Dragan Stojkovic: “Maradona Đông Âu” từng khiến AC Milan run sợ

Stojkovic

Dragan Stojkovic được xem là một trong những cầu thủ tài năng nhất lịch sử bóng đá. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông bị ngăn cản bởi quá nhiều chấn thương.

Đất nước nào là nơi sản sinh nhiều cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất? Khi nghĩ về câu hỏi này, đáp án đầu tiên được phần đông người hâm mộ đưa ra sẽ là Brazil. Điều đó không có gì bất ngờ. Trong nhiều thập kỷ, Brazil mang đến cho làng túc cầu thế giới những nhà vô địch xuất sắc nhất mọi thời đại. Họ không chỉ có những màn trình diễn siêu hạng, mà còn nâng bóng đá lên tầm nghệ thuật. Họ chơi bóng đẳng cấp như những diễn viên xiếc thực hiện tiết mục đi trên dây, rê bóng với tốc độ không thể tưởng tượng được. Nhờ vậy, bóng đá Brazil khác rất nhiều so với bóng đá châu Âu: ít thực dụng, toan tính hơn nhưng lại thú vị, thanh lịch hơn và từ đó mang đến nhiều cảm xúc hơn.

Ở “lục địa già”, thật khó để tìm ra một tập thể chơi bóng tao nhã như những người Brazil. Song vào cuối thế kỷ XX, nơi đây cũng xuất hiện đội tuyển thi đấu hoa mỹ như vậy. Họ được gọi là “Brazil của châu Âu”, với những cầu thủ gợi lại hình ảnh của Pele, Garrincha, Zico, Ronaldo Nazario và Ronaldinho. Đội tuyển ấy giờ đây không còn nữa, và chỉ mang đến sự hoài niệm về quá khứ xa xăm: Nam Tư.

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, bóng đá Nam Tư đã sản sinh nhiều cầu thủ có lối chơi gợi cảm hứng như những người Brazil. Họ được Thượng Đế ban tặng đôi chân ma thuật với kỹ năng xử lý bóng tuyệt vời. Song khác với phiên bản Brazil gốc, tuyển Nam Tư lại khiến nhiều người tiếc nuối bởi những cú trượt chân ngay trước vạch đích. Đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao một đội tuyển quốc gia gồm những ngôi sao như Dejan Savicevic, Predrag Mijatovic, Robert Prosinecki, Zvonimir Boban, Sinisa Mihajlovic, Darko Pancev, Davor Suker, Alen Boksic, Vladimir Jugovic… lại không thể giành được bất kỳ danh hiệu nào trong thế giới bóng đá. Không ai có thể tìm ra đáp án cho câu hỏi ấy. Tuy nhiên, có một điều tất cả phải thừa nhận: rất ít nền bóng đá trên thế giới có thể sở hữu một loạt cầu thủ tài năng ở cùng một thời điểm như vậy.

Trong số nhiều ngôi sao của bóng đá Nam Tư, có một người đặc biệt hơn tất cả những cầu thủ được xem là “bản sao của những nhà vô địch Brazil”. Màn trình diễn của ông gợi cảm hứng thi ca, mang hình ảnh một cậu bé nhảy múa với quả bóng ở dưới chân. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đẳng cấp của ông vượt xa nhiều huyền thoại Brazil, và so sánh ông với nhân vật vĩ đại nhất của bóng đá Argentina: Diego Maradona.

Tên của ông là Dragan Stojkovic, hay còn được biết đến với biệt danh đầy thân thương: Piksi. Họ đặt cho ông biệt danh này bởi khi còn là một cậu bé, Stojkovic yêu thích bộ phim “Pixie, Dixie và Mr.Jinks” còn hơn cả bóng đá. Đúng 7h00 tối, ông lại chào tạm biệt các bạn, rời sân bóng để trở về nhà và theo dõi bộ phim trên sóng truyền hình. Stojkovic không ngờ rằng cái tên ấy sẽ theo ông trong thời gian chơi bóng ở Radnicki Nis và Red Star Belgrade. Đối với phần còn lại của bóng đá thế giới, họ gọi ông bằng danh xưng trang trọng hơn: Maradona của phương Đông.

Nam Tư
Stojkovic (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) ở World Cup 1990. Ảnh: Getty Images.

