Bóng đá Italia: 25 năm cay đắng và hi vọng

Italia vô địch World Cup 2006

Trong bài viết này, tôi muốn kể cho các bạn nghe về những câu chuyện đã dẫn tôi đến với bóng đá Italia, trước khi trót yêu những gì đã diễn ra trên sân cỏ ở đất nước ven bờ Địa Trung Hải xinh đẹp.

Tôi sinh năm 1994, chỉ khoảng 2 tháng sau khi Roberto Baggio sút bóng bay thẳng lên bầu trời Pasadena, để lại sự nuối tiếc khôn nguôi dành cho các tifosi. Cũng giống như định mệnh, tình yêu của tôi với bóng đá Italia, Serie A và Azzurri cũng bắt nguồn từ những khoảnh khắc đầy tiếc nuối, xen lẫn nước mắt như thế. Những phút cuối cùng trong trận chung kết EURO 2000, Italia đang dẫn trước Pháp với tỉ số 1-0. Bên ngoài đường pitch, những chàng trai Azzurri đã khoác vai nhau. Họ đang chờ tiếng còi mãn cuộc của trọng tài vang lên rồi chạy vào sân để ăn mừng. Tuy nhiên, Sylvain Wiltord đã khiến tất cả phải quay lại băng ghế dự bị để chờ thêm hai hiệp phụ. Cuối cùng, giấc mơ sau 32 năm chờ đợi của các tifosi đã tan vỡ với pha volley của David Trezeguet.

Bóng đá Italia thất bại ở chung kết Euro 2000
Những giọt nước mắt ám ảnh ở Euro 2000

Sang đến World Cup 2002, Hàn Quốc gặp Italia. Thời ấy, công nghệ chưa phát triển nên các trận đấu hiếm khi được phát lại. Vậy nên, nếu phải vì một lí do nào đó mà bỏ lỡ một trận đấu thì chắc chắn bạn sẽ rất tiếc nuối. Tôi cũng như vậy. Những gì tôi được nghe chỉ là “Italia bị loại”, “Totti thẻ đỏ”, “Ahn Jung Hwan ghi bàn thắng vàng”. Phải vài tháng sau khi World Cup kết thúc, tôi mới được xem lại trận cầu này. Khi chứng kiến cái đầu của ai đó bị phải quấn băng và nhiều người đổ máu, rồi những giọt nước mắt tức tưởi, dù chỉ là một cậu bé nhưng khóe mắt cũng đã cay cay.

Bóng đá Italia thất bại cay đắng trước Hàn Quốc ở World Cup 2002
Phải sau nhiều năm, người Italia mới biết lí do thất bại trước Hàn Quốc.

Hai năm sau, EURO 2004 diễn ra ở Bồ Đào Nha. Lượt trận cuối cùng, Italia gặp Bulgaria. Azzurri buộc phải thắng đối thủ này. Trong khi đó, nếu Thụy Điển hòa Đan Mạch với tỉ số 2-2, mọi nỗ lực của Italia sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi nghe vậy thôi chứ không hiểu luật. Cuối cùng, tỉ số 2-2 là có thật. Trong cơn mưa, phút 90+4, Antonio Cassano nâng tỉ số lên 2-1 cho Italia. Anh vừa chạy, hai tay dang rộng, cười rất tươi rồi… ngồi thụp xuống, khóc như mưa. Thụy Điển vừa có bàn thắng gỡ hòa ở trận đấu cùng giờ và Italia đã bị loại.

Bóng đá Italia thất bại tại Euro 2004
Những giọt nước mắt của Antonio Cassano.

UEFA Champions League 2004 – 2005, trận chung kết ở Istanbul. Với tôi, AC Milan là đội bóng mạnh nhất thời điểm ấy và ở trận đấu này, tôi cổ vũ cho AC Milan. Sáng ra, bản tin thời sự đưa tin. Khi nghe đến đoạn AC Milan dẫn trước với tỉ số 3-0 và bàn thắng đầu tiên được thực hiện ngay phút thứ nhất, tôi đã nghĩ rằng “kiểu này lại vô địch rồi”. Nhưng không, Liverpool đã gỡ hòa 3-3. Càng bất ngờ hơn khi họ làm điều ấy chỉ trong vòng 6 phút. Và rồi, trong loạt penalty định mệnh, Pirlo, Shevchenko đã thất bại. Tin được không?

AC Milan thất bại trước Liverpool ở Champions League 2005
Nỗi buồn vô tận của AC Milan tại Champions League 2004 – 2005.

Đến World Cup 2006, Italia đã được hưởng niềm vui. Ở tuổi 12, tôi đã đủ hiểu về bóng đá thế giới và cũng có cơ hội được xem Azzurri chơi bóng nhiều hơn. Vincenzo Iaquinta ôm mặt khóc vì hạnh phúc sau bàn thắng ở trận gặp Ghana. Khuôn mặt ngơ ngác của Fabio Grosso cùng sự lạnh lùng của Totti trên chấm penalty ở cuộc đối đầu với Australia. Những cái lắc tay và ánh mắt sáng rực của Luca Toni trong trận đấu với Ukraine. Hình ảnh vừa chạy vừa lắc đầu của Fabio Grosso khi Azzurri chạm trán Đức ở bán kết. Và cuối cùng, Fabio Cannavaro nâng cúp vàng ở trận chung kết. Tất cả vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nhưng khi ấy, tôi vẫn cho rằng: “Chỉ là vô địch thôi mà!”. Phải đến khi nghe tin rằng ngày mai sẽ xét xứ Calciopoli, rồi Gianluca Pessotto nhảy lầu tự tử và những màn tung hô của báo chí, tôi mới thấy chức vô địch này thật đặc biệt. Các chàng trai Azzurri chính là những chiến binh thực thụ.

Bóng đá Italia vô địch World Cup 2006
Chức vô địch World Cup 2006 đã cho thấy người Italia kiên cường như thế nào.

Kể từ thời điểm ấy, tôi mới có thể tự nhận mình là người hâm mộ bóng đá Italia. Theo từng năm, sự hiểu biết cũng nhiều hơn, nhưng điều khiến tôi thu hút đó là ở Azzurri hay AC Milan, Juventus,… luôn có những nỗi khắc khoải, mong chờ, cố gắng, để rồi phải chịu cái kết không có hậu vào phút cuối vì những lí do nghiệt ngã như thần may mắn, thiếu tỉnh táo ở thời khắc quyết định hay cả sự chi phối của một thế lực không dấu vết. Với AC Milan, sau đêm buồn ở Istanbul, tôi đã biết tên của nhiều cầu thủ mà trước đó chỉ biết mặt ở chung kết Champions League 2002 – 2003. Đó là Dida, Shevchenko, Nesta và đặc biệt là Filippo Inzaghi,…người khiến tôi luôn bị ám ảnh với những màn ăn mừng cuồng nhiệt, như điên dại. Cũng không thể quên ngày 13/5/2012, khi hàng loạt hào thủ đã nói lời chia tay với màu áo sọc đỏ đen. Chiến binh Gattuso, Zambrotta đã rơi nước mắt. Inzaghi ghi bàn rồi ngả vào vòng tay đồng đội. Trên sóng truyền hình, nhà báo Tiziano Crudeli đã gào thét đến khàn giọng, khóc nức nở.

Filippo Inzaghi ăn mừng
Các Milanista có ai mà không bị ám ảnh bởi màn ăn mừng của Inzaghi?

Về Napoli, tôi được biết thông qua những câu chuyện của nhà báo Trương Anh Ngọc, những kỉ niệm khi Partenopei còn Diego Maradona, Careca và cho đến sau này là Marek Hamsik, Edinson Cavani, Ezequiel Lavezzi. Không thể không nhắc đến nỗi khắc khoải Scudetto kéo dài hơn 30 năm, sự thù hận với những đại diện đến từ phương bắc, tình yêu với đội bóng, xen lẫn sự sống và cái chết của cạm bẫy do Camorra.

