Cho đến bây giờ, khoảnh khắc định mệnh tại Camp Nou trong buổi tối ngày 12/3/2013 vẫn ám ảnh M’Baye Niang. Quá nhiều áp lực khiến chàng trai 18 tuổi không thể vượt qua và trở thành ngôi sao lớn của bóng đá thế giới.
Tài năng của Niang
“Ai đó từng nói “Tôi muốn có sự may mắn hơn tài năng” chứng tỏ họ nhận thức được bản chất của cuộc sống. Mọi người sợ phải thừa nhận rằng họ nhận được quá nhiều may mắn, họ lo lắng tất cả vượt quá tầm kiểm soát. Trong một trận đấu, quả bóng chạm vào tấm lưới ngăn cách, rơi sang phần sân của đối phương hoặc của bạn. Với một chút may mắn, bạn sẽ giành chiến thắng. Ngược lại, bạn sẽ mất điểm”. Đó là câu nói nổi tiếng trong bộ phim Match Point của đạo diễn Woody Allen.
Bạn chưa từng xem Match Point? Hãy cố gắng tận hưởng bộ phim ấy nếu không muốn bỏ lỡ một điều thú vị trong cuộc đời. Hãy dành 2 giờ đồng hồ, ngồi trước màn hình để theo dõi và bạn sẽ nhận được rất nhiều bài học hữu ích.

Trùng hợp thay, một vài chi tiết trong Match Point có thể dùng để tóm tắt sự nghiệp của nhiều cầu thủ, bao gồm cả M’Bay Niang. Con đường bóng đá của chàng trai người Senegal bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những khoảnh khắc không thể ngờ. Nhiều người hâm mộ thường nhớ đến pha bỏ lỡ của anh trong trận đấu giữa Barcelona và AC Milan tại Camp Nou vào ngày 12/3/2013. Thế nhưng, tất cả không chỉ có vậy.
Hè 2012, Niang gia nhập AC Milan từ Caen, nơi anh từng khiến cả châu Âu ngạc nhiên. Philippe Tranchart, HLV tại đội trẻ của Caen, khẳng định rằng ông chưa từng thấy một cầu thủ nào như Niang trong lịch sử đội bóng. Nhiều người kỳ vọng chàng trai này sẽ trở thành “Thierry Henry mới”. Sau mỗi lần Niang ra sân, sự kỳ vọng dành cho anh càng lớn hơn.
Đặt mua áo đấu của AC Milan qua các mùa giải tại đây
Cao, gầy nhưng sở hữu khả năng dứt điểm khó tin và chạy rất nhiều. Ở tuổi 16, Niang có trận đấu ra mắt Ligue I, khi Caen chạm trán Toulouse. Hai tuần sau, anh ghi bàn thắng đầu tiên kể từ khi bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp. Pha dứt điểm tung lưới Lens giúp anh trở thành cầu thủ trẻ thứ hai trong lịch sử điền tên mình lên bảng tỷ số, sau Laurent Roussey ở trận Monaco gặp St.Etienne năm 1978. Với 3 bàn thắng ghi được, Niang giúp Caen trụ hạng thành công ở mùa giải 2010/11. Sang mùa giải tiếp theo, anh ra sân đến 23 trận. Song, lần này, chìa khóa mở cánh cửa ở lại Ligue I không còn thuộc về đội bóng của anh.
Chứng kiến màn trình diễn của chàng trai người Senegal, nhiều đội bóng lớn ở châu Âu không thể ngồi yên. Manchester City, Arsenal, Tottenham và AC Milan tìm cách giải cứu chàng trai 17 tuổi khỏi “con tàu đắm” Caen. Cuối cùng, sau chuyến ghé thăm Milanello, anh quyết định ký hợp đồng với “gã khổng lồ” của bóng đá Italia. Niang ra mắt AC Milan từ chuyến làm khách tại Renato Dall’Ara của Bologna. Đến trận gặp Reggina ở Coppa Italia, anh ra sân 36 phút và có bàn thắng đầu tiên trên đất Italia. Tổng cộng, Niang có 20 lần ra sân ở Serie A trong mùa giải ấy, kết thúc bằng chiến thắng 0-4 trước Pescara.

Khoảnh khắc định mệnh ở Camp Nou
Với sự trưởng thành vượt bậc, anh được tạp chí Don Balon điền tên vào danh sách 101 cầu thủ trẻ xuất sắc sinh sau năm 1990. Trong danh sách này, còn có những ngôi sao tỏa sáng trong tương lai như Neymar, Paul Pogba, Eden Hazard, Marco Verratti, Romelu Lukaku, Kevin De Bruyne, Thiago Alcantara và David Alaba. Đáng tiếc, Niang không có sự nghiệp thành công rực rỡ như kỳ vọng. Điều này đến một phần do chính anh và do cả những yếu tố khách quan đầy khó hiểu. Để nói đơn giản hơn, định mệnh không cho phép Niang trở thành ngôi sao lớn.
Khoảnh khắc đầu tiên đến vào ngày 12/3/2013. AC Milan hành quân đến Camp Nou, tham dự trận đấu lượt về vòng 1/8 Champions League với Barcelona. Trước đó, Kevin-Prince Boateng và Sulley Muntari giúp Rossoneri đánh bại đại diện của La Liga 2-0 tại San Siro. Lợi thế ấy khiến HLV Massimiliano Allegri tự tin để chàng trai trẻ Niang ra sân ngay từ đầu dù anh chưa có kinh nghiệm đối đầu với những đội bóng lớn.

Phút thứ 5, Lionel Messi mở tỷ số cho Barcelona bằng cú sút chân trái không thể cản phá. Bàn thắng sớm giúp đội chủ nhà thi đấu hưng phấn hơn, liên tục dồn ép các vị khách. Đến phút 38, AC Milan tổ chức phản công. Đường chuyền dài từ phần sân nhà của Rossoneri khiến Javier Mascherano mắc sai lầm, đưa bóng đến chân Niang. Chỉ sau 5 giây, cựu tiền đạo Caen thoát xuống rất nhanh, đối mặt với Victor Valdes. Các Milanisti bắt đầu nghĩ đến bàn thắng gỡ hòa. Nhưng không! Cú sút của Niang lại đưa bóng chạm cột dọc rồi bật ngược trở lại. Cả sân Camp Nou như thở phào nhẹ nhõm. Trong khi đó, vẻ mặt tiếc nuối lộ rõ trên khuôn mặt chàng trai người Senegal.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 4-0 nghiêng về Barcelona. Nếu Niang đưa bóng vào lưới Valdes trong tình huống ấy, có thể số phận của Rossoneri sẽ khác. Sau này, anh kể lại với La Gazzetta dello Sport: “Chúa ơi. Đó có thể là một cú pole. Nếu trận Barcelona gặp AC Milan tái đấu vào ngày mai, tôi có thể sút bóng chạm cột dọc rồi đi vào lưới”.
Chỉ một khoảnh khắc, Niang phải hứng chịu những lời thóa mạ từ chính các Milanisti. Áp lực dành cho chàng trai trẻ này quá khủng khiếp. Tuy nhiên, nỗi buồn của anh ở San Siro đâu chỉ có vậy. Ở mùa giải 2013/14, Giám đốc tổ chức của AC Milan, Umberto Gandini, quên điền tên Niang vào danh sách tham dự vòng bảng Champions League. Đối với chàng trai trẻ người Senegal, đó là một cú sốc.
Đến tháng 2/2016, anh bị tai nạn xe hơi sau trận gặp Torino ngay bên ngoài trụ sở AC Milan. Sự cố ấy khiến Niang phải nghỉ thi đấu 2 tháng, đồng thời dính vào những tranh cãi, cho rằng anh vi phạm luật giao thông ở Italia. Trước làn sóng chỉ trích, Niang buông lời đáp trả trên Twitter: “Lý do duy nhất cho sự cố này là điều kiện khí hậu. Hãy kết thúc cuộc tranh luận ở đây”.

Có thể nói, sự nghiệp của Niang rẽ sang hướng tiêu cực sau buổi tối tại Camp Nou. Kể từ đầu năm 2014, anh lang bạt sang 9 đội bóng khác nhau. AC Milan đẩy anh sang Montperllier, Genoa theo dạng cho mượn. Trở lại San Siro, Niang phần nào gây ấn tượng dưới thời HLV Vincenzo Montella. Song, lối chơi quá cá nhân và phong độ sa sút khiến anh tiếp tục bị đẩy đến Watford, Torino. Hè 2018, Niang bị bán đứt cho Torino. Tuy nhiên, đội bóng này nhanh chóng đẩy anh đến Rennes. Chàng trai người Senegal tiếp tục lang bạt sang tận Saudi Arabia để khoác áo Al-Ahli. Mùa hè vừa qua, anh trở lại Pháp và cập bến Bordeaux.
Trên nền bức tranh sự nghiệp có nhiều gam màu tối, Niang vẫn tạo nên những đốm sáng. Anh luôn tự hào khi nhớ về World Cup 2018 trên đất Nga, giải đấu anh được HLV Alliou Cisse điền tên vào thành phần đội tuyển Senegal. Ngay trong trận đầu tiên, anh để lại dấu ấn với bàn thắng vào lưới tuyển Ba Lan. Đáng tiếc, Senegal không thể vượt qua vòng bảng do thua kém Nhật Bản về chỉ số fair-play.

Bây giờ, Niang đã bước sang tuổi 27. Trong màu áo Bordeaux ở mùa giải này, anh có 5 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 9 trận. Thế nhưng, tính ở đấu trường Ligue I, anh ra sân 8 trận và chỉ có đúng 1 lần sút tung mành lưới đối phương. Sự nghiệp của Niang chưa kết thúc ở đây. Song, anh dù có lấy lại phong độ cao, anh vẫn không còn được xem là một ngôi sao lớn, giống những cầu thủ cùng thế hệ như Mario Pasalic, Gerard Deulofeu. Giới hạn của Niang có lẽ đã dừng lại sau buổi tối tại Camp Nou cách đây gần 10 năm mất rồi.
(Lược dịch từ bài “Il palo al Barcellona e la parabola al Milan: “E’ stato Dio”, la strana carriera di Niang” trên tờ Goal).
Great content! Keep up the good work!