Bây giờ, Sampdoria không còn là một thế lực ở Serie A. Quá khứ vinh quang của đội bóng thành Genova đã lùi xa hơn 30 năm, thời điểm họ được dẫn dắt bởi HLV, nhà tâm lý học vĩ đại Vujadin Boskov.
Boskov là một trong những tiền vệ vĩ đại nhất của bóng đá Nam Tư sau chiến tranh thế giới thứ hai. Khi chuyển sang công tác huấn luyện, ông lại gây tiếng vang trên đất Italia. Ông có 14 năm dẫn dắt các đội bóng ở đất nước ven bờ Địa Trung Hải này và đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, mốc son chói lọi nhất chắc chắn là danh hiệu Scudetto lịch sử cùng Sampdoria ở mùa giải 1990/91. Trên con đường đến đỉnh vinh quang của Serie A, Boskov còn giúp đội bóng có biệt danh Blucerchiati còn làm nức lòng những người yêu mến mình bằng cách mang về phòng truyền thống nhiều chiếc cúp cao quý khác.
Boskov ở Sampdoria
Danilo Crepaldi, chuyên gia về bóng đá Nam Tư trước và sau khi Nhà nước Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa này giải thể, từng xuất bản cuốn sách mang tên “Bóng bay vào khi Chúa muốn – Cuộc đời, cách ngôn và những điều kỳ diệu của Vujadin Boskov”. Mỗi khi có dịp nhắc đến nhà cầm quân người Begec, ông có thể kể liên tục trong nhiều giờ đồng hồ và không thể tìm thấy điểm kết thúc. Trong dịp nói về mùa giải 1990/91 của Sampdoria với tờ Goal, Crepaldi không tiếc lời khen ngợi người dẫn dắt đội bóng vào thời điểm ấy:
“Khi Paolo Mantovani nắm quyền điều hành Sampdoria vào năm 1979, đội bóng đang chơi ở Serie B. Mục tiêu của ông ấy là biến Blucerchiati thành đội bóng vĩ đại nhất tại Italia và châu Âu, đồng thời giành được Scudetto. Vì vậy, ông ấy đã mang về những cầu thủ trẻ tài năng nhất. Roberto Mancini đến từ Bologna, Gianluca Vialli đến từ Cremonese. Luca Pellegrini và nhiều cầu thủ khác cũng vậy. Song Sampdoria vẫn thiếu một người lãnh đạo. Cuối cùng, Mantovani tìm thấy điều đó ở Boskov. Dưới thời nhà cầm quân người Nam Tư, Sampdoria trở thành tập thể mạnh mẽ. Người hâm mộ, Chủ tịch, HLV và các cầu thủ tạo nên sự gắn kết không ở đâu có được. Boskov là chất kết dính giữa các thành phần khác nhau. Ông ấy là HLV, người cha và cảnh sát của đội bóng”.
Kể từ khi Boskov cập bến Luigi Ferraris vào năm 1986, Sampdoria bắt đầu phát triển mạnh mẽ, trở thành đối thủ đáng gờm trên mọi đấu trường. Crepaldi tiếp tục kể: “Luca Pellegrini từng nói một điều khiến tôi rất ấn tượng: “Boskov đến đây và giúp chúng tôi cải thiện quan điểm về lối chơi. Hoàn toàn sai. Trên thực tế, chúng tôi có thể chơi tốt hơn dưới sự dẫn dắt của Eugenio Bersellini. Tuy nhiên, Boskov vẫn là HLV vĩ đại. Ông ấy có công rất lớn khi truyền cho chúng tôi tâm lý chiến thắng. Boskov thực sự làm thay đổi tinh thần thi đấu của toàn đội. Chúng tôi trưởng thành như những người đàn ông thực thụ là nhờ ông ấy. Và tất cả cùng nhau giúp Sampdoria tạo nên nhiều thành tựu mà đội bóng xứng đáng đạt được”.

Boskov có nhiều cách để tạo nên sức mạnh tinh thần cho Sampdoria. Trước và trong mỗi trận đấu, ông thường sử dụng những câu nói trở thành thương hiệu của mình. Crepaldi tiết lộ: “Boskov luôn lặp lại những lời tuyên bố như “Họ là họ, chúng tôi là chúng tôi” hoặc “Bởi vì chúng tôi là Sampdoria”. Điều đó mang đến cho các cầu thủ niềm tự hào về màu áo mà họ đang mặc. Sampdoria không có nhiều cá nhân nổi trội như AC Milan, Inter Milan hay Napoli của Diego Maradona. Song ở khía cạnh tập thể, họ rất mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách và giành chiến thắng trên mọi đấu trường. Ngoại trừ khoảng thời gian đầu tiên, Sampdoria của Boskov luôn giành được ít nhất 1 danh hiệu vào mỗi mùa giải”.
Mùa giải 1987/88, Sampdoria vô địch Coppa Italia. Mùa giải 1988/89, Mancini và các đồng đội bảo vệ thành công danh hiệu này. Sang mùa giải 1989/90, họ tạo nên tiếng vang tại trời Âu khi đăng quang ở European Cup Winner’s Cup. Blucerchiati tiến bộ qua từng năm, và đã sẵn sàng chinh phục mục tiêu lớn nhất: Scudetto đầu tiên trong lịch sử đội bóng.
Trên thị trường chuyển nhượng mùa hè, Giám đốc thể thao Paolo Borea mang về 5 bản hợp đồng mới. Trong đó, đáng chú ý nhất là tiền vệ Aleksei Mikhailichenko, người chuyển đến từ Dinamo Kiev với giá 6,5 tỷ lire. Đội hình khung của Boskov dần hoàn thiện. Gianluca Pagliuca vẫn là sự lựa chọn số một trước khung gỗ. Moreno Mannini đóng đinh ở vị trí hậu vệ phải. Pietro Vierchowod, Luca Pellegrini tạo thành bộ đôi trung vệ và Marco Lanna là phương án dự phòng cho bộ đôi này. Ở cánh trái, Srecko Katanec và Giovanni Invernizzi thay phiên nhau trấn giữ.
Fausto Pari chơi ngay phía trên hàng phòng ngự. Bên cạnh anh là Mikhailichenko, người làm nhiệm vụ xây dựng lối chơi cho toàn đội. Khi cầu thủ người Ukraine không thể thi đấu, Ivano Bonetti được lựa chọn để thay thế. Attilio Lombardo với khả năng dùng tốc độ xuyên phá hàng phòng ngự đối thủ khi tìm thấy khoảng trống, đảm nhiệm vai trò tiền vệ phải. Vị trí đối diện thuộc về Giuseppe Dossena, còn Toninho Cerezo là cái tên dự phòng. Ở tuổi 35, cầu thủ người Brazil vẫn biết cách tỏa sáng mỗi khi được trao cơ hội. Lombardo và Dossena có nhiệm vụ cung cấp bóng cho bộ đôi tiền đạo Gianluca Vialli – Roberto Mancini. Trên băng ghế dự bị, Marco Branca như lò xo bị nén, sẵn sàng bùng nổ nếu được trao cơ hội.
Boskov tin rằng Sampdoria đủ sức giành vinh quang ở Serie A. Tuy nhiên, trong mắt các chuyên gia và người hâm mộ, Juventus của Roberto Baggio mới là ứng cử viên số một cho Scudetto. Sau 3 vòng đấu đầu tiên, đương kim á quân AC Milan cũng khiến tất cả phải gọi tên mình với 6 điểm tuyệt đối.
“Năm đó, Boskov tin Sampdoria có thể thống trị bóng đá Italia. Một loạt bước ngoặt xảy ra ở vòng 4, khi Sampdoria đến Turin để chạm trán Juventus. Trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0, Bianconeri chơi tốt hơn các vị khách. Mặc dù vậy, Boskov vẫn tuyên bố rằng đội bóng của ông sẽ cạnh tranh Scudetto cho đến vòng đấu cuối cùng”, Crepaldi kể.

Sampdoria tiếp tục duy trì chuỗi trận bất bại. Ở vòng 7, họ đánh bại AC Milan 1-0 ngay tại San Siro nhờ bàn thắng của Cerezo và leo lên vị trí đầu bảng. Juventus, AC Milan và Inter Milan bám sát phía sau. Tại San Paolo vào ngày 18/11/1990, Sampdoria thể hiện sức mạnh bằng cách vùi dập Napoli của Maradona đến 4-1. Đội chủ nhà dẫn trước sau pha dứt điểm của Giuseppe Incocciati trong hiệp một. Sang hiệp hai, các vị khách đến từ Liguria bất ngờ vùng lên. Cú đúp của Vialli và Mancini, giúp Sampdoria lội ngược dòng ngoạn mục.
Hiện tượng Sampdoria ngày càng thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Những câu chuyện về Boskov và phòng thay đồ của đội bóng bắt đầu được khai thác. Crepaldi nhớ lại: “Ở Genova, Vialli và Mancini thường tập luyện cùng nhau. Fausto Pari nói với tôi rằng cả hai rất tuyệt vời. Lombardo từng kể cho tôi nghe một giai thoại về họ. Một ngày nọ, Vialli và Mancini đến nói với cậu ta: “Này Attilio, hôm nay cậu sẽ được ra sân từ đầu”. Lombardo nở nụ cười tươi trong suốt buổi tập. Tuy nhiên, khi bước vào văn phòng của Boskov, cậu ta phát hiện mình phải ngồi dự bị. Có lẽ tôi không cần mô tả rằng cậu ta thất vọng như thế nào”.
Ngày 25/11/1990, Sampdoria để thua Genoa 1-2 ở trận Derby della Lanterna. Đây là thất bại đầu tiên của Blucerchiati trong mùa giải, khiến họ mất ngôi đầu bảng vào tay Inter Milan. Sang vòng tiếp theo, Sampdoria bị Cagliari cầm hòa 0-0 ở Sardinia. Juventus đánh bại Fiorentina 2-1 và san bằng điểm số với Nerazzurri, đội phải chia điểm với Bari. Đến vòng 12, “Lão phu nhân” chỉ có được 1 điểm trong trận Derby del Mole với Torino, Inter Milan vùi dập Cesena 5-1 còn trận đấu giữa Sampdoria và AS Roma bị hoãn. Điều này đồng nghĩa với việc Inter Milan và Juventus cùng dẫn đầu bảng, trong khi đội quân của Boskov sắm vai kẻ bám đuổi.
Tất nhiên, vị thuyền trưởng người Nam Tư không hài lòng. Trước khi bước sang năm mới, ông muốn các học trò dành tặng người hâm mộ bằng chiến thắng trong trận đấu quan trọng: gặp Inter Milan. Crepaldi kể tiếp: “Ngày 30/12/1990, Sampdoria tiếp đón Inter Milan tại sân Luigi Ferraris. Vialli đưa Sampdoria vượt lên dẫn trước sau đường chuyền của Pellegrini. Phút 35, bất lợi đến với đội chủ nhà khi Mikhailichenko nhận thẻ đỏ. Boskov muốn Pari kèm chặt Aldo Serena và yêu cầu Pellegrini chơi như một libero. Nhưng các cầu thủ lại không nghe lời của ông. Pellegrini bám sát Serena và nói Vierchowod kèm Jurgen Klinsmann, trong khi Pari đẩy sang cánh. Ban đầu, Boskov rất tức giận. Nhưng sau vài phút, ông biết đó là giải pháp đúng đắn và để mọi thứ diễn ra theo ý các học trò”.
Phút 50, Nicola Berti gỡ hòa cho Inter Milan. Song trong vòng 10 phút cuối cùng, Vialli và Mancini ghi liền 2 bàn thắng, giúp Sampdoria giành trọn vẹn 2 điểm. Cuộc đua giành Scudetto giờ mới thực sự bắt đầu với đội bóng vùng Liguria.

Sampdoria khởi đầu năm mới với chỉ 1 điểm sau 3 trận. Họ khép lại giai đoạn lượt đi ở vị trí thứ 5, bị Inter Milan, Juventus, Parma và AC Milan qua mặt trên bảng xếp hạng. Phòng thay đồ của đội chủ sân Luigi Ferraris nảy sinh mâu thuẫn.
Crepaldi tiết lộ: “Một cuộc khủng hoảng nhỏ xuất hiện. Mọi người thường nói “tiếng ve chỉ có vào mùa hè”, ngụ ý mỗi sự việc làm đều cần xảy ra đúng thời điểm. Chuyện giải quyết vấn đề nội bộ của Sampdoria cũng vậy. Tuy nhiên, thay vì chờ đợi đến khi kết thúc mùa giải, Boskov và Borea lại sắp xếp một cuộc hẹn cho các cầu thủ tại nhà hàng La Beccaccia ở Rapallo. Vâng, chỉ có các cầu thủ ngồi lại với nhau, không có HLV hay thành viên ban lãnh đạo nào. Họ tranh cãi gay gắt, thậm chí còn dùng lời lẽ xúc phạm lẫn nhau. Nhưng trước khi rời La Beccaccia, tất cả cùng đặt ra một hiệp ước: họ phải mang Scudetto về cho Sampdoria và chừng nào chưa làm được điều đó thì không ai được phép chia tay đội bóng”.
Chuyên gia về bóng đá Nam Tư kể tiếp: “Tôi hỏi Vialli về mọi chuyện và cậu ấy nói rằng bản thân không hề biết Boskov là người sắp xếp cuộc hẹn tối hôm đó. Sáng hôm sau, khi thấy Boskov lộ rõ vẻ vui mừng, cậu ấy mới hiểu rằng HLV của mình biết rõ những gì họ đã nói với nhau tại nhà hàng. Nhà cầm quân thiên tài này biết khi nào thì dùng cây gậy và khi nào cần dùng củ cà rốt. Có thể Boskov không vượt trội về kỹ chiến thuật, nhưng ông ấy thực sự là chuyên gia tâm lý học vĩ đại, tinh tế và không tầm thường”.
Gianluca Vialli từng chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu tiên, Boskov thể hiện rõ ý định xây dựng thứ bóng đá đơn giản, chỉ dành cho những người không có tầm nhìn sâu. Sự thật đó là thứ bóng đá có tổ chức dựa trên những điều đơn giản. Chúng tôi cười rất nhiều trong khi tập luyện và mọi người nghĩ rằng Sampdoria không tập luyện nghiêm túc. Các nhà báo liên tục tấn công vào điều này, họ không hiểu rằng chúng tôi đang tập luyện cùng với nhiều niềm vui. Công lao to lớn của Boskov nằm ở điểm đó”.
Nhờ bữa tối trao đổi thẳng thắn với nhau và các phương pháp huấn luyện của Boskov, Sampdoria dần vượt qua khủng hoảng về niềm tin. Họ lần lượt đánh bại AS Roma trong trận đấu bù vào ngày 23/1/1991 và sau đó là Cesena, Fiorentina. Đến vòng 19, họ đòi lại ngôi đầu bảng, cùng 2 đội bóng thành Milan tạo nên cuộc đua tam mã đến Scudetto. Chuỗi trận toàn thắng của Sampdoria kéo dài lên con số 6, với các bại tướng lần lượt là Bologna, Juventus và Parma.
Juventus liên tục đánh rơi điểm, AC Milan cũng vậy. Chỉ còn Inter Milan tiếp tục bám đuổi Sampdoria. Thế nhưng đến vòng 26, cách biệt giữa 2 đội được nới rộng lên thành 3 điểm. Nerazzurri nhận thất bại 0-1 trong trận Derby della Madonnina, trong khi các chàng trai của Boskov vùi dập Napoli của Maradona đến 4-1. Một tuần sau, khoảng cách vẫn không thay đổi. Sampdoria bị Genoa cầm hòa trong trận Derby della Lanterna, còn Inter Milan cũng chia điểm với Napoli. Trong 3 vòng đấu tiếp theo, cả hai đội đầu bảng đều giành được thêm 5 điểm. Điều đó khiến cho cuộc chạm trán trực tiếp tại San Siro vào ngày 5/5/1991 trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Đó là trận đấu của riêng Sampdoria, và còn in đậm trong lịch sử đội bóng này. Blucerchiati đang hơn Inter Milan 3 điểm trên bảng xếp hạng. Thầy trò Trapattoni buộc phải giành chiến thắng để níu kéo hy vọng giành Scudetto đầy mong manh. Inter Milan dồn ép Sampdoria trong hiệp một. Đội khách may mắn vì có Pagliuca. Chàng thủ môn này giúp cho mành lưới của họ không thể xuyên thủng. Chính xác thì bóng đi vào lưới Sampdoria 1 lần, nhưng bàn thắng của Klinsmann không được trọng tài công nhận. Hiệp một kết thúc với tỷ số hòa 0-0.
Ngoài những cơ hội bị bỏ lỡ, tình huống đáng chú ý nhất đến vào những phút cuối hiệp. Trọng tài chính Pietro D’Elia rút thẻ đỏ trực tiếp, truất quyền thi đấu của Mancini và Bergomi. Mỗi đội chỉ còn 10 người khi bước vào hiệp hai. Crepaldi tiếp tục dòng hồi tưởng của mình: “Trong phòng thay đồ, các cầu thủ Sampdoria lộ vẻ sợ hãi. Kế hoạch của Inter Milan dường như đã thành công. Boskov bước vào. Như mọi khi, ông ấy bắt các học trò nằm xuống đất, 2 chân nâng lên và dựa vào tường. Ông ấy mỉm cười và nói: “Này các cậu, hôm nay Pagliuca cố gắng giúp chúng ta không thua trận. Chúng ta có thể hòa và vẫn ở gần Scudetto. Nhưng nếu các cậu có lòng dũng cảm, hãy vượt qua giới hạn đó. Chúng ta có thể giành chiến thắng ở trận này””.
Boskov giống như nhà tiên tri, đoán được kết quả của hiệp hai. Pagliuca tiếp tục ngăn cản mọi đường bóng của Inter Milan. Ngược lại, các cầu thủ đội chủ nhà bị bối rối. Phút 60, Pablo Strigara mắc sai lầm, tạo cơ hội cho Sampdoria phản công. Vialli lấy bóng, chuyền cho Dossena. Tiền vệ dày dặn kinh nghiệm này tung ra cú sút, khiến Walter Zenga bất lực. Crepaldi hào hứng cho biết: “Boskov cho rằng Dossena giống như con phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn. Cậu ấy được Boskov đặt niềm tin rất lớn ở Sampdoria, sau khi phải tời Torino và xuống Serie B để khoác áo Udinese”.
Bàn thắng mở tỷ số của Dossena khiếm Inter Milan bối rối. Họ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đều bỏ lỡ đáng tiếc. Ngay cả khi đứng trước chấm penalty, Lothar Matthaus cũng không thể đánh bại Pagliuca. Ngược lại, Sampdoria tận dụng rất tốt cơ hội mà mình có được. Phút 76, sau một pha phản công, Vialli lừa bóng qua cả Zenga, sút tung lưới Inter Milan rồi bật santo ăn mừng đầy phấn khích. Trận đấu khép lại với chiến thắng 2-0 nghiêng về Sampdoria. Blucerchiati hơn AC Milan 4 điểm và Inter Milan 5 điểm trong khi mùa giải chỉ còn 3 vòng đấu.
Crepaldi tiếp tục chia sẻ: “Galeazzi, phóng viên của Rai, phỏng vấn 2 HLV khi trận đấu kết thúc. Trapattoni không hài lòng, đổ lỗi cho thần may mắn, tổ trọng tài và cả các interisti. Ông ấy cho rằng đám đông tại San Siro cổ vũ chưa đủ cuồng nhiệt để giúp các cầu thủ của mình cảm thấy hưng phấn. Trong khi đó, Boskov mỉa mai người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến bằng câu nói để đời: “Khi người thợ săn bắn trượt mục tiêu, thỏ rừng sẽ bỏ chạy. Và hôm nay, chúng tôi là thỏ rừng”. Đối với tôi, đó là một trong những câu nói hay nhất mà Boskov dành cho đối thủ”.
Một tuần sau, Sampdoria bị Torino cầm hòa 1-1 ở Delle Alpi. Cuộc chinh phục Scudetto của họ kết thúc vào ngày 19/5/1991, với thắng lợi 3-0 trước Lecce ở vòng đấu áp chót. Cerezo, Mannini và Vialli lần lượt điền tên mình lên bảng tỷ số, đưa Sampdoria bước lên bục vinh quang. Bầu không khí lễ hội và tiệc tùng xuất hiện từ sân Luigi Ferraris đến khắp mọi nơi trên thành phố Genova. Giấc mơ của Chủ tịch Mantovani và lời hứa của toàn đội ở nhà hàng La Beccaccia trở thành hiện thực. Chiến công này ghi đậm dấu ấn của Boskov.

“Scudetto cùng Sampdoria là danh hiệu VĐQG thứ 3 trong cuộc đời Boskov. Trước đó, ông ấy từng dẫn dắt Real Madrid đến với ngôi vương ở La Liga. Khi còn là cầu thủ, ông ấy từng cùng Vojvodina đăng quang lần đầu tiên vào thập niên 1960. Vojvodina chơi ở giải Prva Liga, có thể so sánh với Sampdoria của Italia. Cả hai đều giành được rất ít danh hiệu trước khi Boskov đến. Không phải ngẫu nhiên mà ông ấy luôn xem Vojvodina và Sampdoria là tình yêu bóng đá vĩ đại nhất trong cuộc đời mình. Thời còn trẻ, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Nam Tư từng đề nghị Boskov chuyển đến Partizan hoặc Red Star Belgrade, những đội bóng tập hợp nhiều cầu thủ tài năng nhất đất nước. Song ông ấy thẳng thừng từ chối bằng câu nói: “Họ muốn tôi đến Belgrade để biểu diễn như chú hề trong rạp xiếc, nhưng tôi thà làm ông vua ở xứ nghèo còn hơn là làm thằng hề cho triều đình lớn”. Sau này, Boskov tự hào tuyên bố rằng mình chưa bao giờ phản bội Vojvodina”, Crepaldi tiết lộ.
Những năm cuối đời của Boskov
Cuộc phiêu lưu của Boskov tại Sampdoria kết thúc sau trận chung kết cúp C1 châu Âu ở mùa giải 1991/92. Tại Wembley, Blucerchiati thi đấu kiên cường, và chỉ chịu thua Barcelona sau cú sút phạt của Ronald Koeman ở hiệp phụ. Rời sân Luigi Ferraris, Boskov bắt đầu những chuyến phiêu lưu ngắn ngủi với AS Roma, Napoli, sang Thụy Sĩ dẫn dắt Servette. Tháng 11/1997, ông trở lại Sampdoria nhưng chỉ ở lại cho đến tháng 6/1998. Hành trình của Boskov trên đất Italia kết thúc bằng 4 tháng ngắn ngủi ở Perugia. Ông trở về quê nhà, dẫn dắt tuyển Nam Tư (nhưng chỉ bao gồm các cầu thủ đến từ Serbia và Montenegro) tham dự EURO 2000.
Crepaldi hồi tưởng: “Sự nghiệp huấn luyện của Boskov bắt đầu từ những năm 1960, khi ông còn đang chơi bóng ở Young Fellows Zurich. Mọi chuyện đến rất tình cờ. HLV Patek bị thương ở đầu gối trong lúc chỉ đạo các học trò tập luyện. Ngay lập tức, ông đưa cho Boskov chiếc còi của mình và yêu cầu cậu học trò hướng dẫn các đồng đội tiếp tục buổi tập. Boskov luôn mang theo chiếc còi đó trong sự nghiệp của mình. Một lần, Vialli cố tình giấu kỷ vật của thầy. Boskov nổi điên, như một con quái thú. Đó là lần hiếm hoi ông ấy không giữ được bình tĩnh. Và trong ngày Perugia xuống hạng, ông ấy đặt chiếc còi vào tay Chủ tịch Alessandro Gaucci cùng tuyên bố: “Còi vẫn ở đây, nhưng tôi sẽ không làm HLV cho đội bóng này nữa””.
Chuyên gia bóng đá Nam Tư tiếp tục kể: “Trong sự nghiệp của mình, Boskov phát hiện ra nhiều nhà vô địch tương lai. Emilio Butragueño ở Real Madrid, Francesco Totti ở AS Roma và Gianluca Pagliuca ở Sampdoria. Trong một buổi tập, ông ấy nói với Pagliuca: “Cậu là chú chó săn, nhưng để trở thành thủ môn vĩ đại, cậu cũng phải là con cáo”. Ở Ascoli, Boskov chú ý đến một cậu bé 16 tuổi chơi ở đội Primavera của AC Milan, và yêu cầu Chủ tịch Costantino Rozzi phải có được chữ ký của cậu bằng mọi giá. Cậu bé ấy chính là Paolo Maldini. Rozzi bắt đầu tiến hành đàm phán, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó, HLV Nils Liedholm kiên quyết ngăn cản thương vụ này. Maldini ở lại AC Milan, làm nên lịch sử cùng lữ đoàn đỏ đen”.

Boskov là cầu thủ đẳng cấp trước khi trở thành HLV vĩ đại. Ông để lại dấu ấn ở bất kỳ nơi nào mà mình đặt chân đến. Người hâm mộ không chỉ khâm phục tài năng, mà còn bị ấn tượng bởi nhân cách của vị thuyền trưởng người Begec. Crepaldi tiết lộ: “Aleksandra, con gái của Boskov, từng nói với tôi rằng cô ấy được gặp trực tiếp nhiều đồng đội của cha mình ở tuyển Nam Tư như Milutinovic, Mitic, Beara, Zebec, Bobec. Khi nói chuyện với Aleksandra, Boskov không tiếc lời khen ngợi các đồng đội. Ông ấy gọi họ là những người đàn ông tuyệt vời, tin họ sẽ tiếp tục thành công khi chia tay bóng đá. Sự tôn trọng đồng đội như Boskov thể hiện là yếu tố giúp Nam Tư trở thành một trong những ĐTQG mạnh nhất châu Âu”.
Sau thời gian ngắn dẫn dắt tuyển Nam Tư, Boskov giã từ sự nghiệp huấn luyện và chuyển đến sống ở Genova. Cựu HLV Sampdoria dành thời gian xem các trận đấu và ở bên vợ Yelena, người có ảnh hưởng rất quan trọng trong cuộc đời của mình. Boskov cũng thường xuyên nhớ về anh trai Alexander, người qua đời trong một trận đấu vào năm 1943 và là thần tượng của ông trong những ngày đầu tập luyện bóng đá.
Đến năm 2003, tai họa ập đến với gia đình Boskov. Yelena kể lại với tờ Goal: “Chồng tôi đối mặt với một số triệu chứng mệt mỏi và mất trí nhớ. Các bác sĩ lo sợ rằng ông ấy có thể mắc bệnh Alzheimer. Tại Genova, điều này được xác nhận. Khi tình hình bắt đầu xấu đi, ông ấy nói với tôi: “Đi thôi. Chúng ta phải rời Genova. Novi Sad là nơi tôi muốn nằm lại”. Trước khi rời xa chúng tôi, Boskov ra hiệu cho tôi như muố nói “Hẹn gặp lại vào ngày mai”. Ông ấy không nói thêm gì nữa, nhưng tôi cảm nhận điều khủng khiếp sắp xảy ra. Tôi biết chúng tôi sẽ không còn gặp nhau nữa. Đầu giờ chiều ngày Chủ nhật, nhân viên y tế gọi cho tôi và thông báo rằng Boskov đã qua đời”.
Crepaldi xúc động nói tiếp: “Boskov thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi căn bệnh bùng phát. Trở lại Novi Sad, ông ấy phải nhập viện tại nhà hưu trí Sremska Kamenica. Ông ấy trải qua 4 tháng cuối đời ở đây, trong sự giám sát tích cực của các nhân viên y tế. Boskov ra đi thanh thản, chỉ còn đôi mắt biết nói. Vào tối ngày 26/4/2014, Yelena đến gặp Boskov và hôn lên trán của chồng mình. Đáp lại, ông ấy ngước mắt lên và nói: “Xin chào”. Đó là lời cuối cùng của Boskov. Nhà cầm quân vĩ đại của bóng đá Nam Tư ra đi trong đêm, để lại nỗi buồn không thể xoa dịu không chỉ ở tất cả đội bóng mà ông ấy dẫn dắt, mà còn cho cả thế giới bóng đá nói chung”.

Chính phủ Serbia muốn tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho Boskov và an táng ông ở Belgrade. Tuy nhiên, trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Boskov bày tỏ mong muốn được nằm lại ở Begec. Điều đó được chấp thuận, như để thể hiện sự tôn trọng dành cho người con ưu tú của đất nước.
Hiện tại, Boskov vẫn yên nghỉ tại nghĩa trang Begec. Ngôi mộ của ông rất dễ để tìm thấy. Trung tâm của Vojvodina ở Novi Sad cũng được đặt theo tên của ông. Tại Genova, các doriani cũng luôn nhớ về Boskov. Scudetto 1990/91 vẫn là danh hiệu VĐQG duy nhất mà Sampdoria có được cho đến ngày nay và không ai được phép quên dấu ấn của vị thuyền trưởng ngoại quốc vĩ đại nhất lịch sử đội bóng.
(Lược dịch từ bài “Vujadin Boskov: lo Scudetto con la Sampdoria e il vuoto per la morte a 83 anni” trên tờ Rivista Contrasti).
I have read so many posts concerning the blogger lovers however this post is truly a nice post, keep it up.