Diego Maradona trong màu áo Napoli
Suốt 30 năm qua, Napoli luôn mong chờ hình ảnh này xuất hiện thêm một lần nữa.

Trong khi đó, Juventus đã để lại ấn tượng nhờ sự trở lại thần kì sau khi xuống hạng ở Calciopoli, những mối tình của Gianluigi Buffon, Alessandro Del Piero… khi Lão Phu Nhân sa cơ. Ngoài ra, cũng giống Napoli, Juventus đang làm tất cả để có được một danh hiệu mà họ đã liên tục thất bại trong nhiều năm, đó là UEFA Champions League. Có những khoảnh khắc đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt như khi Buffon đi ngang qua chiếc cúp bạc nhưng không hề chạm vào nó khi ở Cardiff, hay chính anh đã gào thét ở Santiago Bernabeu và phải nhận thẻ đỏ sau những tranh cãi gay gắt với Michael Oliver. Sau mỗi năm, Juventus lại cố gắng nhưng không ai biết bao giờ giấc mơ của họ mới thành hiện thực.

Juventus thất bại ở Champions League 2015
Sau 20 năm, Juventus vẫn đang khao khát được nâng cao chiếc cúp bạc Champions League.

AS Roma lại mang đến ấn tượng theo nét rất khác. Đó là khoảnh khắc hàng vạn Romanista chạy xuống sân để xới những miếng đất tại Olimpico hay lột sạch quần áo của các cầu thủ để làm kỉ niệm cho danh hiệu Scudetto sau chiến thắng trước Parma ở mùa giải 2000 – 2001. Đó chính là màn chia tay đẫm nước mắt của “Hoàng tử” Francesco Totti hay những cái hôn lên đường pitch của “người cận vệ già” Daniele De Rossi. Lời chia tay của DDR đột ngột đến nỗi nhiều Romanista không thể chấp nhận và tổ chức những cuộc biểu tình ở Trigoria bất kể trời mưa hay nắng. Đó là những vũ điệu của Mohamed Salah, Gervinho, Alessandro Florenzi trong cơn cuồng say của Luciano Spalletti, mơ mộng như Rudi Garcia và rực lửa như Eusebio Di Francesco. Và cũng không thể quên những mối tình chớp nhoáng, kết thúc không có hậu của Kevin Strootman, Radja Nainggolan…

Daniele De Rossi chia tay AS Roma.
Ngày anh ra đi, tình yêu của các Romanista đã vơi đi một ít.

Không chỉ có các đội bóng lớn, nhiều cái tên khác cũng để lại dấu ấn riêng nhưng đa số đều là những nỗi buồn. Sampdoria xếp thứ tư trong mùa giải 2009 – 2010. Song, sự ra đi của Giuseppe Marrotta, Luigi Del Neri, Antonio Cassano, Giampaolo Pazzini đã khiến họ xuống hạng ở mùa giải tiếp theo. Những giọt nước mắt cùng cái chắp tay vái lạy của đội trưởng Angelo Palombo vẫn còn ám ảnh các Doriani đến tận bây giờ. Parma, thế lực một thời của bóng đá Italia, tiếp tục phá sản vào năm 2015. Họ không còn đủ chi phí để di chuyển trong những trận đấu ở sân khách, nhiều cầu thủ phải tự lái xe riêng. Chiếc ghế của HLV trưởng cũng bị bán, phòng tắm không còn nước nóng. Parma rơi xuống Serie D nhưng cũng kể từ thời điểm ấy, họ đã hồi sinh để nhanh chóng quay trở lại Serie A chỉ sau 3 năm vắng bóng. Đến ngày hôm nay, người ta vẫn còn nhắc nhiều đến câu chuyện tình yêu của Alessandro Lucarelli.

Angelo Palombo chắp tay vái lạy
Các Doriani chắc chắn chưa thể quên hình ảnh này.

Dạo gần đây, những Sassuolo, Atalanta, Lazio đã để lại ấn tượng với triết lý tấn công điên cuồng. Đó là nét chấm phá mang đến niềm vui nhỏ nhoi cho những ai đã phải chứng kiến quá nhiều nỗi đau. Ngoài ra, những “ông già gân” như Luca Toni, Fabio Quagliarella tưởng như đã hết thời nhưng cũng buộc mọi người phải nhắc đến tên của mình trong buổi hoàng hôn. Serie A và bóng đá Italia đã đẹp hơn nhờ những gam màu mới mẻ như vậy. Về phần Azzurri, thật đáng buồn khi sau chức vô địch World Cup 2006, các tifosi đã phải rơi nước mắt nhiều hơn là nở nụ cười. EURO 2012, Azzurri đã sống dậy đầy mạnh mẽ nhờ lối chơi tấn công do Cesare Prandelli xây dựng. Andrea Pirlo như một người nghệ sĩ, ở xung quanh là chiến binh Daniele De Rossi. Mario Balotelli với những bàn thắng ấn tượng đã khiến tất cả phải ngất ngây trong men say hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm vui ấy không trở nên trọn vẹn bởi đội quân thiên thanh đã thất bại ở trận đấu cuối cùng với Tây Ban Nha. Cái nhăn mặt đầy đau đớn của Thiago Motta, giọt nước mắt của Mario Balotelli, Leonardo Bonucci, Andrea Pirlo hay sự kìm nén của Gianluigi Buffon vẫn còn ám ảnh các tifosi.

Bóng đá Italia tại Euro 2012
Khoảnh khắc lãng mạn của Andrea Pirlo tại tứ kết EURO 2012 vẫn khiến nhiều người say đắm.

Sang đến World Cup 2014, Italia đã phải trở về nước chỉ sau 3 trận đấu vòng bảng. Song, tất cả những gì ám ảnh nhất lại đến ở trận đấu cuối cùng, Italia gặp Uruguay. Chiếc thẻ đỏ mà Marchisio phải nhận đến nay vẫn gây tranh cãi. Sau đó, Luis Suarez cắn vào vai Giorgio Chiellini thì lại không bị đuổi khỏi sân. Hình ảnh chàng trung vệ của Juventus vạch áo, để lộ bờ vai với dấu răng của Suarez, khi tranh cãi với trọng tài vẫn còn hằn in trong kí ức của các tifosi. Và rồi, điều gì đến cũng phải đến. Diego Godin đánh đầu tung lưới Gianluigi Buffon, kết liễu giấc mơ của đội quân thiên thanh. Cái nghiến răng của Cesare Prandelli bên ngoài đường pitch cũng chính là khoảnh khắc ám ảnh cuối cùng của ông tại Azzurri. Sau thất bại trên đất Brazil, ông tuyên bố từ chức. Đó cũng là thời điểm tôi tự hỏi, phải chăng những thất bại cay đắng với Azzurri đã quay trở lại?

Chiellini bị Suarez cắn vào vai ở World Cup 2014.
Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bằng chứng quá rõ ràng!

EURO 2016, cơn điên của Antonio Conte. Chưa khi nào bóng đá Italia bị đánh giá thấp như chính cái tên mà nhiều người hay gọi: tập thể Azzurri bình dân. Thế nhưng, những con người “bình dân” ấy lại rất giàu ý chí như chính những thế hệ tiền bối của họ. Khi bị xếp ngoài rìa trong cuộc đua đến chức vô địch thì Azzurri lại chơi tuyệt hay. Antonio Conte liên tục gào thét bên ngoài đường pitch và ăn mừng đầy cuồng nhiệt sau mỗi bàn thắng. Gianluigi Buffon nhảy lên, ôm lấy xà ngang để ăn mừng. Ánh mắt sáng rực của Graziano Pelle sau khi sút tung lưới Bỉ và Tây Ban Nha. Những vũ điệu cuồng say của “con thoi” Citadin Martin Eder. Và cuối cùng, cũng lại là Buffon, nhưng trong hình ảnh của một người đàn ông tội nghiệp. Anh đã đoán đúng gần hết những quả penalty của đội tuyển Đức nhưng không thể cản phá. Buffon đã khóc. Vinh quang ở châu Âu vẫn ngoảnh mặt với anh.

Eder ăn mừng sau khi sút tung lưới Thụy Điển ở Euro 2016
Dù không thể chạm tay vào chiếc cúp bạc nhưng “Azzurri bình dân” đã để lại rất nhiều ấn tượng.

Vòng loại World Cup 2018 là một thất bại và không có lời bào chữa nào cả. Lần đầu tiên sau 60 năm, Italia vắng bóng ở một vòng chung kết World Cup, giữa thời điểm mà nhiều người đã kì vọng chu kì 12 năm sẽ lặp lại và Azzurri sẽ đi đến trận chung kết. Khoảnh khắc ám ảnh nhất chính là của Daniele De Rossi bên ngoài đường pitch, với ánh mắt gầm ghè khi HLV Gian Piero Ventura yêu cầu anh khởi động để vào sân. Không, De Rossi không muốn thi đấu. Anh cho rằng Italia cần một tiền đạo như Lorenzo Insigne để cứu nguy chứ không phải là một tiền vệ phòng ngự. Cái lắc đầu ngao ngán của người cận vệ già khi ấy cũng chính là tâm trạng chung của các tifosi. Những giọt nước mắt đã rơi sau trận hòa 0-0 trước Thụy Điển, bởi mùa hè 2018 không phải là “mùa hè Italia”. Tuy nhiên, giữa những ngày gian khó ấy, khi mà thất bại và nước mắt nhiều hơn là nụ cười chiến thắng, vẫn có những khoảnh khắc để các tifosi cảm thấy tự hào. Đó là khi các cầu thủ Azzurri đứng hát quốc ca trước mỗi trận đấu. Giai điệu trầm hùng của bài Fratelli d’Italia vang lên, tất cả cùng khoác vai nhau và hát thật to. Vâng, họ là những chiến binh thực sự.

Đội tuyển Italia hát quốc ca.
Mỗi khi bài Fratelli d’Italia vang lên, các tifosi sẽ cảm thấy rất xúc động.

Ngoài ra, bóng đá Italia luôn đi kèm với âm nhạc. Mặc dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn luôn nghe đi nghe lại những bài hát như Un’estate Italiana, Grazie Roma, Il Mio Canto Libero và tự hỏi sao người hát lại sở hữu chất giọng khàn khàn, như muốn gào thét, thể hiện sự khắc khoải đợi chờ. Đó cũng chính những gì đã ám ảnh tôi trong suốt thời gian tìm hiểu rồi yêu bóng đá Italia. Ngay cả bài hát vốn được biết đến với sự trang trọng như Inno Milan cũng có những tiếng gào “Milan! Milan!” trong những lời đầu tiên. Thông qua blog này, tôi hi vọng có thể kể lại những khoảnh khắc đẹp của Serie A, Azzurri và bóng đá Italia. Trong bài đầu tiên, tôi không nghĩ rằng mình sẽ viết đến bốn trang giấy A4, nhưng càng viết thì kí ức lại ùa về và không thể kiểm soát. Tôi tin rằng tình yêu bóng đá của người Italia mãnh liệt hơn bất kì nơi nào trên thế giới và mỗi khoảnh khắc đều gắn liền với số phận, cuộc sống của mỗi con người. Tôi là một Milanista, nhưng dù bạn có là Interista, Juventini… thì hãy chia sẻ cùng tôi những khoảnh khắc đẹp mà bạn biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane