Gabriel Batistuta: Cuộc đời bóng đá có bao lâu mà hững hờ

Batistuta

Gabriel Batistuta là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, ít người biết rằng anh từng không muốn trở thành cầu thủ bóng đá, thậm chí là có ý định từ bỏ sự nghiệp quần đùi áo số.

Jorge Bernardo Griffa đã cống hiến cả cuộc đời mình cho bóng đá. Ông sinh năm 1935 ở một nơi cách Santa Fe không xa, trưởng thành từ lò đào tạo của Newell’s Old Boys. Vào thập niên 1960, ông là một trong những hậu vệ người Argentina gây tiếng vang tại châu Âu, được xem là huyền thoại của Atletico Madrid. Ở cấp độ tuyển quốc gia, Griffa góp công giúp Argentina vô địch Copa America.

Ngoài ra, trong thời gian chơi bóng đỉnh cao, Griffa đã rèn luyện được một khả năng đặc biệt: phát hiện những viên ngọc thô. Từ sân cỏ thực sự đến mảnh đất bụi bặm hay đường phố rải nhựa, ông không bỏ sót bất kỳ cầu thủ trẻ nào. Ông tin rằng mình có thể tìm thấy những cậu bé có tố chất đặc biệt ở bất kỳ nơi đâu. Vì vậy, Griffa quyết định thực hiện một hành trình dọc theo chiều dài đất nước. Kết quả của hành trình ấy đã làm thay đổi diện mạo của cả nền bóng đá Argentina.

“Tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, của các con tôi, vợ tôi và tất cả những người còn lại. Cuối cùng, công việc mà tôi làm đã đạt được thành quả vô cùng lớn”, Griffa chia sẻ với ESPN.

Jorge Valdano, Mauricio Pochettino, Maxi Rodriguez, Gerardo Martino, Carlos Tevez, Fernando Gago Nicolas Burdisso, Walter Samuel, Ever Banega và Gabriel Heinze đã cống hiến cho tuyển Argentina qua nhiều thế hệ. Tất cả đều được tìm thấy bởi Griffa. Tuy nhiên, tài năng phát hiện ngọc thô của ông chỉ thực sự được người đời biết đến khi có sự xuất hiện của một cái tên: Gabriel Omar Batistuta.

Jorge Griffa
Jorge Griffa, người phát hiện ra nhiều tài năng cho bóng đá Argentina.

Cậu bé không thích bóng đá

Có hai yếu tố khiến Batistuta trở thành “viên ngọc” sáng giá nhất trong bộ sưu tập của Griffa. Thứ nhất, Batistuta sau này sẽ trở thành một trong những trung phong xuất sắc nhất làng túc cầu. Thứ hai, bản thân tiền đạo người Argentina khi ấy còn chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành cầu thủ bóng đá. Nếu không có Griffa, danh xưng “Batigol” sẽ không bao giờ tồn tại. Hàng trăm bàn thắng của Batistuta sẽ bị xóa sạch. Giữa thành Firenze và “Vua sư tử” sẽ không có một tình yêu vĩnh hằng. Và rất có thể, AS Roma sẽ phải chờ đợi lâu hơn nữa để có được Scudetto thứ ba.

Griffa kể lại: “Tôi thấy cậu bé to con này có sự mạnh mẽ. Batistuta có tư duy bóng đá, đủ khả năng trở thành người chia bài cho các đồng đội. Khi ấy, cậu ta không hề yêu thích môn bóng đá. Song tôi vẫn cảm thấy điều gì đó rất đặc biệt từ Batistuta. Tôi đã tham khảo ý kiến của Marcelo Bielsa. Sau đó, tôi gặp trực tiếp Batistuta và nói rằng cậu ấy sẽ có mọi thứ mà mình mong muốn dấn thân vào sự nghiệp cầu thủ”.

Trên thực tế, khi Griffa nhìn thấy Batistuta lần đầu tiên, ông không hề biết chàng trai này không thích bóng đá. Batistuta gia nhập lò đào tạo trẻ Platense chỉ vì không muốn rời xa nhóm bạn thời thơ ấu. Anh chỉ tập luyện mỗi khi cảm thấy hứng thú. Còn khi chán nản, anh sẽ tìm đến môn bóng chuyền. Bản thân Batistuta cũng có một kế hoạch rõ ràng: hoàn thành việc học văn hóa, chăm chỉ làm việc và dành thời gian ở bên Irina, người mà anh tin rằng sẽ trở thành một nửa quan trọng trong cuộc đời mình.

Một lần, trợ lý của Griffa gõ cửa nhà Batistuta để hỏi về việc anh có sẵn sàng đến Rosario để gia nhập Newell’ Old Boys hay không. Ngay lập tức, chàng trai người Argentina từ chối một cách lạnh lùng.Batistuta kể lại trên trang Ligas Mayores: “Tôi không cảm thấy vui vẻ khi cập bến Newell’s Old Boys. Tôi muốn tiếp tục học tập ở trường. Không chỉ riêng tôi, nhiều người cho rằng việc trở thành cầu thủ luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Tôi nhớ có lần CLB cho chúng tôi nghỉ 20 ngày, nhưng tôi quyết định ở lại Reconquista 1 tháng. Chính Griffa đến đón tôi. Ông ấy nói rằng sẽ đưa tôi đến giải hạng Nhất. Khi ấy, tôi đã yêu cô gái mà sau này trở thành vợ của tôi. Vì vậy, việc phải xa nhau một thời gian khiến tôi không thoải mái”.

Batistuta không thích cuộc sống của một cầu thủ bóng đá. Cha của anh, ông Osmar, cũng muốn cậu con trai phải làm được điều gì đó đặc biệt thay vì theo nghiệp quần đùi áo số vốn có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, chính ông đã thuyết phục Gabriel Batistuta tiếp tục chơi bóng. Ông giải thích cho cậu con trai hiểu rằng anh còn hợp đồng với đội bóng và phải tôn trọng điều đó. Vì vậy, khi chỉ còn một bước nữa là bỏ cuộc, Gabriel Batistuta quyết định tiếp tục cố gắng. Không mất nhiều thời gian, anh nhận ra bóng đá sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời mình. Anh kể lại: “Khi ký hợp đồng đầu tiên, tôi biết mình có thể kiếm sống từ bóng đá. Tâm lý của tôi hoàn toàn thay đổi, tôi yêu môn thể thao này một cách sâu sắc”.

Sự khởi đầu của Batistuta không hề dễ dàng. Anh ngủ trong một căn phòng ở sân vận động, phải cố gắng giữ cân nặng không bị vượt ngưỡng và không thể hòa nhập với lối chơi của HLV Bielsa. Hơn nữa, Newell’s Old Boys khi ấy được xây dựng để hướng đến danh hiệu, nên sự kiên nhẫn dành cho một cầu thủ trẻ luôn có giới hạn. Vậy nên, Batistuta nhanh chóng bị đẩy sang Deportivo Italiano theo dạng cho mượn. Đến giờ, anh vẫn chưa quên khoảng thời gian khó khăn ấy:

“Giấc mơ của Griffa và Bielsa là tạo nên một tập thể vô địch. Tôi không phải là một phần của tập thể ấy và quyết định ra đi. Tôi cảm thấy mình đã phản bội niềm tin của những người đã nhận ra khả năng của tôi và cả những người đồng đội đang mơ ước có được các danh hiệu. Song mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp đối với tôi”.

Batistuta gia nhập River Plate, trở thành học trò của Daniel Passarella. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cả hai không mấy tốt đẹp. Vài tháng sau khi đến với “Dòng sông bạc”, Batistuta bị loại khỏi đội hình. Đến năm 1990, anh chuyển sang khoác áo đại kình địch Boca Juniors. Tại đây, Batigol được làm việc cùng HLV Oscar Tabarez, người ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của anh. Vào thời điểm ấy, cầu thủ người Argentina thường xuyên đảm nhiệm vai trò chạy cánh. Vị trí này giúp anh tận dụng tối đa sức mạnh của mình. Song HLV Tabarez không nghĩ như vậy, liền yêu cầu cậu học trò bó vào trong, chơi ở vị trí trung phong. Quyết định ấy hoàn toàn chính xác.

Chỉ 4 năm sau khi đặt chân vào thế giới bóng đá, Batistuta đã được giao trọng trách lớn lao, đó là trở thành tiền đạo cắm ở một trong những đội bóng lớn nhất thế giới. Không phụ sự kỳ vọng, anh góp công giúp Boca Juniors giành Copa America. Bản thân anh còn được trao danh hiệu Vua phá lưới. Tất cả như bước đệm hoàn hảo để Batistuta chuyển đến châu Âu.

Batistuta
Sự nghiệp của Batistuta gắn liền với màu áo tím thủy chung thành Firenze. Ảnh: Getty Images.

Mối tình Batistuta – Fiorentina

Có một giai thoại kể lại rằng chính ông chủ Vittorio Cecchi Gori muốn đưa Batistuta về Fiorentina. Theo kế hoạch ban đầu, La Viola chiêu mộ Diego Latorre vì tin rằng cầu thủ này có thể khỏa lấp chỗ trống do Roberto Baggio để lại. Nhưng sau đó, khi xem lại các trận đấu của Boca Juniors, ngài Gori liền nhắm đến Batistuta. Thương vụ này diễn ra rất nhanh chóng.

Khi mới đặt chân đến Italia, Batistuta cảm thấy mình bị lạc lối. Đối với anh, Firenze quá cổ kính, khác xa với sự nhộn nhịp ở Rosario hay Buenos Aires. Anh không hề thích cuộc sống ở đây một chút nào. Vào thời điểm ấy, Batigol cũng không thể tưởng tượng được rằng mình ở lại thành phố này trong 9 năm, yêu thành phố này hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, và trở thành vị vua trong mắt người dân địa phương.

Batistuta gặp rất nhiều khó khăn để làm quen với cuộc sống tại Firenze. Về góc độ chuyên môn, danh tiếng mà anh từng tạo dựng ở Argentina cũng không giúp ích nhiều. Anh vẫn chạy rất nhanh, như đầu máy xe lửa. Anh cũng có thể bật cao đánh đầu như đang bay giữa ngân hà. Nhưng các chiến lược gia lão luyện người Italia nhận ra rằng Batistuta còn quá nhiều điểm yếu. Nếu không thể khắc phục, sự nghiệp bóng đá của anh sẽ kết thúc trong thất bại.

Cựu hậu vệ Alberto Malusci kể lại trên Lady Radio: “Khi Batistuta mới đến Firenze, anh ấy có quá nhiều điều cần phải cải thiện. Tuy nhiên, anh ấy có một khát khao đáng ngạc nhiên. Sau mỗi buổi tập của toàn đội, anh ấy vẫn ở lại trên sân để cố gắng hoàn thiện kỹ năng của mình. Xung quanh Batistuta còn có Branca và Borgonovo. Cả ba chưa bao giờ tạo ra sự liên kết để hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, đến trận Foggia – Fiorentina, Batistuta ghi được một hat-trick và Borgonovo đã đến bắt tay anh ấy vào cuối trận. Hành động ấy đã thay cho lời nói công nhận về sự nỗ lực của Batistuta”.

Sự quyết tâm và khát khao tiến bộ là hai điều luôn đồng hành với Batistuta trong suốt sự nghiệp của anh. Có thể nói, không nhiều cầu thủ ở Serie A trưởng thành theo cấp số nhân như anh. Fiorentina yêu mến Batistuta và anh đáp lại bằng cách mang về cho đội bóng thật nhiều bàn thắng. Ở mùa giải 1991/92, mùa giải đầu tiên của mình tại Serie A, Batigol ghi 13 bàn trong 27 trận đầu tiên tại Serie A. Sau đó, anh tiếp tục có thêm 3 lần điền tên mình lên bảng tỷ số. Tiếc thay, anh không thể giúp La Viola tránh khỏi bi kịch: xuống hạng Serie B.

Đặt mua áo đấu của Fiorentina qua các mùa giải tại đây

Với những màn trình diễn ấn tượng, Batistuta có thể rời sân Artemio Franchi để khoác áo nhiều đội bóng ở giải đấu hấp dẫn nhất Italia. Tuy nhiên, anh vẫn ở lại, cùng đội quân áo tím chiến đấu giành vé thăng hạng. Chỉ sau 1 mùa giải vắng mặt, Fiorentina đã quay trở lại Serie A. Batistuta vẫn cống hiến hết khả năng, trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của mình. Song ở La Viola vẫn có một cái dớp không ai mong muốn: dù họ cố gắng đến mức nào thì việc chiến đấu để giành Scudetto vẫn là điều không tưởng.

Mùa giải 1998/99, Fiorentina được dẫn dắt bởi HLV Giovanni Trapattoni. Cơ hội vô địch của La Viola bỗng hiện ra trước mắt, nhất là khi họ đứng đầu bảng sau mùa đông. Thế nhưng, khi bước sang năm mới, họ bất ngờ sa sút không phanh. Batistuta, người ghi 17 bàn thắng sau 17 trận, bị chấn thương nặng và điều đó phần nào ảnh hưởng đến sức mạnh của đội quân áo tím. Khi mùa giải hạ màn, Fiorentina rơi xuống vị trí thứ ba, nhìn AC Milan giành Scudetto trong sự tiếc nuối.

Nỗ lực hết sức nhưng vẫn thất bại, Batistuta cảm thấy cuộc phiêu lưu của mình tại Firenze đang dần đi đến hồi kết. Trong một thoáng vu vơ, anh từng suy nghĩ đến việc nói lời chào tạm biệt, nhưng sau đó đồng ý ở lại thêm một mùa giải nữa. Trong mùa giải ấy, “Vua sư tử” để lại dấu ấn với bàn thắng vào lưới Arsenal vào ngày 27/10/1999, ngay tại sân Highbury, giúp Fiorentina giành chiến thắng 1-0. Đến ngày 14/5/2000, anh lập hat-trick vào lưới Venezia, qua đó cán mốc 152 bàn thắng và trở thành chân sút xuất sắc nhất lịch sử Fiorentina tính riêng ở đấu trường Serie A.

Đó cũng là khoảnh khắc đáng chú ý cuối cùng của Batistuta với La Viola. “Ở lại hay ra đi?”, đó vẫn là câu hỏi lẩn quẩn trong suy nghĩ của anh. Thế nhưng, có một vấn đề nảy sinh, đó là vấn đề tài chính của Fiorentina ngày càng ảm đạm và họ buộc phải bán những ngôi sao để cứu vãn tình hình. Ở tuổi 31, anh quyết định ra đi, khép lại gần một thập kỷ cống hiến cho La Viola. Quyết định được đưa ra không hề dễ dàng, khiến Batigol đau đớn và bật khóc.

Batistuta
Bàn thắng của Batistuta làm bùng nổ cả cầu trường Olimpico trong ngày 17/06/2001. Ảnh: Getty Images.

Vinh quang ở AS Roma

Batistuta đến AS Roma vào mùa hè năm 2000, mang về cho Fiorentina 70 tỷ lire. Chưa bao giờ có một cầu thủ được trả giá cao như vậy khi đã ngoài 30 tuổi. Ban đầu, đội bóng thủ đô cố gắng tìm cách giảm giá. Nhưng rồi họ hiểu rằng không ai có thể tạo ra sự khác biệt ở Serie A như Batigol và đồng ý chi đậm để có ngôi sao người Argentina. Theo HLV Fabio Capello, Batistuta không chỉ là cỗ máy ghi bàn phi thường, mà còn là thủ lĩnh thực sự, người mang lại cá tính lớn cho cả tập thể. Ông chia sẻ trên Centro Suono Sport: “Chúng tôi đã xây dựng một tập thể để hướng đến danh hiệu. Tôi chỉ còn thiếu một cái tên: Batistuta. Cuối cùng, chúng tôi đã có được cậu ấy”.

Tại AS Roma, chiếc áo số 9 đang thuộc về Vincenzo Montella và Batistuta chuyển sang khoác áo 18. Nhưng điều đó không quan trọng. Trong 5 trận đầu tiên tại Serie A, anh ghi được 6 bàn thắng. Ngay cả đội bóng cũ Fiorentina cũng không thể ngăn cản Batistuta ngừng ghi bàn. Ngày 26/11/2000, AS Roma tiếp đón La Viola trên sân Olimpico. Phút 82, khi tỷ số đang là 0-0, Batigol tung cú sút rất căng từ ngoài vòng cấm. Bóng đi như tên lửa và không cho Francesco Toldo cơ hội cản phá. Một siêu phẩm thực sự. Nhưng thay vì vui mừng trong những tiếng hò reo tại sân Olimpico, anh lại ôm mặt khóc nức nở. Trong buổi giới thiệu bộ phim tài liệu “El numero nueve”, anh nhớ lại khoảnh khắc ấy: “Việc ghi bàn vào lưới Fiorentina không làm tôi cảm thấy quá lạ lẫm. Tôi được AS Roma trả lương và phải cống hiến cho đội bóng của mình”.

Đặt mua áo đấu của AS Roma qua các mùa giải tại đây

Sau thời gian chiến đấu vì giấc mơ Scudetto, điều Batistuta mong chờ cũng đã đến. Ngày 17/6/2001, AS Roma tiếp đón Parma tại sân Olimpico. Một chiến thắng sẽ giúp Giallorossi giành Scudetto sau 18 năm chờ đợi. Totti mở tỷ số, Montella ghi bàn thắng thứ hai, rồi Batistuta chốt hạ. AS Roma giành chiến thắng 3-1 trước các vị khách đến từ vùng Emilia-Romagna. Khi trận đấu còn chưa kết thúc, hàng vạn romanisti trên khán đài tràn xuống sân, xới từng nắm cỏ, cắt mành lưới khung thành và lột sạch đồ của các cầu thủ. Đó đơn giản là một trong những ngày đẹp nhất lịch sử AS Roma. Trên kênh truyền thông của Serie A, Batistuta kể lại với cảm xúc nghẹn ngào:

“Tôi đã dành cả sự nghiệp của mình để giúp Fiorentina giành Scudetto. Tôi đã cống hiến tất cả nhưng không thể làm được. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đến AS Roma. Trong màu áo Giallorossi, tôi đã có được danh hiệu mà mình luôn mơ ước. Tôi nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Vâng, tôi đã cố gắng rất nhiều và hoàn toàn xứng đáng trở thành nhà vô địch dù chỉ một lần”.

Batistuta ở lại AS Roma thêm 18 tháng trước khi chuyển đến Inter Milan. Song tại sân Giuseppe Meazza, anh không còn duy trì phong độ cao như trong quá khứ. Vấn đề tuổi tác khiến anh trở nên chậm chạp. Mắt cá chân của Batistuta cũng thường sưng tấy, khiến anh không thể ra sân thường xuyên. Trong bóng tối của Duomo di Milano, anh chỉ ghi được 2 bàn thắng sau 12 trận đấu. Con số ấy quá ít, nhưng tất cả đều hiểu rằng đó là tất cả những gì “Vua sư tử” có thể mang lại cho Inter Milan. Anh chia sẻ khi trả lời phỏng vấn tờ Sette:

“Tôi gắn bó với AS Roma trong thời gian đủ dài và sau đó chấp nhận lời đề nghị của Inter Milan. Chủ tịch Massimo Moratti thuyết phục tôi đến Nerazzurri vì ông ấy dành cho tôi sự tôn trọng, muốn tôi khoác áo sọc xanh đen thành Milano. Tôi xin lỗi vì không thể cống hiến cho Moratti nhiều hơn”.

Inter Milan
Buổi hoàng hôn của Batistuta ở Inter Milan. Ảnh: Getty Images.

Năm 2005, Batistuta tuyên bố giải nghệ, sau 2 năm chơi bóng ở Qatar. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh luôn có một vị trí trang trọng trong lịch sử Fiorentina, Serie A và bóng đá Argentina. Thật dễ dàng để đưa ra nhận định rằng Batistuta là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi thời đại từng tỏa sáng trên sân cỏ Calcio. Sự nghiệp của Batistuta giống như câu chuyện cổ tích với vô vàn cảm xúc nhưng rất đẹp. Nên nhớ rằng, khi còn trẻ, anh không muốn trở thành cầu thủ bóng đá!

(Lược dịch từ bài “Gabriel Omar Batistuta, da calciatore ‘controvoglia’ a leggenda” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane