Khvicha Kvaratskhelia: “Tuyển Georgia vô địch EURO 2024, tất nhiên rồi!”

Kvaratskhelia

Một ngày trước khi bảng F EURO 2024 khởi tranh, trang The Players’ Tribune đã đăng tải câu chuyện được kể bởi Khvicha Kvaratskhelia, ngôi sao thuộc tuyển Georgia. Bây giờ, xin mời các bạn cùng đọc những lời tâm sự của Kvara.

Xin chào!

Nào các bạn, chúng ta có một vấn đề nhỏ. Tôi đến từ Georgia, và tất nhiên, tôi nói tiếng Georgia. Tôi cũng từng chơi bóng ở Nga. Bây giờ, tôi đang ở Napoli, nơi đẹp nhất của đất nước Italia.

Tôi luôn cố gắng bắt chuyện với mọi người trên thế giới. Các bạn dùng ngôn ngữ nào để giao tiếp với nhau? Chắc chắn là rất nhiều ngôn ngữ khác nhau rồi. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi kể chuyện với các bạn trong ngày hôm nay bằng tiếng Georgia? Vâng, đó sẽ là rào cản lớn.

Tôi đang tập giao tiếp tiếng Anh một cách chăm chỉ. Vì vậy bây giờ, tôi sẽ kể câu chuyện của mình bằng tiếng Anh. Tôi biết mình chưa thể làm điều đó một cách hoàn hảo, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

Chúng ta cùng bắt đầu nào!

Kvaratskhelia
Hình ảnh của Kvaratskhelia xuất hiện ở nhiều nơi tại thủ đô Tbilisi (Georgia). Ảnh: The Player’s Tribune.

Bạn hãy hỏi một người Georgia xem đội nào sẽ vô địch EURO 2024. Vâng, bất kỳ người Georgia nào, từ đứa trẻ đến cụ già, từ người bán hàng đến người nổi tiếng. Bất kỳ ai cũng được.

Hãy hỏi họ đi. Và bạn có đoán được câu trả lời không?

Chà. Đầu tiên, trước khi trả lời, họ sẽ nhìn bạn chằm chằm, giống như bạn là một người điên.

– Đội nào sẽ vô địch EURO?

– Georgia! Tất nhiên rồi! Không thể khác được.

Họ sẽ nhìn chằm chằm vào bạn. Và bạn cảm thấy mình thật ngốc nghếch đúng không? Rồi bạn sẽ hỏi tiếp: “Không còn đội nào khác ngoài Georgia sao?”

Khi hỏi câu ấy, bạn là kẻ đại ngốc.

Nhưng bạn không đơn độc, bởi nhiều người cũng giống như bạn. Họ bối rối và hỏi lại một lần nữa: “Đây không phải lần đầu tiên tuyển Georgia tham dự vòng chung kết EURO sao?”

– Không thành vấn đề! Lần đầu thì sao chứ?

– Nhà vô địch chắc chắn là Georgia!

Người Georgia là như vậy đấy. Chúng tôi luôn tự hào về đất nước của mình.

– Món ăn ở đâu ngon nhất? Tây Ban Nha, Italia hay Nhật Bản?

– Georgia!!!

– Thế còn âm nhạc ở đâu hay nhất?

– Georgia!!!

Tôi không thực sự biết điều gì làm chúng tôi có thể đưa ra những câu trả lời ấy. Có lẽ là từ Chúa. Đối với chúng tôi, Georgia là cái nôi của mọi điều tốt đẹp nhất – một sự thật hiển nhiên, như việc chúng ta có mặt trên thế giới này.

Và giống mọi người, tôi sẽ trả lời bạn như vậy.

Theo tôi, khinkali là món ăn ngon nhất mà bạn nên nếm thử. Và tất nhiên, chúng tôi có thể vô địch EURO. Ai nói “không” cơ chứ?

Georgia thật điên rồ. Tôi chưa già, mới 23 tuổi thôi. Song tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp cầu thủ. Đó là một hành trình rất dài. Trong tiếng Anh, điều này được gọi là gì nhỉ? À, tàu lượn siêu tốc công viên. Rất đáng sợ nhưng cũng rất vui.

Tàu lượn siêu tốc chính là cuộc sống của tôi.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe ngay bây giờ.

Kvaratskhelia
Kvaratskhelia khi còn là cậu bé.

“Họ nói rằng tôi quá nhút nhát”

Thời thơ ấu, tôi không phải đến trường vào mỗi mùa hè. Hằng ngày, chúng tôi đá bóng trên đường phố, cùng trẻ em ở khắp mọi nơi. Chúng tôi tự tổ chức những giải đấu nhỏ ở giữa 4 tòa nhà. Tất cả gọi đấy là “sân vận động”, nhưng chỉ có bê tông cứng. Khi lớn hơn một chút, chúng tôi được chơi trên sân cỏ. Nhưng ban đầu, mỗi đứa trẻ đều phải nuôi dưỡng niềm đam mê trên sân bê tông. Một khi ngã xuống, đầu gối chúng tôi đỏ bừng và rớm máu.

Nhưng không đứa trẻ nào cảm thấy đau. Nhìn lên các tòa nhà, mọi người theo dõi chúng tôi chơi bóng giống như người hâm mộ vậy.

Ở Georgia, người dân rất yêu thích thể thao, đặc biệt là bóng đá. Bóng đá luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Họ xem các trận đấu ở bất kỳ đâu, ngay cả trên đường phố và nhân vật chính là một đám trẻ em.

Đôi khi, chúng tôi còn chơi bóng vào ban đêm, thời điểm những đứa trẻ cần phải ngủ. Và rồi chúng tôi tranh cãi, la hét, khiến bố mẹ của mình thức dậy. Họ nổi điên! Đó là cách một trận đấu trong đêm của chúng tôi kết thúc. Giải đấu quá ồn ào, không xứng với cái tên “Champions League” nữa.

Tôi thì không la hét quá nhiều, mà ngược lại, rất bình tĩnh. Tôi không bao giờ đánh nhau. Đôi khi, nhiều người nhìn vào tôi và nói rằng “Cậu bé này quá nhút nhát” (Hiện tại, nhiều người vẫn nói về tôi như vậy). Song tôi không phản ứng lại và không nói người khác như vậy. Tôi tôn trọng mọi người.

Nhưng khoan đã!

Nếu bạn đụng đến bạn bè của tôi hoặc một ai đó thân với tôi, tôi sẽ trở nên dữ dằn. Đây là vấn đề tâm lý, bạn hiểu chứ? Tôi không bao giờ tạo ra cuộc chiến, nhưng sẽ là người kết thúc nó. Ngoài ra, nếu bạn của tôi gặp khó khăn, tôi có trách nhiệm phải giúp đỡ.

Mẹ tôi không thích điều này, thậm chí là ghét. Bà luôn hỏi: “Tại sao con lại đánh nhau?”.

Nhưng tôi là như vậy. Ở những nơi tôi đến, tôi sẽ không để bạn bè của mình gặp rắc rối.

Dinamo Academy
Dinamo Academy – nơi đào tạo nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá Georgia. Ảnh: Getty Images.

“Tôi muốn làm người dân Georgia tự hào!”

Khi mới đến Học viện Dinamo Tbilisi, tôi thấy đây mới là nơi dành cho bóng đá thực sự. Chúng tôi ít khi tranh cãi hay xô xát. Các thầy cô dạy cho tôi biết rằng mình có thể trở thành một cầu thủ giỏi. Hãy nhìn vào tuyển quốc gia Georgia, bạn sẽ thấy rằng phần lớn cầu thủ đều đến từ Học viện này.

Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm mới lên đội Một, tôi thường bị các cầu thủ lớn tuổi hơn dè bỉu: “Ồ, bây giờ, đội của chúng ta có thêm chàng trai này à?”

Tôi vẫn còn rất trẻ và không ai biết đến tôi. Tôi mới 15 tuổi, trong khi họ là những tên tuổi lớn.

“Thằng nhóc đó là ai? Nó mà có mặt trên sân, chúng ta sẽ thua mất”.

Tôi nghe thấy họ nói chuyện với nhau, dù lẽ ra, tôi không nên làm vậy.

Tâm trạng của tôi lúc đó thế nào ư? Tôi suýt bật khóc. Có lẽ, tôi rất tệ. Trái tim tôi rất đau đớn. Và rồi, tôi tự nói với bản thân: “Chết tiệt, mình phải cho họ thấy rằng mình xuất sắc đến mức nào”.

Tôi bỗng trở nên quyết tâm hơn bao giờ hết. Đó thực sự là động lực lớn lao và tôi ngày càng trưởng thành hơn.

Sau đó, tôi đặt chân đến Lokomotiv Moscow, đội bóng ở nước Nga. Tôi còn rất trẻ, mới gần 18 tuổi thôi, nhưng vẫn quyết định rời khỏi nhà, đến vùng đất khá xa lạ và sống một mình. Điều đó khiến bố mẹ rất lo lắng, đặc biệt là bố. Bản thân tôi cũng rất đắn đo. Tâm trạng của tôi hơi căng thẳng khi nghĩ đến chuyện phải sống xa gia đình.

Song sự lo âu đã tan biến khi tôi bước vào những buổi tập. Tôi tự nói với bản thân: “Này Kvara, mày đến đây để làm gì?”. Đằng sau áo đấu của tôi là tên của gia đình. Vì vậy, tôi cảm thấy người thân vẫn luôn ở bên và phải nỗ lực hết sức để đáp lại tình cảm của họ. Tôi không muốn làm họ thất vọng. Thay vào đó, tôi sẽ làm cho họ phải tự hào về tôi.

Và rồi tôi thét trong lòng: Cố lên nào!

Trên đất Nga, tôi gặp một người Georgia: Saba Kvirkvelia. Anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc hòa nhập. Thỉnh thoảng, Saba dẫn tôi đi ăn. Còn trong cuộc sống thường ngày, anh ấy luôn bảo vệ tôi.

HLV ở đây cũng thực sự yêu mến tôi. Ông ấy giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều về cả thể chất, tinh thần lẫn tính cách. Tôi rất quý trọng ông ấy.

Song tôi vẫn rất cô đơn. Tôi sống ở trung tâm huấn luyện, xung quanh chỉ có các nhân viên an ninh. Các đồng đội, bạn bè của tôi sống ở nơi khác. Vì vậy, tôi ở đây một mình, tự lo chuyện sinh hoạt và ăn uống. Nơi đây có một chút đáng sợ. Tôi không đùa đâu! Nó ở trong rừng sâu, tôi không thể đi bộ ra ngoài cánh cổng vì có một vài con chó dữ và nhiều điều nguy hiểm khác. Tôi rất muốn đi vào trung tâm Moscow, nhưng không thể.

Vào buổi tối, trung tâm huấn luyện không có đèn. Mỗi khi muốn tập luyện thêm, tôi phải chấp nhận làm điều đó trong bóng tối. Thỉnh thoảng, anh bảo vệ nhìn vào sân tập và sợ hãi thốt lên:

– Này, ai đang chạy đó?

Vâng, đó chính là tôi. Tôi đang rê bóng trong bóng tối. Anh bảo vệ rất tốt bụng. Lần nào, anh ấy cũng khuyên tôi: “Nghỉ ngơi đi cậu! Cậu nên kết thúc buổi tập ngay bây giờ”.

Kvaratskhelia
Kvaratskhelia trong những ngày ở Nga. Ảnh: The Player’s Tribune.

Ở Lokomotiv Moscow, cuộc sống của tôi chỉ có bóng đá, hoàn toàn không có gì khác. Vậy nên tôi thường tập luyện thêm vào mỗi buổi tối. Khi ấy, tôi cảm thấy mọi thứ thật tệ và không thể quay lại Georgia trong điều kiện như vậy. Tôi phải chơi tốt, làm việc chăm chỉ hơn. Tôi hiểu rằng gia đình và những người yêu bóng đá ở quê hương đang dõi theo tôi.

Sau này, tôi còn chuyển đến Rubin Kazan. Ở bất kỳ đâu trên đất Nga, hành trang của tôi luôn có hình ảnh của đất nước Georgia. Bạn sẽ hiểu được suy nghĩ của tôi khi bạn yêu đất nước mình. Tôi luôn làm mọi thứ vì quê hương của tôi, vì những đứa trẻ yêu thương tôi. Hoặc ngay cả khi họ không yêu tôi, tôi vẫn muốn làm điều gì đó cho họ, chỉ cần họ là người Georgia.

Tôi luôn muốn làm họ tự hào.

Nhưng vào năm 2022, cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu. Tôi biết mình không nên ở lại Nga và đã đề đạt nguyện vọng được ra đi với ban lãnh đạo Rubin Kazan.

Tôi gia nhập Dinamo Batumi, đội bóng ở Georgia – đất nước tuyệt vời nhất thế giới.

Cảm giác trở về nhà thật tuyệt vời. Rất đông người hâm mộ đến sân vận động để theo dõi chúng tôi. Tôi thấy mình như một đứa trẻ chơi bóng trên sân bê tông năm nào.

Nhưng không còn đầu gối đẫm máu nữa.

“Con không thể từ chối CLB của Maradona!”

Tôi đến Napoli tất cả là vì Badri, bố của tôi.

Thần tượng của ông ấy là Diego Maradona.

Bố tôi cũng là một cầu thủ giỏi. Ông ấy từng chơi ở Azerbaijan. Thời thơ ấu, tôi thường xem video của bố và tin ông là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Nếu ai đó nói về Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo, tôi sẽ nói: “Không, không… bố tôi giỏi hơn”.

Khi lên 7-8 tuổi, các bạn của tôi thường nói rằng “Ronaldinho giỏi nhất thế giới”. Ngay lập tức, tôi đáp lại: “Không, do các cậu chưa nhìn thấy bố tôi chơi bóng thôi. Bố tôi giỏi hơn rất nhiều. Tôi sẽ cho các cậu xem video”.

YouTube không có nhiều video về bố tôi, nhưng tôi vẫn còn những chiếc đĩa DVD. Bố tôi sút phạt rất mạnh. Tôi rất ấn tượng với ông ấy nên thường mời bạn bè đến nhà để xem chung.

Tất nhiên, khi lớn lên, tôi biết Ronaldinho ở đẳng cấp siêu sao.

Bố tôi luôn xem Maradona như một vị thần. Từ thời thơ ấu, ông ấy kể cho tôi rất nhiều về El Diego. Vì vậy, khi người đại diện nói rằng tôi đang được Napoli quan tâm, tôi đã đã rất hạnh phúc. Còn bố tôi? Ông ấy không thể tin được. Khi nhận ra đó là sự thật, bố tôi liền hét lớn: “Con không thể nói không với Napoli, không thể từ chối CLB của Maradona”.

Vì vậy, chúng tôi không suy nghĩ nhiều, ngay lập tức đưa ra quyết định. Tôi tự nhủ: “Mình phải đi đến đó, nhanh lên nào!”

Kvaratskhelia
Ngày đầu tiên của Kvaratskhelia ở Napoli.

Trong ngày đầu ở Napoli, nhiệm vụ đầu tiên mà tôi nhận được từ các đồng đội là… hát vào bữa tối. Đây là truyền thống của CLB, tất cả tân binh đều phải làm điều đó. Được thôi, không có vấn đề gì.

Kim Min-jae, một cầu thủ khác vừa cập bến Napoli, xung phong thực hiện đầu tiên. Ôi không, anh ấy hát và nhảy theo bài Gangnam Style.

Trung vệ người Hàn Quốc làm rất tốt, vậy nên tôi cảm thấy có quá nhiều áp lực.

Tôi đành chọn một bài hát. Trước đây, khi còn chơi bóng ở Nga, tôi quen một người đồng đội thường xuyên ca hát trong bữa tối. Tôi không biết bài hát đó, nhưng rất thích và tự dặn bản thân rằng ‘sẽ hát bài này ở bến đỗ tiếp theo’.

Tôi bắt đầu hát. “Lala, la, la, la…”

Tôi đã ngân vang ca khúc ấy trong ngày đầu tiên ở Napoli. Các đồng đội của tôi rất ngạc nhiên. Họ nói: “Ồ, cậu thật thông minh. Cậu đang muốn tạo ấn tượng tốt trong lòng người hâm mộ Napoli đúng không?”

Tôi chưa hiểu gì cả. Rồi sau bữa tối, Mario Rui lý giải: “Bài hát ấy có tên là ‘Live Is Life’, được sáng tác dành riêng cho Maradona. Ông ấy đã làm cho ca khúc trở nên nổi tiếng và thường được dàn loa trên sân vận động phát ra trước mỗi trận đấu”.

Tôi thề là tôi không biết điều đó. Một thời gian sau, đoạn clip được lan truyền. Người hâm mộ Napoli thực sự thích việc tôi hát bài này. Song đó chỉ là sự trùng hợp may mắn.

Tôi nhớ ngày đầu tiên ở Napoli. Nhìn bất kỳ đâu, tôi cũng thấy Maradona. Vâng, Maradona, Maradona và Maradona. Ông ấy là Chúa ở đây. Tôi kể lại cho bố tôi nghe.

“Đưa bố đến đó ngay!”, Badri hét lớn.

Ban đầu, tôi định đi taxi đến sân tập vì tôi không có ô tô. Tất nhiên, tôi cũng muốn có một chiếc. Nhưng sau đó, khi nhìn cách người dân ở đây lái xe, tôi tự nhủ: “Mình không thể tự cầm lái tại nơi này”.

Khi đến khách sạn… khung cảnh… ôi Chúa ơi. Đó thực sự là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy. Rồi khi đi dạo quanh thành phố, thậm chí người già 70 tuổi cũng biết tôi. Họ chặn tôi lại và hỏi:

– Cậu là Kvaratskhelia đúng không?

– Đúng vậy! – tôi trả lời.

Tôi là chàng trai trẻ đến từ Dinamo Batumi và có một cái tên khó nghe, khó đọc. Thế nhưng các ông, các bà và mọi người đều biết tôi.

Nhiều lần, tôi kể với bạn bè của mình: người Georgia và người Napoli rất giống nhau. Chúng tôi đều yêu bóng đá rất nhiều và lối sống có phần hơi… điên rồ. Tôi không biết phải nói thế nào. Người Napoli sống trọn với đam mê và đầy năng lượng. Ở Georgia, chúng tôi cũng sống như vậy.

Tôi luôn nói với bạn bè, người thân: “Mọi người phải ăn pizza, mỳ ống ở Napoli. Và đặc biệt, phải xem một trận đấu ở sân Diego Armando Maradona”.

Napoli
Kvaratskhelia trở thành thần tượng mới tại Napoli, chỉ sau 1 năm gắn bó.

“Chúng tôi khó thở, nhưng cả thành phố đang hạnh phúc!”

Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên ghé thăm sân Diego Armando Maradona. Bên trong sân, mọi thứ đều rất đẹp, bao gồm cả phòng thay đồ. Khác với nhiều cầu thủ, tôi thường không tự mình bước ra từ sân vận động trước trận đấu. Tôi chưa bao giờ làm điều đó. Song với sân Diego Armando Maradona thì khác. Khi nhắc đến nơi này, điều đầu tiên mà tôi nghĩ là “Có lẽ mình nên bước ra để xem thế nào”.

Tôi liền bước ra. Ôi… bầu không khí thật tuyệt vời. Ngay cả khi các cầu thủ mới khởi động, các khán đài đều đã được lấp đầy.

Cảm xúc thật không thể diễn tả được. Họ hát bài hát đó, Life Is Life, khi tôi bắt đầu khởi động. Họ hát thêm một bài khác về Maradona và tiếp tục là “Olé, olé, olé”. Cuối cùng, tất cả cùng ngân nga “Diego! Diego!”. Kể từ thời điểm ấy, mỗi khi khởi động, tôi cũng hát “Diego! Diego!”. Bố tôi rất thích điều này.

Người hâm mộ Napoli thật đặc biệt. Mùa giải 2022/23, chúng tôi giành Scudetto. Kết thúc trận đấu với Udinese, chúng tôi lên đường trở về sân bay ở Napoli. Khi toàn đội di chuyển về đại bản doanh bằng xe buýt, các CĐV đã chào đón chúng tôi bằng pháo hoa đầy màu sắc. Làn khói dày đặc khiến chúng tôi không thể nhìn thấy gì và không thở được, ngay cả khi cửa xe buýt đóng kín.

“Hãy bật điều hòa lên đi!”, ai đó nói với anh tài xế.

Nhưng ngay cả khi có điều hòa, chúng tôi vẫn khó thở. Xung quanh tôi tràn ngập màu xanh, màu trắng và khói.

Tuy nhiên, mọi người đều rất vui mừng. Cả một thị trấn đang hạnh phúc. Vâng, tất cả mọi người.

Và tôi cũng thế.

Tôi rất, rất vui khi được chơi cho CLB của Maradona.

Tôi đã trải qua thời thơ ấu đầy khó khăn ở Georgia. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và bây giờ, tôi rất hạnh phúc. Tôi biết mình đang chơi ở Napoli và làm cho cả đất nước tự hào. Quê hương vẫn dõi theo chúng tôi.

Georgia
Khvicha cùng đồng đội ăn mừng sau chiến tích đưa tuyển Georgia tiến đến vòng chung kết EURO 2024. Ảnh: The Player’s Tribune.

“Những chiến tích khác tại EURO? Sao lại không chứ?”

Thỉnh thoảng, tôi trở về Georgia. Khi nhìn thấy những đứa trẻ chơi đùa với tên của tôi trên áo chúng, tôi không thể tin vào điều đó. Tôi nghĩ tên Kvaratskhelia trên chiếc áo là của anh chàng nào đó, không phải tôi.

Tôi chưa bao giờ mơ về điều này, bởi nó quá xa vời. Song mọi người đang tạo cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao.

Và bây giờ là EURO, lần đầu tiên. Chúng tôi có thể làm cho cả đất nước Georgia hạnh phúc.

Đối với người Georgia, đây giống như là giấc mơ.

Đúng là chúng tôi luôn nói rằng Georgia là tinh hoa của cả thế giới. Mọi điều ở đây đều tốt đẹp nhất, không nơi nào sánh bằng. Nhưng khi nhìn lại thực tế, nhiều người không tin rằng ĐTQG của mình được góp mặt ở vòng chung kết EURO. Những điều họ nói ra bên ngoài khác với những gì họ đang nghĩ.

Trước trận chung kết play-off với Hy Lạp, chúng tôi có chút căng thẳng. Tôi nghĩ về trận đấu này hàng ngày, hàng giờ, từng tích tắc. Trong đầu tôi luôn là lời răn: “Mình phải giành vé dự EURO, phải làm điều đó vì bạn bè, đồng đội và người dân quê hương”.

Áp lực ư? Chắc chắn là có rồi.

Tất cả chúng tôi đều đặt quyết tâm đến hơn 100%, nhất là khi bước vào loạt penalty. Đối với tôi, khả năng chiến thắng trong loạt đấu súng luôn là 50-50. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Tuyển Hy Lạp sút quả đầu tiên của mình, Giorgi Mamardashvili cản phá thành công và chúng tôi dẫn trước 1-0. Tôi vẫn rất, rất lo lắng. Quá căng thẳng. Tôi không thể giữ bình tĩnh được. Khi ấy, tôi phải rời sân vì chấn thương nên không ai thấy tôi đang nghĩ gì, làm gì.

Tôi ở một mình, run rẩy. Tuyển Georgia đang có một thủ môn rất giỏi, nhưng tôi vẫn rất lo lắng. Tôi thầm nói: “Ôi Chúa ơi, cố lên nào các anh em!”

Và khi Nika Kvekveskiri bước lên để thực hiện quả phạt đền cuối cùng, tôi nói ra thành tiếng: “Nika, anh phải hoàn thành nó!”

Khi anh ấy ghi bàn, tôi ngã xuống.

“Chết tiệt, chúng ta đã làm được rồi!”

Mọi người đều rất hạnh phúc.

Tôi gặp vợ tôi sau trận đấu. Cô ấy liền nói: “Ôi, anh say mất rồi. Anh có uống bia trong phòng thay đồ không đấy?”

Tôi đáp lại: “Không, chỉ là anh đang rất hạnh phúc!!”

Đó thực sự là một trong những ngày tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Mọi người ở khắp nơi cùng la hét và nhảy múa. Chúng tôi thậm chí không thể về khách sạn bằng xe buýt. Lực lượng cảnh sát hộ tống cũng không thể làm gì được. Chúng tôi không tắm, chỉ thay chiếc áo đấu và đi ăn mừng cùng mọi người. Tất cả ôm nhau, vừa hát, vừa khóc. Tiếng khóc đầy hạnh phúc.

Kvaratskhelia
Kvaratskhelia đang trở thành niềm tự hào tại Georgia. Ảnh: Getty Images.

Những ngày này, tôi sẽ không bao giờ quên.

Chúng tôi đã làm nên lịch sử cho đất nước Georgia.

Và bây giờ, vâng, chúng tôi có cơ hội để làm nên chiến tích khác. Tại sao lại không chứ?

Chúng tôi sẽ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Séc và Bồ Đào Nha. Mọi trận đấu đều khó khăn, tất nhiên rồi. Tôi có thể hỏi xin áo đấu của Cristiano Ronaldo sau trận đấu với Bồ Đào Nha không? Có lẽ thế. Được rồi, vâng. Tại sao lại không chứ? Anh ấy là thần tượng của tôi. Tôi sẽ nói với anh ấy điều đó. Tuy nhiên, bằng tất cả sự khiêm nhường, tôi không nghĩ rằng tuyển Georgia của tôi không thể giành chiến thắng.

Vì bóng đá là bóng đá. Không ai biết trước được điều gì. Thậm chí đâu ai tin rằng chúng tôi đủ điều kiện đến EURO 2024.

Họ nói chúng tôi không có cơ hội dự EURO, vô địch thì càng không.

Phần lớn người hâm mộ bóng đá trên thế giới đều nói thế.

Và tôi chỉ đáp lại một câu: “Hãy đến Georgia và hỏi bất kỳ người nào”.

(Lược dịch từ bài “Georgia Will Win the Euros, Of Course trên trang The Player’s Tribune).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Đặt mua tự truyện của Filippo Inzaghi tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập