Thomas N’Kono: Thần tượng “Black Zamora ” của Gianluigi Buffon

N'Kono

Cùng với Roger Milla và tuyển Cameroon, Thomas N’Kono làm say mê thế giới bóng đá ở mùa hè Italia 1990. Tài năng của ông cũng tạo nên niềm cảm hứng để Gianluigi Buffon theo đuổi sự nghiệp bảo vệ khung thành.

Bất chợt cần kể tên một thủ môn người châu Phi, bạn sẽ nghĩ đến ai? Ngày nay, Edouard Mendy chắc chắn sẽ đứng đầu danh sách đáp án cho câu hỏi này. Còn ở thập niên 1990, nhiều người sẽ nhớ về Thomas N’Kono, người gác đền xuất sắc nhất ở “lục địa đen”, cùng với đối thủ lớn nhất của ông ở tuyển Cameroon là Joseph-Antoine Bell.

Chú mèo nơi khung gỗ

N’Kono cao 1m83 và nặng khoảng 80kg, sinh ra ở Dizangué vào ngày 20/7/1955. Ông sớm yêu thích vị trí thủ môn, bộc lộ tài năng bẩm sinh từ thời thơ ấu. Bước sang tuổi 16, ông có trận ra mắt đội một của Canon Yaoundé, CLB đặt trụ sở tại thủ đô Cameroon. Vận may tiếp tục đến với N’Kono. Năm 1973, HLV Vladimir Beara nhận lời dẫn dắt tuyển Cameroon. Nhà cầm quân người Nam Tư từng là thủ môn, được xem là một trong những người giỏi nhất về việc đào tạo nhân tài ở vị trí này. Vì vậy, N’Kono cảm thấy rất hạnh phúc. Ông kể lại trong buổi phỏng vấn với The Last Man:

“Trong những năm 1970, chính phủ Cameroon và Nam Tư có các thỏa hiệp thương mại. Beara đến đất nước tôi với tư cách là HLV tuyển quốc gia. Khi ấy, tôi mới 18 tuổi, là thủ môn nhưng thi đấu theo bản năng, giống như một nghệ sĩ tự học đàn guitar ở nhà. Nhờ Beara, tôi trưởng thành về cả chiến thuật lẫn kỹ thuật. Ông ấy nói được một chút tiếng Pháp và chúng tôi có thể giao tiếp với nhau. Các buổi tập luôn rất mệt mỏi. Beara từng vẽ những ô số lên một bức tường, nhiệm vụ của tôi là luyện tập cùng bức tường đó. Tôi đá bóng vào những ô số và ngăn chặn sau khi bóng bật ra. Nhờ vậy, tôi có thể cản phá những cú sút bằng một tay. Về sau, HLV Javier Clemente của Espanyol rất tức giận khi tôi sử dụng kỹ thuật này”.

World Cup 1982
N’Kono phản xạ tuyệt vời ở World Cup 1982. Ảnh: Getty Images.

Dưới sự chỉ dẫn của Beara, N’Kono nhanh nhẹn hơn, di chuyển như một con mèo giữa cột dọc và xà ngang khung thành. Ông có những pha cản phá ngoạn mục, thường đấm trái bóng thật mạnh mỗi khi gặp tình huống cực kỳ nguy hiểm. Phong độ xuất sắc của N’Kono góp phần giúp Canon Yaoundé giành 5 danh hiệu VĐQG Cameroon (Elite One) và 2 danh hiệu CAF Champions League. Ở cấp độ tuyển quốc gia, ông cùng các đồng đội đưa “Sư tử bất khuất” tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 1982. N’Kono rất nổi tiếng ở châu Phi, nhưng chưa được phần còn lại của thế giới biết đến. Vậy nên, World Cup là sân khấu tuyệt vời để thủ môn này thể hiện tài năng của mình.

N’Kono bước ra ánh sáng

Tuyển Cameroon nằm ở bảng 1 cùng với Italia, Ba Lan và Peru. N’Kono ra sân với chiếc quần dài tạo nên thương hiệu, chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 1 bàn trong 3 trận. Đầu tiên, ông làm nản lòng các chân sút Peru, giúp Cameroon thu về kết quả hòa 0-0. Ở lượt trận thứ hai, những ngôi sao tấn công thượng thặng của tuyển Ba Lan như Zbigniew Boniek, Grzegorz Lato cũng không thể khiến N’Kono bị khuất phục dù chỉ một lần. Sang trận gặp tuyển Italia, ông chỉ chấp nhận vào lưới nhặt bóng sau cú đánh đầu của Francesco Grazini ở phút 61. Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, Grégoire M’Bida ấn định tỷ số hòa 1-1 cho đại diện đến từ châu Phi.

Tuyển Cameroon có được 3 điểm trong lần đầu tiên tham dự World Cup. Thành tích của họ ngang bằng với tuyển Italia, tập thể giành chức vô địch ở giải đấu ấy. Đáng tiếc, “Sư tử bất khuất” vẫn phải xách va ly về nước ngay sau vòng bảng do thua kém đối thủ về hiệu số bàn thắng bại. Tuy nhiên, màn trình diễn của nhiều cầu thủ Cameroon vẫn khiến người hâm mộ trầm trồ, đặc biệt là thủ môn N’Kono. Những pha cứu thua tuyệt vời trên đất Tây Ban Nha giúp ông thu hút sự chú ý của nhiều đội bóng tại nước chủ nhà. Không lâu sau, ông nhận được lời mời gia nhập Espanyol, chơi ở giải La Liga và trở thành thủ môn người châu Phi đầu tiên thi đấu tại châu Âu.

N’Kono gắn bó với đội bóng xứ Catalonia trong 9 mùa giải, từ năm 1982 đến năm 1991. Dù không thể giúp Espanyol giành được danh hiệu nào, ông vẫn trở thành thần tượng trong mắt người hâm mộ. Họ đặt cho ông biệt danh trìu mến là “Black Zamora”. Trong những trận derby với Barcelona, N’Kono từng ngăn cản cú sút của Bernd Schuster từ chấm phạt đền và hàng loạt pha dứt điểm nguy hiểm của Michael Laudrup.

Ở mùa giải 1987/88, ông góp công lớn đưa Espanyol tiến vào chung kết UEFA Cup. Trên hành trình ấy, họ vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh như AC Milan của HLV Arrigo Sacchi và Inter Milan của Giovanni Trapattoni. Trong trận chung kết lượt đi với Bayer Leverkusen tại Catalonia, N’Kono liên tục bay lượn trước khung gỗ, giúp Espanyol giành chiến thắng 3-0. Sang trận lượt về trên đất Đức, mành lưới của Espanyol được giữ vững sau hiệp một, đỉnh vinh quang ở rất gần họ. Song sau giờ nghỉ, một thoáng mất tập trung của N’Kono tạo điều kiện cho Tita rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3. Tiếp đến, Falko Goetz cùng Cha-Bum Kun đưa trận đấu trở về vạch xuất phát. Và trong loạt penalty cân não, Bayer Leverkusen giành chiến thắng 3-2, giữ cúp vô địch ở lại Đức.

N'Kono
N’Kono trong ngày ra mắt Espanyol. Ảnh: Getty Images.

N’Kono, Bell và mùa hè Italia 1990

Trong màu áo tuyển quốc gia, N’Kono từng giành được Africa Cup of Nations (AFCON) vào năm 1984. Đến năm 1988, giải đấu được tổ chức vào mùa xuân, khi mùa giải ở châu Âu bước vào giai đoạn quyết định. Do đó, N’Kono không được Espanyol cho phép trở về hội quân cùng “Sư tử bất khuất”. Vị trí trấn giữ khung gỗ của tuyển Cameroon ở giải đấu này do Joseph-Antoine Bell đảm nhiệm. Trái ngược với Espanyol, đội bóng chủ quản của Bell là Olympique Marseille tạo mọi điều kiện để ông cống hiến cho quê hương.

Tận dụng cơ hội này, Bell thi đấu tuyệt vời, giúp tuyển Cameroon có lần thứ hai vô địch AFCON. Ở trận chung kết tại Casablanca, ông liên tục làm nản lòng các chân sút của Nigeria. Tầm ảnh hưởng của Bell tại đội tuyển ngày càng lớn. Ở mùa giải 1988/89, N’Kono trải qua khoảng thời gian khó khăn, khi không thể giúp Espanyol trụ hạng thành công. Điều đó giúp tầm ảnh hưởng của Bell ở tuyển Cameroon càng lớn hơn. Suất bắt chính tại World Cup 1990 trên đất Italia dễ dàng thuộc về thủ môn này dù vẫn còn một mùa giải đển N’Kono thể hiện.

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm quan trọng, Bell lại ấn nút tự hủy hoại sự nghiệp của mình. Ông công khai tư tưởng chính trị trái ngược với chế độ đang điều hành đất nước Cameroon, tranh cãi gay gắt với Liên đoàn bóng đá về việc quản lý cầu thủ và phát biểu chống phá Nhà nước thông qua một tờ báo ở Pháp. Lần này, không điều gì ngăn cản N’Kono được HLV Valeri Nepomniachi trao cơ hội bảo vệ khung thành của tuyển Cameroon.

Đặt mua áo đấu của tuyển Italia tại đây

Tại World Cup 1990, tuyển Cameroon trải qua hành trình tuyệt vời, làm thay đổi hình ảnh của bóng đá châu Phi. Ở bảng B, họ đánh bại đương kim vô địch Argentina 1-0 và Romania 2-1, trước khi để thua Liên Xô 0-4 trong trận cầu mang tính chất thủ tục. Với 4 điểm có được (mỗi trận thắng được tính 2 điểm vào thời điểm ấy), tuyển Cameroon đứng đầu bảng đấu của mình. Tại vòng 1/8, họ tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi giành chiến thắng 2-1 trước tuyển Colombia của thủ môn Rene Higuita. Bước vào bán kết, thử thách lớn tiếp theo chờ đợi đại diện của “lục địa đen”: tuyển Anh.

Với đẳng cấp vượt trội, tuyển Anh có bàn thắng vượt lên dẫn trước nhờ công của David Platt. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà tuyển Cameroon được gọi là “những chú sư tử bất khuất”. Sang hiệp hai, Roger Milla mang về quả phạt đền và Emmanuel Kundé gỡ hòa 1-1 từ chấm 11m. Áp lực được cởi bỏ, họ tiếp tục sút tung lưới đối phương thêm lần nữa. Lần này, Ebelle Ekéké là người điền tên mình lên bảng tỷ số.

Cameroon
N’Kono cùng tuyển Cameroon làm nên lịch sử ở World Cup 1990. Ảnh: Getty Images.

Thời gian trôi dần về những phút cuối, chiến thắng đang đến gần với Cameroon. Nhưng không. Đến phút 83, Gary Lineker san bằng cách biệt từ tình huống đá phạt đền. Bước vào hiệp phụ, thêm một quả phạt đền nữa cho tuyển Anh. Trọng tài cho rằng N’Kono phạm lỗi với Lineker trong vòng cấm của mình dù thủ môn mang áo số 16 cố gắng thanh minh. Lần này, Lineker tiếp tục đánh bại N’Kono, ấn định chiến thắng 3-2, đồng thời tiễn tuyển Cameroon rời cuộc chơi.

Niềm cảm hứng của Buffon

Cameroon đi vào lịch sử khi là đội tuyển đến từ châu Phi đầu tiên góp mặt ở tứ kết của một kỳ World Cup. Hình ảnh về màn trình diễn có phần hoang dại của họ được truyền đi khắp thế giới, khiến người hâm mộ ngất ngây. Những pha bay nhảy của N’Kono cũng mang đến niềm cảm hứng cho nhiều cậu thiếu niên, trong đó có Buffon. Quá ấn tượng với “Black Zamora”, Gigi quyết tâm trở thành một thủ môn. Năm 1999, anh bay đến Cameroon để chứng kiến giây phút N’Kono tuyên bố giã từ sự nghiệp bảo vệ khung gỗ. Năm 2007, gia đình anh và Alena Seredova quyết định đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình là Thomas.

N’Kono kể lại: “Gigi là một người bạn, chúng tôi vẫn thường nói chuyện với nhau. Thật vinh dự khi biết rằng cậu ấy lấy tên của tôi để đặt cho con trai. Cậu ấy còn có mặt trong buổi chia tay sự nghiệp cầu thủ của tôi ở Cameroon vào năm 1999. Bạn hãy tưởng tượng được sự ngạc nhiên của người hâm mộ bóng đá Cameroon khi nhìn thấy một chàng trai 20 tuổi người da trắng đang bắt đầu tạo tiếng vang vào thời điểm đó”.

Buffon cũng tiết lộ: “Tôi chọn cái tên Thomas cho con của mình vì nhiều lý do. Đó là một cái tên đậm chất CH Czech, quê hương của Alena. Ngoài ra, đó còn là tên của N’Kono, thủ môn người Cameroon và là thần tượng của tôi. Màn trình diễn của ông ấy ở ngày hội bóng đá thế giới tại Italia khiến tôi yêu vị trí thủ môn. N’Kono đã gọi cho tôi để chúc mừng sau khi biết rằng con tôi được đặt theo tên của ông ấy”.

N'Kono
N’Kono tái ngộ Buffon trên sân tập của Parma. Ảnh: FBNV.

Kết thúc World Cup 1990, N’Kono cùng Espanyol bắt đầu hành trình tại La Liga sau một mùa giải vắng bóng. Nhưng ở tuổi 35, khả năng phản xạ của ông cũng bị hạn chế. Mùa hè năm 1991, “Black Zamora” rời xứ Catalonia, xuống thi đấu ở các giải hạng thấp của bóng đá Tây Ban Nha cùng Sabadell và Hospitalet. Năm 1994, N’Kono có một quyết định kỳ lạ khi đồng ý gia nhập Club Bolivar, đội bóng ở tận Bolivia. Thậm chí ông còn chơi bóng tại đây đến 3 mùa giải. Ở kỳ World Cup trên đất Mỹ, N’Kono cũng góp mặt nhưng chỉ là thủ môn số ba và không được ra sân.

Ở tuổi 41, N’Kono tuyên bố giải nghệ và trở thành HLV thủ môn tại Espanyol. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò trợ lý HLV ở tuyển Cameroon. Trong thời gian này, ông từng khiến người hâm mộ bàn tán xôn xao bởi một hành động ở CAN 2002 (tên cũ của Giải vô địch các quốc gia châu Phi trước khi được đổi lại thành AFCON). Ở trận bán kết với chủ nhà Mali, N’Kono bị cáo buộc dùng tà thuật để đưa “Những chú sư tử bất khuất” vào chung kết. Cảnh sát ngay lập tức lao đến, còng tay cựu thủ môn Espanyol.

Tâm lý của các cầu thủ Cameroon có phần hoảng sợ. Song họ vẫn áp đảo tuyển Mali, giành quyền góp mặt ở trận đấu cuối cùng. Sau đó, họ tiếp tục đánh bại đối thủ Senegal trong loạt penalty cân não và đăng quang ở đấu trường châu lục. N’Kono từng chia sẻ về sự kiện này: “Mọi người nghĩ rằng nhờ các nghi lễ tà thuật, tôi sẽ trừng phạt tuyển Mali từ trước khi trận đấu diễn ra. HLV của chúng tôi, Winfried Schafer, không tỏ ra mất bình tĩnh. Trên thực tế, ma thuật có thể được tạo ra từ chính tài năng của ông ấy. Lời đáp trả tốt nhất chính là chiến thắng 3-0 trên sân cỏ và sau đó là chức vô địch CAN 2002 của tuyển Cameroon”.

N'Kono
N’Kono bị cảnh sát vây bắt ở CAN 2002. Ảnh: Getty Images.

Với tầm ảnh hưởng to lớn của mình với bóng đá châu Phi, N’Kono được Liên đoàn Thống kê và Lịch sử Bóng đá Thế giới (IFFHS) vinh danh là thủ môn xuất sắc thứ hai tại “lục địa đen” trong thế kỷ XX, xếp sau Bell. Kết quả này dựa trên việc Bell được khoác áo Marseille, đội bóng ở đẳng cấp cao hơn Espanyol trong những năm tháng ấy. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn cảm thấy bất công cho N’Kono. Hãy hỏi Buffon rằng ai là thủ môn số một của bóng đá châu Phi, chắc chắn Gigi sẽ gọi tên thần tượng của mình.

(Lược dịch từ bài “Thomas N’Kono, lo ‘Zamora nero’ idolo di Buffon” trên tờ Goal).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane