thương chỉ 4 ngày trước World Cup. Năm 1986, chúng tôi sở hữu đội hình rất mạnh nhưng lại chịu thua Pháp ở loạt penalty định mệnh. Năm 1990, chúng tôi đã chơi một trong những trận đấu hay nhất với Argentina, nhưng rồi phải nhận thất bại”.
Sự cay đắng ấy còn theo Careca suốt thời gian dài, khiến ông không thể quên. Tiền đạo của Napoli nhớ lại: “Năm 1993, khi vòng loại đang diễn ra, tôi gặp vấn đề với các nhà báo. Chúng tôi bị Ecuador cầm hòa 0-0 ở Guayaquil. Cánh truyền thông cho rằng chúng tôi khó có thể vượt qua vòng loại và bắt đầu buông lời chỉ trích chúng tôi. Họ nói tôi đã 32 tuổi, Carlos Dunga và Branco cũng vậy. Tôi cảm thấy rất bực mình. Tôi liền tìm đến chất vấn Mario Sergio, người từng là cầu thủ và sau đó chuyển sang làm BLV truyền hình. Anh ta trả lời rằng mình sẽ không được nhận lương nếu đưa ra nhận định vớ vẩn. Sau chuyện ấy, tôi quyết định giã từ đội tuyển vì cảm thấy mình không được bảo vệ. Tôi nhấc máy lên, gọi cho HLV Carlos Alberto Parreira và nói: ‘Cảm ơn ông vì đã gọi tôi lên tuyển Brazil. Nhưng tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm trước những lời chỉ trích nhắm vào Selecao’. Cuối cùng, Romario thay thế vị trí của tôi. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil – Ricardo Teixeira – cũng gây áp lực lớn, buộc HLV Parreira phải triệu tập cậu ta”.
Đoạn đường cuối trên đất Italia
Sau Scudetto 1989/90, Napoli bắt đầu sa sút. Đội bóng vùng Campania chỉ có thêm 1 danh hiệu, đó là Supercoppa Italiana. Ngày 1/9/1990, Napoli vùi dập Juventus đến 5-1 ngay tại “chảo lửa” San Paolo, bao gồm một cú đúp của Careca. Nhưng sau đó, khi bước vào Serie A, tiền đạo người Brazil chỉ ghi được 9 bàn trong 29 trận.
Bước vào mùa giải 1991/92, Maradona chia tay Napoli. Gianfranco Zola trở thành đối tác mới của Careca trên hàng công đội bóng miền nam Italia. Nơi băng ghế huấn luyện, Claudio Ranieri cũng thay thế Alberto Bigon. Careca sút tung lưới đối phương 15 lần sau 33 trận. Tuy nhiên, Napoli chỉ cán đích ở vị trí thứ 4. Kết quả này khiến HLV Ranieri phải rời sân San Paolo, dù mới chỉ gắn bó với Partenopei được 1 năm.

Ở mùa giải 1992/93, Napoli được dẫn dắt bởi HLV Marcello Lippi. Ở tuổi 32, Careca không còn duy trì phong độ cao như trước. Những chấn thương cũng khiến ông không thể ghi được nhiều hơn 7 bàn thắng tại Serie A. Khi mùa giải khép lại, Careca hiểu rằng đã đến lúc mình cần phải ra đi. Ông nói lời chào tạm biệt sân San Paolo, để lại di sản gồm 96 bàn thắng sau 221 lần ra sân. Tính đến hiện tại, Careca đang đứng thứ 9 trong danh sách những cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại của Napoli.
Cuộc sống mới của Careca
Mùa hè năm 1993, Careca đạt được thỏa thuận chuyển đến Kashiwa Reysol, đội bóng chơi ở giải VĐQG Nhật Bản. Ông gắn bó với đất nước mặt trời mọc trong 4 năm, ra sân 74 trận và ghi được 40 bàn thắng. Sau đó, Careca hồi hương, ký hợp đồng với Santos theo ý nguyện của cha mình. Tuy nhiên, ông không gắn bó với đội bóng này được bao lâu. Tất cả những gì ông làm được cho Santos được gói gọn trong 9 trận đấu với 2 lần khiến mành lưới đối phương rung lên.
Chia tay Santos, Careca cùng một người bạn là Edmar thành lập CLB bóng đá mới, mang tên Campinas. Năm 1999, ông chính thức treo giày, chuyển sang làm tuyển trạch viên, tìm kiếm tài năng trẻ cho đội bóng của mình. Nhớ lại kỷ niệm này, Careca cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng nuôi giấc mơ đào tạo cầu thủ trẻ và sau đó gửi họ đến Serie A. Đáng tiếc, dự án ấy không trở thành hiện thực”.
Về đời sống tình cảm, Careca kết hôn với Maria de Fatima de Oliveira từ khi còn chơi bóng ở Italia. Tổ ấm của ông sau đó có thêm 3 thành viên mới, gồm cậu con trai Thiago, 2 con gái Aline và Ellen Oliveira. Hiện tại, cựu tiền đạo người Brazil đang quản lý trung tâm thể thao có tên Careca Sport Center. Thỉnh thoảng, ông còn tổ chức những buổi hòa nhạc. Trong thời gian rảnh rỗi, ông cũng thường đi chơi golf.

Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về Napoli vẫn còn vẹn nguyên đối với Careca. Ông từng chia sẻ: “Tôi nhớ nhất điều gì về bóng đá ư? Đó là một cảm giác hồi hộp. Tại San Paolo, tôi luôn nghe thấy tiếng hô vang từ 90 nghìn người hâm mộ sau mỗi bước chạy của mình. Ở Napoli, 1 Scudetto có giá trị bằng 10 Scudetto ở nơi khác. Chúng tôi thi đấu với tất cả lòng nhiệt thành và cống hiến trọn vẹn vì người hâm mộ. Napoli có người hâm mộ cuồng nhiệt nhất thế giới. Mọi thứ càng tuyệt vời hơn khi Maradona xuất hiện. Tôi sẽ không quên những chiếc bánh pizza được ăn vào lúc 2 giờ sáng, vì không thể thoát ra khỏi đám đông để trở về nhà sớm hơn. Tôi cảm thấy mình đã cống hiến cho bóng đá nhiều hơn những gì bóng đá trao lại cho tôi. Và đối với tôi, màu áo Napoli giống như làn da thứ hai”.
(Lược dịch từ bài “Antonio Careca, sublime centravanti di Brasile e Napoli e partner preferito di Maradona” trên tờ Goal).