Tuổi trẻ của Stojkovic

Trong những năm qua, nhiều cuộc tranh luận không chính thống đã xuất hiện, liên quan đến việc ai xứng đáng được mệnh danh là “Maradona mới”. Stojkovic thường có tên trong danh sách được liệt kê, thậm chí là đứng ở vị trí đầu tiên. Vâng, ông đã thực sự mang đến những điều tuyệt vời cho làng túc cầu mà không nhiều cầu thủ có thể làm được. Ở Stojkovic có sự tao nhã, nhẹ nhàng, đúng với nghĩa đen của cụm từ “bóng đá vị nghệ thuật”.

So với nhiều đồng nghiệp ở Tây Âu, các cầu thủ ở Đông Âu rất tài năng nhưng không được phần còn lại của thế giới biết đến từ sớm. Stojkovic cũng không ngoại lệ. Vậy nên, ngay khi ánh đèn sân khấu hướng về phía mình, ông đã tận dụng cơ hội theo cách tốt nhất có thể, để làm người hâm mộ cảm thấy bị mê hoặc.

Vào thời điểm ấy, thế giới bóng đá không có nhiều giải đấu lớn để các cầu thủ thể hiện tài năng đặc biệt và thu hút sự chú ý. Thông thường, cơ hội thể hiện chỉ đến với họ ở 2 đấu trường: Cúp C1 châu Âu dành cho các CLB và World Cup dành cho các đội tuyển quốc gia. Stojkovic bước ra ánh sáng từ mùa giải 1988/89, trong màu áo Red Star Belgrade. Tại vòng 1/8 của Cúp C1 châu Âu, đại diện của bóng đá Nam Tư phải đối đầu với AC Milan. Trận lượt đi diễn ra trên sân San Siro vào ngày 26/10/1988. Stojkovic khi ấy mới 23 tuổi, nhưng đã được khoác chiếc áo số 10 danh giá và đeo tấm băng đội trưởng trên tay. Với kỹ thuật cá nhân tuyệt vời, ông khiến đội quân của HLV Arrigo Sacchi bối rối trong suốt 90 phút. Stojkovic giúp Red Star Belgrade kiểm soát tuyến giữa, dù phải đối mặt với Carlo Ancelotti và Frank Rijkaard ở bên kia chiến tuyến.

Phút 47, “Piksi” dẫn bóng vượt qua Paolo Maldini, đánh lừa Franco Baresi bằng 2 động tác giả rồi xâm nhập vòng cấm AC Milan và tung cú sút bằng chân phải, đánh bại thủ môn Giovanni Galli. Red Star Belgrade vượt lên dẫn trước 1-0. Trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, các vị khách đã tìm được bàn gỡ hòa 1-1. Tuy nhiên, màn trình diễn của Stojkovic đã khiến cả thế giới phát sốt.

Đặt mua giày Adidas chính hãng tại đây

Sang trận lượt về tại Nam Tư, Savicevic đưa Red Star Belgrade vượt lên dẫn trước. Sau đó, đội chủ nhà còn được thi đấu hơn người do Pietro Paolo Virdis bên phía AC Milan phải nhận thẻ đỏ. Tuy nhiên, khi trận đấu còn khoảng 30 phút nữa là kết thúc, sương mù bất ngờ xuất hiện, bao phủ cả sân vận động. Trọng tài Dieter Pauly quyết định hủy bỏ toàn bộ kết quả của trận đấu và hai đội sẽ đá lại vào ngày hôm sau. Bảng tỷ số quay trở lại 0-0, giúp các cầu thủ AC Milan có tâm lý thoải mái hơn. Họ vượt lên dẫn trước ở phút 35 nhờ bàn thắng của Marco van Basten. Song chỉ 4 phút sau, Stojkovic giúp Red Star Belgrade san bằng cách biệt. Tỷ số này được giữ nguyên cho đến khi kết thúc thời gian thi đấu chính thức và cả hiệp phụ. Cuối cùng, AC Milan giành chiến thắng trong loạt penalty cân não, tiến thêm một bước đến chiếc cúp bạc danh giá.

Red Star Belgrade
Stojkovic đeo băng thủ quân của Red Star Belgrade khi còn rất trẻ. Ảnh: Getty Images.

Sau này, chính Stojkovic kể lại khi trả lời phỏng vấn với BBC Sport: “Giấc mơ của AC Milan tưởng như đã chấm dứt vào ngày 9/11/1988. Sau trận đấu, họ thừa nhận rằng mình đã cực kỳ may mắn. Có thể đó là ý của Chúa. Kể cả bây giờ, khi tôi nói chuyện với Giám đốc của Milan Adriano Galliani, ông ấy cũng cười và nói rằng ‘Nhờ khói sương Belgrade, chúng tôi đã trở thành một đội bóng vĩ đại’”

Stojkovic để mất danh hiệu C1 theo cách không ai ngờ. Song ông đã bước ra ánh sáng và không bao giờ quay trở lại bóng tối nữa. Hơn một năm sau, “Piksi” trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời mùa hè World Cup 1990, và góp mặt trong đội hình tiêu biểu ở Ngày hội bóng đá thế giới, bên cạnh những tên tuổi khác như Paul Gascoigne, Lothar Matthaus và Diego Maradona. Màn trình diễn xuất sắc nhất của Stojkovic đến trong trận đấu với Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Trên sân Marcantonio Bentegodi, ông ghi 2 bàn thắng, đưa tuyển Nam Tư tiến vào tứ kết, nơi Argentina của Diego Maradona đang chờ đợi.

Trận đấu giữa Nam Tư và Argentina diễn ra không quá hấp dẫn. Tỷ số 0-0 được giữ nguyên sau 120 phút, buộc 2 đội phải giải quyết thắng thua trên chấm phạt đền. Lần này, thần may mắn không đứng về phía Stojkovic. Piksi nhận nhiệm vụ thực hiện quả sút đầu tiên bên phía Nam Tư, nhưng ông lại thất bại. Bên kia chiến tuyến, Maradona cũng không làm tốt hơn khi đá hỏng ở lượt thứ ba. Mặc dù vậy, trong 2 lượt sút còn lại, các đồng đội của Stojkovic lại dứt điểm quá tệ và tuyển Nam Tư phải dừng bước trước những người sau này giành ngôi á quân của giải đấu.

Stojkovic kể lại: “Trước khi dứt điểm, tôi làm động tác giả. Khi thấy hướng di chuyển của thủ môn Sergio Goycochea, tôi liền đổi hướng sút. Tôi chắc chắn 200% rằng mình sẽ thực hiện thành công. Nhưng cuối cùng, bóng lại chạm xà ngang. Tôi không thể giải thích tại sao. Ngay sau đó, Maradona cũng mắc lỗi trong cú sút của anh ấy. Tôi tự nói với mình rằng mọi chuyện vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Nhưng cuối cùng, các cầu thủ Argentina đã bình tĩnh hơn, dứt điểm tốt hơn và giành vé đi tiếp. Tôi rất tiếc, lẽ ra tuyển Nam Tư có thể tiến xa hơn bởi tập thể này ở đẳng cấp rất cao và cũng rất đoàn kết. Nhưng trong bóng đá, không có cầu thủ nào chưa từng đá hỏng phạt đền. Michel Platini, Roberto Baggio, Zico, Maradona… và tôi đều nằm trong danh sách đó”.

World Cup 1990
Stojkovic trong trận tứ kết World Cup 1990 với Argentina. Ảnh: Getty Images.

Định mệnh của Stojkovic và Marseille

Sau mùa hè Italia, định mệnh lại đưa Maradona và Stojkovic va vào nhau, nhưng không phải trên sân bóng. Vào thời điểm ấy, tại Marseille, một vị doanh nhân đang thực hiện dự án đầy tham vọng: xây dựng đội bóng mạnh nhất thế giới. Tên của ông là Bernard Tapie. Để đạt được mục tiêu của mình, Tapie sẵn sàng vung tiền để chiêu mộ những ngôi sao đắt giá. Năm 1989, ông tìm đến Napoli và gặp trực tiếp Maradona. Trước đó, “Cậu bé vàng” đã được Chủ tịch Corrado Ferlaino hứa hẹn một điều đặc biệt. Maradona từng kể lại: “Họ nói với tôi rằng nếu chúng tôi vô địch UEFA Cup, họ sẽ để tôi ra đi tự do”.

Song vào giờ chót, ông Ferlaino đã kiên quyết giữ chân Maradona. Tapie cho rằng Marseille cần một số 10 đẳng cấp để hiện thực hóa tham vọng của mình. Sau khi thất bại trong việc chiêu mộ Maradona, ông tìm đến Stojkovic.

“Piksi” kể lại trên tờ Goal: “Giám đốc thể thao của Red Star Belgrade gọi cho tôi vào khoảng 5h00 chiều và bảo tôi đến gặp ông ấy ngay lập tức. Tôi hỏi chuyện gì đang xảy ra. Ông ấy nói rằng Tapie đang ở trụ sở của CLB và chờ tôi đến. Vâng, Tapie đã có mặt ở đó sau khi di chuyển bằng trực thăng riêng. Ông ấy tuyên bố trước ban lãnh đạo Red Star Belgrade: ‘Để trở thành nhà vô địch châu Âu, chúng tôi cần Stojkovic. Cậu ấy là số 10 yêu thích của tôi và là mảnh ghép cuối cùng trong đội hình của Marseille’. Trước đó, tôi đã đồng ý chuyển đến Marseille. Tôi cảm thấy rất vui khi được tham gia vào một dự án đầy tham vọng. Nhưng điều bất ngờ vẫn chưa dừng lại. Một giờ sau, Giám đốc Adriano Galliani của AC Milan gọi cho tôi, và hỏi rằng tôi đã ký hợp đồng với Marseille chưa. Phần còn lại thì bạn biết rồi đấy”.

Trên thực tế, giữa Stojkovic và Marseille khi ấy mới chỉ được thỏa thuận miệng, chưa có sự ràng buộc về mặt giấy tờ. Song “Piksi” muốn giữ lời hứa với đội bóng nước Pháp. Vì vậy, AC Milan chấp nhận đầu hàng trong thương vụ này. Tiền vệ người Nam Tư gia nhập giải ngân hà gồm có Jean-Pierre Papin, Eric Cantona, Chris Waddle, Manuel Amoros, Jean Tigana, Abedi Pele và được dẫn dắt bởi HLV từng vô địch World Cup – Franz Beckenbauer. Chừng ấy cái tên là đủ để Marseille nuôi tham vọng chinh phục mọi danh hiệu.

Ở tuổi 25, Stojkovic có một bến đỗ hoàn hảo để khẳng định bản thân, thu hút sự chú ý của cả thế giới. Nhưng đúng vào thời điểm quan trọng nhất sự nghiệp, thầy may mắn lại quay lưng với ông. Vào đầu mùa giải 1990/91, ông dính chấn thương nghiêm trọng, buộc phải trải qua ca phẫu thuật ở Đức và nghỉ thi đấu dài hạn. Khi hoàn toàn bình phục, ông lại gặp vấn đề về thể lực. Sự nghiệp của Stojkovic cũng bị chững lại. Trong khi đó, Marseille vẫn bay cao khi không có người nhạc trưởng đến từ Nam Tư. Họ vô địch giải hạng nhất Pháp (tương đương với Ligue I bây giờ) và góp mặt ở trận chung kết Cúp C1.

Số phận tiếp tục trêu đùa Stojkovic khi đối thủ cuối cùng của Marseille ở đấu trường châu Âu lại chính là… Red Star Belgrade. Trận đấu diễn ra tại sân San Nicola ở Bari vào ngày 29/5/1991. Stojkovic có kỹ thuật tốt, xứng đáng được ra sân ngay từ đầu. Tuy nhiên, HLV Raymond Goethals (người tiếp quản vị trí do Beckenbauer để lại) đã quyết định để “Piksi” ngồi dự bị.

Trận đấu diễn ra khá êm đềm, tỷ số 0-0 được giữ nguyên cho đến khi bước vào hiệp phụ. Phút 112, Stojkovic mới được vào sân, nhằm giúp Marseille giành chiến thắng trong khoảng thời gian còn lại. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Trận đấu cần đến loạt sút luân lưu để phân định thắng thua. Trong thời gian nghỉ ngơi, Stojkovic xin HLV gạch tên mình ra khỏi danh sách cầu thủ đá penalty. Ông kể lại: “Nếu tôi sút thành công, người Nam Tư sẽ ghét tôi. Ngược lại, tôi sẽ bị người Pháp ghét cay ghét đắng nếu sút hỏng”.

Stojkovic
Marseille không phải là bến đỗ bình yên với Stojkovic. Ảnh: Getty Images.

Cuối cùng, Red Star Belgrade đã giành chiến thắng. Dù thất bại, Stojkovic nhanh chóng lấy lại tinh thần và gửi lời chúc mừng đến những người đồng đội cũ. Ông hồi tưởng trong buổi trả lời phỏng vấn với tờ Goal: “Goethals đã phạm sai lầm lớn khi không cho tôi thi đấu. Tôi vẫn ổn. Một tuần trước, tôi chơi tốt trong cuộc đối đầu với Nice. Red Star Belgrade thì đã hiểu quá rõ về khả năng của tôi. Tôi là nhân tố cần thiết để Marseille có thể giành chiến thắng trong trận chung kết đó. Goethals tỏ ra quá tôn trọng đối thủ và để thua trên chấm phạt đền. Từ góc nhìn chiến thuật, đó là một sai lầm”.

Sóng gió tại Hellas Verona

Mùa giải đầu tiên trên đất Pháp của Stojkovic đã kết thúc theo cách cay đắng như vậy. Ông chỉ thi đấu vỏn vẹn 900 phút, con số quá ít đối với một cầu thủ được xem là nhạc trưởng trong tập thể giàu tham vọng. Vậy nên, ban lãnh đạo Marseille buộc phải đưa ra quyết định: Stojkovic cần thu dọn đồ đạc của mình và chuyển sang đội bóng khác.

Với đẳng cấp đã được khẳng định, “Piksi” được nhiều đội bóng lớn dành sự quan tâm. Thế nhưng, ông lại gây bất ngờ khi gia nhập Hellas Verona, đội bóng mới thăng hạng ở Serie A và đang khao khát trở thành “ngựa ô” của giải đấu. Đội hình của Gialloblu khi ấy chỉ có một ngoại binh là Robert Prytz. Họ cũng đang đàm phán với Bari để hỏi mua Florin Raducioiu và vẫn còn suất cho một ngoại binh khác. Trên thực tế, Hellas Verona muốn chiêu mộ tiền đạo trẻ người Argentina: Gabriel Omar Batistuta. Tuy nhiên, khi cảm thấy mình có cơ hội sở hữu một ngôi sao hàng đầu thế giới, họ không thể bỏ qua dù phải chi số tiền lớn hơn nhiều.

Stojkovic được chào đón ở quê hương nàng Giulietta bởi hơn 3.000 người hâm mộ. Mùa hè năm 1992, Hellas Verona trở thành một trong những đội bóng nhận được sự chú ý nhiều nhất. Trước đó, các tifosi chỉ biết đến Stojkovic qua màn ảnh nhỏ. Giờ đây, họ khao khát được tận mắt chứng kiến nhạc trưởng người Nam Tư thi đấu.

Trái với sự kỳ vọng, Stojkovic không còn là chính mình. HLV Eugenio Fascetti và các trợ lý không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng “Piksi” gặp vấn đề về sức khỏe. Cơ bắp ở hai chân của Stojkovic không đều nhau. Cựu sao Red Star Belgrade cần một vài tháng để đạt đến trạng thái tốt nhất, nhưng thời gian và sự kiên nhẫn là điều ông không có. Một ngôi sao lớn như Stojkovic phải được thi đấu thường xuyên, không thể liên tục đánh bóng băng ghế dự bị.

Stojkovic có màn ra mắt Hellas Verona trong trận giao hữu với Reggiana. Điều khó tin đã xảy ra. Stojkovic cảm thấy khó chịu khi liên tục bị đối thủ phạm lỗi. Trong một tình huống như vậy, ông tìm cách đáp trả và bị trọng tài Guidi rút thẻ vàng. Vì quá tức giận, ông hét lớn vào mặt trọng tài bằng những từ ngữ không mấy tử tế mà mình vừa học được trên đất Italia. Ngay lập tức, tấm thẻ đỏ được rút ra. Các khán giả trên sân không thể tin rằng một người tao nhã, chơi bóng đá vị nghệ thuật lại có thể hành xử như vậy. Mọi chuyện chưa dừng lại. Tiền vệ người Nam Tư phải nhận án phạt rất nặng: treo giò nội bộ trong 2 tháng. Bản thân ông bắt đầu mất phương hướng, không còn vui vẻ như trước.

Stojkovic
Đến Hellas Verona là một sự lựa chọn sai lầm khác của ngôi sao người Nam Tư.

Vì lý do này, Stojkovic bắt đầu mùa giải muộn hơn các đồng đội. Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về chấn thương và thể lực, khiến mức độ cống hiến cho Hellas Verona giảm đi rất nhiều. “Piksi” chỉ được ra sân 19 trận và không nhiều trong số đó đáp ứng được sự kỳ vọng. Cuối cùng, Hellas Verona rơi vào bi kịch xuống hạng. Sân khấu Marcantonio Bentegodi trở nên quá chật đối với Stojkovic và nhạc trưởng người Nam Tư phải trở về Marseille.

Stojkovic gắn bó với đội chủ sân Velodrome thêm 2 mùa giải nữa. Trong thời gian này, Marseille vươn tới đỉnh cao châu Âu, giành được chiếc cúp bạc Champions League. Tuy nhiên, ông không còn là nhân vật chính tại miền nam nước Pháp nữa. Năm 1994, ngôi sao sáng của bóng đá thế giới ngày nào quyết định rời xa châu Âu, chuyển sang Nhật Bản để thi đấu cho Nagoya Grampus. Tại đây, ông được làm việc cùng vị HLV sau này trở thành huyền thoại: Arsene Wenger.

Ở giải đấu với chất lượng thấp hơn, Stojkovic dần tìm lại cảm hứng chơi bóng của mình. Ông trở thành thần tượng mới ở Nagoya, đến mức họ lấy tên của ông để đặt cho một khán đài trong sân vận động và một con phố (phố Pixy). Thậm chí, tập đoàn Toyota còn tạo ra một mẫu xe dựa theo lối chơi của Stojkovic và đặt tên là “Pixis”.

Nhờ sự thăng hoa trên đất Nhật Bản, Stojkovic được quay trở lại tuyển quốc gia Nam Tư. Ông trở thành một trong những nhân vật chính tại World Cup 1998 và EURO 2000. Đến ngày 4/7/2001, ông tuyên bố giã từ màu áo tuyển Nam Tư sau trận giao hữu với Nhật Bản.

Trên con đường trở thành HLV vĩ đại

Năm 2001, Stojkovic tuyên bố giải nghệ. Hơn 7 năm sau, ông bắt đầu tham gia công tác huấn luyện khi nhận lời dẫn dắt đội bóng cũ Nagoya Grampus. Người dân thành phố Nagoya vẫn chưa quên tiền vệ tài hoa một thời của mình. Những người trẻ cũng dành tình cảm cho Stojkovic dù họ chưa từng được chứng kiến ông thi đấu.

Đến tháng 10/2009, Stojkovic lại khiến tất cả phải trầm trồ bằng một pha bóng đẳng cấp, trong trận đấu giữa Nagoya Grampus và Yokohama Marinos tại J-League. Trên đường pitch, khi thấy thủ môn đối phương đá quả bóng về phía mình, ông không cần suy nghĩ dù chỉ một giây, liền vung chân vẽ một cầu vồng tuyệt đẹp, đưa bóng đi thẳng vào lưới. Tất cả diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Các cầu thủ trên sân và người hâm mộ trên khán đài đều không thể tin vào những gì vừa diễn ra trước mắt mình. Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc ấy ngay lập tức lan truyền khắp thế giới.

Stojkovic
Bây giờ, Stojkovic đang sẵn sàng cùng tuyển Serbia làm nên lịch sử. Ảnh: Getty Images.

Người duy nhất không thích pha bóng của Stojkovic là trọng tài chính. Họ chạy đến, truất quyền chỉ đạo của chiến lược gia người Serbia (đất nước được tách ra từ Liên bang Nam Tư) vì cho rằng ông làm gián đoạn trận đấu. Quyết định ấy vấp phải sự phản đối của người hâm mộ, khiến những tiếng la ó xuất hiện trên khán đài.

Ngày 3/3/2021, Stojkovic được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Serbia. Đó không phải là ngày bình thường, mà chính là sinh nhật tuổi 56 của ông. Sau khi nhậm chức, ông không thể kiềm chế cảm xúc: “Tôi thực sự rất cảm động và vô cùng tự hào. Không có vinh dự nào lớn hơn việc trở thành HLV của đội tuyển quốc gia quê hương của mình. Tôi không thể mơ đến một món quà sinh nhật nào tuyệt vời hơn thế. Tôi hiểu rõ trách nhiệm mà mình đang đảm nhận, hoàn toàn tin tưởng các trợ lý và tiềm năng to lớn của các cầu thủ Serbia”.

Stojkovic không mất nhiều thời gian để tạo nên dấu ấn của riêng mình. Tại vòng loại World Cup 2022, tuyển Serbia của ông đã vượt qua Bồ Đào Nha của siêu sao Cristiano Ronaldo để giành tấm vé trực tiếp đến Qatar. Có thể thấy, cái duyên của Stojkovic với bóng đá vẫn còn, giống như những cú chạm của vua Midas. Bây giờ, ông đang sẵn sàng chinh phục thử thách mới tại Ngày hội bóng đá thế giới.

(Lược dịch từ bài “Dragan Stojkovic, il Maradona dell’Est che fece tremare il Milan” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane