Julio Velasco và hai lời khuyên dành cho Pep Guardiola

Velasco

Cách quản lý nhân sự của Julio Velasco đã tạo thành một hệ tư tưởng, được áp dụng trong nhiều môn thể thao, không riêng bóng chuyền. Một trong những người đã được chiến lược gia người Argentina đưa ra lời khuyên và áp dụng rất thành công chính là Pep Guardiola.

Một chiến tích lịch sử! Tuyển bóng chuyền nữ Italia đánh bại đối thủ Mỹ để giành huy chương vàng Olympic 2024. Trước khi Thế vận hội khởi tranh tại Paris, không nhiều người tin rằng điều này sẽ xảy ra, bởi trong quá khứ, bóng chuyền Italia chưa từng một lần bước lên vị trí cao nhất.

Thành công tại Olympic 2024 đến nhờ màn trình diễn tuyệt vời, sự quyết tâm của từng cá nhân, tinh thần đoàn kết của cả tập thể. Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến tài thao lược của HLV Julio Velasco. Từ lâu, chiến lược gia người Argentina tự điền tên mình vào lịch sử với tư cách là một trong những HLV vĩ đại nhất của bóng chuyền thế giới. Tấm huy chương vàng Olympic Paris 2024 chỉ làm phòng trưng bày của Velasco thêm sáng, bởi ông từng giành vô số danh hiệu trong suốt sự nghiệp.

Tuy nhiên, ít người biết rằng chiến lược gia sinh năm 1952 từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực bóng đá, thậm chí gắn bó với hai đội bóng lớn tại Italia và ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của Pep Guardiola.

Italia
Julio Velasco vừa cùng tuyển bóng chuyền nữ Italia làm nên lịch sử. Ảnh: Getty Images.

Mối duyên với Lazio

Người đầu tiên nảy ra ý tưởng đưa Velasco vào làng túc cầu là Sergio Cragnotti – chủ tịch của Lazio. Tháng 5/1998, Velasco chia tay tuyển bóng chuyền nữ Italia để nhận lời đề nghị vô cùng hấp dẫn từ đội bóng thủ đô: hợp đồng 4 năm, lương 1 tỷ lire mỗi năm. Vị trí: Tổng Giám đốc. Mục tiêu đề ra: phải mang tâm lý chiến thắng về cho “Biệt đội đại bàng”.

“Cragnotti muốn sở hữu điều mà bóng đá miền trung và miền nam Italia luôn thiếu, nhưng Velasco lại sở hữu, đó là khả năng giúp các cầu thủ có đôi mắt như của những con hổ. Ông ấy yêu cầu Velasco giám sát công việc của HLV Sven-Goran Eriksson, để mắt đến đội ngũ y tế và quan tâm đến cả đội”, ký giả Stefano Boldrini giải thích trên L’Unità.

Để Velasco yên tâm công tác, Cragnotti liền tạo nên cuộc cách mạng, bao gồm việc sa thải Giám đốc thể thao Nello Governato. Tham vọng của vị Chủ tịch đáng kính là xây dựng một tập thể vững mạnh, giành Scudetto và Cúp châu Âu sau vài năm.

“Chúng tôi luôn tìm kiếm những người tuyệt vời để củng cố đội ngũ, không chỉ ở tập thể các cầu thủ mà còn ở thượng tầng”, Chủ tịch Cragnotti nhấn mạnh.

Thế nhưng, mối quan hệ giữa Velasco và Lazio không kéo dài bao lâu. Velasco tỏ ra bất phục HLV Eriksson và cả hai không muốn thảo luận về những vấn đề trên sân. Ông cũng thường cáu gắt với các thành viên khác trong ban lãnh đạo, vì họ gọi ông là “người Argentina cộng sản”. Cuối cùng, Velasco chỉ trích thẳng Chủ tịch Cragnotti, người vốn không nghe ý kiến của bất kỳ ai về việc chiêu mộ cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng. Mâu thuẫn giữa hai bên trở nên không thể hàn gắn khi Lazio mang về Christian Vieri. Khi mùa giải kết thúc, Velasco rời sân Olimpico.

“Thế giới bóng đá không từ chối tôi. Trên cương vị Tổng giám đốc Lazio, tôi đã đặt nền bóng cho rất nhiều thắng lợi của đội bóng”, Velasco kể lại trong buổi trả lời phỏng vấn với L’Unità vào năm 2009.

Julio Velasco
Julio Velasco thời còn gắn bó với Lazio.

Nỗi niềm của ngài Moratti

“Velasco gia nhập Lazio nhưng chưa gia nhập lĩnh vực bóng đá”.

Trang Il Catenaccio nhận định như vậy khi nhắc đến quãng thời gian chiến lược gia người Argentina làm việc tại thủ đô Italia. Velasco chỉ thực sự bước vào làng túc cầu vào khi nhận lời mời từ Inter Milan.

Ngày 12/04/2000, sau khi chứng kiến chấn thương bi thảm của Ronaldo de Lima ở trận chung kết lượt đi Coppa Italia, Chủ tịch Massimo Moratti của Inter Milan tự hứa với lòng mình rằng sẽ không để điều tồi tệ như thế xảy ra nữa. Trong một khoảnh khắc bất chợt, vị tỷ phú dầu mỏ nhớ đến Velasco và mời ông đảm nhiệm vị trí Trưởng bộ phận thể dục thể thao kiêm điều phối viên đội ngũ y tế. Thậm chí, chuyên gia bóng chuyền này còn được trao quyền lực ngang hàng với HLV trưởng Marcello Lippi.

Ngay trong ngày ra mắt Inter Milan, Velasco có bài phát biểu như truyền cảm hứng:

“Tôi không phải là kẻ tạo nên giá trị trên thị trường, bởi không có người hâm mộ nào trả tiền vé để nhìn thấy tôi. Chính các cầu thủ mới là người mang đến cảm xúc và tính giải trí chứ không phải người quản lý. Tại Lazio, tôi có khoảng thời gian vui vẻ, nhưng phải ôm đồm nhiều việc hơn và nội bộ thiếu sự đoàn kết. Còn tại đây, tôi, Gabriele Oriali và Marcello Lippi sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề mà tôi đang trăn trở. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau. Không có ý kiến nào của riêng tôi, mà tất cả đều của ba chúng tôi. Nếu phải can thiệp vào mối quan hệ với các cầu thủ, chúng tôi sẽ làm như vậy”.

Trên thực tế, Velasco và Lippi đã biết nhau từ lâu. Lần đầu tiên họ gặp nhau là vào năm 1996, tại Tokyo. Trong lúc toàn đội Juventus tham dự cúp Liên lục địa, Lippi đã đưa các cầu thủ đến xem trận đấu của đội bóng chuyền Italia do Velasco dẫn dắt. “Gã đầu bạc” muốn các học trò thấm nhuần tâm lý chiến thắng được Velasco truyền vào tập thể.

Song sự gắn bó khăng khít giữa Velasco, Oriali và Lippi không làm tình hình của Inter Milan thêm sáng sủa. Inter Milan bị Helsingborg hất văng từ vòng sơ loại Champions League, nhận thất bại trước Lazio ở trận tranh Supercoppa Italiana và khởi đầu mùa giải bằng trận thua Reggina 1-2. Đến tháng 10/2000, Lippi bị thay thế bởi Marco Tardelli. Nhà vô địch World Cup 1982 yêu cầu được toàn quyền quyết định mọi việc, không ai được phép can thiệp. Do đó, Velasco cũng ra đi.

Kể từ đấy, chiến lược gia người Argentina chuyên tâm vào công tác bóng chuyền và không quay lại với bóng đá nữa. Thỉnh thoảng, hai thế giới trong Velesco vẫn có sự giao thoa nhờ những tác nhân đặc biệt. Như cuộc gặp với Pep Guardiola.

Inter Milan
Từ trái sang phải: Gabriele Oriali, Chủ tịch Massimo Moratti, Julio Velasco, Marcello Lippi. Ảnh: Getty Images.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Guardiola

Trong thế giới bóng chuyền, Velasco đã quá nổi tiếng vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Ông cùng tuyển nam Italia giành 12 danh hiệu, bao gồm chức vô địch thế giới vào năm 1994 (tại Brazil) và 1994 (tại Hy Lạp). Bên cạnh đó, hệ tưởng và cách quản lý nhân sự của ông thậm chí còn vượt ra xa lĩnh vực mà mình đang theo đuổi, được nhiều người học hỏi, rồi áp dụng vào tập thể của mình.

Một trong số những người bị ấn tượng bởi Velasco là Guardiola. Ngay khi còn là cầu thủ, chàng tiền vệ xứ Catalan đã ngỏ lời, mong Velasco làm cố vấn cho mình. HLV tuyển bóng chuyền Italia kể lại trong buổi chia sẻ trên kênh Youtube của Juan Pablo Varsky hồi tháng 4 vừa qua:

“Pep khi ấy vẫn còn là cầu thủ, khoác áo AS Roma cùng với Gabriel Batistuta. Một ngày nọ, cậu ấy gọi cho tôi và nói:

– Chào Julio, tôi đã nghe ông trả lời phỏng vấn. Tôi thực sự quan tâm đến những lời ông chia sẻ vì tôi đang muốn trở thành HLV. Tôi đang ở AS Roma, cùng với một Batistuta chán nản trên băng ghế dự bị.

Sau cuộc gọi của Pep, chúng tôi cùng đi ăn và nói chuyện suốt 3 tiếng rưỡi. Cậu ấy nhớ rất rõ về ngày hôm đó, còn tôi không nhớ nữa. Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ gặp lại cậu ấy.

Cho đến một ngày, khi tôi đang ở Tây Ban Nha và uống bia với bạn, một người lạ gọi cho tôi. Ông ấy giới thiệu mình là nhà báo người Tây Ban Nha, rồi liền hỏi:

– Ông có nghe những gì Guardiola nói không?

– Không.

– Pep vừa nhắc đến ông trên sóng truyền hình. Ông ấy khẳng định rằng điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình là được học hỏi kỹ năng từ một HLV bóng chuyền người Argentina. Người đó chính là ông”.

Không khó để đoán được cảm xúc của Velasco khi nghe câu chuyện ấy. Vâng, ông rất ngạc nhiên. Nhưng câu hỏi đặt ra: Điều gì đã đưa Velasco đến với Guardiola, khiến chiến lược gia bóng đá lỗi lạc phải lên tiếng ca ngợi bằng mọi mỹ từ?

Velasco giải thích:

“Điều khiến cậu ấy chú ý đến tôi là suy nghĩ khác biệt của tôi so với các HLV khác. Mọi người thường nói rằng các cầu thủ đều cần được đối xử giống nhau. Tôi không nghĩ như vậy và đã giải thích với Pep trong cuộc gặp đầu tiên. Có những cầu thủ thích nói về chiến thuật và bạn có thể dành hàng giờ đồng hồ để nói chuyện đó với họ. Có những người khác thì không, bạn phải chia sẻ với họ thật nhanh, thậm chí chưa đến 5 phút. Tôi không nói rằng cầu thủ này giỏi hơn cầu thủ kia, giữa họ chỉ đơn giản là có sự khác biệt”.

Julio Velasco
Velasco từng được Guardiola ca ngợi trên sóng truyền hình.

Cuộc gặp gỡ thứ hai

Mối quan hệ giữa Velasco và Guardiola ngày càng tốt đẹp. Guardiola xem Velasco là một trong những người dẫn đường chỉ lối trong sự nghiệp huấn luyện, còn nhà cầm quân người Argentina lại xem hậu bối của mình như một người bạn. Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa họ đến vào năm 2009, khi Velasco đang dẫn dắt tuyển quốc gia Tây Ban Nha. Chiến lược gia người Argentina chủ động sắp xếp cuộc hẹn. Và ít người biết rằng cuộc hẹn này đã dẫn đến quyết định đầy táo bạo của Guardiola: đổi Samuel Eto’o lấy Zlatan Ibrahimovic dù cầu thủ người Cameroon vừa giúp Barcelona giành mọi danh hiệu.

“Tôi nghĩ rằng mình có thể liên lạc được với Pep và đúng như vậy. Chúng tôi đi ăn cùng nhau và tiếp tục những câu chuyện. Tôi mở lời với Pep:

– Tôi tin rằng lần này, cậu sẽ cho tôi vài lời khuyên.

– Đúng, nhưng trước tiên, tôi muốn nghe ông giải thích một điều: ‘Tại sao ông lại hay thay đổi nhân sự trong đội khi vừa vô địch?’.

Pep kể với tôi rằng cậu ấy đang tìm cách thực hiện sự thay đổi ở hàng tiền đạo của Barcelona, nhưng điều đó không diễn ra suôn sẻ. Pep tin rằng sự thay đổi là cần thiết để đưa tập thể tiến lên ngay cả khi vừa thắng lớn. Tôi liền nói với cậu ấy:

– Tôi không đồng ý với quan điểm rằng không nên thay đổi những viên gạch làm nên một tập thể chiến thắng. Tại sao phải chờ đến khi thất bại rồi mới thay đổi? Chúng ta phải thay đổi trước khi thua để tiếp tục giành chiến thắng”.

Guardiola như được khai sáng. Phần còn lại là lịch sử

Trong những năm tháng cuối cùng dẫn dắt đội bóng rổ nam trẻ Italia, Velasco từng chia sẻ rằng việc thường xuyên tạo sự thay đổi khi đứng trên đỉnh vinh quang giúp ông duy trì thành công suốt 4 thập kỷ làm HLV chuyên nghiệp.

“Rõ ràng không phải lúc nào việc thay đổi nhân sự hay chuyển giao thế hệ cũng được thực hiện dễ dàng, nhưng bạn phải cố gắng. Khi thấy điều gì đó không ổn, tôi sẽ tìm cách thay đổi. Điều đó không nhất thiết nằm ở các cầu thủ, có thể là do chiến thuật, chế độ tập luyện hay sự chuẩn bị về thể chất. Nếu tôi thấy rằng một tập thể đến lúc phải cải thiện để hướng đến kết quả tốt hơn, tôi sẽ làm điều cần làm ngay cả khi chúng tôi đang là nhà vô địch”.

Julio Velasco
Thương vụ lịch sử này có sự tác động của Velasco.

Hơn 20 năm trước, Velasco tạo nên một trong những câu chuyện thú vị và thể hiện rõ cách quản lý của ông. Sau khi tuyển Italia vô địch World Cup, ban huấn luyện yêu cầu các cầu thủ thực hiện một số bài tập giãn cơ. Một vị bác sĩ tìm đến Velasco và hỏi tại sao lại phải làm như vậy, bởi các cầu thủ không còn phải thi đấu hay tập luyện tích cực nữa. Ngay ngày hôm sau, vị bác sĩ ấy rời khỏi đội tuyển.

Tất nhiên, không phải lúc nào nhà cầm quân người Argentina cũng thực hiện sự thay đổi. Tiêu chí quan trọng nhất để làm điều này là không để bị chi phối bởi những nhân tố bên ngoài.

“Có đôi lần, tôi quyết định không tạo nên bất kỳ sự thay đổi nào bởi tôi không đồng ý với các giải pháp được đưa ra. Một số người cho rằng ‘tập thể đã thắng và không cần thay đổi’. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tư tưởng ấy ám vào đầu sẽ chỉ làm bạn đứng yên một chỗ, thậm chí là thụt lùi”, Velasco chia sẻ.

“Thế giới bóng đá phức tạp hơn rất nhiều. Nếu bạn nhìn thấy một ngôi sao đang sa sút phong độ, bạn không thể thay thế cậu ta ngay. Nếu bạn mạnh tay, người hâm mộ sẽ giết bạn. Chỉ đến khi mọi chuyện ở mức tồi tệ nhất, sự thay đổi của bạn mới được chấp nhận. Nhưng tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải sử dụng những cầu thủ đang tụt phong độ trầm trọng. Điều này thường xảy ra khi các cầu thủ bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng vẫn khát khao chơi bóng”, ông lý giải thêm.

Tài liệu tham khảo:

Quando anche il calcio si innamorò di Julio Velasco 

Julio Velasco relata su reunión secreta con Guardiola: “Me llamó cuando todavía era jugador”

Velasco e quel passato nel calcio: quando lavorò con Lazio e Inter

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập