Adem Ljajic sở hữu tài năng tuyệt vời và từng được so sánh với Ricardo Kaka. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, anh không bao giờ tỏa sáng rực rỡ, đáp ứng sự kỳ vọng của người hâm mộ.
“Khi Ljajic mới đến đây, tôi luôn nói rằng cậu ấy có những phẩm chất của một cầu thủ lớn. Bây giờ, cậu ấy đã biết mình có thể trở thành một thứ vũ khí với sức tàn phá cực lớn. Mỗi khi phải nhận những lời chỉ trích, Ljajic thường đáp lại bằng màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ. Song mùa giải chưa kết thúc, cậu ấy không được ngủ quên giữa những lời ca tụng”.
HLV Rudi Garcia đã nói như vậy khi được hỏi về Ljajic. Phần lớn những HLV từng làm việc cùng tiền vệ người Serbia đều đưa ra quan điểm giống nhau. Họ cho rằng Ljajic sở hữu tiềm năng rất lớn, có thể làm bất kỳ điều gì mà bản thân mong muốn. Đó đều là những lời khen ngợi, đưa cựu cầu thủ Fiorentina lên tận mây xanh. Chỉ Garcia là có góc nhìn khác. Đối với ông, Ljajic là cầu thủ đẳng cấp, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để anh chạm vào vinh quang. Nói dễ hiểu hơn, Ljajic sẽ trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới chỉ khi anh tỏ ra nghiêm túc trong tập luyện và thi đấu.
Một số HLV cố gắng giúp Ljajic phát huy hết tài năng của mình. Bằng sự may mắn, họ đã thành công. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như họ. Một số khác tỏ ra mất kiên nhẫn, dễ dàng từ bỏ ý định của mình, ngầm xác nhận sự thất bại bằng cách gạt cậu học trò ra khỏi kế hoạch. Thậm chí, có HLV còn cảm thấy tức giận đến mất kiểm soát, dùng nắm đấm để nói chuyện với cầu thủ người Serbia.

Cú sốc đầu đời ở Manchester United
Ljajic luôn như thế. Chàng trai này có tài năng đủ để đứng vào hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình. Anh sở hữu đôi chân nhanh nhẹn, dáng chạy thanh thoát, kỹ thuật cá nhân thuộc dạng hiếm, kết hợp với nguồn thể lực dồi dào. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ trở thành một ngôi sao tỏa sáng rực rỡ. Theo thời gian, Ljajic rơi vào nhóm cầu thủ “có thể vươn tới đỉnh cao nhưng không làm được”.
Tài năng của Ljajic được phát hiện từ rất sớm. Khi anh mới chập chững bước sang tuổi thiếu niên, những tin đồn về một viên ngọc quý ở Đông Âu đã xuất hiện. Ljajic gây ấn tượng mạnh bởi khả năng xử lý trái bóng, đặc biệt là trong những tình huống dẫn bóng đầy tốc độ. Vì vậy, nhiều chuyên gia đặt cho anh một biệt danh đầy sức nặng: “Kaka vùng Balkan”.
Tiếng vang từ Serbia dần lan ra khắp lục địa già, và chắc chắn tương lai của Ljajic không còn nằm ở quê nhà nữa. Ở tuổi 17, anh có màn ra mắt Partizan Belgrade, thi đấu ở giải VĐQG và cả vòng sơ loại Champions League. Ngoài ra, Ljajic còn là mảnh ghép quan trọng ở đội U21 Serbia. Chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của anh, Manchester United quyết định gõ cửa Partizan Belgrade. Alex Ferguson hiểu rằng mình đang bước vào giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp cầm quân. Vậy nên, ông cố gắng tạo ra một tập thể gồm nhiều cầu thủ trẻ, đủ sức mang đến thành công vang dội cho “Quỷ đỏ” ở thì tương lai.
Trong chiến dịch săn tìm những viên ngọc thô, Fergie không thể bỏ qua Ljajic. Manchester United quyết định hoàn tất thương vụ này, và còn chiêu mộ thêm Zoran Tosic. Số tiền được họ dự kiến bỏ ra cho 2 chàng trai trẻ lên tới 17 triệu bảng. Các phương tiện truyền thông bắt đầu dồn sự chú ý vào hai cầu thủ đến từ Serbia. Người hâm mộ Manchester United cũng tỏ ra rất hào hứng. Thế nhưng, một vấn đề ngay lập tức xuất hiện: Ljajic chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lao động. Trước thủ tục hành chính phức tạp ở nước Anh, đội chủ sân Old Trafford cảm thấy ngán ngẩm, sẵn sàng từ bỏ việc chiêu mộ bộ đôi của Partizan Belgrade.
Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây
Một giải pháp nhanh chóng được các bên đưa ra. Tosic đã 21 tuổi, được Manchester United đưa về “Nhà hát của những giấc mơ” để làm hài lòng phía đối tác. Trong khi đó, Ljajic sẽ quay trở lại thủ đô Serbia để tiếp tục sự nghiệp. Vào một số thời điểm trong năm, anh sẽ được đến trung tâm Carrington để tập luyện cùng Cristiano Ronaldo, Paul Scholes, Wayne Rooney và người anh đồng hương của mình, dưới sự theo dõi của HLV Ferguson.
Lời đề nghị ấy quá hấp dẫn đối với một cầu thủ trẻ. Từng ngày trôi qua, Ljajic càng hào hứng trước việc được Manchester United quan tâm. Anh hy vọng một ngày không xa sẽ có cơ hội khoác áo “Quỷ đỏ”. Song ngày ấy không bao giờ tới. Một năm sau, mọi chuyện đã thay đổi. Trong quá trình đàm phán sau đó, Partizan Belgrade cho rằng “viên ngọc” của mình xứng đáng với mức giá cao hơn những gì Manchester United muốn bỏ ra. Tuy nhiên, HLV Ferguson cảm thấy Ljajic không có sự tiến bộ rõ rệt. Ông muốn chàng trai sinh năm 1991 phải làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, việc Tosic đang chật vật làm quen với cuộc sống tại xứ sở sương mù cũng khiến Fergie hoài nghi về năng lực của Ljajic.
Nhiều giả thuyết được đưa ra trên các mặt báo. Mặc dù vậy, tất cả đều dẫn đến một kết quả: thương vụ đổ bể và tương lai của Ljajic bị ảnh hưởng. Sau này, Mike Phelan, trợ lý của HLV Ferguson, có dịp giải thích với truyền thông: “Trong suy nghĩ của chúng tôi, Ljajic có thể trưởng thành và nhanh chóng góp mặt ở đội một. Chúng tôi đã theo dõi Ljajic và tin rằng cậu ấy đủ khả năng làm được điều đó. Tuy nhiên, chàng trai này không may mắn khi gặp vấn đề về giấy phép lao động. Chúng tôi mất hơn một năm để hoàn tất thủ tục đối với Ljajic nhưng bất thành. Vì vậy, chúng tôi quyết định từ bỏ việc chiêu mộ cậu ấy”.

Cánh cửa Italia mở ra với Ljajic
Ngày qua ngày, Ljajic chờ đợi cơ hội khoác áo Manchester United. Nhưng rồi anh phải chứng kiến giấc mơ của mình tan biến. Mặc dù vậy, không lâu sau, một cánh cửa tuyệt vời khác được mở ra để chào đón chàng trai người Serbia. Chứng kiến mâu thuẫn khó hàn gắn trong mối quan hệ Manchester United và Partizan Belgrade, Pantaleo Corvino – nhà quản lý bóng đá nổi tiếng với việc săn tìm ngọc thô ở Đông Âu – quyết định tham gia vào thương vụ này.
Tháng 1/2010, Corvino nhanh chóng hoàn tất việc đưa Ljajic về đội bóng của mình: Fiorentina. Quá trình đàm phán tương đối dễ dàng bởi La Viola và Partizan Belgrade là đối tác tốt của nhau. Hai năm trước, Corvino từng đứng ra thương lượng, giúp đội chủ sân Artemio Franchi chiêu mộ thành công Stevan Jovetic. Bây giờ, Jovetic vẫn đang ở đây và ngày càng tiến bộ. Vì vậy, những người yêu mến Fiorentina cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến việc cặp đôi vùng Balkan sát cánh trên hàng công.
Xét về danh tiếng, Fiorentina không có sức hút như Manchester United. Nhưng đối với Ljajic, đây là bước đệm tuyệt vời để anh bước ra ánh sáng, cho đội chủ sân Old Trafford thấy rằng họ đã sai lầm. Vào thời điểm ấy, đội bóng áo tím đang có bước chuyển mình ấn tượng, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng tấm vé dự Champions League với những “gã khổng lồ”. Đội bóng này cũng trọng dụng những cầu thủ trẻ, và là một nơi hoàn hảo để Ljajic bùng nổ.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng cuộc sống của Ljajic tại Firenze chỉ toàn màu hồng. Trên thực tế, Fiorentina đang bước vào mùa giải cuối cùng của kỷ nguyên Cesare Prandelli, và sự bất ổn đã được dự báo từ trước. Trong những tháng đầu tiên, Ljajic thường xuyên phải ngồi dự bị, chỉ có vài lần được trao cơ hội để tỏa sáng. Kết thúc mùa giải 2009/10, anh có 9 lần ra sân tại Serie A và không ghi được bàn thắng nào. Không thể gây ấn tượng trên sân cỏ, Ljajic lại khiến người hâm mộ buồn lòng khi bước ra ngoài cánh cửa sân vận động. Anh không nỗ lực tập luyện, nhiều lần vi phạm kỷ luật, ăn uống thiếu điều độ.
Prandelli ra đi, “chiếc ghế nóng” tại sân Artemio Franchi được chuyển giao cho Sinisa Mihajlovic. Chiến lược gia 41 tuổi nhìn ra những phẩm chất tốt đẹp nhất từ cậu học trò người đồng hương. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cả hai không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Mihajlovic sẵn sàng đánh đổi chiếc ghế HLV để đặt niềm tin vào Ljajic, nhưng ông không bao giờ thỏa hiệp với sự vô kỷ luật của các cầu thủ. Ông có thể đưa Ljajic lên tầm cao, và cũng sẵn sàng đẩy chàng trai trẻ lên băng ghế dự bị, hoặc loại ra khỏi kế hoạch của mình. Nhiều năm sau, Mihajlovic còn gặp lại Ljajic ở tuyển Serbia và Torino. Kết quả, Ljajic từng bị người thầy cá tính đuổi khỏi đội tuyển và kêu gào trong vô vọng tại Il Toro.
Dần dần, Ljajic tạo nên hình ảnh vừa đáng thương, vừa đáng ghét. Các CĐV yêu mến tài năng của chàng trai người Serbia, nhưng ghét cách anh phung phí những cơ hội để thể hiện bản thân và tỏa sáng rực rỡ.

Ljajic – thăng hoa rồi thất vọng
Ljajic cần một thời gian dài để có thể sống tự lập ở Firenze. Trong thời gian này, anh từng nhận những cú đấm từ HLV Delio Rossi ngay khi trận đấu đang diễn ra. Ở tuổi 21, Ljajic không còn được xem là cầu thủ có tiềm năng trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới nữa. Sự sa sút thảm hại khiến anh không được HLV Mihajlovic triệu tập lên tuyển Serbia. Nhưng điều may mắn là anh biết mình đang đứng ở đâu, không còn buông lỏng sự kỷ luật như trước. Rồi một ngày, vận may đã mỉm cười với Ljajic. Anh tìm thấy một HLV trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và đủ giỏi để giúp mình làm lại sự nghiệp. Người ấy chính là Vincenzo Montella.
“Tiểu phi cơ” Montella vẫn đánh giá rất cao tài năng của cậu học trò vùng Balkan. Ông tin Ljajic sẽ có những màn trình diễn đỉnh cao nếu như không bị mắc kẹt trong hệ thống chiến thuật chặt chẽ. Nói tóm lại, cầu thủ này phải được tự do chơi bóng theo cách của mình. Ljajic khoác trên người chiếc áo số 22 như Kaka, không mất nhiều thời gian để đáp lại niềm tin của Montella. Anh kết hợp với Jovetic tạo thành một trong những bộ đôi tấn công tuyệt vời nhất tại Fiorentina kể từ khi bước sang thế kỷ XXI. Cả hai hiểu rất rõ về nhau, giao tiếp với nhau bằng cùng một ngôn ngữ, trở nên thân thiết cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ, đến mức không thể tách rời.
Sau này, Ljajic từng chia sẻ: “So với nhiều HLV khác, Montella giỏi hơn tất cả. Ông ấy đã giúp tôi trưởng thành, biết chơi bóng vì tập thể. Tôi hy vọng rằng mình sẽ được làm việc cùng ông ấy thêm lần nữa vào một ngày không xa”.
Người hâm mộ Fiorentina phải chờ đợi quá lâu để được thưởng thức màn trình diễn dạt dào cảm xúc của Ljajic và Jovetic. Mặc dù vậy, chuỗi ngày hạnh phúc của họ quá ngắn ngủi. Tháng 7/2013, Manchester City bỏ ra 26,7 triệu euro để thuyết phục Fiorentina nhượng lại Jovetic. Tất nhiên, ban lãnh đạo La Viola không thể chối từ.
Sau khi Jovetic ra đi, Ljajic trở thành niềm hy vọng số một trên hàng công của đội bóng áo tím. Song tất cả tan biến ngay trước khi mùa giải 2013/14 bắt đầu. Hợp đồng của Ljajic với Fiorentina chỉ còn kéo dài 1 năm và anh không muốn gia hạn. Chàng trai 22 tuổi cho rằng đã đến lúc mình cần phải tiến một bước dài trong sự nghiệp. Không còn cách nào khác, La Viola buộc phải để Ljajic ra đi thay vì mất trắng vào mùa hè năm sau.
Hàng loạt đội bóng trên khắp châu Âu ngay lập tức tìm đến Firenze. Ở Italia, AC Milan và AS Roma tỏ ra rất sốt sắng. Cuối cùng, “bầy sói thủ đô” đã đánh bại những đối thủ khác để có được sự phục vụ của Ljajic. Trong buổi ra mắt đội bóng mới, cựu tiền vệ Partizan Belgrade chia sẻ: “Ở Fiorentina, mọi người đều biết ý muốn của tôi. Chúng tôi chưa tìm được sự thống nhất trong việc gia hạn. Vì vậy, tôi quyết định đến AS Roma, một đội bóng lớn tại Italia và châu Âu. Tôi hạnh phúc khi ở đây. AS Roma không phải là điểm khởi đầu trong sự nghiệp của tôi. Song tôi muốn làm được điều gì đó lớn lao cho đội bóng này trong vòng 10 năm, có thể là giành được những danh hiệu”.

Trên thực tế, Ljajic chỉ gắn bó với AS Roma trong 2 mùa giải, được tận hưởng nhiều niềm vui nhưng cũng phải trải qua không ít cay đắng. Anh từng khiến các romanisti ngất ngây khi ghi bàn trong trận Derby della Capitale, và có lần đầu tiên sút tung mành lưới đối phương ở cúp châu Âu, điều mà anh không làm được kể từ ngày rời xa quê hương. Tuy nhiên, Ljajic chưa bao giờ là một mảnh ghép quan trọng trong đội hình của AS Roma. Anh cũng không thể vươn tới tầm vóc của một ngôi sao đủ sức dẫn dắt các đồng đội tiến đến vinh quang Scudetto.
Ngày 31/8/2015, Ljajic cập bến Inter Milan theo dạng cho mượn. Tại đây, hình ảnh của anh hoàn toàn mờ nhạt trong mắt HLV Roberto Mancini. Chàng trai người Serbia ghi được 3 bàn thắng, tất cả đều không mang nhiều ý nghĩa, nhất là khi Inter Milan đang trải qua những năm tháng khủng hoảng. Kết thúc mùa giải 2015/16, Ljajic ngậm ngùi quay trở lại AS Roma. Không lâu sau, anh trở thành người của Torino, khi Chủ tịch Urbanno Cairo chấp nhận trả cho phía đối tác 8,5 triệu euro (con số không hề nhỏ với đội bóng này).
Đặt mua áo đấu mùa 1991/92 của AS Roma tại đây
Dù Ljajic mới 24 tuổi, không ai còn đặt niềm tin vào việc Ljajic sẽ trở thành ngôi sao trong thế giới bóng đá nữa. Giữa bóng tối ở Torino, anh gặp lại HLV Mihajlovic. Bỏ qua mối quan hệ không mấy tốt đẹp trong quá khứ, Mihajlovic vẫn trao cơ hội cho cậu học trò. Ngược lại, Ljajic kết hợp với Andrea Belotti và Iago Falque tạo thành cây đinh ba trên hàng công của Torino. Lối chơi của cựu cầu thủ Fiorentina có sự kết hợp giữa sự hiệu quả và tính giải trí.
Thế nhưng, chuỗi ngày hạnh phúc của Ljajic không kéo dài bao lâu. Walter Mazzarri thay thế Mihajlovic dẫn dắt Torino. Chiến lược gia người San Vincenzo yêu cầu các học trò tôn trọng chiến thuật, không được chơi bóng tự do, theo cảm hứng. Không ai khác, Ljajic là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này. Quá chán nản, anh nhận lời chuyển đến Besiktas vào mùa hè năm 2018, thay vì tiếp tục chơi bóng ở một giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ljajic giành được 1 danh hiệu Super Lig và 1 cúp quốc gia. Sau đó, những mâu thuẫn không thể hàn gắn khiến anh bị loại khỏi kế hoạch của Besiktas, phải ngồi chơi xơi nước cho đến khi hết hạn hợp đồng vào năm 2022. Quá tức giận vì án phạt của ban lãnh đạo, Ljajic từng viết trên Instagram: “Khi nuôi một con chó 3 ngày, nó sẽ nhớ đến bạn trong 3 năm. Còn khi gắn bó với một người trong 3 năm, họ sẽ quên bạn chỉ sau 3 ngày”.

Mới đây, Ljajic đã ký hợp đồng với Karagumruk, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Andrea Pirlo. Tuy nhiên, anh phải chờ đến tháng 1/2023 để tiếp tục sự nghiệp cầu thủ. Năm nay, tiền vệ người Serbia đã bước sang tuổi 31, và chắc chắn không bao giờ trở thành cầu thủ xuất sắc như Kaka. Bây giờ, khi nhắc đến Ljajic, phần đông người hâm mộ sẽ dành cho anh 3 chữ “đáng”: đáng tiếc, đáng thương và đáng trách. Với tài năng của mình, nếu tập luyện nghiêm túc hơn và gặp nhiều may mắn hơn, sự nghiệp của cựu cầu thủ AS Roma có thể đã rẽ sang hướng khác.
(Lược dịch từ bài “Adem Ljajic, il fuoriclasse a ‘sprazzi’ mai esploso definitivamente” trên tờ Goal).