Cống hiến cho Cagliari dưới sự dẫn dắt của HLV Manlio Scopigno. Gia nhập Torino rồi trở thành thủ môn người Italia đầu tiên khiến Diego Maradona tiếc nuối trên chấm phạt đền. Vâng, chúng ta đang nói về Renato Copparoni.
Ngày 2 tháng 3 năm 1986. Tại vòng 23 Serie A, Napoli của Ottavio Bianchi tiếp đón Torino của Gigi Radice trên sân San Paolo. Il Toro vượt lên dẫn trước nhờ công của Pietro Mariani. Tuy nhiên, họ không giữ được lợi thế ấy, để đội chủ nhà lội ngược dòng thành công, sau pha phản lưới nhà của Giacomo Ferri và các bàn thắng của Luigi Caffarelli, Salvatore Bagni. Những người yêu mến Napoli cảm thấy hài lòng, ngoại trừ một người: Diego Armando Maradona. “Cậu bé vàng” quyết tâm điền tên mình lên bảng tỷ số ở sân San Paolo, điều ông không làm được trong suốt 3 tháng đã qua.
Suốt thời gian có mặt trên sân, Maradona dứt điểm liên tục. Phần lớn những cú sút của ông đưa bóng đi trúng đích, nhưng lại bị ngăn chặn bởi đôi tay của thủ môn Renato Copparoni, người chỉ được đứng trước khung gỗ sau khi Silvano Martina bị chấn thương. Phút 78, cơ hội lớn nhất của Maradona đã đến. Renato Zaccarelli phạm lỗi với Bagni trong vòng cấm của Torino. Trọng tài Pierluigi Magni ngay lập tức chỉ tay vào chấm phạt đền. Trên khán đài, hàng vạn người hâm mộ Napoli đã chuẩn bị ăn mừng bàn thắng của tiền đạo người Argentina. Trước đó, Maradona đã thực hiện thành công 8/8 quả phạt đền trong màu áo đội bóng miền nam Italia. Vì vậy, Copparoni cảm thấy rất căng thẳng. Nhưng cái kết lại hoàn toàn bất ngờ.
“Hai tuần trước, tôi đã xem chương trình ‘La Domenica Sportiva’ trên truyền hình và được chứng kiến Maradona thực hiện quả phạt đền ở trận gặp Inter Milan. Walter Zenga, thủ môn của Inter Milan, nhảy sang một bên trước khi Maradona sút bóng. Sau đó, Maradona dễ dàng đưa bóng vào góc còn lại. Đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ: ‘Nếu phải đối mặt với một quả phạt đền ở trận gặp Napoli, tôi sẽ đứng yên, không cho Maradona biết được mình sẽ nhảy sang hướng nào’. Cuối cùng, tôi đã làm được. Đó không chỉ là cuộc so tài về kỹ năng chơi bóng, mà còn là màn đấu trí cân não. Nếu chỉ dùng kỹ thuật để cứu thua, tôi không gặp bất kỳ khó khăn nào. Nhưng khi phải dùng trí óc thì lại là câu chuyện khác. Cậu ấy nhìn thẳng vào tôi rồi đặt bóng chếch sang bên phải một chút. Người hâm mộ liên tục hô vang: ‘Diego! Diego!’. Chân tôi bắt đầu run, nhưng cố gắng không để Maradona nắm lợi thế. Trong lúc cậu ấy chạy đà, tôi chỉ tiến lên một bước nhưng đủ để ngăn chặn cú sút. Maradona không thể đưa bóng vào lưới của tôi. Bất chấp tỷ số đang là 3-1 nghiêng về Napoli, tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì khiến 80.000 khán giả trên sân San Paolo im lặng trong 10 giây”, Copparoni chia sẻ với tờ Goal vào tháng 1/2021.
Thủ môn 33 tuổi đã chuẩn bị rất kỹ, hoàn toàn sẵn sàng nếu phải “đấu súng” ở trận gặp Napoli. Nhưng có một điều Copparoni không thể ngờ: ông đã đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên hóa giải thành công một quả penalty của Maradona.
“Khi bước vào đường hầm, Maradona đã gặp tôi và nói ‘Hoan hô!’. Trong phòng thay đồ, các HLV và đồng đội dành cho tôi những lời khen ngợi. Lúc ấy, tôi mới biết mình vừa làm được một điều tuyệt vời”, Copparoni hồi tưởng.
Ngày hôm sau, trên các mặt báo, thủ môn của Torino được chấm 7 điểm. Trong khi đó, dù có pha kiến tạo bằng kỹ thuật rabona, Maradona cũng chỉ nhận được 6,5 điểm.

Khởi đầu ở Cagliari
Copparoni cất tiếng khóc chào đời vào ngày 27/10/1952 ở San Gavino Monreale, khu đô thị thuộc xứ đảo Sardinia. Ông bắt đầu chơi bóng từ thời niên thiếu, và đảm nhiệm vị trí thủ môn. Copparoni kể lại:
“Ở tuổi 15, tôi đã chơi ở giải Hạng 2 cùng đội bóng quê hương Monreale. Một ngày nọ, Mario Tiddia thấy tôi chơi bóng ở Sarroch và ngay lập tức gọi tôi đến Cagliari để tham gia buổi tuyển quân. Tôi đã đến, thể hiện kỹ năng trước sự chứng kiến của các thành viên đội một và cả HLV Manilo Scopigno. Đó là vào năm 1969. Mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Cagliari ký hợp đồng với tôi. Đến mùa giải 1969/70, cuộc phiêu lưu của tôi ở Rossoblu bắt đầu”.
Copparoni tiếp tục câu chuyện: “Thực ra, tôi đã gặp nhiều may mắn. Sau giải Sanremo vào tháng 8, tôi trở lại Sardinia và phải tham gia một số kỳ thi ở trường đào tạo thạc sĩ tại Italia. Khi đang làm bài kiểm tra, tôi nhận được điện tín từ Cagliari Calcio. Ban huấn luyện muốn tôi tham dự các trận đấu ở Coppa Italia với Palermo và Catania. Reginato, thủ môn dự bị cho Enrico Albertosi, bị chấn thương. Moriano Tampucci, người sẽ trở thành thủ môn thứ ba của CLB, vẫn chưa ký hợp đồng chính thức. Không còn cách nào khác, họ đành gọi cho tôi. Chỉ trong vòng 2 tháng, tôi được đưa từ đội Primavera lên đội một. Điều đó thật tuyệt vời”.
Tuy nhiên, Copparoni phải đợi thêm vài năm để có trận đấu ra mắt Cagliari. Hôm ấy là ngày 13/5/1973 và đội bóng xứ đảo được dẫn dắt bởi Gigi Radice. Thủ môn người San Gavino Monreale tiếp tục hồi tưởng:
“Trong giai đoạn đầu, tôi khoác áo đội Primavera và đội De Martino (đội dự bị của Cagliari). Sau đó, tôi được gọi lên đội một thường xuyên, chơi ở đội trẻ của tuyển Italia, rồi cống hiến cho đội U21 và U23. Đáng tiếc, tôi không có cơ hội khoác áo tuyển quốc gia”.
“Ở mùa giải 1972/73, Edmondo Fabbri đến theo dõi các cầu thủ trẻ Cagliari đối đầu với Iglesias. Tôi đã chơi tốt và ông ấy quyết định đưa tôi lên đội một với tư cách là thủ môn dự bị của Albertosi. Trong khi đó, Reginato, người lúc này đang bị vấn đề tuổi tác đè nặng, bị giáng xuống làm thủ môn số ba. Ban đầu, mọi chuyện không diễn ra dễ dàng. Albertosi là hình mẫu để tôi học hỏi. Tôi xem Albertosi là thần tượng kể từ khi anh ấy còn đứng trước khung gỗ của Fiorentina. Reginato cũng rất quan trọng với sự nghiệp của tôi. Tôi đã cố gắng học theo những kỹ năng đặc biệt của họ. Bây giờ, tôi vẫn còn nổi da gà mỗi khi nhớ đến khoảnh khắc bước vào phòng thay đồ và gặp 2 nhà vô địch này”.
Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây
“Ngày 13/5/1973, Albertosi bị gãy tay, phải bó bột. HLV Radice ngay lập tức trao cho tôi cơ hội ra mắt Cagliari. Mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp, chúng tôi giành chiến thắng 1-0 trước Torino nhờ pha lập công của Maraschi. Khi Albertosi trở lại, tôi được chơi một vài trận ở mùa giải tiếp theo, dưới sự dẫn dắt của HLV Giuseppe Chiappella”.
“Ở mùa giải 1974/75, tôi trở thành sự lựa chọn hàng đầu trước khung gỗ của Cagliari. Albertosi được ban lãnh đạo bán cho AC Milan để đổi lấy Villiam Vecchi và Ottavio Bianchi. Chiappella đặt niềm tin vào tôi. Sau đó, tôi bị chấn thương ở trận gặp Napoli, do va chạm với Sergio Clerici. Tôi phải ngồi ngoài vài tuần và Vecchi trám vào vị trí của tôi. Khi Radice đến, vì kết quả không được tốt, ông ấy quyết định gạt các cầu thủ trẻ sang một bên và đặt cược vào những cái tên dày dặn kinh nghiệm. Vì vậy, Vecchi được lựa chọn trấn giữ khung thành cho đến khi kết thúc mùa giải”.
Vào thời điểm đó, số phận đã đặt Copparoni đứng trước ngã ba đường: ở lại Cagliari hay chuyển đến một đội bóng khác. Ông cho biết:
“Sang mùa giải 1975/76, Radice muốn tôi đi cùng ông ấy đến Torino. Tuy nhiên, Arrica không muốn bán tôi, bởi tôi là cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Tôi thật không may mắn, có thể nói là vậy. Ở mùa giải đó, Torino giành Scudetto còn chúng tôi phải xuống Serie B. Cagliari cũng không gặp may. Ở trận lượt đi, chúng tôi mất Luigi Riva, người bị chấn thương và sau đó không bao giờ quay trở lại sân cỏ. Chúng tôi là một tập thể trẻ trung và thiếu đi người thủ lĩnh tuyệt vời. Vậy nên, toàn đội đánh mất động lực thi đấu, kết thúc mùa giải một cách tồi tệ và phải trả giá quá đắt”.
“Ở mùa giải 1976/77, chúng tôi tiến rất gần đến suất thăng hạng trực tiếp. Nhưng rồi toàn đội lại đánh mất cơ hội chỉ vì một quả cam trong trận gặp Lecce. Chúng tôi bị xử thua, phải tham dự vòng play-off và nhận thất bại. Vào thời điểm ấy, tôi đang thi đấu ở Giải vô địch quân sự thế giới. Roberto Corti bị chấn thương, buộc ban huấn luyện phải gọi tôi quay trở về phục vụ đội bóng. Tôi phải trải qua một hành trình dài và rất mệt mỏi. Một ngày trước vòng play-off, tôi mới có mặt tại khách sạn ở Rapallo vào lúc 3 giờ sáng để hội quân cùng toàn đội. Chúng tôi phải thi đấu với Pescara, Atalanta trong tình trạng mệt mỏi, chỉ có được 1 trận hòa ở loạt play-off và đành nhìn họ giành vé lên Serie A”.
“1977/78 là mùa giải kỳ lạ và đặc biệt. Với Lauro Toneatto trên băng ghế huấn luyện, tôi được bắt chính và Cagliari đứng thứ ba trên bảng xếp hạng. Sau đó, tôi không hiểu vì sao ông ấy loại tôi ra khỏi đội hình. Cagliari bắt đầu thua trận liên tiếp, cho đến khi tụt xuống vị trí thứ tư. Toneatto bị sa thải vào thời điểm đó, và tôi được trở lại đội hình xuất phát. Cagliari bắt đầu giành chiến thắng. Đáng tiếc, chúng tôi không thể đánh bại Catanzaro trên sân nhà và đánh mất cơ hội thăng hạng. Vậy là toàn đội lại phải chơi ở Serie B thêm một mùa giải nữa”.

Ngọt ngào và đắng cay của Copparoni
Cuộc phiêu lưu của Copparoni tại Cagliari kết thúc vào mùa hè năm 1978. Tổng cộng, ông có 77 lần đứng trước khung gỗ của Rossoblu. Điểm đến tiếp theo của Copparoni là Torino. Thủ môn người San Gavino Moreale suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định của mình.
“Tôi đến Torino vì Radice ngỏ lời với Cagliari thêm một lần nữa. Luigi Riva bấy giờ đã trở thành trợ lý HLV tại đây, đã gọi cho tôi và HLV Mario Tiddia của Cagliari. Anh ấy thực sự muốn đưa tôi về Piemonte. Tôi đã do dự, nhưng Riva liên tục tác động: ‘Đến đây đi nào. Họ trả lương cho chúng tôi rất cao, tới 400 triệu lire lận đấy’. Tôi đang trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính. Thu nhập ở Cagliari rất ít. Năm ngoái, chúng tôi thậm chí không nhận lương trong 5 tháng để cứu đội bóng thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Cuối cùng, tôi đến Torino. Cagliari cũng được hưởng lợi khi thu về một khoản phí chuyển nhượng”.
“Tại Torino, tôi thấy một môi trường hơi khép kín. Mọi thứ đã quá rõ ràng. Tôi không được ra sân thường xuyên. Catanzaro muốn có sự phục vụ của tôi, nhưng Torino quyết định rằng tôi phải ở lại. Vào thời điểm đó, chỉ các CLB mới được phép định đoạt chuyện đi hay ở của các cầu thủ. Tôi chỉ có 2 lựa chọn, là ở lại hoặc giã từ sự nghiệp ở tuổi 26. Vì vậy, tôi chấp nhận làm phương án dự bị cho Giuliano Terraneo và sau đó là Silvano Martina. Trong thời gian chờ đợi cơ hội ra sân, tôi tận hưởng cuộc sống và đăng ký tham gia khóa học ở Đại học Khoa học Chính trị”.
Copparoni chỉ ra sân tổng cộng 7 trận tính trên mọi đấu trường trong 7 mùa giải thuộc biên chế Torino. Ông cũng kịp hoàn thành khóa học của mình. Đối với Copparoni, đó là cả một niềm tự hào. Ông kể lại với ánh mắt sáng rực:
“Tôi tốt nghiệp, hoàn thành ước mơ của cha tôi vào đúng ngày sinh nhật của ông ấy, 15/12/1983. Sau đó, Martina bị chấn thương. Tôi đã chơi 7 trận cuối mùa và có một mùa giải tuyệt vời”.
Vào ngày 2/3/1986, Copparoni được tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời nhất sự nghiệp của mình. Tại sân San Paolo, ông trở thành thủ môn người Italia đầu tiên cản phá thành công quả phạt đền từ chân của Diego Maradona. Một năm sau, Inter Milan gõ cửa Torino để hỏi mua thủ môn người Sardinia. Tuy nhiên, ông lại khước từ lời đề nghị hấp dẫn từ “gã khổng lồ” của Serie A.
“Năm 1986, tôi đã bước sang tuổi 34 nhưng Giovanni Trapattoni vẫn muốn đưa tôi về Inter Milan để làm phương án dự bị cho Walter Zenga. Tuy nhiên, tôi đã hứa với Radice rằng sẽ ở lại Torino. Màu áo này đã trở thành làn da thứ hai của tôi, vẫn ở trong trái tim tôi cho đến tận bây giờ. Vì vậy, tôi đồng ý ở lại. Lorieri là sự lựa chọn số một cho vị trí người gác đền của Radice. Nhưng sau nhiều thăng trầm, Il Toro rơi vào nhóm xuống hạng và HLV trao cơ hội cho tôi. Tôi đã làm rất tốt và chúng tôi tự cứu lấy chính mình”.

Copparoni giờ ra sao?
Sau nhiều năm chơi bóng, nguồn năng lượng và niềm đam mê của Copparoni dần cạn. Song trước khi giải nghệ, ông đồng ý gia nhập Hellas Verona, thi đấu thêm mùa giải 1987/88. Tại đây, ông hoàn thành mục tiêu cuối cùng của mình, đó là ra mắt ở UEFA Cup.
“Radice đã hứa với tôi, nhưng ông ấy không thể thực hiện lời hứa. Tôi cảm thấy thất vọng, quyết định hủy hợp đồng trước thời hạn 1 năm với Torino và chuyển đến Hellas Verona. Mùa giải ấy thật tuyệt vời. Tôi đã đạt được mọi ước mơ của mình ở tuổi 35. Vào mùa hè năm 1988, tôi phải trở lại Sardinia vì những vấn đề của gia đình. Do đó, tôi quyết định giải nghệ”.
Sau khi treo găng, Copparoni trở thành HLV thủ môn đẳng cấp, làm việc ở Lazio trong 5 năm. Sự khởi đầu ngọt ngào ấy đã giúp ông được tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống. Copparoni chia sẻ:
“Tôi bắt đầu sự nghiệp huấn luyện của mình ở Lazio. Sergio Cragnotti trở thành Chủ tịch của đội bóng thủ đô và bổ nhiệm Giuseppe Dossena làm HLV đội trẻ. Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với ông ấy trong 8 năm làm đồng đội ở Torino. Vì vậy, khi ông ấy ngỏ ý muốn tôi về Lazio làm HLV thủ môn, tôi đã không thể từ chối. Tôi tiếp tục làm trợ lý của Dino Zoff khi ông ấy thay thế Zdenek Zeman dẫn dắt Biancazzurri, và chúng tôi cùng nhau giành vé tham dự UEFA Cup. Sau đó, tôi theo Domenico Caso đến Foggia ở Serie B, rồi có thêm 2 năm gắn bó với Chievo. Hành trình của tôi được tiếp tục bằng chuyến trở về đảo Sardinia và hướng dẫn các thủ môn của Nuorese. Tại đây, chúng tôi giành được chức vô địch Serie C2”.
Hiện tại, Copparoni đang là HLV đội trẻ của Italpiombo Santa Teresa, CLB thuộc giải Terza Categoria (giải hạng 9 tại Italia). Ở tuổi 71, ông tận hưởng cuộc sống viên mãn bên người vợ Giovanna và cậu con trai Riccardo. Ngoài ra, ông còn điều hành một lò đào tạo bóng đá có liên kết với học viện Cagliari. Đối với Copparoni, việc huấn luyện các mầm non bóng đá là cả một niềm đam mê.

Suốt cuộc đời, người đàn ông xứ đảo sẽ không thể quên khoảnh khắc lịch sử của mình và Diego Maradona. Chắc chắn, ông sẽ kể đi kể lại nhiều lần với những chàng trai trẻ ở lò đào tạo, để giúp họ nuôi dưỡng ước mơ trở thành thủ môn nổi tiếng ở đất nước Italia.
(Lược dịch từ bài “Renato Copparoni, il primo portiere italiano che parò un rigore a Maradona” trên tờ Goal).