Scudetto 1969/70: Chiến công lẫy lừng của “Thần sấm” Riva và Cagliari

Cagliari

Ngày nay, khi ghé thăm thành phố Cagliari, bạn sẽ được nghe kể về bản anh hùng ca của Luigi Riva và các đồng đội. Quá khứ tươi đẹp vẫn còn vẹn nguyên, đáng để hoài niệm.

Italia là một siêu cường trong thế giới bóng đá từ những năm đầu thế kỷ XX. Ở cấp độ CLB, nền bóng đá đất nước này chịu sự thống trị của những “gã khổng lồ” đến từ Milan và Turin. Juventus, Inter Milan và AC Milan cùng nhau giành tổng cộng 73 Scudetto. Điều đó không làm Serie A mất đi tính cạnh tranh, mà ngược lại, truyền cảm hứng cho các đội bóng nhỏ cố gắng vươn tới đỉnh cao. Cagliari là một trong những đội bóng như vậy. Sau thời gian dài chìm trong bóng tối, họ cuối cùng cũng được tận hưởng niềm hạnh phúc dưới ánh nắng mặt trời. Danh hiệu Scudetto của Cagliari ở mùa giải 1969/70 mang vẻ đẹp của sự kiên nhẫn, nỗ lực không ngừng nghỉ, niềm đam mê và lòng trung thành.

Những ngày gian khó

Cagliari Calcio, trước đây mang tên US Cagliari, được thành lập vào năm 1920. Antonio Zedda và Gaetano Fichera là Chủ tịch và HLV đầu tiên của đội bóng xứ đảo Sardinia. Kể từ khi ra đời, Cagliari thường ngụp lặn ở những giải đấu hạng thấp. Họ từng được tham dự Campionato Meridionale (giải đấu tiền thân của Serie A) vào năm 1928. Nhưng kể từ thời điểm đó, đội chủ sân Amsicora tiếp tục trải qua quãng thời gian thăng trầm kéo dài hơn 2 thập kỷ. Cagliari thường xuyên thăng hạng rồi xuống hạng. Nội bộ đội bóng cũng không có sự ổn định, các cầu thủ và HLV đến rồi đi. Thượng tầng CLB cũng rất lộn xộn, các thành viên trong ban lãnh đạo không cùng nhìn về một hướng.

Hơn nữa, trong nửa đầu thế kỷ XX, không đội bóng nào ở vùng tự trị thuộc Italia có thể sánh ngang với Juventus, Napoli, AC Milan hay Fiorentina hùng mạnh. Do đó, Cagliari thường bị gắn mác là “kẻ nhược tiểu”. Phải đến năm 1952, họ mới được tận hưởng những ngày tươi sáng đầu tiên. Chức vô địch Serie C giúp Cagliari giành vé lên chơi ở Serie B và tồn tại ở giải đấu này trong gần một thập kỷ. Năm 1960, sau chuỗi thành tích nghèo nàn, họ rơi vào nhóm xuống hạng, không thể gượng dậy cho đến khi kết thúc mùa giải.

Cagliari
Đội hình Cagliari-1969/70. Hàng đứng: Nene, Enrico Albertosi, Angelo Domenghini, Niccolai, Tomasini, Luigi Riva. Hàng ngồi: Ricciotti Greatti, Mario Martiradonna, Sergio Gori, Pierluigi Cera, Cesare Poli.

Sự khởi đầu của một kỷ nguyên

Kỷ nguyên vàng của Cagliari bắt đầu vào năm 1960. Enrico Roca trở thành tân Chủ tịch CLB, tiếp tục đặt niềm tin vào HLV Arturo Silvestri. Dưới sự dẫn dắt của vị thuyền trưởng người Venezia, đội bóng xứ đảo đi liền một mạch từ Serie C lên Serie A. Năm 1964, họ có lần đầu tiên được hít thở bầu không khí ở giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Italia.

Đội hình của Cagliari khi ấy có những cái tên đáng chú ý như Mario Martiradonna, Pierluigi Cera, Nené và Ricciotti Greatti. Họ khởi đầu mùa giải thật tồi tệ, kết thúc giai đoạn lượt đi với vỏn vẹn 9 điểm và đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, sang giai đoạn lượt về, họ thăng tiến thần tốc, giành thêm 23 điểm để kết thúc mùa giải ở vị trí thứ bảy (lúc đó Serie A còn tính 2 điểm cho mỗi trận thắng).

Thương vụ chiêu mộ Luigi Riva vào năm 1963 mang đến bước ngoặt cho Cagliari, làm thay đổi vận mệnh của CLB trong suốt một thập kỷ. “I Sardi” trở thành một trong những đội bóng đáng chú ý nhất vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Họ được đứng chung sân khấu với các tên tuổi khác như AC Milan, Juventus, Inter Milan, AS Roma, Fiorentina, Napoli và Lazio.

Riva đến từ Legguino, được nhiều người biết đến từ rất sớm. Trong màu áo đội bóng địa phương Legnano, anh ghi 6 bàn sau 23 lần ra sân. Năm 1962, Riva có lần đầu tiên được ra sân thi đấu chuyên nghiệp khi mới 18 tuổi. Một năm sau, Cagliari phải bỏ ra 37 triệu lire để đưa anh về xứ đảo. Riva khoác áo “I Sardi” trong phần còn lại của sự nghiệp và trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của đội bóng này.

Luigi Riva
Luigi Riva trong lần chạm trán AC Milan của Gianni Rivera. Ảnh: Getty Images.

Đến năm 1966, HLV Silvestri chia tay Cagliari để chuyển đến dẫn dắt đội bóng cũ AC Milan. Manlio Scopigno được lựa chọn để thay thế. Trong mắt các cầu thủ, Scopigno giống như một “Triết gia”. Tiền đạo Angelo Domenghini nhận xét nhà cầm quân người Paularo “rất giỏi trong việc bố trí đội hình, động viên các cầu thủ và bắt họ phải chịu trách nhiệm”.

Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Scopigno không ở lại lâu với Cagliari. Sau khi kết thúc chuyến du đấu ở Mỹ vào năm 1967, ông tranh cãi gay gắt với ban lãnh đạo rồi nộp đơn từ chức. Ettore Puricelli là cái tên tiếp theo ngồi vào ghế nóng tại sân Amsicora, song cũng nhanh chóng rời đi. Đầu mùa giải 1968/69, Scopigno quay trở lại làm việc ở đảo Sardinia. Lần này, ông không lãng phí thời gian để đánh giá đội hình và bắt đầu biến Cagliari trở thành tập thể mạnh mẽ ở Serie A và cả châu Âu.

Trong khi đó, Riva khiến cả châu Âu không thể ngồi yên sau màn trình diễn xuất sắc ở Serie A. Hàng loạt đội bóng lớn sẵn sàng trả cho Cagliari số tiền lớn để có được chàng trai này. Tuy nhiên, không có thương vụ nào xảy ra bởi ý chí của Riva chỉ hướng về Cagliari. Chủ tịch Giampiero Boniperti của Juventus thường tìm gặp chàng trai người Leggiuno bằng mọi giá mỗi khi anh cùng “I Sardi” đến thi đấu ở miền bắc Italia. Ông khao khát có được Riva đến mức chấp nhận dùng 6 cầu thủ Juventus để thuyết phục phía đối tác gật đầu đồng ý.

Đến năm 1973, Juventus tiếp tục gửi lời đề nghị trị giá 1,5 triệu euro đến Sardinia nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Cagliari chấp nhận mức giá ấy nhưng Riva thì không. Anh muốn tiếp tục gắn bó với đội bóng, những người hâm mộ và thành phố nơi mình đang sống dù có thể nhận mức lương cao gấp 4 lần nếu chuyển đến Turin. Tờ Goalden Times nhận định trong 40 năm qua ở Italia, mức độ đóng góp của Riva cho Cagliari có thể sánh ngang với những gì Diego Maradona làm được ở Napoli. Chỉ riêng lời đánh giá ấy đã cho thấy tầm vóc vĩ đại của tiền đạo này. Bản thân Riva chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có nhiều kỷ niệm cùng Cagliari và không thể tin mình là cầu thủ được yêu thích nhất mọi thời đại của đội bóng.

HLV Scopigno bắt đầu xây dựng lối chơi của Cagliari xoay quanh Riva, người được ông gọi là “Thần sấm”. Francesco Rizzo được bán cho Fiorentina theo thỏa thuận nhằm giúp CLB ký hợp đồng với tiền vệ công Mario Brugnera và thủ môn lập dị Enrico Albertosi. “I Sardi” gặp rất nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ tân binh,. Chính Albertosi thừa nhận: “Khi nghe nói về sự quan tâm của Cagliari lần đầu tiên, tôi không muốn ra đi. Ở Firenze, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng Sardinia là mảnh đất chỉ dành cho các tù binh”.

Manlio Scopigno
Manlio Scopigno, kiến trúc sư trưởng trong thành công của Cagliari.

Mọi nỗ lực được đền đáp xứng đáng

Việc Italia vô địch EURO 1968 góp phần mang đến làn gió mới cho đấu trường Serie A. Cagliari thu hút sự chú ý của người hâm mộ khi có thành tích vượt xa sự mong đợi. Họ tiến rất gần đến danh hiệu Scudetto ở mùa giải 1968/69, nhưng lại hụt hơi và kém nhà vô địch Fiorentina 4 điểm. Cuối mùa giải ấy, Enrico Rocca từ chức Chủ tịch, trao lại quyền điều hành CLB cho Efisio Corrias.

Corrias khuyến khích HLV Scopigno tiếp tục dự án của mình. Ông thể hiện sự ủng hộ dành cho vị thuyền trưởng bằng việc dùng Roberto Boninsegna để đổi lấy Sergio Gori và Angelo Domenghini của Inter Milan. Trước đó, bộ đôi này thi đấu khá thành công trong màu áo Nerazzurri. Gori được HLV Scopigno sử dụng ở vị trí hộ công, chơi ngay phía sau Riva, làm nhiệm vụ khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương, tạo khoảng trống cho “Thần sấm” ghi bàn. Và cựu sao Inter Milan không làm các tifosi ở đảo Sardinia thất vọng.

Sau mùa giải 1968/69 thành công ngoài dự kiến, các tifosi yêu mến Cagliari bắt đầu đặt kỳ vọng lớn vào đội bóng của mình. Thầy trò HLV Scopigno cũng muốn tiếp tục duy trì đà phát triển. Tuy nhiên, sự thăng hoa cũng khiến họ vướng vào những cáo buộc không bằng chứng. Một thành viên ban lãnh đạo Juventus tuyên bố rằng Cagliari mạnh mẽ nhờ những đồng tiền từ mafia đổ xuống phía nam. Điều đó khiến “I Sardi” rất tức giận. Trong một buổi họp báo, Scopigno thẳng thắn đáp trả: “Juventus cũng như các đội bóng thành Milan luôn dồi dào tài chính, có đầy đủ mối quan hệ để đảm bảo mọi thứ diễn ra theo ý muốn của họ từ quá lâu rồi. Nếu Cagliari vô địch Serie A, đó sẽ là danh hiệu Scudetto trung thực đầu tiên sau nhiều năm”.

Cagliari
Cagliari trong trận đấu với Juventus ở mùa giải 1969/70.

Mùa giải mới khai màn vào ngày 14/9/1969. Fiorentina có sự khởi đầu tốt khi giành chiến thắng 4 trận liên tiếp. Cagliari cũng duy trì thế bám đuổi khi giành được 7 điểm. Đến ngày 12/10/1969, hai đội chạm trán với nhau ở sân Comunale thuộc Firenze. Bàn thắng duy nhất đến ở phút 21 sau cú sút phạt đền của Riva giúp các vị khách xứ đảo có thêm 2 điểm và leo lên ngôi đầu bảng.

Niềm hy vọng của người hâm mộ Cagliari lớn dần sau thắng lợi ở Firenze. Nhưng đúng vào thời điểm ấy, chuỗi ngày khó khăn bắt đầu. Trong 6 trận tiếp theo, họ chỉ giành thêm 3 chiến thắng và đánh rơi điểm số trước Inter Milan, Juventus, Hellas Verona. Hàng phòng ngự thi đấu tập trung, nhưng hàng công chưa cho thấy sức mạnh đáng gờm. Cuối cùng, đến ngày 14/12/1969, Cagliari phải nhận thất bại đầu tiên trong trận gặp Palermo. Song đó chưa phải thảm họa lớn nhất. Vài ngày sau, HLV Scopigno nhận án cấm hoạt động bóng đá 5 tháng sau khi có hành vi hành hung tổ trọng tài ở Sicilia.

Đặt mua áo đấu mùa 2021/22 của Cagliari tại đây

Cuộc cạnh tranh Scudetto nóng dần lên. Juventus khởi đầu chật vật. Nhưng sau trận hòa Cagliari 1-1 tại Amsicora, họ bắt đầu nhấn bàn đạp, giành 6 chiến thắng liên tiếp để trở lại đường đua. Tại Sardinia, trợ lý Ugo Conti thay thế Scogpino nắm quyền chỉ đạo, cố gắng duy trì bầu không khí tích cực trong phòng thay đồ và thu về kết quả tốt trên sân cỏ. Mặc dù vậy, sau khi trắng tay ở Palermo, Cagliari chỉ giành thêm 4 điểm trong 3 trận còn lại của lượt đi. Kết quả này giúp họ tiếp tục dẫn đầu bảng, song khoảng cách với nhóm bám đuổi gồm Juventus, AC Milan, Inter Milan và Fiorentina ngày càng được thu ngắn.

Kịch bản ở giai đoạn lượt về của Cagliari tương tự như lượt đi. Họ giành được 9 điểm trong 5 trận đầu tiên. Đến vòng 21, “I Sardi” để thua 0-1 trước Inter Milan tại San Siro. Đây là lần thứ hai Riva và các đồng đội phải nhận thất bại trong mùa giải. Song có một điều quan trọng hơn: đó cũng là lần cuối cùng họ không giành được điểm nào trong một trận đấu.

Cagliari tiếp tục hành trình bằng thắng lợi trước Napoli và trận hòa với AS Roma. Ở cuộc chạm trán tiếp theo, họ phải gặp một đối thủ đang trong cuộc đua Scudetto: Juventus. Comunardo Niccolai phản lưới nhà, giúp “Lão phu nhân” mở tỷ số tại Turin. Trước khi hiệp một khép lại, Riva gỡ hòa cho các vị khách. Sang hiệp hai, Pietro Anastasi tiếp tục đưa Juventus vượt lên sau quả phạt đền gây tranh cãi. Tuy nhiên, vào những phút cuối trận, Cagliari có được bàn gỡ hòa nhờ cú sút của Riva cũng từ chấm penalty.

Cagliari
Phía sau Luigi Riva là sự ủng hộ của hàng vạn người hâm mộ xứ đảo. Ảnh: Getty Images.

Trở về Sardinia, thầy trò Ugo Conti bước vào chuỗi trận tương đối dễ dàng. Họ đánh bại Hellas Verona, cầm hòa Bologna rồi tiếp tục giành trọn vẹn 2 điểm trước Palermo. Chức vô địch ngày càng ở gần Cagliari. Người hâm mộ hồi hộp chờ đợi và thường xuyên đến nhà thờ để cầu nguyện cho đội bóng của mình. Trước khi mỗi trận đấu diễn ra, họ tập trung trước sân vận động từ sáng sớm để tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt.

Điều gì phải đến cũng đã đến. Ngày 12/4/1970, Riva và các đồng đội tiếp đón Bari trên sân Amsicora. Nếu có được chiến thắng ở trận này và Juventus để thua Lazio, “I Sardi” sẽ đăng quang. Mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi. Phút 39, Riva đánh đầu mở tỷ số cho Cagliari sau pha đá phạt trực tiếp của Brugnera. Khi thời gian của hiệp hai đang diễn ra, tin tức tuyệt vời được truyền về xứ đảo: Juventus nhận thất bại 0-2 tại thủ đô. Điều đó giúp các cầu thủ Cagliari thi đấu thoải mái hơn. Phút 88, Gori sút tung lưới Bari, ấn định thắng lợi cho đội chủ nhà.

Cagliari chính thức giành Scudetto! Sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, hàng vạn người hâm mộ trên khán đài Amsicora tràn xuống sân, ăn mừng cùng các thần tượng của mình. Một cột mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá Italia, sự thống trị của các đại diện phương bắc đã chấm dứt. Trước Cagliari, không đội bóng miền nam Italia nào vô địch Serie A.

Đội bóng xứ đảo cũng tạo nên sự thống trị của riêng mình. Sau khi đánh bại Fiorentina ở vòng 5, họ leo lên ngôi đầu bảng và giữ vững cho đến khi mùa giải kết thúc. Dù rất nỗ lực, các đối thủ không thể ngăn Cagliari sớm về đích. Trong 2 trận còn lại, họ cầm hòa AC Milan 0-0 rồi vùi dập Torino đến 4-0, qua đó giành tổng cộng 45 điểm, giữ khoảng cách 4 điểm so với Inter Milan và 7 điểm so với Juventus.

Cagliari
Người hâm mộ Cagliari tràn xuống sân trong ngày 12/4/1970 lịch sử.

Riva ghi 20 bàn thắng, trở thành Vua phá lưới Serie A lần thứ hai liên tiếp. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu khẳng định một mình chàng trai người Leggiuno kéo Cagliari lên đỉnh vinh quang. Chiến công này mang đậm dấu ấn của cả tập thể, cộng thêm một chút may mắn. Họ sở hữu hàng phòng ngự chắc chắn, chỉ để thủng lưới 11 bàn trong cả mùa giải. Albertosi, Martiradonna và Zignoli tạo nên bức tường không thể vượt qua. Pierluigi Cera đảm nhiệm vai trò tiền vệ trụ, sẵn sàng lùi sâu khi cần thiết. Nene, Domenghini nhanh nhẹn và khéo léo, giúp Cagliari thống trị hai cánh. Ricciotti Greatti gây khó khăn cho hàng thủ đối phương bằng những đường chuyền sắc lẹm. Giuseppe Tomasini và Mario Brugnera tạo thành bộ đôi tiền vệ công, chơi ngay phía sau và hỗ trợ cho Riva.

Tầm ảnh hưởng của Riva

Việc Riva xuất hiện và tỏa sáng tại sân Amsicora phần nào làm gắn kết người dân trong cả thành phố. Bóng đá trở nên phổ biến hơn, mọi người ở đây theo dõi các trận đấu nhiều hơn. Doanh số bán tivi và radio tăng lên đáng kể. Từ những người chăn cừu nghèo khó cho đến những doanh nhân giàu có, tất cả đều trở thành hậu phương của Cagliari.

Riva là huyền thoại sống của Cagliari, ghi 164 bàn sau 315 trận. Trong mùa giải đầu tiên ở Sardinia, anh ghi 8 bàn sau 26 lần ra sân, đóng vai trò quan trọng đưa đội bóng của mình lên hạng. Tại Serie A, số bàn thắng của Riva không ngừng tăng lên. Lòng trung thành của anh với Cagliari trở thành nền tảng để ban lãnh đạo xây dựng tập thể hướng đến danh hiệu. Riva ghi lần lượt 28 và 27 bàn tính trên mọi đấu trường trong mùa giải 1968/69 và 1969/1970. Anh là biểu tượng của thành phố Cagliari và sẽ luôn như vậy. Trong màu áo tuyển Italia, anh ghi 35 bàn thắng sau 42 lần ra sân dù sự nghiệp thường xuyên bị chấn thương tàn phá. Cho đến nay, chưa cầu thủ nào vượt qua được thành tích ấy.

“Chúng tôi đã mang đến cho người dân Sardinia một điều gì đó mà họ có thể tự hào”, Riva tuyên bố mạnh mẽ sau khi Cagliari giành Scudetto. Tiếc thay, chuỗi ngày thăng hoa của “I Sardi” nhanh chóng kết thúc. Thành công của Cagliari dưới triều đại HLV Scopigno khá ngắn ngủi. Bất chấp việc Riva ghi bàn đều đặn, đội bóng xứ đảo sa sút nghiêm trọng trong mùa giải tiếp theo. Đến mùa giải 1975/76, họ đứng thứ 16 và nhận tấm vé xuống hạng. Kể từ thời điểm đó, Cagliari tiếp tục trải qua giai đoạn thăng trầm. Thành tích tốt nhất của họ là vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Serie A và tiến vào bán kết UEFA Cup ở mùa giải 1992/93, dưới thời HLV Carlo Mazzone. Than ôi, kết quả ấy đến nay vẫn chưa được lặp lại.

Luigi Riva
Huyền thoại sống Riva của Cagliari. Ảnh: Getty Images.

Cagliari ngày nay

Cagliari bắt đầu thiên niên kỷ mới ở Serie B, sau khi bị xuống hạng vào mùa giải 1999/2000. Họ trở lại Serie A vào năm 2004 và cố gắng trụ vững. Trong 20 năm qua, họ chỉ có thêm một lần rớt hạng, ở mùa giải 2014/15. Nhưng chỉ sau một mùa giải vắng bóng, Cagliari tiếp tục được hít thở bầu không khí ở giải đấu hấp dẫn nhất của bóng đá Italia. Những ngày vinh quang đã ở lại phía sau từ rất lâu. Cagliari bây giờ không đủ tài chính để cạnh tranh với Juventus, AS Roma, AC Milan, Inter Milan hay Napoli. Thành tích tốt nhất của họ trong thế kỷ XXI tính đến hiện tại là đứng thứ chín ở mùa giải 2007/08. Việc tránh xuống hạng là nhiệm vụ thực tế hơn của đội bóng xứ đảo.

Ngày nay, khi ghé thăm thành phố Cagliari, bạn sẽ được nghe kể về bản anh hùng ca của “Thần sấm” Riva và các đồng đội. Trong đội hình của “I Sardi” từng làm nên chiến tích lẫy lừng ở mùa giải 1969/70, có đến 4 cái tên được chơi trận chung kết World Cup trong năm đó giữa Italia và Brazil. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người hâm mộ Cagliari bây giờ không còn mơ mộng vào một câu chuyện cổ tích tương tự nữa.

“Giành Scudetto cùng Cagliari đáng giá hơn mười lần ở những nơi khác”, HLV Scopigno từng nói như vậy khi có dịp nhớ về kỷ niệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình. Cũng phải thôi. Chiến thắng năm 1970 của ông và các học trò khiến cả đất nước Italia như trải qua cơn địa chấn, buộc các tifosi phải có cái nhìn khác về bóng đá ở đảo Sardinia.

Cagliari
Dù Cagliari đang vất vả với cuộc chiến trụ hạng, người hâm mộ vẫn luôn ở bên họ. Ảnh: Getty Images.

Cagliari giành Scudetto 1969/70 nhờ một ban lãnh đạo làm việc hiệu quả, một HLV xuất sắc và một đội hình gồm nhiều cầu thủ đứng trong hàng ngũ những cái tên đẳng cấp nhất giải đấu. Riva từng khiến đối thủ nể sợ với những cú sút uy lực, đạt tốc độ lên tới 120km/h. Nói cách khác, pha dứt điểm của anh có thể làm cho cầu thủ đối phương bị gãy xương nếu tìm cách ngăn cản. Ở Marius, quán bar trong thành phố Cagliari – nơi người hâm mộ vẫn tụ tập trước các trận đấu, một bức tượng Riva được dựng lên với kích thước giống với “Thần sấm” của họ. Quá khứ tươi đẹp vẫn còn vẹn nguyên, đáng để hoài niệm. Còn tương lai, không ai biết sẽ ra sao cho đến khi nó xuất hiện. Forza Cagliari!

(Lược dịch từ bài “The Cagliari Carnival (1970)” trên tờ Goalden Times).

Bài viết này làm bạn cảm thấy thú vị? Nếu có, hãy mời mình một ly cà phê nhé.

Ghé thăm góc review của “Khoảnh khắc Serie A” tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zidane